Hạ màn Đại Tiệc - Dân Làm Báo

Hạ màn Đại Tiệc


Phan Thế Hải - Đại Tiệc (party) ở Mỹ Đình đã hạ màn sau 10 ngày chí choé rôm rả ra trò. Những buổi tiệc chiêu đãi, những cuộc vận động hành lang đang thưa dần, nhường chỗ cho những người thắng cuộc tổ chức bán đấu giá xe phục vụ Đại Tiệc, quyết toán các khoản chi tiêu, chia chác thị phần, phân phối ghế. Tết đang phả hơi nóng sau lưng, nhiều chuyện phải lo nhưng Chủ tịch cũng ngẫm một chút về Đại Tiệc hầu bạn đọc.

Năm năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi góp ý góp iếc này nọ, Chủ tịch đã cắm cổ hơn ngày trời làm hẳn một bài 9 trang A4, gồm 5 điểm, hoành tráng mang tên: “Gỡ nút cổ chai cho nền kinh tế tăng tốc và cất cánh” gửi Ban Văn Kiện của Đại hội Tiệc. Các báo chí nước ngoài thi nhau đưa tin, phỏng vấn phỏng viếc còn Tiệc ta thì bặt vô âm tín, coi như không thấy, không nghe, không có…

Vì lý do đó, Chủ tịch không mấy quan tâm đến Đại Tiệc lần này. Thế nhưng, mấy ông bạn Chủ tịch lại quá sốt sắng, thường xuyên gọi điện, hỏi thăm thông tin, thảo luận từng điểm nhỏ trong dự thảo, rồi chuyện nhân sự nhân siếc, ông nọ ông kia, ông nào trúng, ông nào trật, cứ y Hai Lúa thảo luận về chuyện giá cá tra ở thị trường Mỹ.

Về chuyện Cương lĩnh, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vì cái gọi là Định hướng CNXH mà Tiệc tự nhốt cả dân tộc vào đó trong hơn nửa thế kỷ qua. Đau thương, bạo lực, đổ máu, tụt hậu cũng chỉ vì cái định hướng chết tiệt này. Từ khi buông lỏng cái định hướng đó năm 1986, đó cũng là cơ hội để dân tộc hồi sinh.

Chuyện công hữu về Tư liệu sản xuất, kinh tế quốc doanh chủ đạo cũng là chuyện loay hoay gần nửa thế kỷ qua. Không mới, không thiếu dẫn chứng, không thiếu đau thương, vẫn cố gắng bấu víu, luyến tiếc, mỵ dân. Giải mã hiện tượng này, Chủ tịch đã có chuỗi bài: “Nền chính trị ngoại tình”. Nay có nói thêm vài điều cũng không mới.

Chuyện nhân sự thực chất chỉ là sự giàn xếp giữa các phe phái, thế lực. Nhìn rộng hơn một chút, năm 1908, Từ Hy Thái hậu ngắc ngoải, biết không thể kéo dài được lâu, liền lập Phổ Nghi lên ngôi Hoàng đế. Mặc dù, lúc đó ông này mới 2 tuổi rưỡi. Ở một đất nước chiếm 1/5 dân số thế giới mà phải chọn một đứa trẻ lên ngôi Vua thì ở xứ ta, chuyện ông nọ hay ông kia ở ngôi Tổng có gì là lạ!

Mỗi khi còn có sự độc tôn lãnh đạo mà duy trì hệ thống chính trị theo kiểu cung đình, hậu phong kiến thì chuyện chức Tổng hay Vương cũng chỉ là sự sắp đặt, giàn xếp sao cho không xung đột với các nhóm lợi ích.

Nguyễn Trần Bạt nói với Chủ tịch: Đây là Đại hội của các thủ đoạn. Chủ tịch bảo: bác nói thế thẳng như ruột ngựa. Gọi là Festival có phải lịch lãm hơn không. Thằng bạn Chủ tịch bảo: Festival thủ dâm, nghe hơi tục đã minh hoạ cho hầu hết những tham luận trên diễn đàn. Chiến lược không có gì để bàn, vì có bàn thì cũng chỉ loay hoay trong cái hũ đó thôi. Khi chiến lược bị nhốt trong hũ kín thì đó là lúc mà thủ đoạn được dùng đến.

Những ai có ý tưởng thoát khỏi cái hũ đó, đương nhiên là không có cơ hội tham gia vào cơ cấu. Có một chuẩn mực được ngầm định rằng: Phải vâng lời, phải kiên định, phải trung thành với cái chủ nghĩa mà Tiệc ta trót lựa chọn từ thời còn nông nổi. Cả một dân tộc 86 triệu dân đang sống trong thời đại Internet băng thông rộng và một thế giới phẳng lại phải kiên định với cái gọi là “Luận cương năm 1930” do một thanh niên mới 26 tuổi, nông nổi bốc đồng viết ra một cách vội vàng.

Nguyên Chủ tịch QH An Nguyễn Văn, trước Đại Tiệc, trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông nói: “Việt Nam đang mắc lỗi hệ thống. Quyền lực nhà nước được phân làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy Đảng trở thành ông vua tập thể. Như thế không phải dân chủ nữa mà là Đảng chủ. Vậy Đảng là ông vua rồi còn gì.

Đó là cái sai từ gốc của hệ thống gây nên cái lỗi của hệ thống quyền lực theo mô hình cộng hòa Xô Viết. Thông lệ quốc tế không có vậy, và cần phải được khắc phục theo quy luật phổ quát là phân chia ba nhánh quyền lực một cách rạch ròi thống nhất theo hiến pháp và pháp luật tức là thống nhất ở nơi dân”

Trong một nền kinh tế tri thức, khi mà sự sáng tạo được coi là động lực phát triển của xã hội thì Tiệc ta lại tôn thờ sự kiên định, định hướng vào một khái niệm mông lung, để rồi năm năm một lần, hội họp tranh cãi chí choé về những cái mông lung ấy. Một trong những luận điểm mà Tiệc ta hay dùng để mỵ dân là: Vì dân, do dân và minh bạch. Vậy đố ai biết, Đại Tiệc này đã chi hết bao nhiêu tiền?

  • Phan Thế Hải

http://vn.360plus.yahoo.com/phanthehai2003/article?mid=1823



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo