Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - "The United States of America is the most powerful nation on Earth. Period.” - President Obama, States of Union Address.
“Hoa Kỳ là một quốc gia mạnh nhất trên thế giới! Khỏi cần bàn cãi!” - Đó là lời khẳng định của Tổng Thống Obama trong bài diễn văn của ông đọc trước Quốc Hội vào ngày 13 tháng Giêng năm nay.
Mười bảy ngày sau đó, ông chứng mình điều này bằng cách cho chiến hạm USS Curtis Wilbur lủi thẳng vào vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Cộng đã cưỡng chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa hơn 42 năm mà cộng động thế giới đã lặng im không phản đối.
Quyết định này của Tổng Thống Obama khẳng định Hoa Kỳ không thừa nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Hoàng Sa.
Ông Obama có lẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên chính thức phủ nhận chủ quyền của Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa. Mọi người dễ dàng nhận thấy rằng quyết định của Tổng Thống Obama báo hiệu cho thấy Hoa Kỳ bắt đầu mở lại hồ sơ mà mọi người tưởng đã đi vào quên lãng. Đó là hồ sơ về Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa.
Trung Cộng bẽ bàng trước hành động này vì Trung Cộng vẫn nghĩ rằng Hoa Kỳ cần phải tôn trọng thỏa ước giữa Chu Ân Lai với Henry Kissinger vào thập niên 1970, mà trong đó có việc nhắm mắt làm ngơ để Trung Công tiến chiếm trái phép quần đảo này.
Vào 19 tháng Giêng năm 1974, Hải-quân Việt Nam Cộng Hòa theo lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khai hỏa phản công sự lấn hiếp của Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa. Dù Hải-quân Việt Nam Cộng Hòa thiệt hại nặng nhưng Hải-quân Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ không can thiệp khi thấy đồng minh của mình bị Cộng Sản tấn công.
Không những thế, để đưa ra một tín hiệu rõ rệt hơn cho Trung Cộng về việc tuân thủ cam kết thỏa ước giữa Chu ân Lai và Henry Kisinger, Hạm Đội Bảy của Hoa Kỳ được lệnh di dời xa hơn vùng có giao tranh giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng.
Đơn giản là nếu Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc chiến Hoàng Sa thì coi như mọi cam kết hứa hẹn của Henry Kissinger với Tàu Cộng sẽ bị đổ vỡ hết.
Tiến xa hơn nữa trong quyết tâm hợp tác với Trung Cộng của Henry Kissinger, Hoa Kỳ đã nhắn nhủ đến phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa là về tài khóa viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa năm 1974-1975 sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng với cái cớ ngụy tạo là tình hình chính trị tại Hoa Thịnh Đốn đang bất lợi.
Nói một cách khác, nếu Tổng Thống Thiệu vẫn tiếp tục tiến hành đối sách phản công với đầy đủ các binh chủng từ Hải-quân đến Không-quân lẫn Thủy-quân Lục-Chiến để đẩy Trung Cộng vào thảm bại hoàn toàn tại Hoàng Sa thì đất nước của ông phải đối đầu với cả vừa lực lượng Cộng Sản Bắc Việt trên bộ lẫn Trung Cộng ngoài hải phận một mình. Mọi thiếu hụt về quân sự sau đó sẽ không được bổ sung viện trợ nếu Tổng thống Thiệu tiếp tục kế hoạch phản công chiếm lại Hoàng Sa.
Cho nên có thể nói sự o ép nặng nề mà Hoa Kỳ dành cho Tổng Thống Thiệu, buộc ông phải bãi bỏ lệnh phản kích chiếm lại quần đảo Hoàng Sa là ngầm ý cho thấy Hoa Kỳ hiểu rõ kể hoạch tính toán của Tổng Thống Thiệu khi ông muốn dùng trận hải chiến Hoàng Sa để cố phá vỡ thỏa ước giữa Chu Ân Lai và Henry Kissinger, vốn chỉ đem đến quá nhiều tang thương thiệt thòi cho Việt Nam Cộng Hòa.
Đó cũng là lý do tại sao mà ngày hôm nay, Trung Cộng nổi giận tột độ trước manh nha "trở mặt" đi ngược lại với cam kết thỏa ước của Henry Kissinger với Tàu Cộng năm xưa.
Trung Cộng dứt khoát không chấp nhận Hoa Kỳ ỷ mạnh muốn nuốt lời, bèn đưa dàn hỏa tiển Địa Đối Không HQ 9 ra đảo Phú Lâm như tỏ thái độ cương quyết chiếm giữ phần lời theo cam kết thỏa ước ngày trước giữa hai nước khi bắt đầu nối lại bang giao.
Đây chỉ là một hành động mang tính tượng trưng bày tỏ quyết tâm phản kháng của Trung Cộng trước manh nha xé bỏ thỏa ước năm xưa bởi dàn hỏa tiển HQ-9, dù có hung hiểm đến đâu nhưng lẻ loi cũng chẳng có thể nào đối phó nổi hỏa lực của cả hai Hạm Đội Bảy và Năm của Hoa Kỳ tại biển Đông.
Mặc dù có nhiều phân tích ồn ào trên truyền thông cho rằng đối sách của Tổng Thống Obama không ngăn cản được sự hung hăng của Trung Cộng tại biển Đông và sự tuần tra quần đảo Hoàng Sa bị phản tác dụng nhưng thật ra, thời điểm mà Hoa Kỳ quyết định tuần tra quần đảo Hoàng Sa rõ ràng có tính toán mà những phân tích gia cố tình vờ đi không đề cập đến.
Căn bản của sự tính toán là mọi hoạt động sức ép quân sự tại biển Đông của Hoa Kỳ phải dựa trên sự phân tích tình báo kỹ lưỡng về tình hình nội bộ của Trung Cộng.
Trên thực tế, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đang phải đối phó với một nguy cơ đang hiện rõ dần: đó là nguy cơ đảo chánh.
Vụ nổ tại cảng Thiên Tân vào tháng Tám năm ngoái làm trên 158 người bị tử thương cảnh báo cho thấy nguy cơ họ Tập sẽ bị đảo chánh đang ngày càng rõ rệt, không còn là lời đồn đại nữa.
Chính sách "đã hổ diệt ruồi" nhằm thâu tóm quyền lực của họ Tập đang ngày càng trở nên phản tác dụng và đẩy quân đội đứng giữa những tranh chấp quyền lực khốc liệt tại trung ương Cộng đảng Trung Quốc, dẫn đến những thanh trừng lan tràn sang cả trong hàng ngũ tướng lãnh của quân đội khiến nội bộ quân đội Trung Cộng vì thế cũng đang hết sức lủng củng và rối loạn.
Cái chết của Phó Chủ Tịch Quân-ủy Trung ương, tướng Từ Tài Hậu vào 16 tháng Ba năm ngoái do bị thanh trừng mà truyền thông Trung Cộng bảo là bị ung thư khi còn trong vòng giam giữ điểu tra tham nhũng chỉ khiến hàng ngũ tướng lãnh quân đội lúc nào cũng phải cảnh giác mạng sống của mình trước họ Tập.
Hơn mười sáu tướng lãnh khác đồng loạt bị công bố thanh trừng vào tháng Giêng năm ngoái càng cho thấy quân đội bị khủng hoảng nội bộ trầm trọng và sự thanh trừng của họ Tập đối với quân đội không có dấu hiệu sẽ dừng lại ở danh sách mười sáu vị tướng lãnh này.
Họ Tập cố gia tăng quyền kiểm soát của mình lên quân đội thông qua thanh trừng thì đương nhiên, giới tướng lãnh sớm hay muộn cũng cần phải có đối sách để đảm bảo mạng sống của mình. Trải qua thanh trừng suốt năm 2015, nội bộ tướng lãnh của Trung Cộng trong bộ Quốc Phòng có quá nhiều thay đổi và rối ren vỡ nát. Trong tình huống như thế mà họ Tập lại phải miễn cưỡng gia tăng căng thẳng quân sự tại biển Hoàng Sa với Hoa Kỳ vào đầu năm nay thì chẳng khác nào họ Tập tự lâm vào cảnh thiên la địa võng do bị nội công ngoại kích ?!
Cũng có ý kiến cho rằng việc gây căng thẳng quân sự tại biển Đông sẽ giúp họ Tập đoàn kết quân đội và làm mọi người quên đi nổi sợ bị thanh trừng nhưng đó là khi nào mà hàng ngũ tướng lãnh thật sự nhìn thấy đất nước bị tấn công. Đàng này, Hoa Kỳ chỉ nhấp cờ dí chốt gia tăng áp lực quân sự thì chỉ khiến họ Tập thêm khốn khó khi đối phó với nguy cơ đảo chánh ngày một rõ mà thôi vì chẳng có tướng lãnh nào muốn tận tụy cho vinh quang và tham vọng của riêng họ Tập tại biển Đông cả.
Hòa hoãn với Hoa Kỳ như thời Giang Trạch Dân và né tránh thanh trừng là hai mục tiêu hàng đầu của các sĩ quan tướng lãnh cao cấp trong quân đội Trung Cộng hiện nay. Cho nên động binh gây căng thẳng với Hoa Kỳ tại Hoàng Sa chỉ khiến nội bộ các tướng lãnh cao cấp thêm bất mãn và lo lắng mà thôi.
Ngoài ra, sang đến năm nay, khủng hoảng kinh tế tại Trung Cộng đã đến hồi nguy hại cho an ninh chính trị của Bắc Kinh khi mà hầu hết các tập đoàn kinh tế quốc doanh điều bị vỡ nợ cũng như nền tài chánh bị chảy máu ngoại tệ quá nghiêm trọng, trên cả ngàn tỷ Mỹ kim vào năm ngoái. Trong bối cảnh như thế, thì sự căng thẳng quân sự với Hoa Kỳ tại Hoàng Sa từ năm nay chỉ khiến sự bất an lo lắng về kinh tế trong xã hội Trung Quốc tăng thêm. Hoa Kỳ dù sao, vẫn là cứu cánh kinh tế cần thiết cho Trung Quốc.
Nếu Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã làm cho kinh tế Liên Xô kiệt quệ để rồi lần hồi dẫn đến rối loạn chính trị sụp đổ vào năm 1991 thì Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa ngày hôm nay cũng sẽ thúc đẩy Trung Cộng lâm vào tình thế xáo trộn nội bộ cũng như suy kiệt kinh tế nhanh hơn để rồi chủ nghĩa Cộng Sản tiêu ma tận gốc tận rễ tại châu Á.