Cách mạng Dân chủ dưới con mắt một kẻ cơ hội (Phần 5): Huy động tài chính, bước chiến lược thứ tư của một cuộc cách mạng - Dân Làm Báo

Cách mạng Dân chủ dưới con mắt một kẻ cơ hội (Phần 5): Huy động tài chính, bước chiến lược thứ tư của một cuộc cách mạng

Kẻ Cơ Hội (Danlambao) - "Huy động tài chính là bước đi quan trọng bậc nhất mà các cuộc cách mạng đều phải thực hiện. Nó là dấu mốc để nhận biết một cuộc cách mạng bắt đầu đi vào giai đoạn trưởng thành. Bước đi này được thực hiện càng thành công thì cách mạng càng nhiều cơ hội xảy ra một cách ít bạo lực và chế độ độc tài sẽ không còn lại nhiều thời gian. Nếu coi súng đạn là công cụ của cách mạng bạo lực thì tài chính là công cụ chủ lực của cách mạng ôn hòa. Một cuộc cách mạng biết cách huy động, quản lý và phân bổ nguồn lực này một cách thích hợp sẽ làm kẻ cai trị bất lực hoàn toàn trước các phương án đối phó"...

Trong những bài đầu tiên, người viết đã trình bày các quan điểm chủ yếu của cách mạng dân chủ hiện đại. Các quan điểm này bao gồm:

- Lấy lợi ích cá nhân làm phạm trù hoạch định chiến lược, bên cạnh “dân chủ, nhân quyền”.

- Lấy sự phân bổ tài chính xã hội hợp lí làm nền tảng cho cuộc cách mạng ôn hòa và bền vững.

- Coi các đặc điểm về văn hóa, dân tộc ít ảnh hưởng đến cách mạng dân chủ mà chủ yếu là phương pháp tổ chức và chiến lược phát triển.

- Đặt các phạm trù đạo đức, chủ nghĩa dân tộc về đúng vị trí của nó đối với cách mạng dân chủ, coi đó là phạm trù hỗ trợ hoạt động chiến thuật.

- Coi mô hình hoạt động là nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực của một tổ chức dân chủ.

Các bài viết tiếp theo sẽ chủ yếu phân tích về các bước đi cụ thể. Đó là các bước chiến lược cốt yếu nhất mà tất cả các cuộc cách mạng muốn xảy ra và thành công đều bắt buộc phải đi qua.

Cho dù từ lí thuyết đến thực tiễn là cả một khoảng cách lớn, nếu chúng ta tôn trọng các qui luật khách quan và hành động theo các qui luật đó, thì cuộc cách mạng mơ ước của nước ta sẽ không phải là điều gì quá xa vời.

Tác giả kêu gọi cộng đồng dân chủ có thêm những bài viết nhằm xây dựng và hoàn thiện các mô hình tổ chức cũng như phương pháp luận có tính thực tiễn cao để phong trào dân chủ Việt Nam cũng như phong trào dân chủ Trung Quốc có thể vượt qua các bế tắc hiện nay. Tác giả cũng mong muốn các tổ chức dân chủ hai nước có sự liên lạc và trao đổi về phương pháp luận vì tình trạng hai nước tương đối giống nhau và có ảnh hưởng đến nhau một cách sâu sắc.

Trong lịch sử hiện đại, các cuộc cách mạng diễn ra theo nhiều cách thức đa dạng, nhưng cho dù diễn ra như thế nào, chúng cũng đều trải qua các bước chiến lược cơ bản như sau:

- Xây dựng niềm tin trong cộng đồng dựa trên nền tảng của mô hình tổ chức chuyên nghiệp.

- Nâng tỉ lệ cá nhân hoạt động đối kháng lên mức thích hợp.

- Thể hiện sự tồn tại của cách mạng trong cộng đồng.

- Huy động tài chính.

- Xây dựng lực lượng bí mật.

- Xây dựng lực lượng dự bị.

- Ra đòn quyết định khi thời cơ đến.

Mặc dù các bước chiến lược này dựa trên đặc trưng của những cuộc cách mạng khắp nơi trên thế giới(kể cả cách mạng vô sản). Có thể tình hình tại Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt, nhưng ít nhất, các tổ chức cũng có thể tham khảo để hình dung được là cần phải tiến hành những công việc cụ thể gì, theo cách nào... để đi gần hơn tới một cuộc cách mạng.

Phần 5: Huy động tài chính, bước chiến lược thứ tư của một cuộc cách mạng.

Huy động tài chính là bước đi quan trọng bậc nhất mà các cuộc cách mạng đều phải thực hiện. Nó là dấu mốc để nhận biết một cuộc cách mạng bắt đầu đi vào giai đoạn trưởng thành. Bước đi này được thực hiện càng thành công thì cách mạng càng nhiều cơ hội xảy ra một cách ít bạo lực và chế độ độc tài sẽ không còn lại nhiều thời gian. Nếu coi súng đạn là công cụ của cách mạng bạo lực thì tài chính là công cụ chủ lực của cách mạng ôn hòa. Một cuộc cách mạng biết cách huy động, quản lý và phân bổ nguồn lực này một cách thích hợp sẽ làm kẻ cai trị bất lực hoàn toàn trước các phương án đối phó.

Huy động tài chính cần được thực hiện sau khi các tổ chức dân chủ đã được cải cách theo mô hình quản lý chuyên nghiệp, để cộng đồng có thể tin vào sự thực hiện các cam kết “chính danh” của họ. Mặc dù nó được coi là bước “chiến lược” thứ tư, người viết vẫn phải đưa ra vấn đề này để bàn luận đầu tiên, bởi vì nếu không có cách để thực hiện được điều này, mọi lí luận hay kế hoạch khác nói ra cũng đều trở nên vô nghĩa. Các cách thức “chiến thuật” đều dựa trên giả thiết rằng, các tổ chức đã xây dựng được mô hình và qui chế hoạt động khoa học, đủ năng lực quản lý để cộng đồng tin rằng, họ sẽ sử dụng nguồn lực tài chính huy động được một cách đúng mục đích và đảm bảo các lợi ích của người tham gia đóng góp.

Ở các quốc gia tuy độc tài, nhưng các đảng phái hoặc tổ chức được thừa nhận và cho phép hoạt động hạn chế, nguồn tài chính được huy động chủ yếu từ các công ty, tập đoàn, cá nhân có chung “mưu cầu lợi ích”. Hoạt động huy động tài chính của họ có thể tiến hành công khai hoặc ít nhất không bị kiểm soát nghiêm ngặt. Chính vì vậy, cách mạng dân chủ tại các quốc gia này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Trong khi đó, tại các quốc gia mà các tổ chức đấu tranh bị đặt ra ngoài vòng pháp luật như Việt Nam, Trung Quốc... Các tổ chức gần như không có cách nào để huy động nguồn lực tài chính nội địa, ngoài cách thức kêu gọi chủ yếu mang tính đóng góp “từ thiện”, tùy hứng và bị động. Các kêu gọi đóng góp với cách thức như vậy tuy có tác dụng nhất định, nhưng hoàn toàn không đủ để các tổ chức dân chủ phát triển, nói gì đến việc thực hiện các hoạt động qui mô lớn. Cũng vì các tổ chức không chủ động dự trù được kế hoạch tài chính, họ cũng không có khả năng thiết lập và thực thi các kế hoạch chiến lược dài hạn và càng không thể thực hiện các cam kết mà tổ chức đặt ra khi thành lập. Cách mạng do đó, vẫn chỉ mãi dừng lại ở những lời kêu gọi và các hoạt động mang tính “tự phát”. Mặc dù huy động tài chính từ nguồn lực nội địa là việc làm vô cùng khó khăn nhất là thời điểm bắt đầu, khi mà các tổ chức còn chưa đủ thời gian để xây dựng uy tín, nhưng không phải là không có cách để thực hiện. Đây cũng được coi là nguồn lực chính của cách mạng vì chỉ có người dân trong nước và con cháu họ mới có lợi ích gắn kết đối với một nền dân chủ của đất nước trong tương lai.

Kẻ cai trị thiết lập sự cai trị của họ chủ yếu bằng cách tước đoạt lợi ích cộng đồng để đặt vào tay một nhóm đặc quyền nhỏ. Nhưng khác với các chế độ thực dân hoặc độc tài kiểu cũ, các chế độ độc tài “hiện đại” đã “rút kinh nghiệm sâu sắc” và có sự cải tiến tinh vi. Nó không còn dựa vào chính sách thuế trực tiếp và nặng nề như trước đây mà sử dụng các cách thức gián tiếp và nhìn bên ngoài thì có vẻ như “không ảnh hưởng đến ai”. Không những thế, quá trình bóc lột tệ hại này còn được kẻ cai trị sử dụng bộ máy truyền thông che dấu dưới những lớp vỏ bọc mỹ miều như “an sinh xã hội”, trợ cấp xã hội, thậm chí là quyên góp từ thiện... Một số chiến thuật bóc lột đặc trưng của “thực dân hiện đại” bao gồm: độc quyền kinh doanh các mặt hàng thiết yếu(như xăng dầu, điện, viễn thông, ngân hàng... ), độc quyền khai thác tài nguyên(dầu mỏ, than đá, quặng thậm chí là cát xây dựng... . ), các loại phí mang danh nghĩa “lợi ích chung”(cái này hỏi bác Thăng sẽ rõ), các hình phạt để ổn định “an ninh xã hội” (đang có chiến dịch truyền thông đánh vào “xe đạp điện” là vì mục đích này), độc quyền ngân hàng, tiền tệ... và còn vô số cách khác nữa. Để có điều kiện thuận lợi để thực hiện các chiến thuật tinh vi này thì “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo” là điều cần phải có. Do vậy, kêu gọi để nhà nước độc tài từ bỏ điều này là việc làm vô ích.

Phong trào dân chủ cũng có thể huy động được một nguồn lực đáng kể từ cộng đồng nếu có chiến thuật thích hợp, dựa trên sự tự nguyện và đảm bảo lợi ích tối đa cho chủ thể tham gia. Mặc dù nguồn tài chính huy động được không bao giờ có thể so sánh nổi với thế lực cai trị, cách mạng dân chủ có một thứ khác đủ để bù đắp cho sự chênh lệch này, đó là tính chính danh.

Trong bất cứ một xã hội độc tài nào, cho dù kẻ cai trị tuyên truyền giỏi cỡ nào, thì cũng luôn có một tỉ lệ nhỏ các cá nhân “thức tỉnh” và tỉ lệ này thường dưới 1% dân số. Chỉ cần 1% này hành động là cũng đủ để để một thể chế độc tài ra đi. Tuy nhiên, vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, mức độ sẵn sàng tham gia của họ vào cách mạng là rất không giống nhau. Trong đó, tỉ lệ cá nhân sẵn sàng hoạt động đối kháng công khai là vô cùng nhỏ(đếm hết đầu ngón tay?). Một cá nhân dám trực tiếp đối đầu với chính thể độc đoán và chịu đựng được các đòn đàn áp tàn bạo thì không chỉ phải có tinh thần cao thượng mà còn đòi hỏi các yếu tố về thể chất và thần kinh có tính “bẩm sinh”. Do vậy, việc ngay lúc đầu kêu gọi phần lớn cộng đồng đều hành động giống họ để tạo ra một cuộc cách mạng là điều không tưởng. Nhưng không dám đấu tranh công khai không có nghĩa là không thể làm cách mạng. Hoạt động đấu tranh công khai chỉ là một phần của hệ thống khổng lồ bao gồm các chiến thuật khác nhau mà cách mạng vận hành. Ngay trong hoàn cảnh bị đàn áp khốc liệt nhất, hầu hết trong số các cá nhân “thức tỉnh” của cộng đồng đều sẵn sàng tham gia những hoạt động ở mức độ mà các nguy cơ họ gặp phải là rất nhỏ. Thật là ngạc nhiên, nhưng kẻ độc tài sẽ sụp đổ là bởi các hoạt động “nguy cơ thấp” này. Đóng góp tài chính định kì cho cách mạng là một hoạt động như thế. Nhưng ngay cả nguy cơ thấp cũng chưa đủ để một cá nhân bỏ tiền của họ ra cho cách mạng. Các cá nhân chỉ có ý định đóng góp tài chính cho một tổ chức cách mạng khi họ tin rằng tiền của họ được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Sự tin tưởng này chỉ có thể được xây dựng dựa trên các mô hình hoạt động theo lý thuyết của khoa học tổ chức, trong đó đảm bảo các cam kết của tổ chức sẽ được thực hiện theo qui chế và luật lệ chung chứ không lệ thuộc vào đạo đức hay bất cứ uy tín cá nhân nào. (Mặc dù uy tín cá nhân cũng là một chiến thuật huy động tài chính nhưng thực hiện điều này dựa trên uy tín cá nhân là sai lầm mà nhiều cuộc cách mạng đã gặp phải và tất nhiên là thất bại).

Đến đây, ngay cả khi một cá nhân đã hoàn toàn tin vào tổ chức trong việc sử dụng có ích tiền đóng góp thì cá nhân đó cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ là “có ý định” chứ chưa thực sự hành động. Hãy xem xét nhận xét đáng chú ý sau của khoa học hành vi: “con người có xu hướng hành xử mang tính chủ động trước các lợi ích và ngược lại, có xu hướng hành xử bị động khi chia sẻ lợi ích”.

Các tổ chức cách mạng có thể đem lại lợi ích cho người đóng góp tài chính không? Chưa một cuộc cách mạng nào đã từng làm điều này, khi mà các tổ chức thời điểm ban đầu đều khó khăn mới có đủ chi phí hoạt động và các cơ hội chính trị thì quá mơ hồ. Nhưng có một việc mà các tổ chức có thể làm để ít nhất, cá nhân tham gia đóng góp cũng không có cảm giác quá “chịu thiệt”. Đó là cam kết tính lãi suất và trả lại toàn bộ tiền đóng góp cùng với tiền lãi trong tương lai, gần giống như định chế tài chính ngân hàng. Nguồn tiền để trả lại sau này sẽ được tổ chức huy động từ sự vận động chính phủ mới và các vận động xã hội khác.

Định chế tài chính kiểu ngân hàng có một điểm lợi hại, đó là các cá nhân đóng góp thông qua việc theo dõi tài khoản, thực hiện quyền được thu hồi tiền đóng góp... sẽ vẫn đảm bảo quyền sở hữu đối với tài sản của họ, trong khi đó tổ chức cách mạng vẫn có nguồn tài chính để hoạt động. Đây là điều vô cùng quan trọng khi xét trên yếu tố tâm lý cá nhân. Và một lần nữa, điều này chỉ có thể thực hiện đối với một tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp.

Tất nhiên, các cá nhân vẫn sẽ cảm thấy “rủi ro” gặp phải khi “đầu tư” kiểu này là không nhỏ. Nhưng đối với một khoản đầu tư định kì chiếm tỉ lệ “không đáng kể” trong thu nhập hằng tháng, dành cho lợi ích lớn trong tương lai thì cũng dễ được chấp nhận. Lợi ích mà họ nhận được không chỉ là tiền đóng góp kèm lãi được trả lại mà còn là cuộc sống tự do, được tôn trọng của bản thân và con cháu. Một cuộc đầu tư quá “hời” và đáng để thực hiện.

Định chế tài chính ngân hàng cũng không phải là cách thức “chiến thuật duy nhất” có thể mang lại hiệu quả. Các tổ chức hoàn toàn có thể qui định tỉ lệ sở hữu của một cá nhân đối với tổ chức theo tỉ lệ tài chính họ đóng góp và các nhà hoạt động trên danh nghĩa là những “kẻ làm thuê”. Một kiểu “đầu cơ chính trị” có ý nghĩa và đáng xem xét.

Bây giờ, ngay cả khi đã có chiến thuật để tạo tâm lý “không bị thiệt” cũng chưa đảm bảo chắc chắn cho sự đóng góp của một cá nhân. Rõ ràng, nhận xét “con người có xu hướng hành xử bị động khi chia sẻ lợi ích” là rất đáng chú ý vì nó ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả quá trình huy động. Chính vì vậy, nếu các tổ chức chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, đưa ra cam kết... rồi mong chờ các cá nhân tự xoay xở để gửi tiền đến thì cũng có thể sẽ thất bại thảm hại. Nhất là khi các thủ tục tài chính này cũng cần theo các qui tắc bảo mật để tránh nguy cơ cho người đóng góp. Chiến thuật cuối cùng mà các tổ chức cần thực hiện để đảm bảo huy động tài chính thành công là chủ động hoàn toàn trong việc tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp các cá nhân để thuyết phục, hướng dẫn và tiến hành các thủ tục cần thiết. Người đóng góp chỉ làm một việc duy nhất là chuyển giao tiền đóng góp sang một nơi mới mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu cá nhân “thiêng liêng” của họ.

Chúng ta đã luôn kêu gọi các cá nhân vượt qua sợ hãi để dấn thân cho cách mạng. Thực tế, cách mạng dân chủ phải luôn giả định rằng, số cá nhân không vượt qua được sự sợ hãi luôn chiếm đa số, và cho dù sợ hãi, họ vẫn có thể tham gia tiến trình cách mạng ở các mức độ nhất định. 1% thu nhập hằng tháng hoặc ít hơn là thứ “thực tế nhất” mà cách mạng có thể hy vọng ở họ.

Có được nguồn tài chính trong tay một cách có kế hoạch, chúng ta mới có thể duy trì được sự tranh đấu của các nhà hoạt động công khai, mới khích lệ được sự tham gia rộng rãi của các cá nhân đang “sợ hãi”, mới thiết lập được các kế hoạch lâu dài để thực hiện các cam kết và hơn hết, có huy động được tài chính, cách mạng dân chủ mới có “vũ khí” lợi hại để tiến hành cách mạng một cách ôn hòa, ít tổn thất nhất có thể.

Không phải các cuộc cách mạng đều huy động tài chính theo tất cả những phương pháp đã nói, đặc biệt là việc các tổ chức cam kết trả lại tiền đóng góp cho cá nhân là điều chưa từng được được thực hiện, tuy nhiên, trong hoàn cảnh bị kiểm soát ngặt nghèo và xã hội thiếu niềm tin như Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta phải thực sự có thêm các chiến thuật sáng tạo trên cơ sở khoa học để có thể thực hiện được chiến lược cốt yếu một cách có hiệu quả trên thực tế. Bài viết rất cần có sự bổ sung từ cộng đồng để hoàn thiện hơn nữa cho một bước đi tối quan trọng của cuộc cách mạng dân chủ, cuộc cách mạng mà đất nước đang mong đợi từng ngày.

Việt Nam 18-06-2014




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo