Cách mạng dân chủ dưới con mắt một kẻ cơ hội (Phần 4): Vấn đề tài chính trong cách mạng dân chủ - Dân Làm Báo

Cách mạng dân chủ dưới con mắt một kẻ cơ hội (Phần 4): Vấn đề tài chính trong cách mạng dân chủ

Kẻ cơ hội (Danlambao) - Khi cách mạng hoa nhài bùng nổ mạnh mẽ ở Trung Đông và Myanma, không ít người đã tự hỏi liệu làn sóng này có thể lan đến Việt Nam hay không. Việt Nam có các mâu thuẫn xã hội có thể gây bùng nổ, Việt Nam có các nhà hoạt động dân chủ can trường, thậm chí có nhân tài với tầm nhìn xuất sắc như Trần Huỳnh Duy Thức. Phong trào dân chủ Việt Nam được sự hỗ trợ tốt của cộng đồng hải ngoại, và hơn hết, phong trào dân chủ Việt Nam có sự chính danh. Vậy tại sao cách mạng vẫn chưa diễn ra!

Liệu có phải do tính cách con người hèn mạt, do văn hóa bảo thủ, do đã trải qua quá nhiều sự hỗn loạn, do tư tưởng dân chủ chưa được truyền bá rộng rãi, do chính sách ngu dân của chính thể cai trị, do không có vũ khí, do sự đàn áp tàn bạo... hay là do nguyên nhân gì khác... Nếu như cách mạng không diễn ra vì các nguyên nhân nói trên, có lẽ, sẽ không bao giờ có các cuộc cách mạng. Bởi vì những đặc điểm đó vốn tồn tại phổ biến trong tất cả các chế độ độc tài, thuộc tất cả các nền văn hóa khác nhau, ở các thời điểm khác nhau.

Con người hèn mạt và văn hóa bảo thủ, trì trệ ư? Tất cả các chế độ độc tài đều tìm cách nhục mạ nhân phẩm con người, nhằm tạo ra tâm lí tự ti và hành xử hèn mạt, qua đó dễ bề cai trị họ. Do chính sách ngu dân của chính thể cai trị hoặc nhận thức dân chủ của người dân kém? Kẻ cai trị nào mà không có chính sách ngu dân. Còn đòi hỏi người dân trong một chế độ độc tài nhận thức tốt về dân chủ thì thật là khó.

Trước khi các cuộc cách mạng diễn ra, các chế độ độc tài luôn tự tin về sự kiểm soát xã hội của họ. Luôn có thừa sự mưu mẹo, luôn đầy dẫy sự tàn nhẫn... vậy mà cách mạng vẫn diễn ra, vào lúc không ai nghĩ đến, với qui mô mà không tên cai trị nào lường trước. Tại sao?

Hãy nhớ đến câu nói của người thanh niên trẻ Ukraina với mẹ trước khi anh ngã xuống trên quảng trường độc lập “con ra đây vì tương lai của chính con”.

Không cần những ngôn từ to tát như vì tổ quốc, vì nhân dân, hay vì ai khác.

Người thanh niên trẻ hành động vì chính bản thân anh ấy.

Tương lai mà anh ấy nói đến có thể có nghĩa rộng hơn nhiều. Nhưng là một nhà tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, bạn phải thấu hiểu tầm quan trọng của việc đáp ứng xứng đáng các quyền lợi cá nhân để tạo nên sức phát triển bền vững cho tổ chức, bên cạnh tính chính danh cách mạng. Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ bàn đến quyền lợi tài chính. Chỉ riêng bản thân nó cũng đã tạo nên một nửa sức mạnh. Tất cả các lãnh tụ kiệt xuất, các bản án tù tội, các cuộc biểu tình ban đầu có thể tạo nên nền tảng chính danh cho cách mạng, nhưng sự chính danh này không trực tiếp đánh gục, hoặc làm sây sát gì nhiều đến chế độ. Cái mà cách mạng cần làm để sự chính danh, vốn xây dựng từ những hi sinh của các cá nhân can trường, không bị lãng phí, là dùng nó để huy động nguồn lực xã hội, trong đó, quan trọng nhất là nguồn lực tài chính.

Kẻ tạo ra cú knock-out thực sự, siêu nhân của cách mạng, kẻ gây sốc đối với chế độ cai trị, lại là kẻ âm thầm trong bóng tối. Kẻ đó có thể không dấn thân, không nằm trong bất cứ hồ sơ mật nào và chắc chắn chỉ dùng danh nghĩa của tổ chức để làm việc. Kẻ đó chỉ làm một việc duy nhất, tạo nên sự kết nối tài chính. Một bên là số không nhiều các cá nhân can trường muốn dấn thân cho cách mạng, mang hoài bão lớn lao, bên kia là những người vì điều kiện khách quan, không thể ra mặt, nhưng có thể làm cách mạng bằng cách đóng góp một phần “không đáng kể” thu nhập hằng tháng cho cách mạng. Rõ ràng, họ có chung quyền lợi để hành động, và ngay cả những cá nhân hèn nhát nhất cũng có thể làm cách mạng một cách khá an toàn như thế.

Việt Nam có thuận lợi đáng kể do sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại. Sự hỗ trợ này sẽ rất quan trọng trong giai đoạn khởi đầu, nhưng cách mạng trong nước phải nhìn thấy được sức mạnh nội tại của đất nước mà không phải nước nào, dưới sự cai trị độc đoán, cũng có được. Hơn thế nữa, làm sao có thể đòi hỏi quá nhiều ở cộng đồng hải ngoại, trong khi họ không có quyền lợi gì rõ ràng đối với cách mạng dân chủ trong nước

(Huy động nguồn lực từ một nhóm người không có lợi ích đáng kể từ cách mạng để tạo nên cách mạng là trái với nguyên tắc phân tích chiến lược. Tuy nhiên, trường hợp nước ta có thể khác, người viết không đủ căn cứ để phân tích sâu về vấn đề này).

Lâu nay, hẳn có nhiều nhà hoạt động tâm huyết luôn day dứt với câu hỏi: làm thế nào để phong trào dân chủ Việt Nam có thể thu hút được sự tham gia rộng rãi của dân chúng. Các hoạt động từ trước tới nay chủ yếu nhằm tạo ra sức hút từ tính chính danh cách mạng. Đó là nền tảng tối cần thiết, nhưng chưa đủ. Có lẽ do đã quá quen với các cuộc khởi nghĩa trong quá khứ, mà phong trào dân chủ Việt Nam chưa thực sự quan tâm đúng mức đến các nguyên lý tổ chức cách mạng hiện đại, trong đó, chú trọng tối đa các lợi ích cá nhân, cũng như tôn trọng chủ nghĩa cơ hội.

Nghe thì có vẻ "phản cách mạng”, nhưng bạn nên biết rằng, chủ nghĩa cơ hội không phải là điều gì xấu xa. Nó là động lực quan trọng nếu xét trong tương quan cá nhân với xã hội. Thực tế, những cá nhân cơ hội vẫn là phần không thể thiếu, tồn tại khác quan, “biện chứng” trong mọi cuộc cách mạng. Thậm chí, nếu thiếu họ, thì cũng sẽ không có một cuộc cách mạng nào cả. Nếu chủ nghĩa cơ hội hành động theo qui ước, luật lệ, kết quả đạt được sẽ khó tưởng tượng nổi. Kẻ thù có thể trở thành bạn, kẻ “phản cách mạng” cũng muốn được tham gia cách mạng, kẻ hèn nhát có thể trở nên can đảm. Cuộc cách mạng có thể trở nên ôn hòa, ít đổ máu và bạo lực hơn với những chiến lược có vẻ bề ngoài ít đạo đức như vậy.

Nói cho cùng, tính cơ hội và đức hi sinh, sự cao thượng hay bỉ ổi, sự hèn mạt hay can trường... đều là các đặc tính mà mỗi cá nhân con người bình thường đều phải có và biểu hiện theo cách khác nhau tùy hoàn cảnh tương tác xã hội(Khoa học hành vi coi đây là các đặc tính khách quan). Việc không thể đưa ra phương pháp để họ hành động theo hướng tích cực vốn là lỗi của chúng ta, những nhà tổ chức cách mạng hôm nay và có thể là những người được nhân dân giao phó công việc tổ chức xã hội mai sau.

(Trên con đường mò mẫm để phân tích các bước đi cụ thể với mong muốn PTDC tiến lên, người viết sẽ luôn phải giả định con người với “tình trạng” tự nhiên nhất, tôn trọng tất cả các đặc tính vốn có của họ cho dù được hiểu là xấu hay tốt theo các qui ước đạo đức chủ quan. Đó không phải là ý muốn riêng của tác giả mà là phương pháp khoa học được sử dụng tại mọi chương trình huấn luyện phân tích. )

Thực ra, một dạng của các phương pháp tổ chức “khoa học” không phải là điều gì quá xa lạ. Chính những người cộng sản Việt Nam đã từng làm rất hiệu quả, theo các chiến lược hành động và mô hình tổ chức đã được nghiên cứu rất kĩ càng (dưới bàn tay huấn luyện của các chuyên gia Liên Xô, những kẻ chuyên nghiệp). Chỉ nói riêng về vấn đề tài chính, trong thời gian đầu, gần như các chi phí hoạt động của các nhà sáng lập được tài trợ bởi cộng sản quốc tế. Trong hoàn cảnh thiếu thốn trước 1945 thì nhận tiền để hoạt động cách mạng có vẻ cũng là một nghề không đến nỗi nào. Các nguy cơ gặp phải khi hoạt động ôn hòa cũng không đến mức nguy hiểm như sách lịch sử “bịa” nhà nước viết. Thực dân Pháp đối xử với tù chính trị thậm chí không đến mức bỉ ổi như đảng cộng sản ngày nay. Còn cơ hội do cách mạng vô sản đem lại thì có lẽ, những người sống vào thời đó thì mới hiểu được nó đầy tiềm năng như thế nào, với những gì đang diễn ra khắp nước Nga, Đông Âu, Trung Quốc,... Những “kẻ cơ hội” năm ấy chắc chắn nhiều người nhận ra họ sẽ có được lợi ích to lớn nếu đi theo con đường cộng sản, vốn đang nhận được hỗ trợ lớn lao từ cộng sản quốc tế. Nếu như đặt lợi ích bản thân lên tất cả, chắc chắn, họ sẽ chọn cộng sản theo đúng thuyết cơ hội chủ nghĩa. Đáng tiếc thay, thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Với những quốc gia cùng “hoàn cảnh” nhưng “may mắn” do vị trí địa lí hoặc do tầm quan trọng chiến lược thấp mà nhận được ít sự hỗ trợ từ cộng sản quốc tế thì kết quả khác biệt có thể thấy rõ (Malaixia, Indonesia, Campuchia, Thái lan...).

Trong thời kì đầu của các cuộc cách mạng, khi mà các nhà hoạt động luôn phải đương đầu với sự cô lập và đàn áp, thì trong bất cứ xã hội độc tài nào, cũng chỉ có một tỉ lệ rất ít các cá nhân “ưu tú” dám công khai đương đầu với hệ thống cai trị. Tỉ lệ này thường không vượt quá 0, 01% dân số và chủ yếu phụ thuộc vào mức độ khủng bố của kẻ độc tài (có lẽ tỉ lệ này ở Triều Tiên là gần bằng 0%). Mục tiêu của các cuộc cách mạng là luôn muốn nâng tỉ lệ này càng nhanh, càng bền vững thì càng tốt nhằm nhanh chóng vô hiệu hóa tâm lý “kẻ cô độc” và tạo hiệu ứng “tâm lý bầy đàn” vốn vô cùng quan trọng để các cá nhân tầm thường(được giả định chiếm đa số trong xã hội) vượt qua sợ hãi. Chỉ khi nâng tỉ lệ cá nhân hoạt động đối kháng lên mức thích hợp. Các tổ chức mới có điều kiện thuận lợi để phát triển và gia tăng hoạt động.

Ở đây, xin được lưu ý là mặc dù hoạt động đối kháng của số ít cá nhân “ưu tú” sẽ tạo ra chính danh cách mạng, nhưng trong hoàn cảnh bị đàn áp nặng nề, tính chính danh (hay kể cả chủ nghĩa dân tộc) cũng không trực tiếp làm tăng tỉ lệ cá nhân hoạt động một cách đáng kể. Nó giúp các tổ chức cách mạng thực hiện hai bước chiến lược quan trọng nhất của cả tiến trình. Đó là bước huy động tài chính và xây dựng lực lượng bí mật (xin bàn đến hai vấn đề này vào các bài sau).

Để tăng tỉ lệ cá nhân tham hoạt động đối kháng trong buổi đầu của cách mạng lên mức cần thiết (mục tiêu là 0, 05%), các tổ chức không có cách nào khác là phải hỗ trợ tối đa các nhà hoạt động về tinh thần, pháp lý... và quan trọng nhất vẫn là sự cung cấp tài chính trong trường hợp sinh kế của họ bị ảnh hưởng, nhằm đảm bảo cho họ có thể sống ít nhất ở mức tối thiểu. Cần nhấn mạnh rằng sự cung cấp tài chính này không phải là sự hỗ trợ mang tính “nhân đạo”, nhất thời, tùy hứng mà là sự cam kết lâu dài của các tổ chức đối với bất cứ cá nhân nào đáp ứng tiêu chuẩn đã đặt ra. Ở những tiến trình đầu tiên, khi nhà hoạt động phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đây sẽ là thứ không chỉ giúp họ duy trì sự tranh đấu mà còn khích lệ một “bộ phận không nhỏ” đang còn e ngại trước chông gai cách mạng. Ví dụ điển hình để thấy mức độ ảnh hưởng của tài chính lên sự tăng trưởng thành viên có thể thấy ở ngay phong trào cộng sản Việt Nam những ngày đầu tiên. Với sự cung cấp tài chính khá kịp thời từ cộng sản quốc tế, song hành với danh nghĩa chống thực dân, họ đã phát triển mạng lưới thành viên một cách nhanh chóng chỉ sau vài năm. Vượt xa số lượng thành viên của tất cả các đảng phái khác cho dù các đảng phái này đã hoạt động trước đó khá lâu và cũng với danh nghĩa chống thực dân đế quốc. Làm sao ông Hồ Chí Minh và các đảng viên đầu tiên với trình độ tổ chức rất hạn chế có thể xây dựng nên một mạng lưới khổng lồ, hoạt động theo cách thức chuyên nghiệp nếu không có sự cung cấp tài chính từ tổ chức “bảo trợ”, trong khi họ không có nguồn thu nhập đáng kể để duy trì cuộc sống. Sự phụ thuộc tài chính này là nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc hoàn toàn về chính sách và chiến lược của đảng cộng sản Việt Nam vào cộng sản quốc tế những ngày đầu hoạt động chứ không phải là do ảnh hưởng của ý thức hệ (đảng cộng sản Việt Nam thậm chí phải đổi tên thành đảng cộng sản Đông Dương theo yêu cầu chiến lược).

Khi xem lại các tài liệu về cuộc cách mạng giành độc lập của nước Mỹ, chắc các bạn cũng sẽ ấn tượng với việc các binh lính được trả lương để chiến đấu mặc dù họ đang chiến đấu cho chính quyền lợi của mình. Điều này thật khác với bất kì cuộc cách mạng nào đã từng xảy ra tại Việt Nam hay Đông Á. Nơi luôn đòi hỏi các cá nhân tham gia cách mạng phải hi sinh tối đa và đặt mọi quyền lợi cá nhân sang một bên vì “lợi ích chung”. Điều này gần như chỉ có thể thực hiện được ở các cuộc cách mạng chống xâm lược, khi mà hầu hết các cá nhân cộng đồng đều có “lợi ích sống còn” để hành động như vậy (phong trào dân chủ việt nam hiện nay có cơ hội lớn trong việc sử dụng danh nghĩa chống ngoại xâm cho các hoạt động chiến thuật). Tuy nhiên, trong các cuộc cách mạng có tính chất “nội bộ” như cách mạng dân chủ, nếu như các tổ chức không có chiến lược thích hợp để huy động tài chính từ cộng đồng, nhằm phục vụ cho các cam kết đối với cá nhân tham gia hoạt động ở các mức độ khác nhau, thì cách mạng dân chủ không phải sẽ không thành công mà nó sẽ không bao giờ có thể xảy ra.

Như đã đề cập đến ở phần trên, việc các cá nhân trong một xã hội độc tài có nhận thức về dân chủ, nhân quyền yếu kém là điều hiển nhiên. Trong khi đó, quá trình thay đổi nhận thức của một xã hội lại diễn ra ít nhất trong hàng thập kỷ (nếu thông tin được truyền đạt tự do). Do đó, các cuộc cách mạng dân chủ không bao giờ có thể chờ được đến lúc tư tưởng dân chủ được tiếp nhận rộng rãi rồi mới xảy ra. Điều may mắn là phần lớn các cá nhân “hòa mình” vào cách mạng để loại bỏ cái “suy thoái đạo đức” của hiện tại hơn là do nhận ra cái tiến bộ ở tương lai(do đó, kẻ cai trị càng “suy thoái đạo đức”, phong trào dân chủ càng thuận lợi).

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, nếu không có đột biến gì lớn, trong 50 năm nữa, chẳng biết bao nhiêu phần trăm dân số có thể có những hiểu biết cơ bản về các lí luận dân chủ và nhân quyền, trong khi đại đa số họ không bao giờ nghe thấy, nhìn thấy hoặc “sờ thấy” hai cụm từ đặc biệt “nhạy cảm này”. Chỉ có một “cứu cánh” duy nhất có thể khắc phục được yếu điểm này, đó là một cam kết tài chính vừa đủ, đáng tin cậy, lâu dài, dành cho bất cứ cá nhân hoạt động nào đủ tiêu chuẩn. Các cá nhân tham gia ở mức độ hạn chế vào một tổ chức cách mạng dân chủ cũng chỉ cần với nhận thức đấu tranh loại bỏ sự “mục ruỗng” của hiện tại là đủ, sự nhận thức của họ về dân chủ, nhân quyền có thể diễn ra một cách không có chủ ý trong quá trình tham gia hạn chế đó và điều này có thể diễn ra khá nhanh chóng.

Lịch sử các cuộc cách mạng có một qui luật chung, đó là cuộc cách mạng nào càng đơn thuần nhấn mạnh tính đạo đức, dân tộc, thì lại càng xảy ra một cách bạo lực, đẫm máu và bế tắc (Do quan niệm về đạo đức và dân tộc của hai nhóm đối lập khác nhau thường không giống nhau, và khi đã liên quan đến hai vấn đề này thì khó có chỗ cho sự thương lượng hay tha thứ). Trong khi đó, các cuộc cách mạng ở giai đoạn “trưởng thành”, biết khuyến khích các cá nhân xã hội một cách khôn khéo bằng lợi ích, lại vững chắc tiến về đích mà kẻ cai trị dù muốn, cũng không sao cản nổi. Điều đó gợi ý các tổ chức hoạt động phải chú trọng hơn nữa để xây dựng chiến lược thích hợp nhằm huy động nguồn lực tài chính cần thiết ở bất cứ nguồn nào có thể, bởi vì đó là nền tảng cơ bản cho một cuộc cách mạng ôn hòa và bền vững.

Việt Nam 10-06-2014


___________________________________________

Cách mạng dân chủ dưới con mắt một kẻ cơ hội:


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo