Những điều ông Nguyễn Phú Trọng cần biết - Dân Làm Báo

Những điều ông Nguyễn Phú Trọng cần biết

Thục-Quyên (Danlambao) - Liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Dựa trên cách đưa tin của "Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức" thì thấy rõ ông Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không thể nắm vững được tình hình ngoại giao giữa hai nước.

Trang mạng của Đại sứ quán VN thì viết:

"Chiều ngày 20/02, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Đức, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas. Tại Hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas đánh giá cao chuyến thăm Đức lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhấn mạnh đây là chuyến thăm quan trọng, nhiều ý nghĩa, tạo cơ sở để hai nước đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng; bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua cũng như vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như những đóng góp ngày càng tích cực của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế."

Trong khi trang mạng của Bộ ngọai giao Đức viết (1):

Từ năm 2011, Đức và Việt Nam đã duy trì "mối quan hệ đối tác chiến lược" với các dự án hợp tác ở tất cả các cấp và trong nhiều lĩnh vực chính sách. Mối quan hệ Đức-Việt thân thiết và dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau đã sụp đổ vào tháng 7/ 2017 do vụ bắt cóc một công dân Việt Nam tại Berlin bởi những cơ quan thuộc nhà nước Việt Nam. Sau khi chính phủ Việt Nam chứng tỏ có những biện pháp xây dựng lại lòng tin, Quan hệ đối tác chiến lược bị đình chỉ đã được hồi sinh vào tháng 11/ 2018. 

Thông cáo báo chí ngày 20/2/2019 của Bộ Ngoại giao Đức (2) bổ túc rõ ràng lý do buổi gặp gỡ giữa Ngoại trưởng H.Maas và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh:

Trọng tâm là quan hệ song phương, cũng như hợp tác EU-ASEAN, và ngoài ra còn về khả năng hợp tác Đức-Việt trên các diễn đàn đa phương...

Để tiến tới mục đích mong muốn, Ngoại trưởng Maas không ngần ngại nói thẳng:

"Trong quá khứ đã có những khác biệt đáng lưu ý giữa Đức và Việt Nam - quan trọng hơn hết là vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Hôm nay, chúng ta muốn cùng nhau tìm cách làm sao có thể điều chỉnh lại mối Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức, và tạo lại chất lượng cho mối quan hệ này. Quan hệ đối tác chiến lược, theo quan điểm của chúng tôi, cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng các quyền con người phổ quát."

Liên quan đến sự quan tâm của Quốc hội Liên bang Đức về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam.

Ngày 14/03/2019 Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo Quốc hội Liên bang Đức đã mời ông Vũ Quốc Dụng thuộc tổ chức "VETO! Mạng lưới những người bảo vệ Nhân quyền" đến điều trần. 

Ông VQDụng đã nêu lên 4 lãnh vực vi phạm nhân quyền cần quan tâm và có liên quan đến số phận của tối thiểu là 130 tù nhân chính trị hiện nay: Việt Nam không phải là nhà nước pháp quyền, việc dùng các cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia để kết án nặng những người bảo vệ nhân quyền, điều kiện giam giữ tồi tệ và việc chĩa mũi dùi vào các cộng đồng tôn giáo.

Sau buổi điều trần, dân biểu Gyde Jensen, chủ tịch Ủy ban, và cũng là người đỡ đầu cho luật gia Nguyễn Bắc Truyển trong chương trình "Dân biểu bảo vệ Dân biểu", đã mời ông VQDụng qua văn phòng của bà để trao đổi thêm, kiểm chứng và bổ túc những tin tức về tình trạng ông Nguyễn Bắc Truyển trong trại giam An Điềm và những người thân của ông.

Liên quan tới cuộc viếng thăm Việt Nam sắp tới của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier.

Trang mạng của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức (3) có thông tin về buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Altmaier và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Ông Altmaier ngỏ ý tổng quát muốn "làm sâu sắc hơn và tăng cường" mối quan hệ song phương, và tuyên bố sẽ dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp đến Hà Nội và thành phố HCM để đàm phán. Trang mạng không hề nhắc tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn chí Dũng mặc dù ông này hiện diện tại buổi yến tiệc Liebesmahl do hội doanh nghiệp Đức "Châu Á-Thái bình dương" tổ chức ở Toà Thị chính Hamburg và đã gặp Bộ trưởng Altmaier tại đây. Điều này cho thấy tin ông Dũng đến Đức theo lời mời của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier đăng trên trang mạng của Đại sứ quán VN là sai sự thật.

Cả Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đều phải theo đúng thủ tục xin Visa nhập cảnh vì Hiệp định miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam vào Liên bang Đức vẫn tiếp tục bị đình chỉ.

Căn cứ trên những lời tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Altmaier nhân dịp đàm phán thương mại với Ai Cập vào đầu tháng 2/2019, Nhân quyền và ổn định xã hội là 2 mục tiêu song song, và có giá trị tương xứng. Theo ông, ổn định chính trị của nước đối tác là cần thiết và thuận lợi cho (nền thương mại) nước Đức.

Chắc chắn Bộ trưởng Altmaier sẽ mang trong hành trang của ông khi qua Việt Nam sự tôn trọng các giá trị đạo đức và tôn trọng quyền con người phổ quát Ngoại trưởng Maas và Quốc hội Liên bang Đức đã đề cao.

Người Đức có câu "Die Hoffnung stirbt zuletzt". 

Có lẽ có thể dịch tương đương tiếng Việt là "còn nước còn tát". 

Những tin tức góp nhặt trên những trang mạng chính thức của Chính phủ và Quốc hội Liên bang Đức này là một cố gắng để thức tỉnh ông Chủ tịch nước Nguyễn phú Trọng hãy nhìn vào sự thật, đừng để bị những người khác lừa phỉnh mà bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để thoát khỏi thế kẹt hiện tại. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo