Bão chỉ “quần” người nghèo - Dân Làm Báo

Bão chỉ “quần” người nghèo


Trần Quang Đại - Bão, theo Từ điển tiếng Việt là “Gió xoáy trong phạm vi rộng… có sức phá hoại dữ dội do gió lớn, mưa to”. Nghĩa là bão đâu có chừa một ai. Thế nhưng, có một nghịch lý là dù bão tố (thiên tạo) hay “bão” giá (nhân tạo) đều nhắm vào những người nghèo.

Từ bão tố…

Mùa mưa bão năm 2010 đã gây thiệt hại hết sức nặng nề. Dải đất miền Trung vốn nghèo lại càng thêm khốn đốn vì thiên tai. Một nghịch lý nữa là hầu như bão lũ chỉ nhắm vào người nghèo mà đánh, mà quần cho tơi tả.

Cứ mỗi cơn bão là gây nên hậu quả người chết, nhà cửa, đường sá bị hư hại, hoa màu bị xóa sổ. Người nghèo thường lãnh trọn những hậu quả ghê gớm nhất, và với tỷ lệ tuyệt đối. Gió bão chỉ xóa sổ, hoặc gây hư hại nặng những ngôi nhà thiếu kiên cố của người nghèo, gây thương vong cho người.

Những người bị lũ cuốn trôi thường sống ở địa bàn giao thông khó khăn, nhiều khi chỉ một cơn mưa lớn cũng đã gây lũ làm chết người.

Những người dân nghèo làm nhà cheo leo bên sườn núi luôn đứng trước nguy cơ sạt lở đất, lũ cuốn. Ở vùng lũ, những nhà có điều kiện xây nhà cao tầng hay đắp nền rất cao thì đã tránh được lũ. Chỉ còn những người nghèo, nền nhà thấp, nhà tạm bợ nên năm nào cũng khốn đốn vì nước lũ. Nước dâng lên nhanh, nhiều khi trở tay không kịp, cuốn trôi hết đồ đạc, lương thực bị hỏng không dùng được, gia súc, gia cầm cũng bị chết.

Người nghèo, đa số là nông dân, sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Những cơn bão lũ bất thường đã cuốn trôi, xóa bỏ hết hoa màu, nguồn sống chính của họ. Những ao cá, đầm tôm, trang trại là tài sản, mồ hôi nước mắt tích cóp cả đời có khi bị xóa sổ trong nháy mắt. Nhiều người dân trắng tay sau bão lũ, không có vốn để phục hồi sản xuất. Một số HS không thể trở lại trường do kinh tế gia đình đã kiệt quệ sau bão lũ.

Sau bão, cơ sở hạ tầng ở thành phố, vùng trung tâm nhanh chóng được khắc phục, trong khi đó những vùng khó khăn thì tiến độ phục hồi rất chậm, nhiều khi bão lũ đã xóa sổ hẳn một xóm, một làng, biến một vùng dân cư đông đúc thành bãi hoang. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi chậm được xây dựng lại khiến cho sản xuất của bà con càng đình trệ.

Sau thiên tai là dịch bệnh, và người nghèo lại bị mắc bệnh nhiều và nặng hơn do điều kiện vệ sinh kém, ăn uống không đầy đủ, lao động nặng nhọc. Lại thêm kinh tế khó khăn, chi phí điều trị tốn kém, không có khả năng chi trả. Nhiều cái chết thương tâm lại diễn ra sau thiên tai, cũng là do cái nghèo mà ra.

Cho đến “bão” giá

Bão tố vừa qua, “bão” giá đã ập đến, và tiếp tục tấn công người nghèo. Tư thương lợi dụng hoàn cảnh vận chuyển khó khăn, nhu cầu cấp thiết của người dân về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng…nên tìm cách tăng giá vô tội vạ, làm cho người nghèo càng thêm khốn đốn.

Cứ vào mỗi dịp cuối năm, hay nghe tin Nhà nước chuẩn bị tăng lương (thực ra là điều chỉnh lương, bù giá), thế là giá cả cứ đua nhau ào ào tăng tiến. Cho nên có thơ trào phúng: “Giá lương nặng một lời thề- Giá đi đi mãi không về cùng lương”. Người có lương, có công ăn việc làm ổn định mà còn khổ thế, thì hoàn cảnh của những người nghèo, không có thu nhập ổn định càng khốn đốn gấp bội. Bữa ăn cứ đạm bạc dần đi, đồ đạc cứ cũ mòn ra mãi, tiết kiệm đến độ ti vi cũng không dám mở lâu, thế mà nghèo cứ hoàn nghèo.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã có bài viết nêu nghịch lý “nước chảy chỗ trũng”, rằng trong cơn bão giá, lạm phát, người giàu càng giàu, người nghèo càng suy kiệt. Vì người giàu có bất động sản, kim loại quý, ngoại tệ…là những thứ không bao giờ mất giá, thậm chí càng “đẻ” tợn trong cơn cuồng phong giá cả.

Trong khi đó, người sống bằng đồng lương hưu, nếu lạm phát nghĩa là tự nhiên mất không tiền mà không biết kêu ai. Người nông dân càng thê thảm hơn khi mà giá nông sản chưa kịp tăng, thì vật tư, phân bón, giống…đã ào ào phi mã. Nông phẩm Việt lại càng lao đao khi phải cạnh tranh cùng nông phẩm của các đại gia Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ…

Kinh tế phát triển khá nhanh, khoảng cách giàu nghèo giữa một bộ phận người dân ngày càng lớn. Người giàu ngày càng giàu hơn, đến mức thừa thãi, còn người nghèo lại càng ít có cơ hội để cải thiện thu nhập.

Sáng nay, đọc báo mạng, bàng hoàng khi biết ở Hà Nội có nơi tô phở giá 35 USD, bằng nửa tháng lương công chức có bằng đại học mới ra trường, mua được hơn 70 kg gạo ngon.

Giữa TP Vinh, hàng chục nữ nông dân với quang gánh, cuốc xẻng đang họp phiên “chợ lao động” ế ẩm cạnh vòng xuyến, đốt nhúm lá khô để xua đi bớt cái lạnh cắt da cắt thịt giữa cái Tết đang cận kề.

Tết năm nào trên báo chí cũng eo sèo chuyện thưởng Tết. Có doanh nghiệp thưởng cho người lao động đến mấy trăm triệu đồng, con số mà người khác chỉ nghĩ là trúng xổ số mới có. Lại nhiều ý kiến kêu ca về chuyện thưởng Tết quá bèo (thậm chí không có) cho đội ngũ nhà giáo, những người làm nghề “cao quý”, những “kĩ sư tâm hồn”. Dù sao nhà giáo cũng đã có lương theo ngạch bậc.

Còn nông dân thì sao, chẳng ai kêu ca gì cho họ. Mà biết kêu vào đâu? Tôi còn nhớ bà tôi là một nông dân lúc sinh thời cũng có “lương”, nhưng tháng chỉ được 5 ngàn đồng. Thế là người ta phát một lần vào cuối năm, coi như “thưởng Tết”. Được mấy chục ngàn đồng nhưng quí lắm, vui lắm.

Một bà cụ độc thân phàn nàn “Tháng này dùng tốn điện quá, hết những 12 nghìn, tháng trước hết có 5 nghìn thôi”. Tôi tưởng cụ đùa, nhưng xem hoá đơn thì đúng như vậy.

Nhưng vì sao “Người giàu cũng khóc”? Họ có khóc, nhưng không phải vì bão.

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2011/01/23/bao-ch%E1%BB%89-%E2%80%9Cqu%E1%BA%A7n%E2%80%9D-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ngheo/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo