Phạm Trần (Danlambao) - ... Nếu Google hay Facebook chấm dứt quan hệ với Việt Nam vì bị kiểm soát, sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thì Tàu cộng sẽ nhảy vào Việt Nam ngay lập tức bởi vì Việt Nam chưa có khả năng thay thế Google hay Facebook. Và nếu chẳng may, hay đảng CSVN cố ý tạo cơ hội cho Tàu cộng nhảy vào thị trường Việt Nam qua Luật An ninh mạng thì chuyện 3 Đặc khu kinh tế sẽ biến thành 3 Mật khu cũng chỉ trong nháy mắt...
*
- “Get out, China!”, “KHÔNG đặc khu, KHÔNG an ninh mạng!”
- “Cho thuê đất là bán nước!”
- “Đả đảo cộng sản bán nước”, “Đả đảo Việt gian.”
- “Đả đảo Luật An Ninh Mạng, Luật Bịt Miệng dân.”
- “Bài học từ Formosa: Một ngày cũng không cho thuê đất.”
- “Thà đất nước nghèo mà bình yên- Ham giàu mà mất nước.”
- “Vì độc lập, phản đối đặc khu”!
- “Vì tự do, phản đối luật an ninh mạng”!
Đó là những thông điệp sét đánh của hàng chục ngàn người dân, từ trẻ đến già, đã gửi cho Quốc hội và đảng cầm quyền CSVN trong hai ngày biểu tình 10 và 11 tháng 06 (2018) từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên trong 43 năm, kể từ ngày quân Cộng sản chiếm Sài Gòn tháng 04/1975, một bộ phận không nhỏ người dân, thuộc mọi thành phần xã hội, đã đồng loạt biểu dương thái độ và lập trường dứt khoát như thế tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An v.v…
Tại mỗi nơi, khí thế yêu nước quyết không để một tấc đất Tổ quốc lọt vào tay ngoại bang, nhất là Tàu cộng, đã bốc lên giữa trời nắng cháy.
Những tiếng hô chống “Đặc khu” và “An ninh mạng” đanh thép chen nhau như hình với bóng đã bùng lên cương quyết và dứt khoát trên các gương mặt trẻ măng và của các cụ gìa heo hắt nắng mưa.
Hòa nhịp theo những bước chân nườm nượp của đoàn người biểu tình qua các ngả đường hay từng nhóm nhỏ ở Sài Gòn và Đồng Nai là những tiếng hát hùng dũng của nhạc bị cấm “Trả lại cho dân”, đòi quyền con người và “Việt Nam tôi đâu” nhắm báo động nguy cơ mất nước vào tay Tàu cộng.
Đây là hai trong số các bản nhạc yêu nước đã khiến tác giả ca, nhạc sỹ Việt Khang bị CSVN phạt 4 năm tù và 3 năm quản chế. Việt Khang ra tù ngày 14/12/2015 và đã được sang Hoa Kỳ tị nạn chính trị từ ngày 08/02/2018.
Nguyên do biểu tình
Nhưng tại sao người dân đã bất chấp hiểm nguy để nổi lên đòi quyền làm chủ đất nước và quyền tự do ngôn luận?
Trước hết, vì Nhà nước đã có những khuất tất trong việc soạn thảo Dự luật thành lập 3 “Đặc khu hành chính và kinh tế”, tên đầy đủ là: “Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật đặc khu).”
Cả 3 vị trí đều có giá trị chiến lược quốc phòng hàng đầu để bảo vệ lãnh thổ nhìn ra Biễn Đông:
- Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh), cửa ngõ ra Vịnh Bắc Bộ, là chặng dừng chân đầu tiên của tàu bè Trung Hoa đi xuống Việt Nam, nhưng cũng là tuyến phòng ngự ở vùng biển Đông Bắc của Việt Nam từ thời các vua chúa Việt. Hơn nữa Vân Đồn chỉ cách đảo Hải Nam, căn cứ Tàu ngầm của Trung Hoa, chừng 200 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét).
- Bắc Vân Phong (Tỉnh Khánh Hòa), nhìn thẳng ra Trường Sa, trực diện với các vị trí đóng quân của Trung Hoa trên các bãi đá, nay đã biến thành đảo mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ 1988 gồm Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên. Ngoài ra Bắc Vân Phong cũng chỉ cách vịnh chiến lược nổi tiếng Cam Ranh trên 60 cây số. Khánh Hòa cũng là nơi phát xuất các tàu Hải quân Việt Nam tiếp vận lương thực và luân chuyển quân lính ra vào 21 vị trí đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa.
- Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang), nằm trong vịnh Thái Lan là vị trí phòng thủ chiến lược cực nam của Việt Nam. Từ Phú Quốc, tàu bè và máy bay có thể đi khắp Á Châu - Thái Bình Dương, sang Ấn Độ Dương để đi qua Trung Đông.
Vì tầm quan trọng của 3 địa điểm mà nhiều Đại biểu Quốc Hội, nhân sỹ, trí thức và đông đảo người dân trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối hay khuyến cáo chính phủ và Quốc hội phải tuyệt đối thận trọng không để lãnh thổ Tố quốc lọt vào tay Tàu Bắc Kinh vì bất cứ lý do nào.
Đồng thời tuyệt đa số trong dư luận cũng nhất quyết chống thời hạn cho người nước ngoài thuê đất ở Đặc khu dài đến 99 năm, thay vì tối đa là 70 năm như Luật Đất đai hiện hành.
Sở dĩ người dân lo ngại vì kinh nghiệm trong hơn 30 năm đổi mới, nhiều dự án kinh tế của Việt Nam đã lọt vào tay các doanh nghiệp Tàu vì họ không ngần ngại bỏ thấu giá cao để nhảy vào Việt Nam bằng mọi giá.
Bị xỏ mũi hay không?
Ngoài ra, lãnh đạo CSVN cũng đã có những khuất tất khi mở cửa cho Tàu cộng nhảy vào khai thác Bauxite trên Tây Nguyên và đứng sau lưng Formosa Hà Tĩnh, mặc dù Formosa có gốc Đài Loan.
Bằng chứng là trong báo cáo tháng 3 năm 2016, Bộ Công thương cho biết: "Dự án bauxite Nhân Cơ sẽ tiếp tục lỗ 4-5 năm nữa, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài 11-12 năm, nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ 4900 tỷ trong 10 năm (từ 2016-2025). Tuy nhiên số tiền hỗ trợ được tính theo giá điện, nên có thể sẽ phải lên tới 1,2 tỷ USD."
Trong khi đó: “Tính đến tháng 9 năm 2016, sau 3 năm hoạt động, Tổ hợp Bauxite- Nhôm Lâm Đồng đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỉ đồng. Mức lỗ này đã vượt xa so với mức lỗ dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng.”
Tại Formosa Hà Tĩnh, tiền thu vào bao nhiêu chưa thấy, chỉ biết công ty này, có Bắc Kinh chống lưng, vẫn là quả bom nổ chậm của môi trường miền Trung. Công ty này đã gây ra thảm họa cá chết năm 2016 mà đến nay (06/2018) an toàn nước biển và tác hại lâu dài của thảm trạng này vẫn còn là mối lo ngại hàng đầu của hàng triệu người dân vùng nghèo khó này.
Vì vậy, trước những phản ứng quyết liệt của dân và nhiều Đại biểu Quốc hội về Đặc khu, Bộ Chính trị đảng CSVN đã buộc phải họp khẩn cấp đến 3 giờ sáng ngày 10/6/2018 để quyết định lùi thời gian thảo luận và biểu quyết Dự luật Đặc Khu đến Kỳ họp 6, tháng 10 năm 2018 để nghiên cứu thêm, thay vì ngày 15/06/2018 như dự trù.
Chính phủ và Quốc Hội cũng đồng ý “không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài không đến 99 năm.”
Như vậy là người dân đã thắng keo đầu, nhưng chưa phải sẽ không có chống đối nữa vì trong Dự thảo còn dành quá nhiều ưu đãi về thuế quan và quyền sở hữu đất, nhà ở và bãi, biển cho Công ty hay người đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, vì đã nhìn thấy tình trạng người Tàu đang công khai lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam qua mánh lới đem công nhân vào làm việc của các công ty người Tàu trên khắp lãnh thổ mà người dân càng cảnh giác hơn với Dự luật Đặc khu, ấy là chưa kể thảm trạng làm ô nhiễm môi trường và không gian mà các Công ty Tàu đã gây ra cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Điển hình như trường hợp Formosa Hà Tĩnh đã gây ra cho 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế - Thừa Thiên năm 2016.
Tại sao lại vũ khí - chất nổ?
Nhưng đáng quan tâm hơn trong Luật Đặc khu là những chi tiết ghi trong Phụ lục 4 quy định “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu”.
Dự luật cho phép: “Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.”
Ngoài ra, Dự luật còn mở cửa cho:
- Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy);
- Kinh doanh tiền chất thuốc nổ;
- Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ;
- Kinh doanh dịch vụ nổ mìn;
- Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động;
- Kinh doanh dịch vụ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
- Kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.
Cũng tại 3 Đặc khu, ngoài cho kinh doanh sòng bài (casino) và các trung tâm ăn chơi, giải trí, Dự luật còn cho phép: “Kinh doanh sân bay, cảng biển; Kinh doanh vận tải đường bộ; Kinh doanh vận tải hàng không; Kinh doanh dịch vụ thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam.”
Người nước ngoài cũng có quyền: “Kinh doanh cảng hàng không, sân bay; Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; Kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Kinh doanh vận tải đường sắt - Kinh doanh đường sắt đô thị; Kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm...”
Cũng trong danh sách cho phép, người đầu từ còn được kinh doanh cả trong lĩnh vực truyền thông như Phát thanh, Truyền hình và Xuất bản.
Như vậy là người nước ngoài cứ việc ra, vào các Đặc khu tự do, được quyền làm chủ đất đai, nhà ở và kinh doanh thả giàn mọi thứ, kể cả vũ khí, quân trang và quân dụng ngay trên đất nước Việt Nam. Kẻ chịu trách nhiệm vẽ ra Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có bao giờ nghĩ rằng, nếu không biết “kín cửa cao tường” thì đến một ngày đẹp trời nào đó, có gì bảo đảm cả 3 Đặc không biến thành Mật khu của người nước ngoài, hay người Tàu phương bắc?
Bịt miệng mãi được không?
Bên cạnh chuyện Đặc khu, người dân biểu tình hôm 10/06/2018 còn lên án Luật An ninh mạng mà vào ngày 12/06 (2018) Quốc hội đã biểu quyết chấp thuận với đa số.
Báo chí Việt Nam đưa tin: “Theo kết quả kiểm phiếu, 423/466 đại biểu có mặt ở hội trường (chiếm 86, 86% tổng số đại biểu) tán thành thông qua Luật An ninh mạng. Có 15 đại biểu không tán thành (chiếm 3, 08%) và 28 đại biểu không biểu quyết (chiếm 5, 75%).”
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc xác nhận ông là một trong số 15 người bỏ phiếu không tán thành Luật An ninh mạng. Ông nói với báo VnExpress ở Hà Nội: “Tôi là một trong 15 người bỏ phiếu không tán thành thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Vì sao như vậy? Trước hết, tôi hoan nghênh có Luật để đảm bảo an ninh trên môi trường mạng, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc gia trong thời đại công nghệ phát triển, mạng đã trở thành không gian cuộc sống hiện đại. Nhưng qua nghiên cứu, tôi nhận thấy dự thảo Luật chưa đáp ứng được như mong muốn và yêu cầu đặt ra… Mạng là môi trường toàn cầu và chúng ta đang thừa hưởng thành quả công nghệ của nhân loại. Việc quản lý và làm luật phải làm sao để phù hợp thực tiễn, để người dân được hưởng thành tựu đó, bởi nội dung này gắn với các quyền rất quan trọng của công dân đã được quy định bởi Hiến pháp.” (VnExpress, 13/06/2018)
Quan điểm của ông Quốc cũng rất sát với suy nghĩ của nhiều người dân, trong đó có rất nhiều chuyên gia và trí thức, đã phản ảnh trong các nội dung bích chương và biểu ngữ phản đối Luật này trong cuộc biểu tình ngày 10/06/2018.
Tại sao? Bởi vì nội dung Luật gồm 7 Chương, 43 Điều đã tiêu diệt quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của người dân. Và vì vậy, đã chống lại Điều 25 của Hiến pháp, theo đó: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Luật đã có những quy định mơ hồ để cấm cản và quy chụp công dân mà không cần chứng minh hay giải thích, như viết trong Điều 16 của luật này bao gồm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;
c) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc;
2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm:
a) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân;
b) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm:
a) Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.
5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, Điều 17 còn nghiêm cấm: “Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ.”
Nội dung trên đây đã cho phép nhà nước toàn quyền tùy tiện đàn áp dân theo ý muốn của mình, trong khi quyền phải được giải thích luật và đòi nhà nước phải tôn trọng Hiến Pháp của công dân lại không được bảo vệ.
Quyền lên tiếng phê bình của dân đối với chính sách của nhà nước cũng bị kiểm soát và dân cũng dễ dàng bị khép tội mạ lỵ hay vu khống nếu đụng tới một viên chức nhà nước.
Google, Facebook
Ngoài ra, theo Điều 26 về “Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng” Luật đã quy định: “Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;
b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;
c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Như vậy, với luật mới, các cơ quan phụ trách an ninh mạng của hai Bộ Công an và Quốc phòng có quyền kiểm tra, truy nhập và kiềm soát các tài khoản cá nhân với lý do an ninh quốc gia và an toàn xã hội để đàn áp người sử dụng Internet bất cứ lúc nào.
Theo tin trong nước thì: “Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách 10 quốc gia có người dùng Facebook đông nhất thế giới với 64 triệu người dùng, chiếm 3% tổng số người dùng toàn cầu. Những con số này cho thấy sự phổ biến của mạng Facebook trong xã hội Việt Nam, đặc biệt, có tới hơn 60% người sử dụng thuộc lứa tuổi thanh, thiếu niên - thế hệ quyết định tương lai của đất nước.
Trong khi đó, Google gần như trở thành công cụ tìm kiếm mà toàn bộ dân số trên toàn thế giới đều sử dụng, không chỉ riêng tại Việt Nam. Theo ước tính, Google và Facebook đang sở hữu hơn 60% doanh thu quảng cáo điện tử toàn cầu.” (theo báo Dân Trí, ngày 13/06/2018).
Như vậy điều mà nhiều người trong nước quan ngại là nếu Google hay Facebook chấm dứt quan hệ với Việt Nam vì bị kiểm soát, sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thì Tàu cộng sẽ nhảy vào Việt Nam ngay lập tức bởi vì Việt Nam chưa có khả năng thay thế Google hay Facebook.
Và nếu chẳng may, hay đảng CSVN cố ý tạo cơ hội cho Tàu cộng nhảy vào thị trường Việt Nam qua Luật An ninh mạng thì chuyện 3 Đặc khu kinh tế sẽ biến thành 3 Mật khu cũng chỉ trong nháy mắt.
14.06.2018