Đảng Cộng sản Việt Nam loay hoay tìm chiến lược kinh tế cho tương lai - Dân Làm Báo

Đảng Cộng sản Việt Nam loay hoay tìm chiến lược kinh tế cho tương lai

Tú Anh - Trong Đại hội được khai mạc vào ngày mai, 12/01/2011, tại Hà Nội, ngoài việc sắp xếp lại nhân sự, đảng Cộng sản Việt Nam còn phải đưa ra một đường lối kinh tế cho năm năm tới. Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng vẫn còn khá đẹp, mô hình kinh tế do đảng cầm quyền chủ trương đang bị khủng hoảng : Lạm phát cao, đồng tiền yếu, tập đoàn quốc doanh « mũi nhọn » Vinashin không đủ khả năng trả nợ quốc tế.

Trước đây, được xem là một trong những « tiểu long » tại Đông Nam Á, Việt Nam bị rơi vào trường hợp ngoại lệ tại một châu lục mà ngoại tệ đầu tư tràn vào như nước, cộng với đồng tiền quốc gia vững mạnh.

Hãng AFP, trong bài phân tích gởi đi từ Hà Nội cho biết những thiếu sót trong chính sách kinh tế của Việt Nam đã đưa đến hậu quả ngày nay. Từ thập niên 1990, ám ảnh chạy theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không được đi kèm với những biện pháp củng cố hệ thống ngân hàng. Cơ quan thẩm định tài chính Standars and Poor’s vừa hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam do có nguy cơ phá sản tài chính.

Ngành công nghiệp của Việt nam không tạo ra được lợi nhuận cao, bị giới đầu tư và tài trợ chỉ trích, mua vào thì nhiều mà bán ra thì ít.

Một nhà kinh tế ẩn danh đặt nghi vấn : Kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng nhưng ai sẽ trả món nợ nước ngoài ?
Sau 25 năm « đổi mới », đã đến lúc phải « đổi hướng » nhưng tiến hình này rất phức tạp.

Theo giáo sư kinh tế Martin Gainsborough, đại học Bristol, Anh Quốc thì khả năng của chính quyền Việt Nam trong việc đưa nền kinh tế và các tác nhân kinh tế vào kỷ cương còn rất giới hạn. Phần lớn sinh hoạt kinh tế tại nước này là không chính thức hoặc bán chính thức, cho phép các doanh nghiệp tránh né các biện pháp kiểm soát của nhà nước.

Trường hợp điển hình là từ nhiều tháng nay , dư luận liên tục lên án các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước rút tỉa kinh tế quốc gia bỏ vào túi riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thẩm định số tiền khổng lồ 12 tỷ đô la thâm thủng cán cân thương mại trong năm 2010 vừa kết thúc là « căn bệnh trầm kha » và bắt nguồn từ sự kém hiệu năng của các xí nghiệp nhà nước. Theo ông, các xí nghiệp nhà nước « làm cho kinh tế vĩ mô bị mất cân bằng một cách nghiêm trọng » qua hành vi rút tiền từ ngân sách nhà nước, bất chấp những nguyên tắc của một nền kinh tế tư bản. Các xí nghiệp quốc doanh tạo ra chừng 26% GDP nhưng lại sử dụng đến 40% nguồn tài chính qua vay nợ. Vụ tai tiếng Vinashin là một bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy sự kém hiệu năng của lãnh vực quốc doanh.

Thế nhưng, theo giới phân tích, không thể trông chờ Đại hội 11 của đảng Cộng sản quyết định tư hữu hóa lãnh vực công đang thua lỗ để Việt Nam có thể phục hồi niềm tin trong giới tài chính quốc tế.

Trả lời RFI tiếng Pháp, chuyên gia Mathieu Salomon của tổ chức Towards Transparency nhận xét : « Điều chắc chắn là các loại doanh nghiệp nhà nước này đã biến thành một thế lực chính trị khó lay chuyển. Đây cũng là trường hợp điển hình của tình trạng mờ ám trong quan hệ giữa kinh tế, chính trị và ngân hàng ».

Tình trạng thiếu hụt tài chính của Việt Nam nghiêm trọng đến mức, theo chuyên gia Philippes Delalande, chính phủ sắp phải vay nợ hoặc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hoặc của Trung Quốc . « Kêu gọi sự giúp đỡ của IMF thì chẳng khác nào chính phủ thú nhận là tình trạng phá sản gần kề. Còn vay của Trung Quốc thì kín đáo hơn nhưng Bắc Kinh khi cho vay, bao giờ cũng đòi đền đáp bằng chính trị ».

Giới quan sát xem Vinashin là bằng chứng của lãnh vực quốc doanh mà chính phủ Việt nam thành lập đã thất bại. Trừ Vietnam Airlines và Petro Vietnam có vẻ khả quan, hầu hết các xí nghiệp khác đều thua lỗ.

Một nhà ngoại giao Á châu tại Hà Nội mỉa mai : Chính quyền Việt Nam muốn có những tập đoàn theo kiểu Samsung, Hyundai của Hàn Quốc.

Chuyên gia Carl Thayer bình luận thêm là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn « sử dụng các tập đoàn quốc doanh để phát triển Việt Nam nhưng Vinashin là một thất bại cay đắng ».

Theo AFP, giới phân tích cũng ghi nhận một dấu hiệu tích cực là chính phủ tuyên bố không trả nợ cho Vinashin. Tuy trong ngắn hạn, quyết định có làm cho các cơ quan thẩm định quan ngại nhưng nó nói lên được là ở Việt Nam, người ta bắt đầu chấp nhận trách nhiệm. Bây giờ đã đến lúc phải chấn chỉnh kinh tế vi mô lẫn vĩ mô để đưa đất nước đi lên.

Phát triển kinh tế được đảng Cộng sản Việt Nam xem là lý do chính đáng để độc quyền về chính trị. So sánh với những nước trong khu vực, Việt Nam đã quá tụt hậu. Có cùng mức phát triển của miền nam Việt Nam trong thập niên 60 mà Hàn Quốc ngày nay, dù dân số chỉ có 40 triệu người, đã có GDP lên đến 1.300 tỷ đô la cao gấp 13 lần Việt Nam thống nhất.

Đài Loan, với dân số 20 triệu, GDP của hải đảo luôn bị Trung Quốc đe dọa, cũng cao gấp hơn 4 lần Việt Nam theo thống kê 2010 (Đài Loan 427 tỷ đô la / Việt Nam 102 tỷ).

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110111-dang-cong-san-viet-nam-loay-hoay-tim-chien-luoc-kinh-te-cho-tuong-lai



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo