Người Buôn Gió - Tôi đã từng được chứng kiến những cuộc cầu nguyện của giáo dân Việt Nam trên con đường đi tìm công lý, sự thật và hòa bình. Những cuộc cầu nguyện ở nhiều nơi, trên dãy núi xa xăm mây mù của Tây Bắc hay trên vùng cát trắng ven biển miền Bắc Trung Bộ, giữa thủ đô Hà Nội , giữa Sài Gòn hoa lệ.
Tối qua tối chứng kiến một cuộc cầu nguyện như vậy, cầm máy quay phim, máy ảnh bàn tay tôi rung rung. Chưa bao giờ tôi thấy một cuộc cầu nguyện lẻ loi như vậy. Hình ảnh về giáo xứ Thái Hà rực rỡ ngàn ngọn nến, hay hình ảnh đêm đông giá rét tại tòa Khâm Sứ với mấy ngàn người cầm nến trên tay, xa nữa là giáo phận Vinh ngày Đức Mẹ lên trời đến hàng trăm ngàn giáo dân nguyện cầu cho các đạo hữu của họ ở Tam Tòa bị đánh đập. Tôi đi lại giữa hàng ngàn con người đang khát khao và sát cánh bên nhau nguyện cầu cho một điều tốt đẹp. Nhìn những đôi vai sát vai tạo thành lớp sóng người trùng điệp ấy, nỗi niềm thật ấm áp biết bao.
Nhưng hôm nay thấy ở đây, cuộc cầu nguyện của nhúm giáo dân Cồn Dầu trên quê hương mình, bé nhỏ làm sao, vọn vẻn vài con người là bị cáo của vụ án, họ âm thầm thắp nến, châm nhang trong ngôi nhà cuối xóm cạnh cánh đồng.
Mấy hôm trước giáo dân Cồn Dầu xin gặp ĐC Châu Ngọc Tri để xin ngài nhủ lòng thương, có thái độ chia sẻ với nỗi đau của họ. ĐC Tri phán rằng:
- Làm tới có khi bị nặng thêm đấy, 3 năm tù không biết chừng.
Thật kinh ngạc với kiến thức của vị chủ chăn đứng đầu giáo phận này. Pháp luật VN quy định rõ ràng, nếu như các bị cáo làm đơn phúc thẩm, người bị hại, viện kiểm sát không khiếu nại thì mức án phúc thẩm không thể xấu hơn bản án sơ thẩm đã tuyên. Ở vụ án Cồn Dầu chỉ có các bị cáo kháng án, vậy ở đâu ra mà tòa phúc thẩm tuyên án nặng hơn. ĐC Tri không hiểu luật hay nói vậy để có ý gì.
Ý gì không rõ, nhưng ngay từ đầu ĐC Tri đã tuyên bố đây là việc của chính quyền, không phải của giáo quyền. Tuy nói thế nhưng ngài lại làm thay việc chính quyền khi gọi vợ con anh Nguyễn Thành Năm lên để bảo họ viết bản khai là anh Năm chết do bệnh tật để trưng với bàn dân thiên hạ ''minh oan'' cho chính quyền. Dĩ nhiên với những động thái ngài đã làm như vậy, không thể trông mong ngài có những hành động chia sẻ với giáo dân của ngài. Bởi vậy những giáo dân Cồn Dầu mới bơ vơ cầu nguyện tại bàn thờ gia đình mình trong một tối mùa đông cơn mưa phùn, giá lạnh tăng thêm não nề cho buổi nguyện cầu đơn lẻ ấy.
Tôi vẫn nhớ lần gặp ĐC Tri tại tòa giám mục, ĐC tươi cười khoe ờ giấy mời trang trọng của một sự kiện quan trọng do chính quyền tổ chức. Tờ giấy mời in rất đẹp chứng tỏ sự trọng vọng người mời với người được mời. ĐC Tri nói về chuyện đám tang bà Tân tại Cồn Dầu
- Người ta đã cấm chôn rồi, mang xác đến làm chi, họ làm tới thì còn kêu ca gì ?
Nói xong Đc nhún vai cười hềnh hệch.
- Chuyện này giáo hội có buồn thì buồn, chứ tôi không buồn.
Vì sự tôn trọng với những người bạn Công Giáo, với những Linh Mục, Đức Cha khác mà tôi được gặp. Có lẽ tôi không viết thêm về ĐC Châu Ngọc Tri, vì con người tôi vốn dĩ thường khó kiềm chế được cảm xúc, sợ có lời bất kính làm buồn những vị mà tôi yêu mến.
Ngày mai 26-1 -2011, các giáo dân Cồn Dầu ra tòa xử, nét mặt họ còn vương nỗi khiếp sợ. Ngay trước lúc buổi cầu nguyện, một nhóm công an mặc sắc phục ộc vào nhà đi lại ngó nghiêng. Tuy rằng công an chỉ hỏi chủ nhà về việc chuẩn bị Tết nhất đến đâu, khó khăn gì không để chính quyền giúp đỡ, họ trao quà cho bé con chủ nhà. Lý do thì tuyệt vời nhưng cái cách mấy người còn lại đi lại quan sát, chất vấn tên tuổi những vị khách, người khác dùng điện thoại chụp ảnh những vị khách của giáo dân đã làm giảm đi cái nhân văn của cuộc gặp gỡ thăm hỏi đi rất nhiều. Và nó mang đến thêm cho mấy người dân lẻ loi đó một sự sợ hãi hơn là an lòng vì chính quyền quan tâm.
Cồn Dầu !
Cái tên đọc lên khiến những ánh mắt của những giáo dân can trường từng đến tận Tam Tòa, đến góc núi Đồng Chiêm hay hàng rào Tòa Khâm Sứ năm nao phải lảng nhìn đi nơi khác.
Cồn Dầu !
Cái tên mà ngay cả những giáo dân Cồn Dầu còn ngập ngừng, sợ hãi không dám nhắc với nhau. Trên đường đi ở giáo xứ này, những cái nhìn lấm lét, cúi đầu, lảng tránh là thái độ ngự trị nơi đây.
Còn Dầu !
Trước ngày sắp xử, không có bầu không khí rực lửa như ở đâu đó. Chỉ có sự dáo dác, ngó nghiêng, xì xụp của vài mống người. Khiến khách phương xa độc hành đến đây phải chạnh lòng thấy sự bơ vơ hơn nữa.
Ngày mai trên con đường dọc sông Hàn gió lạnh, mưa bay một nhúm vài mống giáo dân lầm lũi dắt nhau ra ngôi nhà tòa án nằm ven sông. Nếu giáo quyền của ĐC Châu Ngọc Tri đã lãng quên không nhìn thấy họ. Xin mong trên trời cao, Đức Chúa Trời Người ngự trị muôn đời trong lòng những giáo dân này, sẽ luôn dõi mắt theo bước chân của họ, để nâng đỡ cho tinh thần, cho thể xác họ được an lành trong một ngày... như thế đó.
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=YkvqaburSo8]
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=THUS1WB3rNk]
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=_0emSEq2Fio]
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=hD7JDTD9EIQ]
Thanh bình trên dòng sông quê hương thuở nào
Thắp nến chuẩn bị cầu nguyện xin phước lành trước ngày ra tòa.
Đọc kinh cầu nguyện, hát kinh Hòa Bình cùng với luật sư Huỳnh Văn Đông
Làm bữa cơm mời luật sư tại nhà anh Lâm, mới ăn có 3 công an vào mời anh Lâm gặp để hỏi chuyện chuẩn bị Tết nhất đến đâu, khó khăn gì không để các anh giúp đỡ. Xong các anh nhất định hỏi tên họ luật sư và người đi cùng luật sư. Hỏi xong tên các anh mới đi về.
4 giáo dân sắp ra phúc thẩm, ông Liên, NBG, bà Thế, anh Việt, anh Lâm. Hai vị còn lại là anh Minh, chị Nhẫn thì đang ở trong tù.