Bùi Văn Phú (danlambao) -Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ / Tôi là ai mà còn trần gian thế / Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này... Giọng Hồng Nhung vang vang trên máy. Từ California tôi muốn gửi ca từ của Trịnh đến luật sư Lê Thị Công Nhân trong buổi sáng đầu năm 2011...
Sáng nay thức dậy trễ. Như hai tuần qua. Những khóm trúc sau nhà còn ẩm ướt dưới bầu trời u ám, lất phất mưa, những cơn mưa đầu đông kéo dài đã nhiều ngày và có hôm như thác đổ. Ngồi trong nhà nhìn mưa xuân, nghe nhạc, đọc báo.
Đêm qua giao thừa. Nhưng sáng nay không thấy đưa tin đứa bé đã sinh ra khi đồng hồ tích tắc bước sang năm mới. Mọi năm thường có thông tin và hình ảnh một em bé nào đó chào đời đúng giây phút giao thừa trong một bệnh viện vùng vịnh. Năm nay không có tin gì về đứa trẻ lọt lòng mẹ để có ngày sinh tứ quí 1.1.11, dù viết theo lối tây hay lối ta.
Tuần báo Times số đầu năm đưa hình Aung San Suu Kyi lên bìa và gọi bà là “The Fighter” - Người chiến đấu. Một phụ nữ làm lãnh đạo quân phiệt Myanmar nhức đầu dù đã bắt giam, quản chế bà nhiều năm, cho đến ngày 13.11.2010 vừa qua khi mấy ông tướng quyết định cho bà được rời nhà, ra đường phố ở thủ đô Yangon gặp những người ủng hộ. Bà có tội gì mà đã bị kết án tù, bị giam cầm nhiều năm? Vì bà giúp thành lập và tham gia đảng đối lập với chính quyền quân nhân, vì đảng này đã thắng trong kì bầu cử cách đây hai thập niên mà các ông tướng không chấp nhận và đã xoá bỏ kết quả để tiếp tục cầm quyền, vì nếu tôn trọng ý dân qua lá phiếu thì bà Suu Kyi đã làm thủ tướng của Myanmar. Thế giới lên án. Hoa Kỳ cấm vận. Bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hoà bình 1991. Trong những năm tháng ở tù, nhà cầm quyền nhắn tiếng cho phép bà ra nước ngoài thăm chồng bị bệnh - nay ông đã qua đời - hay nhận những giải thưởng nhân quyền, nhưng bà quyết không rời Myanmar vì lo ngại nhà nước không cho trở về. Ở lại, bà tiếp tục sống trong sự bao vây của công an.
Nay không còn bị quản chế, nhưng bà nói với phóng viên bà có thể bị bắt giam trở lại bất cứ lúc nào, khi lãnh đạo Myanmar thấy ảnh hưởng của bà đe doạ đến sự cai trị độc tài của họ. Nhưng bà không lùi bước, quyết đấu tranh ôn hoà, mong đem lại tự do dân chủ cho xứ sở.
Tin trên mạng ngoài luồng sáng nay cho biết ở Việt Nam có một phụ nữ trẻ, mới hết hạn tù cách đây không lâu vì những tội mà chính quyền Hà Nội thường dùng để qui kết, bỏ tù những người can đảm phát biểu nghịch lại với nhà nước, nào là “tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa”, “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” trong khi họ không một tấc sắt trong tay mà chỉ dùng lời để nói lên những ý tưởng dân chủ, những khái niệm nhân quyền, những yêu thương dành cho đất nước, con người Việt Nam. Cô cũng đang làm guồng máy công an nhức đầu vì sau khi hết hạn tù, về nhà vẫn bị quản chế, bị ngăn cấm có những liên lạc hay tiếp xúc và cô không chấp nhận những bao vây, ngăn cản đó. Cuối năm cô muốn đi thăm những người cô trân quí, những người đồng chí hướng vì một đất nước tự do dân chủ. Nhưng công an đã ngăn chặn, bắt cô mang về đồn thẩm vấn trong nhiều giờ.
Nhắc đến phụ nữ Việt, nhiều người biết ca sĩ Hồng Nhung hơn người nữ chiến sĩ nhân quyền đang bị quản chế:
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em…
Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm…
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này
Giọng Hồng Nhung vang vang trên máy. Từ California tôi muốn gửi ca từ của Trịnh đến luật sư Lê Thị Công Nhân trong buổi sáng đầu năm 2011.
© Buivanphu.wordpress.com
Tác giả gửi Danlambao