Tại sao khoa học tổ chức lại cần thiết?
Thiết lập mô hình tổ chức theo khoa học tổ chức mặc dù không phải là một bước chiến lược, nhưng đây là nền tảng để phát triển tổ chức trên qui mô lớn. Ngoài các thuận tiện trong quản lí bộ máy, điều hành hoạt động..., mục đích cao nhất của mô hình chuyên nghiệp là tạo cơ sở để xây dựng uy tín tổ chức trong cộng đồng để chuẩn bị cơ sở cho bước huy động tài chính. Các công việc của thiết lập mô hình tổ chức bao gồm:
- Tìm kiếm mô hình thích hợp dựa trên phân tích chiến lược, với cơ sở là mục đích hoạt động, qui mô, tính chất của tổ chức.
- Xây dựng hệ thống chức danh, các bộ phận chức năng.
- Thiết lập các qui chế, qui ước, chế tài kỉ luật, khen thưởng.
- Đưa ra các cam kết chính danh đối với cộng đồng và cách thức cụ thể để thực hiện các cam kết đó.
- Tạo lập các biểu tượng đại diện cho tổ chức như logo, lá cờ...
Một trong những điểm đáng chú ý của phong trào dân chủ Việt Nam và Trung Quốc là ít chú ý tới việc xây dựng mô hình tổ chức chuyên nghiệp. Điểm mạnh của mô hình theo khoa học tổ chức chính là các hoạt động điều hành, các chuẩn ứng xử, phương pháp truyền tin bảo mật, quyền lợi, trách nhiệm thành viên..., phải theo các qui ước đã được thiết lập. Do đó, việc thực hiện cam kết chính danh của tổ chức trở nên khách quan, đáng tin cậy hơn và dễ thực thi hơn trong thực tế. Thiếu đi điều này, các tổ chức không còn cách nào khác là phải xây dựng uy tín trong cộng đồng dựa vào uy tín cá nhân (ngay cả những tổ chức đã có thời gian hoạt động khá dài như Việt Tân cũng mắc sai sót nghiêm trọng này). Trong lịch sử, trừ các cuộc cách mạng chống xâm lược, không một tổ chức cách mạng nào phát triển thành công chỉ bằng cách dựa vào uy tín cá nhân. Chính vì vậy, mặc dù vẫn thừa nhận tầm quan trọng của nó, quan điểm cách mạng hiện đại vẫn đặt mô hình hoạt động lên trên uy tín cá nhân khi đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực phát triển của một tổ chức. Trong lịch sử nước ta, chưa từng có tổ chức nào có thể vượt qua đảng Cộng Sản về ứng dụng khoa học tổ chức. Nếu đã từng đọc các bài viết lí luận phân tích của họ về mảng này, các bạn có thể nhận ra họ xây dựng bộ máy cũng bao gồm các thành phần như tuyên truyền viên, kẻ kích động... cũng có đề cập đến cơ hội chủ nghĩa và các vấn đề khác vốn được nghiên cứu từ chế độ phát xít Đức (Nhân đây, các bạn lưu ý, Hitle cũng là một “nhà cách mạng”, và đảng Quốc Xã lên nắm quyền cũng bằng một cuộc cách mạng). Chính vì hiểu “sự nguy hiểm” của nó mà các chế độ độc tài lúc nào cũng sợ hãi, “cảnh giác” cao độ và luôn muốn kiểm soát các hoạt động có tổ chức. Đồng thời tỏ ra “coi thường” các hành động bộc phát, cảm tính.
Đặc trưng của tổ chức cách mạng hiện đại:
Một tổ chức hiện đại về mặt cấu trúc mô hình cơ bản vẫn giống với các cấu trúc truyền thống, nhưng phương thức vận hành bộ máy, chức năng của các bộ phận... đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là các tổ chức hoạt động đòi hỏi cần có tính bảo mật hệ thống cao. Nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin, một tổ chức hoạt động hiện đại thậm chí có thể vận hành và tạo lập uy tín khi hầu hết các thành viên ở các bộ phận không bao giờ biết mặt nhau. Mỗi thành viên cần giữ bí mật danh tính chỉ giao tiếp gián tiếp thông qua một mã số và bí danh do tổ chức cung cấp. Việc các thành viên tổ chức gặp gỡ trực tiếp, thảo luận hoặc tiến hành các hoạt động “gây chú ý” khác thực chất chỉ là các hoạt động chiến thuật của bộ phận hoạt động công khai, để thực hiện chiến lược tạo uy tín tổ chức. Mọi hoạt động điều hành thực sự của tổ chức đều do các thành viên bí mật đảm trách và diễn ra hoàn toàn trong bóng tối. Các nhiệm vụ huấn luyện bằng giao tiếp trực tiếp cũng trở nên ít quan trọng. Tổ chức hoàn toàn có thể thực hiện điều này trên bất kì một dịch vụ truyền tin trực tuyến nào. Các thành viên cũng có thể tiến hành các hoạt động thậm chí điều hành các chiến dịch lớn chỉ chủ yếu dựa trên mạng xã hội. Khi cần thiết phải “xuất hiện”, phần lớn thành viên của tổ chức thậm chí sẽ không nhận ra những người đang đứng bên cạnh cũng thuộc tổ chức mình, vẫn hằng ngày bàn bạc, thảo luận. Kể cả trong “chiến dịch quyết định”, nhiệm vụ của các thành viên “thông thường” nhiều khi đơn giản chỉ là có mặt ở vị trí cần thiết, vào lúc cần thiết theo như cam kết của họ với tổ chức và không cần phải có bất kì hành động nào thêm nữa nếu họ không muốn. Khi các thành viên của nhiều tổ chức khác nhau cùng xuất hiện bất ngờ tại một địa điểm và thời gian đã định, bạn sẽ có đám đông. Khi có đám đông, các thành viên sẽ tự hành động theo cách của họ mà không cần có thêm bất cứ cam kết nào. Nhiệm vụ của đám đông này là tạo “tâm lý bầy đàn” để thu hút sự tham gia trên qui mô lớn của cộng đồng và dẫn tới bùng nổ cách mạng. Sự bùng nổ trên qui mô lớn khiến cho lực lượng đàn áp không dám hành động hoặc hành động không hiệu quả chính là “kịch bản điển hình” của cách mạng ôn hòa. Bạn không thể có được điều này nếu không có sự tham gia ban đầu của các tổ chức.
Điều khó khăn lớn nhất của các tổ chức cách mạng vận hành theo phương thức hiện đại là tìm cách để phối hợp giữa một bên là những thành viên lớn tuổi, có kinh nghiệm, nhận thức chín chắn, tỉnh táo, phù hợp với đấu tranh đối đầu (do tâm lý nể trọng người lớn tuổi). Bên còn lại gồm những thành viên trẻ tuổi, năng động, thích ứng nhanh, sáng tạo, có tham vọng... nhưng dễ mắc các sai sót “chiến thuật”. Mặt khác, các thành viên lớn tuổi cũng thường gặp trở ngại trước phương thức truyền tin hiện đại. Những khó khăn kiểu như vậy có thể được khắc phục khi tổ chức cơ sở hoạt động theo mô hình nhóm và thường xuyên được huấn luyện một cách phù hợp.
Các bộ phận chức năng của tổ chức cách mạng hiện đại:
Mặc dù vẫn bao gồm các bộ phận gần giống với các tổ chức kiểu “kinh điển”, vai trò của chúng trong hoạt động tổ chức hiện nay đã có nhiều thay đổi theo xu hướng “bình đẳng hơn”, độc lập hơn.
- Bộ phận tạo chính danh (hay bộ phận hoạt động công khai):
Bộ phận tạo chính danh là những “lãnh tụ tinh thần của tổ chức. Cộng đồng gần như chỉ nhận biết được sự hiện diện của tổ chức chủ yếu thông qua bộ phận này, thông qua sự thực thi dân chủ của họ, qua hoạt động trợ giúp của tổ chức đối với cá nhân và tập thể mà họ là đại diện, thậm chí qua bản án tù mà họ nhận được.
Đây là những con người đã có quá trình hoạt động công khai nhất định, có uy tín trong cộng đồng. Bộ phận này dùng “đạo đức”, uy tín cá nhân để tạo ra chính danh cho tổ chức. Vai trò đặc biệt quan trọng của nó nằm tại thời điểm sơ khai của một tổ chức cách mạng. Khi mà tổ chức đang bắt đầu xây dựng uy tín dựa vào các cá nhân “ưu tú”.
Trong các tổ chức cách mạng kiểu cũ, bộ phận chính danh thường kiêm luôn vai trò chỉ huy, hoạch định chiến lược, tổ chức điều hành... Tổ chức chỉ có thể làm như vậy nếu nó có khả năng tự bảo vệ bằng bạo lực. Điều này là trái với nguyên tắc ôn hòa của cách mạng dân chủ.
Quan điểm cách mạng hiện đại coi bộ phận “lãnh tụ tinh thần” là một bộ phận chấp hành. Các hoạt động của họ cũng đều theo chiến lược và chiến thuật do bộ phận điều hành thiết lập. Mặc dù vẫn được tổ chức phân bổ nhiều lợi ích nhất (rất xứng đáng), bộ phận này không tham gia vào quá trình điều hành tổ chức hay nắm giữ các dữ liệu hệ thống của tổ chức. Điều này là đặc trưng tối quan trọng do tính chất ôn hòa của cuộc cách mạng. Cách mạng vẫn sẽ đảm bảo được sự vận hành “êm ái” ngay cả khi kẻ độc tài đàn áp khốc liệt và toàn bộ các “chỉ huy danh nghĩa” đã nằm trong tù.
- Bộ phận điều hành:
Là bộ phận chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược, chiến thuật, xây dựng kế hoạch hoạt động và trực tiếp vận hành hệ thống. Mặc dù có chức năng như một đầu não chỉ huy, hoạt động và quyền hạn của nó lại thiên về tính chất của một cơ quan điều phối.
Ở các tổ chức cần yêu cầu bí mật để xây dựng lực lượng hoặc thường xuyên đối mặt với sự đàn áp, đây là bộ phận mà các hoạt động truyền tin và quản lí dữ liệu cần phải theo các qui tắc bảo mật chuyên nghiệp (xin đề cập ở bài sau). Bộ phận này bị phá vỡ đồng nghĩa với với toàn bộ hoạt động của tổ chức sẽ bị tê liệt.
Mặc dù có vai trò quan trọng, do tính chất hoạt động bí mật và ít có nguy cơ nên bộ phận tổ chức thường được phân bổ lợi ích thấp nhất. Thậm chí, các thành viên hoạt động bán thời gian sẽ chỉ nhận được một khoản chi trả tài chính cam kết (khoản tiền sẽ nhận được trong tương lai). Đây là bộ phận thực sự phù hợp với bất cứ ai có khả năng quản lí, có tham vọng nhưng lại không có điều kiện để hoạt động công khai.
- Bộ phận huy động và quản lí tài chính:
Một đặc trưng quan trọng của mô hình tổ chức hiện đại là bộ phận điều hành không tham gia quản lí tài chính. Điều này giúp tránh việc tập trung quá nhiều quyền hạn vào cơ quan điều hành. Các thành viên của bộ phận này thường là những người có uy tín và “đáng tin” trong cộng đồng. Tuy nhiên, con người đáng tin cũng không quan trọng bằng một cơ chế quản lí khoa học và kỉ luật.Các nguyên tắc chung của cơ chế này là công khai, đảm bảo quyền sở hữu của cá nhân đóng góp, đảm bảo quyền được thu hồi tiền đóng góp...
Các tổ chức hoặc hội nhóm qui mô nhỏ còn có thể ủy thác việc quản lí tài chính cho một tổ chức độc lập để đảm bảo sự khách quan và an toàn.
- Bộ phận hoạt động cơ sở:
Là bộ phận chấp hành và là những “kẻ tiên phong” khi tổ chức quyết định tung toàn lực cho “trận chiến quyết định”. Trước thời điểm đó, nhiệm vụ chủ yếu của nó là bí mật phát triển số lượng thành viên, trực tiếp tìm nguồn đóng góp tài chính, tham gia các lớp phổ biến kiến thức, các hoạt động bán công khai.
Các đơn vị cơ sở này phải được phân bổ đồng đều trên phạm vi rộng để đảm bảo cách mạng sẽ diễn ra cùng lúc trên qui mô lớn chứ không tập trung ở vài địa phương.
Mặc dù là các đơn vị chấp hành ở cơ sở, bộ phận này hoàn toàn quyết định khả năng phát triển mở rộng của một tổ chức. Do đó, nó cần được phân bổ quyền lợi xứng đáng bao gồm cả quyền lợi tài chính, cơ hội chính trị cùng với các khoản tài chính cam kết mà họ nhận được trong tương lai.
- Bộ phận dự bị, ngoại vi và cộng tác viên:
Có thể các bạn ngạc nhiên, nhưng đây mới là bộ phận mà gần như toàn bộ các chính sách tổ chức đều phải hướng đến họ cho dù chỉ để có được những cam kết đơn giản, không có tính ràng buộc như: có mặt đúng lúc, đúng chỗ, không làm tổn hại đến hoạt động ôn hòa khi thi hành nhiệm vụ...
Cách mạng chỉ có thể ra đòn khi các tổ chức đảm bảo xây dựng được một số lượng thành viên dự bị đủ để đối trọng với lực lượng an ninh. Thông thường, tại thời điểm ban đầu của bùng nổ cách mạng, tỉ lệ thành viên dự bị thực hiện cam kết của họ thường dưới 10%. Nếu có chiến thuật phù hợp, tỉ lệ này sẽ tăng nhanh đến khoảng 80% và đó là lúc mà tâm lý đám đông bắt đầu phát huy hiệu quả. Các cá nhân ngoài tổ chức lúc đó cũng sẽ tham gia để tạo nên những đám đông khổng lồ trên phạm vi cả nước.
Bí quyết để phát triển lực lượng này không phải là phân bổ lợi ích lớn cho họ bởi vì các tổ chức sẽ không đủ nguồn lực để làm điều đó. Điều cốt yếu nằm ở các chính sách hướng đến họ liên tục, trực tiếp và đảm bảo giảm thiểu tối đa các nguy cơ mà họ có thể gặp phải.
Trên đây là vài luận điểm cơ bản về tổ chức cách mạng có thể phù hợp đối với Việt Nam và Trung Quốc. Về các phân tích để đưa ra một mô hình tổ chức phù hợp, xin được bàn đến trong bài tiếp theo. Hi vọng những luận điểm “không mới” này sẽ có ích cho các tổ chức trên con đường phát triển chuyên nghiệp.
Việt Nam ngày 24-06-2014
Đã đăng:
- Phần 1: Những kẻ cơ hội đang đứng trước cơ hội chưa từng có
- Phần 2: Kẻ cơ hội - Phần không thể thiếu của cách mạng dân chủ
- Phần 3: Chủ nghĩa Dân Tộc và Phong trào Dân Chủ
- Phần 4: Vấn đề tài chính trong cách mạng dân chủ