Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Vùng kinh tế mới - Dân Làm Báo

Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Vùng kinh tế mới

Nguyệt Anh (Danlambao) - Vào một đêm không trăng, không sao, chính quyền mới - Cộng Sản, tự phong mình là đỉnh cao trí tuệ, họ đã nghĩ ra một quái chiêu - cướp nhà.

Họ đã xuất chiêu. Gia đình tôi đã lãnh đủ, chúng tôi không được chọn lựa ở trong nhà của mình, trong lúc ba tôi đi học cải tạo. Chị em tôi phải xếp bút nghiên theo diện cha con. Gia tài của chúng tôi - nồi niêu xoong chảo và mấy bộ quần áo còn sót lại, sau khi gia đình tôi bị bắt vì vượt biên vào mùa hè năm 1977.

Long Tân là vùng kinh tế cách Sài Gòn khoảng 60 cây số. Khu kinh tế này gồm 5 xã. Mỗi xã có chữ Long, Long Nguyên, Long Chiểu, Long Bình, Long Hòa, Long Tân nằm trong vùng sâu cách đường chính khoảng 5 cây số. Đây là vùng kinh tế gia đình tôi được chọn.

Long đâu chưa thấy, nhưng thấy dòng họ bò - rắn rít, bồ cạp. Lần đầu tiên chị em chúng tôi được sống trong mái nhà tranh, không phải hai quả tim vàng mà đến tám quả tim đỏ. Chúng tôi đã trồng cây trái chung quanh nhà, ngõ hầu cải thiện cuộc sống, nhưng ít được thưởng thức cây nhà lá vườn, vì có nhiều toán đạo tặc tuần hành, ngày cũng như đêm. Điện không có đã đành, nhưng nước cũng không, mỗi ngày có tiếng kẻng là biết giờ đi lấy nước, hoặc giờ đi lao động. Gia đình tôi đến sau vài tháng nên rất bỡ ngỡ. Cũng may hàng xóm rất tử tế.

Xã Long Tân chia làm bốn đội, bên phải gồm có: Đội Một và Đội Ba, bên trái có Đội Hai và Đội Bốn. Gia đình tôi ở bên phải, gồm đầy đủ thành phần trong xã hội, lúc đầu có nhiều giai nhân và tài tử, họ biết ngâm thơ, và đàn hát rất hay, do đó nỗi buồn cũng vơi đi ít nhiều sau những ngày lao động. Nhưng nào ai có giữ những niềm vui hiếm hoi trong những ngày sống kiếp người ở thiên đường xã hội. Chúng tôi phải tìm đường thoát thân hơn là cứu nước.

Không biết chuyện hư thật như thế nào, nhà nhà trồng sả, nếu rắn bị đi lạc, có bụi sả làm bùa hộ mạng, nhiều người giải thích rắn không ưa mùi vị của sả, hơn nữa lá sả bén hơn con dao. Và nhà nào cũng có một chai rượu ngâm với bò cạp cộng thêm rắn rít để làm thuốc khi trái nắng trở trời. Cái thời kỳ chỉ có Xuyên Tâm Liên là thần dược. Bò cạp, giống như người bạn của mình, đôi khi cùng ăn, cùng ngủ, nửa đêm phản bội chích cho một phát để trả thù vì cái tội xâm lấn đất đai của tổ tiên. Hầu như ai cũng bị một lần, hoặc nhiều lần để biết thú thương đau. Tôi bị sốt cả tuần bị nó chơi đểu, gặp trúng bồ cạp lửa.

Có lần em tôi bị rắn cắn nơi cánh tay. Tôi vội cấp cứu sơ đẳng, và dùng rượu của hàng xóm cho để uống, nhưng tay nó to như bắp vế, vì thế tôi phải thuê xe đạp thồ chở nó ra huyện Bến Cát, khoảng cách hơn 10 cây số nhưng phải mất hơn 2 giờ vì đường xá toàn ổ voi. Vào thời đó, xe đò chạy bằng than, đến Sài Gòn ai cũng thành mọi đen. Tôi nói về trường hợp của con em, người nhà vội vàng lấy ống kim hút chất độc nơi bị rắn cắn và cho uống trụ sinh, không biết em tôi may mắn vì uống trụ sinh hay vì rắn không độc, hoặc là rượu rắn? 

Khi có dịp về Sài Gòn là vui rồi, vì tôi đã thấy đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, nhìn ánh đèn điện vào ban đêm, không phải là ngọn đèn dầu le lói chỉ được thấp lên khi ăn cơm trên vùng kinh tế mới, được đi nhà thờ vào ngày Chúa nhật, được nghe đài địch (BBC và VOA) được ăn cơm trắng, có thêm cá và thịt. Tôi biết người quen phải ăn ít hơn, để chúng tôi có hương vị này. Và xin có lời tri ân gia đình ân nhân đã cho chị em tôi những phút giây hạnh phúc, ngọt ngào và ấm áp tình người trong những ngày ba tôi đi cải tạo.

Ở Long Tân có nhiều chuyện lạ, đến bây giờ gần 40 năm, khi nhớ lại như chuyện của hôm qua và hôm nay. Ông bí thư xã tên Nguyễn Bá Ngộ, mà ông này ngộ thiệt, bỏ bà vợ người Bắc lúc đi tập kết, lấy vợ của ông sĩ quan, dù nàng đã có hai con và một ông chồng đang đi cải tạo, sau này họ có thêm một đứa con trai đặt tên của cái xã này. Không biết ông bí thư này, vì lòng thương hại gia đình tôi - một bầy con gái 5 đứa, ốm như như cây tăm, hai thằng em, tuổi vừa lên 10 và 12, hay vì một lý do gì khác…? Vì thế nên tôi ít phải vác cuốc đi lao động tập thể, lại được dạy bình dân cho các ông cán bộ và các em nhỏ vào buổi tối, sau đó được đi học kế hoạch, kế toán, và giáo viên, nhưng chưa bao giờ được làm nhân viên, có lẽ vì cái lý lịch của gia đình. Sau cùng ông bí thư bỏ chức vụ, để tổ chức đi vượt biên, hết ở Sài Gòn, lại đến Bạc Liêu, lần nào có chuyến là tôi được cho đi ké, nhưng chưa bao giờ đặt chân xuống tàu, cũng may là chưa bị bắt.

Ở xã có hai ông Thành rất đặc biệt, ông bị lé - làm chủ tịch, nhưng phải đi học bình dân, còn ông kia bị mù, nhưng lại thông thái theo người ta nói. Bởi vì ông ta cố vấn từ chuyện dựng vợ gã chồng đến việc buôn bán và vượt biên. Đây là thời vàng son của cái nghề bói toán. Ông ta hay dùng đồng xu để bói cho những quẻ cấp bách. Đến bây giờ ngồi gõ những dòng chữ này, tôi không biết bao nhiêu người được đến miền đất tự do? Tôi thường đem những chuyện đất nước ra hỏi, vì ông là thầy bói, ngu gì không hỏi, nếu như mình có dịp. Ví dụ tại sao "Miền Nam có chính nghĩa, nhưng lại mất về tay Cộng Sản". Ông ta giải thích vì tổ tiên của chúng ta đã cướp đất của người Chiêm Thành nên phải nhận quả báo. Ông thường giải thích về luật nhân quả và cung phúc đức trong khoa tử vi khi bị bí. Nhà ông lúc nào cũng đông khách. Vì cái thới kỳ "cái trụ đèn biết đi cũng đi"

Cái đói và bịnh hoạn là nỗi sợ hãi cho tất cả mọi người ở vùng kinh tế, người dân trốn về Sài Gòn nếu như họ còn gia đình. Chỉ có những gia đình không còn nơi để về, phải chọn nơi này làm quê hương, nhưng họ phải cố gắng làm việc hơn súc vật, để không ăn bo bo hàng ngày. Tôi nhớ nhất có lần ăn khoai mì với muối ớt, chỉ ước mong một chút mỡ hành để thêm mùi vị, ông hàng xóm phán một câu: "Mỡ hành ăn với mạt cưa cũng ngon, đừng nói ăn với khoai mì."

Để xã Long Tân khỏi bị xóa tên trên bản đồ hình chữ S, chính quyền không có cách nào khác - làm ngơ cho người dân muốn làm gì thì làm, miễn đừng phá chính quyền là họ mừng rồi, vì thế rừng là nạn nhân đầu tiên, từ cây cao đến cây thấp, bị đốn để làm than củi. Cũng nhờ than củi ở các vùng kinh tế mà dân Sài Gòn không phải lao đao về nhiên liệu.

Có những cái chết ám ảnh tôi suốt đời, bé An Bình, con của ông giáo sư Trọng. Đi làm lao động tập thể, thấy con cóc, ông vội vã chụp nó, mang về nấu cháo cho con gái vừa lên ba tuổi đang bịnh. Vì sơ ý, không biết chức năng của cái mật này. Nên cô bé chết tức thì, vừa ăn xong tô cháo. Cũng may thằng anh có sức, ăn ít hơn nó được cứu kịp thời bởi y tá kiêm bà mụ thời xưa. Ôi! Cái thời kỳ con gì cũng ăn, trừ con bulon.

Cái chết thứ hai - giáo viên tên Dung, vì nghi ngờ ăn cắp tiền, cô giáo bị đem ra đấu tố không thương biết bởi các đồng nghiệp của mình, người yêu cũng không dám biện hộ, cuối cùng phải dùng mạng sống để minh oan. Nói chung có nhiều cái chết thật là oan uổng trên vùng kinh tế mới. Nhưng đây là cái chết của một cô giáo con của Việt Cộng, phải trả giá cho cái cơ chế chỉ có bầy đàn.

Ở vùng kinh tế có những cái chết rất thương tâm, nhưng khi tôi trốn về Nha Trang tìm đường đi vượt biên, có nhiều cái chết cũng đáng ưu tư hơn ở trên rừng rú. Cái chết đầu tiên tôi chứng kiến, một chàng trai không được thi vào đại học, nhảy từ trên lầu hai xuống, bể sọ, tại đường Hoàng văn Thụ, bởi lý lịch con ngụy nguyền. Cái chết thứ hai của ông sư tự thiêu tại chùa Nghĩa Phương, đường Phan Chu Trinh, cách nhà tôi ở khoảng hơn 10 mét. Vào lúc lúc 5 giờ sáng chưa kịp đi tắm biển, tôi đã thấy khói đen từ ngôi chùa tỏa ra, có tiếng xầm xì và công an đã đến kịp thời phong tỏa khu phố, thế là tôi được dịp nghe các bà chợ trời kể chuyện, dĩ nhiên một trời câu chuyện. Tại sao ông thầy sư phải tự thiêu tại Nha Trang? Trong khi ông ở Sài Gòn v.v..v...

Nhớ nhất chị Lạc chợ trời, cái nghề này rất thịnh vào những ngày không còn tiếng súng trên quê hương. Hầu như nhà nào cũng mang những vật dụng rất cần thiết, nhưng phải bán đi để nuôi cái bao tử. Khu phố nhà tôi đang ở là đất lành cho các bà, nếu thấy công an thì chạy vô chùa để trốn hay để đi tu năm phút, hoặc chạy vô đường hẻm Hoàng văn Thụ, Phan Chu Trinh là an toàn, đôi khi bí quá cũng núp trong hiên nhà tôi. Nhưng một ngày tháng năm xui, chị Lạc bị tóm bởi công an, vì nghi ngờ tiêu thụ hàng gian, chị được nhốt trong Cát sô.Vừa bước vào chị đã ngửi mùi tử khí, và la làng, la xóm, nhưng xóm làng ở xa, công an ở gần nhưng tai bị điếc. Đến khi công an mở cửa dẫn đi cung, chị đã bất tỉnh, đồng thời mới phát hiện xác chết. Chị được tại ngoại vô điều kiện.

Trong thời gian ở Nha Trang chờ đi vượt biên, tôi luôn thủ sẳn một lon guygo đường cát trộn với chanh tươi, cộng thêm một ký khoai lang dẻo làm hành trang, nếu có người réo một tiếng là lên đường. Người tổ chức vượt biên thường chọn vào những ngày cận Tết, dễ dàng cho việc đi đứng, nếu lỡ có bị công an hỏi thì nói: "dịp Tết tôi về quê thăm bà con họ hàng, mồ mả ông bà cha mẹ…", nhất là phải chuẩn bị những cái tên ở nơi mà mình sẽ đến.

Không biết có ai giống tôi không? Lúc ngủ phải mang sợi xích nhẹ nhàng, không giống như dây xích của người tù Papillon. Nửa đêm công an có xét hộ khẩu, người nhà ở dưới kéo sợi dây báo hiệu, tôi phải tỉnh ngủ, chạy xuống lầu nhẹ nhàng như con mèo và vội vã trèo lên balcon để trốn. Có lần công an nghi ngờ ra phía sau bếp để kiểm tra, nhưng tôi đang đứng trên đầu họ. Có lẽ Chúa mẹ che chở, mắt họ bị mù tạm thời nên không thấy tôi.

Mình tính không bằng trời tính. Vì thế tôi đã bị bắt ở Ninh Hòa trên núi Hòn Hèo vào năm con chuột: "Tôi đi vào tù đầu năm Giáp Tý một chín tám tư, khi đi vào tù, tay sách giỏ lát tay ôm mùng mền.Vào trại giam tôi thấy bâng khâng ngỡ ngàng, nước mắt rưng rưng hai hàng…" Nhại bài hát Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng.

Qua những sự kiện xảy ra ở Việt Nam, năm ngoái giàn khoan HD 918 và hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam ra đời, cũng như nhiều hội thành lập mà không cần xin phép chính quyền, năm nay công an đã đập phá và đánh giáo dân ở nhà Đồng Yên, Hà Tỉnh. Tôi tin rằng sẽ có sự chuyển biến về cái cơ chế này trong tương lai gần đây. Nhà triết học người Pháp, Jean-Jacques Rousseau sinh vào thế kỷ 18 có viết trong cuồn Khế Ước Xã Hội: "Le corps politique, aussi bien que le corps de l’homme, commence à mourir dès sa naissance et port en lui-même les causes de sa destruction. Ainsi le tyran peut n’être pas despose, mais le despote est toujour tyran".Tạm dịch là "Cơ chế chính trị cũng giống như cơ thể con người, nghĩa là có sinh và có tử. Trước khi chết thường có những triệu chứng để báo hiệu ngày tàn sắp đến. Chế độc tài có thể độc quyền, nhưng chế độ độc quyền luôn luôn là kẻ độc tài." 



________________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo