Trần Nhật Phong (Danlambao) - Chưa có quốc gia nào trên thế giới trở nên cường mạnh mà thiếu vắng sự tôn trọng với nền văn hóa cũ, kể cả Cộng Sản Trung Quốc “thần tượng” của cộng sản Việt Nam, đó là lý do tại sao tôi vẫn thường nói chính Cộng Sản Việt Nam đang “giết” sự cai trị của họ vì thù hận và “dốt nát”.
*
Tôi vốn cũng đã từng một thời mê đọc các tác phẩm Kiếm Hiệp của Kim Dung và Cổ Long, hai người được xem là những nhà văn lớn của Hong Kong và Đài Loan ở thế kỷ trước.
Kim Dung viết truyện Kiếm Hiệp dựa trên lịch sử và luôn hướng người đọc có cái nhìn toàn diện về xã hội, đề cao tinh thần dân tộc và luôn có những thông điệp bài ngoại.
Trong khi Cổ Long thì luôn “đào sâu” về nội tâm của con người, những cá tánh được xem là “lạ lùng” của các nhân vật tạo nên sự khác biệt quan điểm của nhiều thành trong xã hội, đa phần các thông điệp mà ông đưa ra, đều dẫn dắt người đọc lần mò trong sự rộng lớn của tư duy con người, nơi mà cái đúng và sai luôn thay đổi vị trí liên tục.
Cả hai nhà văn lớn này đều xuất thân từ Trung Hoa Lục Địa, Kim Dung chọn Hong Kong làm nơi phát triển, còn Cổ Long thì gia đình theo Tưởng Giới Thạch chạy đến Đài Loan khi Mao Trạch Đông thống nhất Trung Quốc.
Khi Kim Dung viết ra những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông ở thập niên 60 thế kỷ trước, thì Hong Kong vẫn nằm dưới sự quản lý của Hoàng Gia Anh Quốc, việc quản lý và điều hành xã hội, đều được bổ nhiệm của Nữ Hoàng Anh.
Còn Cổ Long, khi trở thành tên tuổi lớn, thì Đảo Quốc Đài Loan đã có hệ thống bầu cử, cho phép người dân dùng lá phiếu để chọn người lãnh đạo, dù rằng trong nhiều năm Đảo Quốc này vẫn nằm dưới sự quản lý của Quốc Dân Đảng.
Cùng xuất thân một nơi, nhưng tư duy và suy nghĩ đã có những khác biệt thông qua các tác phẩm của họ.
Kim Dung luôn đề cao chủ nghĩa Hán Tộc, dựa trên lịch sử để nói về thân phận của người Hán qua các triều đại và sự phân hóa của lãnh thổ Trung Hoa rộng lớn, không chấp nhận cho “ngoại tộc” cai trị nước Trung Hoa.
Còn Cổ Long thì dựa trên bối cảnh xã hội, để tạo ra những nhân vật “cổ quái”, nhưng có tư duy độc lập, luôn “đào sâu” vào sự khác biệt quan điểm giữa các nhân vật, sự khác biệt của cách ứng xử giữa con người và con người, và đến chung cuộc, mỗi nhân vật mà Cổ Long tạo ra, đều có những ngã rẽ của cuộc đời, không ai giống ai, và cũng không ai “lãnh đạo” ai.
Và kết quả, cho đến thời điểm tôi viết bài này, thì số mạng các tác phẩm của hai nhà văn này cũng đã có những “ngã rẽ” khác nhau.
Các tác phẩm của Kim Dung, đã được “bật đèn xanh” ở Trung Quốc được dựng thành phim nhiều lần, ngay cả bản thân của tác giả cũng được phong hàm là giáo sư danh dự của viện Đại Học Bắc Kinh.
Còn các tác phẩm của Cổ Long vẫn bị “dìm hàng” ở Trung Quốc, và rất hiếm khi nào được “giấy phép” thu hình hay phát sóng.
Có phải vì các tác phẩm của Kim Dung “phù hợp” với giới lãnh đạo Bắc Kinh, luôn đề cao chủ nghĩa Hán Tộc, mọi người phải “đoàn kết” dưới quyền lãnh đạo độc tôn của “ai đó” nên chính quyền Bắc Kinh luôn “dễ dãi” cho các tác phẩm của Kim Dung.
Còn Cổ Long, thì các tác phẩm của ông luôn có những tư duy mầm mống “tạo phản” qua các nhân vật, nên “không phù hợp” với xã hội Trung Quốc đương đại, cổ võ cho tư duy độc lập của con người, nên “ít” được chiếu cố hơn.
Tuy nhiên cả hai đều còn may mắn, ít ra tác phẩm của họ vẫn được lưu hành và thân phận của họ được thừa nhận dù trong công chúng hay cả chính quyền Bắc Kinh, họ được xem là những nhà văn lớn của nền văn học cận đại của Trung Hoa. (dù rằng các tác phẩm của Cổ Long chỉ được phát hành sách, ít được khai tác thành phim ở Trung Quốc).
So với họ, thân phận và các tác phẩm của các nhà văn miền nam Việt Nam “đen đúa” hơn nhiều kể từ khi Cộng Sản thống nhất đất nước bằng súng đạn.
Kể từ sau năm 1975, thân phận của những tác giả miền nam Việt Nam đều phải “đi tù” trong các trại cải tạo, có người vài năm, có người hơn chục năm và có người thì chết trong nhà tù (trường hợp nhà văn Nguyễn Mạnh Côn).
Và cho đến nay, thân phận của họ chưa bao giờ được chính quyền cộng sản thừa nhận, các tác phẩm của họ vẫn bị cấm đoán phát hành trong công chúng, dù rằng các tác phẩm của họ đều không “dính dáng” một chút nào đến chính trị, như các tác phẩm của Chu Tử, Lê Xuyên, cho đến những tác phẩm của Duyên Anh, Lệ Hằng hay Bình Nguyên Lộc.
Hầu hết các sáng tác văn học của miền nam Việt Nam đều bị cấm đọc, cấm phát hành và cấm… cửa.
Kết quả số phận của hai quốc gia hoàn toàn khác xa nhau, dù cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang có cùng một thể chế do đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo.
Trung Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình thúc đẩy “cởi trói” về kinh tế cho đến nay, dường như mọi lãnh vực đều phát triển mạnh mẽ. Nói về chế độ kiểm duyệt, Trung Quốc được xem là đứng đầu thế giới về kiểm duyệt, nhưng ít ra họ thừa nhận sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ không cùng quan điểm với chính quyền Bắc Kinh. Kim Dung, Cổ Long, Quỳnh Giao đều được nhắc đến trên báo chí, trong học đường, thậm chí còn được ghi nhận ở quê hương gốc của họ trước khi gia đình của họ rời khỏi Trung Quốc nhiều thập niên trước.
Các tác phẩm điện ảnh, văn học, dù được viết, được dàn dựng ở nước ngoài, vẫn được Trung Quốc cho trình chiếu, cho phát hành, tạo sự cạnh tranh, và nhờ đó những tác phẩm ở Trung Quốc bắt đầu chen chân vào thị trường thế giới, họ vẫn mở cửa cho các tác phẩm điện ảnh của người Hoa ở Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Mãi Lai trình chiếu trên truyền hình, trên màn ảnh rộng.
Còn Cộng Sản Việt Nam, tôi không biết họ “dốt nát” hay sự thù hận của họ với văn hóa miền nam quá sâu đậm, mà cho đến nay các tác phẩm điện ảnh, các sáng tác văn học chưa bao giờ được phát hành trình chiếu.
Tôi chưa nói đến những tác phẩm lừng danh trước 1975, ngay cả các tác phẩm của những nhà văn, nghệ sĩ, nếu thực hiện ở nước ngoài, đều không bao giờ được phép trình chiếu hay phát hành trong nước, trừ phi các tác phẩm đó được… thực hiện ở Việt Nam.
Vân Sơn, Khánh Ly và nhiều văn nghệ sĩ khác được Cộng Sản cấp “giấy phép” trình diễn ở Việt Nam, nhưng các tác phẩm trước đó của họ thực hiện ở Hải Ngoại có được chính thức phát hành ở Việt Nam hay không? Câu trả lời là không.
Luật bất thành văn của Cộng Sản thông qua cái gọi là là “ban tuyên giáo trung ương”, những tác phẩm, sản phẩm của người Việt Hải Ngoại, thực hiện ở Hải Ngoại thì không bao giờ được ”cho phép” phát hành, dù bản thân người đó có “ủng hộ” cho Cộng Sản.
Và kết quả, nền sáng tác của Việt Nam trở nên thụt lùi so với thế kỷ trước, càng lúc càng bị “co cụm”, “thui chột”.
Cùng một thể chế, nhưng Cộng Sản Trung Quốc ít ra còn biết thừa nhận cái tốt, cái đẹp về những sáng tác văn học, nghệ thuật của những người không cùng quan điểm với họ, do đó cơ hội cho họ gia nhập thị trường thế giới trở nên bao la, không giới hạn.
Còn Cộng Sản Việt Nam, sự thù hận và “dốt nát” khi quản lý đất nước, đã đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật vào bế tắc, ngỏ cụt so với mặt bằng của thế giới, của khu vực.
Thế mà Đinh La Thăng còn to mồm “đòi” dành “giải Nobel y học”, Nguyễn Xuân Phúc “đòi” biến một phần lãnh thổ Việt Nam trở thành “trung tâm sản xuất tôm thế giới”, Nguyễn Phú Trọng mở miệng “đất nước có bao giờ được như vậy”, tôi không biết ngoại trừ chữ “nổ” ra, thì dùng chữ gì để minh họa cho loại “môi mép” này.
Chưa có quốc gia nào trên thế giới trở nên cường mạnh mà thiếu vắng sự tôn trọng với nền văn hóa cũ, kể cả Cộng Sản Trung Quốc “thần tượng” của cộng sản Việt Nam, đó là lý do tại sao tôi vẫn thường nói chính Cộng Sản Việt Nam đang “giết” sự cai trị của họ vì thù hận và “dốt nát”.
8.3.2017