Công đoàn nhà nước đã làm gì cho công nhân? - Dân Làm Báo

Công đoàn nhà nước đã làm gì cho công nhân?

PTLDV (Danlambao) - Những ngày vừa qua, khu công nghiệp Bắc Vinh, Nghệ An đang nóng lên với sự kiện hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Matrix tổ chức đình công do bức xúc trước điều kiện lẫn quy định làm việc không thỏa đáng của công ty.

Cho rằng định mức sản phẩm mà công ty yêu cầu không rõ ràng và thích hợp, áp lực công việc quá lớn trong khi điều kiện vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi của công nhân không được bảo đảm, cùng với các chế độ về lương thưởng và thái độ của các quản đốc không đúng mực đã khiến công nhân (chủ yếu là nữ) tổ chức đình công yêu cầu giới chủ phải đáp ứng một bản kiến nghị gồm 12 điều xuất phát từ các vấn đề nói trên. 

Được biết, trước sức ép của công nhân, phía đại diện của công đoàn và ban lãnh đạo của công ty hứa sẽ giải quyết một số yêu cầu của công nhân nhưng do các thỏa thuận này chưa được công nhân đồng tình nên cuộc đình công lại tiếp tục kéo dài. Qua 4 ngày tổ chức đình công (từ ngày 3/10/2016 đến ngày 6/10/2016) công nhân công ty TNHH Matrix đồng ý quay trở lại làm việc sau nhiều cuộc đối thoại và thỏa thuận giữa 2 bên. Về sự kiện vừa qua, chúng tôi cũng xin nói thêm rằng:

Đình công là một trong các quyền của công nhân được quy định trong “Bộ luật lao động”. “Bộ luật lao động” ra đời ngày 22 tháng 6 năm 1994 đã quy định về vai trò của công đoàn nhà nước trong việc tổ chức đình công đòi quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên điều kỳ lạ là kể từ đó tới nay đã xảy ra hơn 5500 cuộc đình công đòi quyền lợi của người lao động trên cả nước nhưng chưa hề có một cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Cuộc đình công vừa qua tại công ty TNHH Matrix cũng đã là lần đình công thứ 3 của công nhân tại công ty này, là một cuộc đình công tự phát do quyền lợi của công nhân ở đây đã không được đảm bảo trong suốt mấy năm qua. Thậm chí khi cuộc đình công diễn ra đến ngày thứ 3, phía công đoàn cũng kết hợp với ban lãnh đạo của công ty Matrix để đàm phán với công nhân, tuy nhiên công nhân đã không chấp nhận vì yêu cầu chưa thỏa đáng. Vụ việc này cho thấy những người công nhân nơi đây đã và đang có tiếng nói riêng của mình, hoàn toàn độc lập với công đoàn nhà nước hiện nay.

Liên hệ với các cuộc đình công đã xảy ra từ trước tới giờ, công đoàn nhà nước hầu hết đều đứng ra giống như một đơn vị trung gian hòa giải chứ không hề có tiếng nói giống như một “đại diện của công nhân”, điển hình trong vụ đình công tại công ty giày da Mỹ Phong năm 2008 do sự bức xúc của công nhân về việc bị cắt tiền lương, thưởng và sự xúc phạm của giới chủ người Trung Quốc với các nữ công nhân Việt Nam cũng là do một tổ chức xã hội dân sự độc lập là “Phong Trào Lao Động Việt” đứng ra giúp đỡ công nhân tổ chức và đại diện của hơn 10000 công nhân cũng không phải là người thuộc công đoàn nhà nước.

Vậy nguyên nhân vì sao một tổ chức hợp pháp được thành lập với vai trò là tiếng nói đại diện cho người lao động lại tỏ ra bất lực trong việc thay mặt và bảo vệ cho người lao động đến như vậy?

Đó là do ngay từ khi ra đời “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” đã ghi rõ trong phần chức năng và nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn là: “Công đoàn hoạt động không thể thiếu sự lãnh đạo của Đảng...” đồng thời tuy công đoàn tuyên bố đường lối độc lập nhằm bảo vệ người lao động nhưng trong phần chức năng nhiệm vụ lại ghi rõ: “không được đồng nhất tính độc lập về mặt tổ chức của Công đoàn với sự “biệt lập”, “trung lập”, “đối lập”, “tách biệt” của Công đoàn với Đảng dẫn đến xa rời sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn...” và trong điều 4, khoản 1 “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” lại ghi rõ đảng CSVN chính là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vậy khi công nhân bị chính các điều khoản do nhà nước ban hành o ép thì liệu “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” có “dám” đứng ra đại diện mà đấu tranh cho họ hay không?

Mặt khác cán bộ thuộc Công đoàn nhà nước lại là người làm công ăn lương như bao người lao động khác và cơ sở hoạt động trong các trụ sở là do các doanh nghiệp cấp cho mà lại đi đại diện cho công nhân để đấu tranh với chính giới chủ doanh nghiệp liệu có phải là một nghịch lý quá lớn hay không?

Câu trả lời chúng tôi xin dành cho các bạn đọc.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo