Lê Diễn Đức : "...thay vì xử phạt hợp tình, hợp lý trên nguyên tắc bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân, thì công an Việt Nam - tương tự như Tunesia - lại rất tắc trách, sử dụng bạo lực, gây chấn thương thân thể hoặc tử vong cho người vi phạm, cũng đã làm cho dân chúng nổi giận..."
Bạo loạn trên đường phố, sự kiểm soát của quân đội, cảnh sát và các vụ bắt giữ hiện hữu khắp nơi. Thủ đô Tunis bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Từ ngày 11 tháng 1 tất cả các trường học bị đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Theo nhiều nguồn tin quốc tế khác nhau, đã có hơn 60 người bị chết. Còn Tổng thống Tunisia, ông Zin Al-Abidine Ben-Ali, sau khi giải tán chính phủ vẫn không làm dịu được tình hình, đã cao chạy xa bay sang Ả Rập Saudi.
Văn phòng hãng du lịch Thomas Cook đã quyết định di tản bốn ngàn người ra khỏi Tunisia.
Đó là hình ảnh hôm nay của Tunisia, một đất nước được xem là ổn định chính trị, người dân hiền hoà, nổi tiếng với những bãi tắm tuyệt vời của vùng biển Địa Trung Hải và dịch vụ du lịch hấp dẫn không thua kém các nước châu Âu quanh vùng như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hy Lạp…, nhưng giá cả hợp lý, đặc biệt được ưa chuộng bởi tầng lớp trung lưu.
Giành độc lập từ Pháp tới độc tài
Tunisia nằm ở Bắc châu Phi, có dân số hơn 10,3 triệu người và diện tích gần bằng một nửa Việt Nam, thu nhập đầu người tính theo mãi lực (PPP) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2010 là 9.448 USD (Việt Nam: 3.123 USD). Đối tác thương mại quan trọng nhất gồm Đức, Ý và Pháp.
Giành được độc lập từ thực dân Pháp vào năm 1956, Tunisia theo thể chế tổng thống-nghị viện và một đảng chiếm ưu thế nắm quyền. Tổng thống được chọn từ phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm.
Từ năm 1987, Ben-Ali lên nắm quyền Tổng thống sau khi thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu (cho rằng vì sức khoẻ yếu, Tổng thống Tunisia từ năm 1957, ông Habib Bourguiba, mất khả năng lãnh đạo) và giữ chức vụ này liên tiếp 5 nhiệm kỳ, với sự ủng hộ (theo nguồn chính thức của nhà nước) của cử tri là 99,6% (1999), 94,48% (2004) và 95% (năm 2009)!
Khi bắt đầu nhiệm kỳ, Ben-Ali đã có những cố gắng dân chủ hóa đất nước, trả tự do cho tù nhân chính trị, kể cả các phần tử cực đoan Hồi giáo. Kết quả là ông đã tạo ra một đảng đối lập Hồi giáo Nadh, phát triển nhanh và mạnh tại các trường đại học. Nhìn thấy hậu thuẫn của lực lượng Hồi giáo trong cuộc đảo chính năm 1991, chính phủ Tunisia sau đó đã tiến hành một loạt phiên toà xét xử các thành viên của Nadh.
Từ năm 1988 luật Tunisia ngăn cản hợp pháp hoá các đảng phái chính trị mà cương lĩnh hoạt động dựa trên nền tảng tôn giáo. Chính phủ cũng thắt chặt kiểm soát các tổ chức tôn giáo. Kể từ đó, chính sách cứng rắn với phe đối lập được áp dụng trong thời kỳ của tổng thống Habib Bourgiba quay lại. Báo chí, truyền thông không được phê phán chính phủ. Để gọi là thực hiện hứa hẹn bầu cử về một hệ thống đa đảng, các đảng đối lập của Tunisia được phân bổ một số ghế trong quốc hội, nhưng thực tế, ví dụ trong cuộc bầu cử (2004), không đảng nào giành được ghế, dù chỉ là một.
Cái gì tới phải tới
Tình trạng bất ổn ở Tunisia đã không làm mấy ai ngạc nhiên.
Duy trì chế độ chuyên chế (chỉ số dân chủ - Democracy Index – theo "The Economist" 2010, của Tunesia là 2,79/10 so với Việt Nam 2,94), Tunisia là một trong những quốc gia có chế độ kiểm duyệt thông tin thuộc vào hàng đầu thế giới, không có tự do ngôn luận, không được tự do hội họp. YouTube ở đây bị chặn hoàn toàn, còn mật khẩu vào các trang Facebook cá nhân bị chính phủ ngang nhiên dùng các biện pháp cướp đoạt.
Nhà cầm quyền nỗ lực quảng bá hình ảnh Tunisia như là một quốc gia ổn định chính trị, mến khách, được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, nhằm mục đích tuyên truyền và lôi cuốn du khách. Tiếc thay, người ta có thể mãn nguyện với những ngày nghỉ tại các khu du lịch sang trọng, tiện nghi ven biển, nhưng chỉ cần đi sâu về phía Nam, nhất là vùng tung tâm, mọi thứ không còn màu sắc như thế nữa, nếu không nói là bi kịch. Người dân thiếu ăn và không có việc làm. Số phận của giới dân lao động bình thường đã không được chính phủ quan tâm đến.
Trong thất vọng, dân chúng mà chủ yếu là thanh niên, sinh viên của Tunisia đã nổi giận đứng lên biểu tình, đòi tổng thống mới. Giới trí thức, văn nghệ sĩ cũng vào cuộc với cuộc tuần hành hoà bình ủng hộ họ.
Chưa biết Tunisia sẽ ra sao trong thời gian trước mắt. Tất cả mọi thứ đã xảy ra dường như tự nhiên. Những người biểu tình hoàn toàn tự phát, không ai đứng ra tổ chức. Qua "Facebook" họ chuyển cho nhau các hình ảnh video về diễn biến các cuộc biểu tình và thông tin về các cuộc tiếp theo.
Báo chí hôm nay, ngày 16/1/2011, cho hay Chủ tịch quốc hội Tunisia Fouad Mebazaa, theo hiến pháp, tuyên bố tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của tổng thống và công bố tiến hành bầu cử trong thời gian từ 45 đến 60 ngày. Ông cũng kêu gọi Thủ tướng Mohamed Gannushi lập nội các liên hiệp đoàn kết dân tộc.
Từ một việc làm bất cẩn
Tất cả bắt đầu vào ngày 17 tháng 12 năm 2010.
Một thanh niên Tunisia 26 tuổi đã quyết định tự thiêu trước trụ sở của chính phủ. Lý do? Ông bị cảnh sát tịch thu chiếc xe bán rau quả, nguồn thu nhập duy nhất để sinh nhai của gia đình anh.
Được đưa tới bệnh viện cứu chữa nhưng vì bị bỏng quá nặng, anh thanh niên đã qua đời vào ngày 04 tháng 1 năm 2011. Có tới khoảng 5.000 người đã tới dự tang tiễn biệt anh.
Có vẻ như chớp được cơ hội, tang lễ lập tức trở thành thùng thuốc súng và sự bất bình của xã hội Tunisia bùng nổ, leo thang từ suốt ba tuần qua.
Hàng ngàn người đã biểu tình tại trung tâm thủ đô Tunis, đòi Tồng thống Ben-Ali (74 tuổi), người đã cầm quyền từ 23 năm nay, phải từ chức.
Dưới áp lực của các cuộc biểu tình, Tổng thống Ben-Ali đã giải tán chính phủ và tuyên bố tiến hành bầu cử sớm trong vòng sáu tháng, và cam kết ông sẽ không tái tranh cử và sẽ bãi nhiệm vào năm 2014. Ông đã gọi những người đeo mặt nạ trong các cuộc xung đột với cảnh sát là những tên khủng bố, những kẻ điên rồ không thể tha thứ.
Tuy nhiên, những người tham gia phản đối là không phải là những kẻ điên. Họ là thanh niên, sinh viên có trình độ văn hoá nhưng tuyệt vọng vì không tìm được việc làm hoặc không thể có khả năng mua một căn nhà. Chỉ số thất nghiệp của Tunisia là 13%, trong đó 26% là những người có bằng cấp đại học.
Những người biểu tình đã dùng các phương tiện ghi lại rất ấn tượng cảnh những người bị thương trong các vụ đụng với cảnh sát, nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về những gì đang xảy ra ở Tunisia.
Rõ ràng, chỉ từ một hành vi bất cẩn, vô tâm của cảnh sát, người đại diện cho công quyền, đã có thể gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, thậm chí đã làm sụp đổ cả một ngai vàng của nhà độc tài và thay đổi cả một chế độ hà khắc.
Trong thời gian vừa qua ở Việt Nam, trong rất nhiều sự vụ, thay vì xử phạt hợp tình, hợp lý trên nguyên tắc bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhân dân, thì công an Việt Nam - tương tự như Tunesia - lại rất tắc trách, sử dụng bạo lực, gây chấn thương thân thể hoặc tử vong cho người vi phạm, cũng đã làm cho dân chúng nổi giận.
Điển hình nhất vào ngày 25/07/2010, cho rằng công an huyện Tân Yên đã tàn nhẫn đánh chết em Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, chỉ vì em không đội mũ bảo hiểm, hàng ngàn người từ khắp các vùng lân cận đã kéo về trụ sở Uỷ ban tỉnh Bắc Giang, phá sập hàng rào, giật cờ và phản kháng, chống cự lại công an tới ổn định trật tự.
Sự lộng hành, cho phép mình đứng ngoài pháp luật, coi thường sinh mạng thường dân của lực lượng công an Việt Nam ngày càng tăng, sẽ không gì khác hơn là rót thêm dầu vào ngọn lửa bất bình, mất hết lòng tin vào chế độ của xã hội và đến một lúc nào đấy chím muồi có thể thiêu rụi cả chế độ.
Có rất nhiều yếu tố tương đồng đến đau đớn giữa hai chế độ độc tài của Việt Nam và Tunisia. Cho nên hiện tượng Bắc Giang hôm qua và thủ đô Tunisia hôm nay là bài học nhãn tiền. ■
© 2011 Lê Diễn Đức