Ủng hộ phong trào “Chúng tôi muốn biết” của Mạng Lưới Blogger - Dân Làm Báo

Ủng hộ phong trào “Chúng tôi muốn biết” của Mạng Lưới Blogger

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Trong bài viết vừa qua trên Danlambao, bạn tôi, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Binh khi ủng hộ phong trào “Chúng tôi muốn biết” của Mạng lưới Blogger, cũng luôn dịp đề cử tôi. Chị còn nhờ họa sĩ thư pháp có một không hai Vũ Hối viết những dòng thật đẹp trên đĩa “Ủng hộ Phong Trào của Mạng Lưới Blogger Chúng tôi muốn biết, phải biết! N.T. Thanh Bình đề cử Trần Trung Đạo”.

Chị tặng tôi đĩa thư họa này trong dịp tôi đến Washington DC để giới thiệu Chính Luận Trần Trung Đạo hôm 13 tháng 9 vừa qua. Tôi cũng quen thân với anh Vũ Hối như chị nhưng thú thật không nghĩ ra cách nghệ thuật như vậy. Cám ơn nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình.

Đương nhiên là tôi đáp ứng. Không phải chỉ vì quý tình bạn, vì đĩa thư họa đẹp nhưng quyền được biết sự thật, quyền được nói lên sự thật là những chủ đề tôi quan tâm và đã đề cập nhiều lần. 

Tám năm trước, trong tiểu luận Tuổi trẻ phải nói trên talawas được trích một số ý dưới đây, tôi cho rằng, mọi người dân Việt Nam, nhất là tuổi trẻ cần phải gióng lên tiếng nói của mình bởi vì đó bước đầu cần thiết cho tiến trình dân chủ. 

Hẳn nhiên cũng có quan điểm cho rằng việc đem những chuyện “chúng tôi muốn biết” ra nói với giới lãnh đạo đảng CSVN chẳng khác gì “đem đàn gảy tai trâu”, ngày nào đảng Cộng sản còn độc quyền lãnh đạo đất nước thì ngày đó chuyện gióng lên tiếng nói chỉ là trò đùa, một số người thích cho đã cái miệng nhưng thường dừng lại ở chỗ nói cho đã mà thôi v.v... 

Trước đây tôi cũng nghĩ như quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài tìm hiểu tiến trình phát triển nhận thức của giới trẻ, kể cả các em du học sinh tại Mỹ, tôi nghĩ quyền được nói, quyền được biết, bất cứ lãnh vực gì là một điều cần thiết. Phát biểu và đòi hỏi quyền được phát biểu tự do là dấu hiệu đầu tiên của sự tự tin, nói lên tinh thần độc lập và không sợ hãi. Biết là “đàn gảy tai trâu” nhưng vẫn cứ nói. Vấn đề không phải là đảng có nghe hay không, điều quan trọng là nói. Nói ở đây cũng chưa hẳn nói với đảng nhưng là một cách nói với nhau, nhắc nhở nhau cùng lên tiếng nói, bắt đầu từ mỗi người để trở thành một phong trào cả nước. 

Tiến trình dân chủ của một quốc gia, dù là Cộng hòa Liberia vừa ra khỏi nội chiến hay dân chủ hàng đầu như Mỹ cũng bắt đầu trong một cách đơn giản như thế. Những người Mỹ soạn thảo hiến pháp 1787 không phải là cái gì cũng “nhất trí” như Quốc hội Việt Nam mà cãi nhau cả nhiều tháng, cũng có người bỏ ra về nửa chừng, có người không ký, thậm chí trong số 55 đại biểu họp ngày đầu chỉ có 39 người đặt bút ký. Dù sao, như Benjamin Franklin lưu ý, đó là nền tảng để xây dựng căn nhà dân chủ tốt đẹp hơn. 

Trong các tiếng nói được gióng lên, tiếng nói của tuổi trẻ vẫn quan trọng nhất. Tôi tiếp xúc nhiều với tuổi trẻ vì tôi luôn đặt nặng vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam đối với tương lai đất nước dù họ sinh ra ở nơi nào trên đất nước hay nơi nào ở hải ngoại. Các thế hệ cha chú phần lớn đều mang theo những vết thương hằn sâu trên thân thể cũng như trong tâm thức, và do đó có thể không có một góc nhìn đủ rộng để thấy được những nhu cầu khách quan của đất nước. 

Cách đây 20 năm, tôi đọc được bài phát biểu của tiến sĩ Phan Đình Diệu trong đó ông khẳng định: “Xu thế phát triển trong hòa bình, ổn định để đi tới dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh đã có thể coi như một xu thế mới không có gì cưỡng nổi.” Và Tiến sĩ Phan Đình Diệu kết luận: “Một mặt, chúng ta thừa nhận nền kinh tế thị trường với những chủ thể kinh tế tự do, bình đẳng của nó, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn duy trì một hệ thống tổ chức xã hội theo mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước. Đây là một mâu thuẫn khó dung hòa được. Cần nhìn nhận một sự thật là không thể phát triển kinh tế thị trường với lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản.”

Hai mươi năm trước, tiếng nói của ông như tiếng gào cô đơn, lạc lõng, không dội lại tiếng vang nào trong sa mạc quê hương. TS Phan Đình Diệu biết điều đó nhưng ông vẫn nói. Mỗi người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh gia đình, thời đại không giống nhau, mang trên lưng một quá khứ khác nhau và do đó tình yêu nước cũng thuận theo điều kiện mà thể hiện. Tiếng nói của TS Phan Đình Diệu là tiếng nói quý.

Năm 2014, tình thế đã đổi thay. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để mỗi người Việt Nam vượt qua sự sợ hãi. Chưa bao giờ trong suốt lịch sử đảng, đảng CS ở vào thế bị động và bị cô lập hơn bây giờ. Trong chiến tranh chống thực dân, đảng có nhiều lý do để vận động quần chúng, trong chiến tranh Việt Nam đảng có nhiều phương tiện để bưng tai bịt mắt nhân dân, nhưng trong cuộc tranh chiến tranh chống độc tài, nghèo nàn, lạc hậu hiện nay thì không. 

Quyền lợi của Đảng và quyền lợi của dân tộc về căn bản vốn mâu thuẫn, như TS Phan Đình Diệu nhấn mạnh “không dung hòa được” và đang dẫn đến điểm đối kháng, triệt tiêu. Ngày nay người dân Việt Nam đã thấy rằng, nguyên nhân của nghèo nàn lạc hậu, vật cản của phát triển kinh tế, con kỳ đà của hội nhập vào trào lưu dân chủ văn minh nhân loại không gì khác hơn là đảng Cộng Sản. Cách giải quyết, nói như bé Phương Uyên đảng CS phải “đi chết đi”, cuộc cách mạng dân chủ không còn xa xôi nữa. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo