Kính thưa quý vị
Nguyên Thạch (Danlambao) - Lời thổ lộ cùng những suy nghĩ này được viết lên trong những ngày đau buồn của đất nước vào dịp tháng Tư. Vâng, tháng Tư của uất hận và niềm đau, của tang thương và buồn tủi... Tháng Tư của hung tàn bạo lực đã triệt phá chính nghĩa một cách thô bạo của lớp người lạc hậu đi giải phóng văn minh để rồi đất nước bị qui về một mối, một mối hận thù, một mối đau thương... mà hệ lụy của nó là một xã hội nghèo nàn tụt hậu và bất ổn với nguy cơ hiển hiện lại một lần nữa sa vào vòng vây nô lệ giặc ngoại xâm từ phương Bắc.
Gần 40 năm trôi qua với bao thảm cảnh, bao oan ức, bao sự hà hiếp nhũng nhiễu cùng với bao điều nghịch lý đã và đang tiếp diễn với tốc độ ngày càng thêm khốc liệt mà hầu hết người dân Việt, bất luận là quốc nội hay hải ngoại, thảy cả đều am hiểu một cách khá tường tận. Tuy nhiên, không phải là quá thừa thãi khi ta khơi lại một số ký ức để nhắc nhở nhau về những biến cố đau buồn ấy:
- Cuộc đấu tố về “Cải cách ruộng đất” 1953-1956 long trời lở đất đã giết bao chục vạn sanh linh vô tội mà chỉ nói riêng về mặt đạo lý, ông Hồ là người mà có thể gọi là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, vì chính ông đã dựng chuyện tố khổ bà Cát Hạnh Long, dưới bút hiệu C.B. Viên đạn của “cách mạng” oai hùng đã bắn vào đầu của một người đàn bà, một ân nhân đã cống hiến gần hết sự nghiệp của mình cho những tên đao phủ này.
- Vụ Nhân văn giai phẩm “Xét lại chống đảng” 1967, đã vu oan trù dập bao nhân tố nhân bản của nền văn học nghệ thuật có giá trị nhân văn, khiến bao người phải chịu cảnh đọa đày mà mãi mãi chưa bao giờ được phục hồi nhân phẩm.
- Mậu Thân 1968, những hố chôn tập thể trong đó có cả đàn bà và con nít, những sự trả trả thù tàn bạo dã man... những hình ảnh kinh hoàng ấy khiến người dân Huế cũng như cả nước không bao giờ quên được.
- Tháng Tư 1975 với bao hình ảnh đau thương chia lìa, xác những em bé, những phụ nữ nằm chết loang lổ trên đường chạy giặc kinh hoàng. Hàng triệu người với lá phiếu bằng chân đã không thể chấp nhận cộng sản, phải bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền mong manh định mệnh.
- Cải tạo công thương nghiệp, đã tàn phá hầu như toàn bộ nền móng của công nông thương nghiệp miền Nam, đưa cả nước vào khủng hoảng hầu như toàn diện về mọi mặt.
- Trả thù quân cán chính VNCH bằng cách giam giữ hà khắc, đày đọa với chính sách hung bạo và đê tiện.
- Kỳ thị và phân biệt thành phần xã hội một cách rất xuẩn ngốc, đưa đến hậu quả là bất mãn và trì trệ trên nhiều phương diện của xã hội.
Trên là những biến cố cực kỳ tệ hại, hệ quả của những sách lược của một cơ chế toàn trị. Bây giờ, chúng ta hãy đơn cử những cá nhân với những trường hợp cụ thể như sau:
- Trương Văn Sương, án tù chung thân, đã chết tức tưởi trong trại tù Nam Hà.
- Đinh Đăng Định, nhà bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm bị cộng sản đày đọa và có khả năng bị truyền chất độc đến gần chết mới thả.
- Nguyễn Hữu Cầu, tù nhân xuyên thế kỷ, gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn.
- Trịnh Xuân Tùng, đã bị sát hại dưới tay đồ tể côn an Trung tá Nguyễn Văn Ninh.
- Nguyễn Văn Lý, Trương Quốc Huy, Y Phu Ksor, Việt Khang, Trần Anh Kim, Đỗ Thị Minh Hạnh, Hồ Thị Bích Khương, Mai Thị Dung, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng... và nhiều nhiều hơn nữa mà con số gần đến cả 200 người cho đến ngày hôm nay. Thêm nữa, trước sự hung hãn của con thú trước khi chết, nó càng mạnh bạo, số lượng tù nhân lương tâm sẽ còn tang nhiều, từ đó nhu cầu về hổ trợ càng thêm khẩn bách.
Những tù đang bị giam giữ đang cần thiết đến sự giúp đỡ cùng sự quan tâm một cách khẩn cấp đã đành. Những người đã ra tù cũng không khá gì hơn, họ bị phân biệt và bị cách ly, khó khăn ngay cả trong việc tìm mưu kế sinh nhai thì lấy đâu ra tiền, ra sức để mà tiếp tục hoạt động đấu tranh!
Sơ lược qua những biến cố tàn khốc do một thể chế hoàn toàn phi chính nghĩa đã gây nên, điểm ra những hoàn cảnh mà cá nhân những nhà đấu tranh phải gánh chịu... Hôm nay, người viết bài này thành tâm khẩn gọi quý vị hãy quan tâm, hãy hành động cụ thể và tích cực hơn nữa hầu bù lắp những hy sinh mà các nhà đấu tranh đã và đang chịu đựng, cũng như chúng ta có cơ hội để thể hiện tấm lòng với Quê Hương, với dân tộc mà con đường sắp đến sẽ còn rất nhiều gian nan nguy khốn. Không có sự trợ giúp thì con đường của chúng ta đang đi, sẽ không bao giờ đến. Một cách rõ nét hơn nữa là công cuộc đấu tranh, cho dẫu với bầu nhiệt huyết cao độ đến dường nào đi nữa mà không có phương tiện vật chất thì sớm muộn gì cũng sẽ đi vào bế tắc.
Để đi vào vấn đề chi tiết, mang tính chuyên môn (Professional) khi tiến hành thành lập, cái mà tôi tạm gọi là “Quỹ Đấu Tranh Dân Chủ” thì chúng ta sẽ rất cần những người chuyên ngành cũng như đã từng trải qua kinh nghiệm thành lập những hội thiện nguyện để đáp ứng đúng mọi yêu cầu về thể thức cũng như phương cách điều hành. Phần này, hy vọng sẽ có nhiều nhà chuyên môn lên tiếng.
Một cách cụ thể hơn, lấy tư cách cá nhân, thành khẩn mong mỏi những người có nhiệt tâm, có trình độ và uy tín, hưởng ứng lời đề nghị này bằng cách gởi đến công luận những đề án cũng như phương thức để thành lập quỹ. Bên cạnh, phần không kém quan trọng là những bậc nhà đấu tranh hãy gởi đề cương, cũng như tôn chỉ của tổ chức để mọi người có thể nghiên cứu, bàn bạc và có những điểm bổ sung cần thiết hầu dẫn đến sự hoàn hảo đến mức cao nhất có thể.
Vấn đề nhân sự, theo tôi thì không phải là vấn đề khó khăn, chúng ta sẽ hội tụ được những nhân tố khả tín để dẫn dắt con tàu. Sẽ có những đề cử những nhân vật tin cậy từ công chúng. Hoặc những nhân vật vừa có tâm, vừa có tầm xuất hiện đúng lúc.
Nhìn qua hiện tình của đất nước hôm nay dưới một thể chế đã hoàn toàn đánh mất lòng tin của đại đa số dân tộc, tham nhũng tràn lan đến bất trị, hà khắc nhũng nhiễu dầy dẫy, nợ công chồng chất, kinh tế thâm thủng đến mức báo động đỏ, dân oan khắp mọi nẻo đường, xã hội bất an, cướp giựt hoành hành, người dân luôn nơm nớp lo sợ cho một tương lai không có gì để gọi là hứa hẹn... Những chỉ dấu âm này, thiết tưởng là những động lực hợp tình hợp lý để chúng ta thành lập một chương trình như đã nêu trên.
Tuy không chủ quan, nhưng có rất ít người phủ nhận rằng trên 4.500.000 (Bốn triệu rưởi) người Việt là một tập thể có khả năng về tài chánh, cũng như số lượng về chất xám rất nhiều. Hãy lấy một con số thấp nhất, khiêm nhường nhất và lượng phần trăm khả dĩ nhất là bình quân 1/5 của số bốn triệu rưởi trên, tức gần 1 triệu người, đồng thời hãy xin con số cực kỳ dè xỉn nhất là 2 đô của mỗi người dành dụm trong một tháng thì quỹ cũng có được là khoảng 25 triệu đô cho mỗi năm. Tôi chỉ dám nêu lên con số “bèo” nhất thôi quí vị ạ. Đó là chưa tính đến những nguồn tài trợ của các nhà doanh nghiệp người Việt nội ngoại lẫn người nước khác ủng hộ con số tương xứng với tầm cỡ doanh nghiệp mà bản thân chưa dám nghĩ đến. Trên thực tế, người Việt ở hải ngoại mỗi năm gởi về VN bình quân trên 10.000.000.000.00 (Mười tỉ USD) thì tại sao con số khiêm nhường 25 triệu lại không thể có?.
Trước khi đi vào phần kết luận, người viết cũng không quên lưu tâm vì ái ngại, cũng như rất mong ước rằng Dân Làm Báo và những người chủ quản có đồng thuận về chương trình này hay không và có thể ưu ái cho chúng ta mượn phần đất của DLB để ươm những hạt mầm Dân Chủ nẩy nở và phát triển tốt đẹp hay không? Hay danh chính hơn là anh Vũ Đông Hà là người đại diện cho trang ngôn luận này, tôi tin rằng anh có thể vì “đại cuộc” mà chấp nhận, bởi lẽ chúng ta không những vạch ra những trì trệ, những nhũng nhiễu, những tội ác cho công chúng được rõ mà chúng ta còn tiếp sức cho những “đoàn quân” đứng lên tiêu diệt tội ác...hầu giành lại sự Độc lập, nền Dân chủ và hưng thịnh cho Quê Hương. Nếu được, thì đó là những gì quý giá và cao cả vô cùng, bởi chúng ta sẽ có được một nơi để mà thực hiện ý nguyện trong phong cách công khai và minh bạch. Mọi diễn tiến sẽ được tiếp nối, những nhà hảo tâm, những vị nhiệt tâm sẽ từ đó mà ủng hộ, cũng như chính thức lên tiếng tham gia. Xin quý vị nhận nơi đây lòng tri ân trước.
Một cách hài hòa, trước khi kết thúc bài viết, tác giả xin được phép thực tế để hỏi bạn rằng: Trong một tháng, bạn có thể hy sinh, bớt uống 1 ly cà phê (2 đô) không? Tôi đoan chắc rằng đa số sẽ trả lời là có thể. Trong trường hợp, một số ít bạn trả lời là không thể hy sinh 2 đô trong một tháng thì tôi xin nhắc nhở bạn rằng hãy chịu đựng vài phút thèm khát một ly cà phê để bù lại cho vô vàn người khác đang thiết tha và thèm khát về những thứ cao cả hơn, thanh tao hơn, những thứ ấy là Dân Chủ và Tự Do, Nhân Quyền và hưng thịnh. Sự hy sinh ấy, thiết tưởng rất xứng đáng.
Trân trọng
Đã đăng:
- Thư ngỏ gửi Mạng Lưới Blogger Việt Nam (phần 2)
- Quỹ đấu tranh Dân Chủ - Bao giờ?