Bàn thêm về chiến dịch Tôi Muốn Biết - Dân Làm Báo

Bàn thêm về chiến dịch Tôi Muốn Biết

Le Nguyen (Danlambao) - Đấu tranh giải trừ nạn tai cộng sản để ngăn chận họa Bắc thuộc đang đến gần, đấu tranh kết thúc chế độ độc tài cộng sản để thiết lập thể chế chính trị dân chủ văn minh, thực hiện tự do, dân chủ, nhân quyền theo chuẩn mực thế giới loài người tiến bộ thời hiện đại và lực lượng đấu tranh cho dân chủ đã trải qua nhiều chặng đường gian nan nhiều thử thách nhưng niềm tin chính nghĩa thắng gian tà không hề phai nhạt trong lòng con dân nòi Việt đang miệt mài dấn thân trên đường tranh đấu. 

Nhìn lại quá trình đấu tranh dân chủ cho Việt Nam của nhiều cá nhân, tổ chức chúng ta thấy đã có không ít làn sóng đấu tranh tích cực từ chủ trương kháng chiến bạo động đến bất bạo động của các cá nhân, tổ chức âm thầm lẫn công khai liên tục đấu tranh liên tục, không hề mệt mỏi, dù rằng kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đạt được như mong muốn - đó là kết thúc sự lãnh đạo độc quyền của đảng, của chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam.

Dù bất kể thành hay bại, những con người đã tiên phong hy sinh cuộc đời mình để đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do sẽ luôn có được chỗ đứng nhất định trong lịch sử dân tộc.

Gần đây, một trong nhiều phương thức đấu tranh đòi quyền công dân, đòi quyền làm người, chúng ta thấy nổi lên phong trào đòi quyền được biết với khẩu hiệu “Tôi muốn biết, Chúng Ta muốn biết...” do Mạng Lưới Blogger Việt Nam khởi xướng đã gây sôi động trong dư luận đấu tranh. Bên cạnh là những khuynh hướng ủng hộ lẫn phản bác, phê bình chỉ ra những điểm yếu của cách phát động đòi quyền được biết - một trong những quyền chính trị, dân sự căn bản của công dân trong một nước dân chủ văn minh thời hiện đại. 

Trước câu chuyện thời sự “quyền được biết”, chúng ta cần lược qua những ý kiến không tán thành, không ủng hộ phong trào đòi quyền được biết và ý kiến không ủng hộ không phải là số đông nhưng lý luận cũng có phần hợp lý, cần phải bàn thêm. Do đó để tránh trường hợp đối phương xâm nhập khai thác bất đồng, kích động gây phân hóa sức mạnh đấu tranh của lực lượng đấu tranh cho dân chủ, chúng ta cần chú ý, quan tâm giải mã những lập luận dễ gây tranh cãi, bất đồng đáng tiếc có thể xảy ra. 

Với những lập luận của một số ý kiến không hẳn không ủng hộ phong trào đòi quyền được biết mà có thiện chí đi xa hơn việc đòi quyền được biết của nhóm Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Theo chiều hướng này chúng ta thấy có những câu chữ  đề nghị tích cực như:

“...Xin cho biết là câu khẩu hiệu "Tôi muốn biết" là biết cái gì? Ai sẽ là người cho biết, cứ nói khơi khơi thì từ hồi nào đến giờ rất nhiều phong trào cuối cùng thì sao? Kẻ sứt đầu, người mẻ trán, kẻ khác vào hộp, rốt cuộc đâu lại vào đó. Hãy mạnh dạn, cương quyết, dứt khoát như bà con Dân Oan cầm khẩu hiệu "Chúng tôi phải được biết" chúng mới giật mình chút xíu, còn "chúng tôi muốn biết thì chờ 2020 sẽ biết thôi...”

Đọc những dòng trên không khó để nhận ra nỗi trăn trở, có phần bất bình của người bày tỏ cảm xúc trong dòng chữ có ý trách móc phong trào đòi quyền được biết. Tại sao chỉ là khẩu hiệu “tôi muốn biết” yếu quá! Sao không cương quyết, dứt khoát, mạnh mẽ như  dân oan “chúng tôi phải được biết”? 

Và một đề nghị khác, phải hành động mạnh mẽ hơn nữa là phải xuống đường, phải sẵn sàng đối đầu với công an, mới có được tự do, dân chủ, nhân quyền để không thành danh cũng thành nhân.

Ngoài ra có một số ý kiến đề nghị phải thay đổi khẩu hiệu quyền được biết với nội dung khẩu hiệu rõ ràng, dứt khoát, dễ hiểu hơn lẫn đề nghị phải có những hành động thiết thực cụ thể cho công cuộc đấu tranh chung như “...tiếp cập quần chúng, sát cánh đấu tranh cùng quần chúng mới đạt được kết quả...” với những dòng chữ nhiệt tình như sau:

“Ờ, chắc là không biết được cái phong trào này rồi sẽ đi về đâu, chịu thôi, chứ thực sự thì theo tôi nghĩ chắc là chẳng bao giờ thành hiện thực được đâu, đừng có mơ mộng hão huyền, ảo tưởng nữa, quay về thực tế một chút đi... Biết cũng chẳng để làm gì! Hãy tiếp cận quần chúng và sát cánh hành dộng. Phải sống và cùng quần chúng sát cánh tranh đấu cụ thể mới có kết quả được. Nông dân Dương Nội, chỉ một trăm người mà uy hiếp tà quyền phải dẹp bỏ cuộc triển lãm nhực nhả ngay tại Viện bảo tàng quốc gia Việt Cộng...”

Thêm một ý kiến khác  cho rằng “tôi muốn biết...” mông lung trừu tượng không giúp ích được gì cho đấu tranh giải trừ cộng sản, cho dân chủ nhân quyền và đề nghị viết lên khẩu hiệu dòng chữ “tôi không thích cộng sản” với lập luận như sau:

“...Tôi muốn biêt...! Quá mông lung và trừu tượng. Không thể dùng làm ý niệm cho người Việt trong nước để ủng hộ cho phong trào dân chủ, tự do hay chống cộng. Người Việt trong nước bị đàn áp bởi luật chống Đảng, chống Nhà nước. Vậy tại sao ta không thể tránh chống bằng từ KHÔNG THÍCH cho mọi người Việt trong nước dễ xài.. Nên phát động phong trào TÔI KHÔNG THÍCH CÔNG SẢN thay cho TÔI MUỐN BIẾT, như vậy có phải hay hơn và thực tế hơn.”

Những dòng chữ trích dẫn của các ý kiến góp ý với phong trào “quyền được biết” ở trên đều có ý tốt, tất cả đề nghị đều có chung một mong muốn là cho công cuộc đấu tranh giải trừ cộng sản mau đi đến thành công. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu thêm Mạng Lưới Blogger Việt Nam không phải là một tổ chức đấu tranh chính trị mà chỉ là phong trào quần chúng - một hội đoàn, đoàn thể xã hội. 

Thế cho nên, những đề nghị tốt đẹp có ý tưởng đấu tranh không khoan nhượng với độc tài toàn trị cộng sản, không nên để gió thoảng mây bay, nó phải được chính người đề nghị đi vào thực hiện tổ chức và hành động. Những ý tưởng tích cực trong hành động đấu tranh mang tính thách thức bạo quyền cộng sản không phải “nói cho vui” trên các diễn đàn công khai của báo lề dân và cần hiểu rằng những đề nghị phải có hành động mạnh mẽ, dứt khoát với những tên tay sai buôn dân bán nước, không phải là việc của cá nhân vô tổ chức mà nó là việc cần tổ chức chu đáo của một tổ chức, mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Thật ra nếu không nóng vội, giữ chút bình tỉnh với cái đầu lạnh, không khó để chúng ta nhận ra ưu điểm của nhóm khởi xướng phong trào đòi quyền được biết. Với khẩu hiệu “tôi muốn biết, chúng ta muốn biết...” tưởng chừng như bị cột vào nghĩa hẹp của khẩu hiệu nhưng đi vào phân tích khẩu hiệu “tôi muốn biết...” rất thoáng cho những hành động thực hiện mục tiêu đấu tranh của các tổ chức đấu tranh chính trị và có những lợi thế nhất định như sau: 

Một là khẩu hiệu “Tôi muốn biết...” tuy không đòi biết điều gì cụ thể nhưng lại là ưu điểm của việc đòi quyền được biết cho bất cứ ai, bất cứ thành phần xã hội nào cũng có thể lên tiếng đòi quyền được biết cho quyền lợi thuộc tầng lớp của mình - từ công nhân, nông dân, tiểu thương, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, luật sư...cho đến đảng viên đảng cộng sản. 

Hai là công khai đòi quyền được biết là quyền tự do lựa chọn cách đấu tranh của mọi cá nhân và cầm khẩu hiệu tôi muốn biết tung lên mạng hay ở nơi công cộng, cũng là cách thu hút lực lượng an ninh mật vụ để tạo khoảng trống “rộng” cho những cá nhân, tổ chức không đấu tranh công khai thực hiện tổ chức những công tác bí mật có tính quyết định trong cuộc đấu tranh kết thúc độc tài cộng sản.

Ba là khẩu hiệu “tôi muốn biết, chúng tôi muốn biết...”phù hợp với phương thức đấu tranh của thế giới loài người văn minh thời hiện đại và đấu tranh đòi quyền được biết dễ tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước dân chủ, tiến bộ trong cộng đồng nhân loại. Nếu đấu tranh công khai đòi quyền được biết bị ngăn chận, đàn áp sẽ tố cáo sự vi phạm quyền của người dân và đó cũng là cách bao vây, cô lập làm suy yếu cộng sản Việt Nam trên chính trường quốc tế...

Nhìn chung phong trào đòi quyền được biết là sáng kiến độc đáo của nhóm chủ trương phát động phong trào. Quyền được biết là môi trường thuận lợi để các cá nhân đấu tranh cho dân chủ còn bị quản chế có diễn đàn đủ rộng để bày tỏ thái độ, lập trường đấu tranh, và các cá nhân chưa đấu tranh công khai nằm trong tầm ngắm của công an mật vụ lẫn những cá nhân trong bóng tối bước ra ánh sáng chọn thái độ đấu tranh công khai. Quyền được biết cũng là phương tiện chuyển tải thông tin để mọi thành phần xã hội lên tiếng đòi lại quyền của mình, nó là bước đệm để toàn dân Việt Nam đòi lại quyền căn bản của mọi con người sinh đều được hưởng, là quyền tự do, quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. 

Nhìn rộng hơn, xa hơn phong trào đòi quyền được biết hiện nay và nhìn lùi lại môi trường đấu tranh của mười năm về trước của những cá nhân, tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền và thử làm cuộc so sánh của đấu tranh bạo động và bất bạo động chúng ta thấy có những kết quả sau: 

Về bạo động có vụ nổ súng của đại gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn chống lại lệnh cưỡng chế  ao đầm nuôi trồng thủy sản của chính quyền Tiên Lãng, Hải phòng. Việc nông dân Đặng Ngọc Viết bắn các quan chức phụ trách quỹ đất tỉnh Thái Bình liên quan đến việc thu hồi, đền bù giải toả đất. Nguyễn Viết Trương cho nổ bom nhằm mưu sát giám đốc công an tỉnh Khánh Hòa vì cho rằng ông này là thủ phạm gây ra những bất công đối với đương sự… Tất cả những vụ việc sử dụng bạo lực chống lại bạo quyền chỉ nằm ở đó và cho đến nay chúng ta chỉ nghe cổ vũ, hô hào ‘đối đầu bạo lực’ với Việt Cộng chứ chưa có bất cứ một tổ chức nào được thành lập để có thể đương đầu với bọn cường hào, ác bá trong bộ máy đảng, nhà nước.

Về bất bạo động đã có nhiều lượt cá nhân đấu tranh lần lượt vào tù nhưng độc tài cộng sản vẫn không dập tắt được khát vọng tự do, dân chủ của người dân Việt Nam. Lớp trước vào tù thì lớp sau lì lợm hơn, hiên ngang tiến lên sẵn sàng bước vào tù cho lý tưởng tự do dân chủ, cho quyền làm người của dân tộc việt Nam. Hơn mười năm trước, từ việc chuyển tin biểu tình của dân oan ra hải ngoại của ông cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn đến việc dịch, phổ biến bài viết Thế Nào Là Dân Chủ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, đã bị ghép tội làm gián điệp, kêu án nhiều năm tù và bây giờ đã có nhiều khác biệt. 

Ngày nay, qua sự đấu tranh bền bỉ không lùi bước của nhiều thế hệ đấu tranh, những lực lượng đấu tranh cho dân chủ đã đạt được những kết quả nhất định giúp cho môi trường đấu tranh rộng hơn, thoáng hơn. Nhất là những bài viết của nhiều tác giả sống ở trong nước vạch trần bộ mặt của bác đảng hay nhiều cá nhân tiếp cận các quan chức ngoại giao ở tổng lãnh sự, tòa đại sứ đặt ở Việt Nam hoặc ra điều trần về tình trạng nhân quyền ở quốc hội các nước dân chủ, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc thách thức bạo quyền cộng sản nhưng chúng vẫn không dám vô cớ bắt bớ ghép tội, kêu án nặng nề như mười năm trước đây...

Tất cả những thành quả đấu tranh đạt được của ngày hôm nay là do sự hy sinh, đóng góp máu xương, công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ đấu tranh trong, ngoài nước và phong trào đòi quyền được biết là một nổ lực khác của một tổ chức xã hội dân sự đấu tranh đòi quyền được biết của nguời dân Việt Nam. 

Nếu quyền được biết “tôi muốn biết, chúng ta muốn biết...” được vận dụng đúng mức và kết hợp với việc tiến hành các hoạt động bí mật thì việc kết thúc chế độ độc tài cộng sản không còn như ai đó mánh khóe nói “mộng mị dân chủ”. Việc thực hiện các công tác bí mật phải chính là những người đề nghị đứng ra thực hiện tổ chức, hành động chứ không nên đòi hỏi hay chờ ai đó làm thay và không nên đòi hỏi nhiều ở một đoàn thể xã hội đấu tranh như một tổ chức chính trị, đảng phái chính trị.

Le Nguyen
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo