Kinh tế cũng là chính trị - Dân Làm Báo

Kinh tế cũng là chính trị


Nguyễn Xuân Nghĩa - Dân Việt Nam mình mệt sức gấp đôi thiên hạ. Khi Trần Hưng Ðạo Vương dạy là “phải khoan sức dân”, ngài đã biết gì về kinh tế chính trị học Mác-Lênin đâu! May là người dân lại không biết. Hèn gì, chế độ phải kiểm soát thông tin để dân đen nó mất cơ sở so sánh và tiếp tục lạc quan tếu.

Bi lạc quan của nhà nước và nhà cái Việt Nam...

Năm 2010 vừa kết thúc là một năm quan trọng cho đảng Cộng Sản Việt Nam.
Theo chu kỳ năm năm một lần, đại hội đảng sẽ được triệu tập vào năm 2011, cho nên năm 2010 phải đem lại một chút phấn khởi cho người dân để tạo khí thế lạc quan chuẩn bị đại hội. Kết quả mỹ mãn như ý: Theo cuộc thăm dò mới đây do viện khảo sát BVA (Brulé Ville et Associé) thực hiện cho nhật báo Le Parisien của Pháp thì dân Việt Nam thuộc loại lạc quan nhất thế giới, còn lạc quan hơn người dân tại Trung Quốc, Brazil hay Peru.

Nghĩ thì cũng phải!

Thế giới vừa bị một vụ tổng suy trầm 2008-2009, một chu kỳ đình đọng quái ác làm đảo lộn mọi quan hệ kinh tế trên toàn cầu, thì ngay trong năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 5%, vô cùng khả quan. Năm đó, lần đầu tiên mà lợi tức trung bình của người dân Việt đã vượt cái ngưỡng tâm lý là 1,000 Mỹ kim một đầu người. Tức là leo vào thành phần có mức sống thuộc loại trung bình của thế giới. Ngon!

Qua năm 2010, kế hoạch kích thích kinh tế vẫn được duy trì qua tăng chi và đầu tư của khu vực công và qua vòi tín dụng ngân hàng. Kết quả là khi các nước công nghiệp hóa thì mếu máo dở khóc dở cười, tổng sản lượng kinh tế của Việt Nam đã tăng 6.78% - còn mạnh hơn năm trước - và đạt một cái mốc tâm lý đáng chú ý khác là sản xuất thêm được 100 tỷ Mỹ kim.

Chúng ta nên chú ý tới vài con số này, xin tóm gọn là đà tăng trưởng 7% của một sản lượng là trăm tỷ...

Ðảng Cộng Sản bước vào đại hội với đầy khí thế anh hùng. Ông thủ tướng thấy tràn trề hy vọng hy sinh thêm một nhiệm kỳ nữa cho quốc dân và cuối năm 2010, không khỏi nhắc tới mấy số liệu huy hoàng đó.

Nhưng ông ta không biết đếm!
***
Người viết thường ít đề cập tới chuyện kinh tế Việt Nam, nhất là qua các chuyên mục hàng tuần về quốc tế hay kinh tế chính trị trên cột báo này. Nhưng năm nay xin làm một ngoại lệ - một năm chỉ có một lần - vì cần tập đếm cho một người đã từng làm... thống đốc ngân hàng trung ương trước khi leo lên làm thủ tướng. Năm xưa, Tổng lý Chu Dung Cơ của Trung Quốc đã từng làm như vậy, lẽ nào đồ tử đồ tôn ta lại kém sư phụ!

Miễn rằng đệ tử phải biết đếm - mà chỉ là đếm tiền trong túi của mình.

Trong năm 2010 vừa qua, người Việt tại hải ngoại - chủ yếu là dân tỵ nạn năm xưa - đã gửi về qua ngả chính thức cho thân nhân ở nhà ít nhất là tám tỷ đô la tiền tươi, miễn phí, vô điều kiện. Nếu kể thêm các ngả khác thì nhiều hơn gấp bội, có khi là gấp đôi. Trong một năm mà sản lượng kinh tế tăng thêm 7% để đạt 100 tỷ đô la thì coi như dân ta đã làm giàu thêm được bảy tỷ.

Thế còn tám tỷ trời cho kia, nó chạy đi đâu?

Chạy vào rồi lại chạy ra.

Chảy vào là công đức của bà con ở ngoài, chảy ra là công lao của những người có quyền và có tiền. Năm 2005, Tổng Thống George W. Bush đã có một nhận định rất “kinh tế chính trị học tư bản chủ nghĩa”: “Tiền đó là của ta, có trở về với ta thì cũng bình thường thôi!” Chỉ là... “Châu về Hiệp Phố”.

Ðó là một cách đếm... ngầm: Ba triệu người ở hải ngoại có góp phần đáng kể cùng gần 90 triệu người dân trong nước để tạo ra cái phép lạ lạc quan làm báo chí Pháp trầm trồ! Cứ như vậy, ta có quyền lạc quan tới chiều tối.

Cái tối dạ của một ông thủ tướng không biết đếm được chính ông ta phản ảnh hôm 31 tháng 12 khi nói đến thành tích đầu tư là hơn 40% tổng sản lượng để đem lại mức tăng trưởng 7%.
Xin có một bài học miễn phí về kinh tế - trình độ cử nhân năm thứ nhất.

***
Người ta thường so sánh nỗ lực đầu tư với thành quả ở “chỉ số xuất lượng tư bản” - “incremental capital output ratio” hay ICOR.

Sơ đẳng lắm: Muốn sản lượng tăng thêm một đơn vị thì phải đầu tư mất bao nhiêu? Xin lấy một thí dụ rất nít nôi. Tôi có trăm bạc mà dè sẻn không tiêu hết, để đem 40 bạc vào việc đầu tư sản xuất thì một năm sau tôi có được 107 đồng. Tức là xuất lượng tăng được 7%, với cái giá, hay phí tổn, là 40 đồng - trường hợp của Việt Nam là 42 đồng, tính cho chính xác. Lấy con số 42 chia cho bảy, vị chi là có chỉ số xuất lượng hay ICOR là sáu (42:7=6).

Lối tính đó thì khỏi cần làm thống đốc hay thủ tướng mình cũng hiểu.

Trong năm 2010 đầy huy hoàng vừa qua, Việt Nam đã gia tăng sản xuất được 7% nhờ gia tăng đầu tư 42%. Nếu không thèm nhìn ra ngoài để tiếp tục lạc quan thì chẳng ai hiểu ý nghĩa của mấy con số đó. Nhưng nếu nhìn qua xứ khác thì ta thấy hiệu năng đầu tư của Việt Nam chỉ bằng phân nửa các quốc gia có cùng trình độ: Với hiệu năng cao gấp đôi, người ta mà muốn tăng 7% thì chỉ đầu tư 21%, và còn lại 79 đồng... để hưởng, dân giàu nước mạnh là như vậy.

Kết luận một: Dân Việt Nam mình mệt sức gấp đôi thiên hạ. Khi Trần Hưng Ðạo Vương dạy là “phải khoan sức dân”, ngài đã biết gì về kinh tế chính trị học Mác-Lênin đâu! May là người dân lại không biết.

Hèn gì, chế độ phải kiểm soát thông tin để dân đen nó mất cơ sở so sánh và tiếp tục lạc quan tếu.

Mà vì sao lại mệt sức gấp đôi? Vì đảng và nhà nước quyết định thay cho bá tánh về việc phân bố đầu tư đó. “Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa” là như vậy.

***
Chuyện chưa hết.

Khi cần gây phấn khởi, cái nhà nước của ông thủ tướng không biết đếm này đã ào ạt tăng chi ngân sách và dồn một lượng đầu tư rất lớn vào doanh nghiệp nhà nước. Ðây là khu vực kinh tế “chủ đạo” của nhà nước - mà ta nên gọi cho đúng là “nhà cái”. Khu vực này là các trung tâm “sản nhập” không phải là “sản xuất” vì nhập lượng đưa vào lại tạo ra một suất lượng thấp hơn. Thực tế thì hiệu năng của khu vực này chỉ bằng một phần tám của khu vực tư doanh - các định chế tài chánh quốc tế đều biết như vậy và viết như vậy.

Nhà cái dồn tiền cho nhà con của mình hì hục sản nhập và nhà con vốn dĩ không khờ đã phù phép cho các khoản nhập lượng đó bốc hơi ra ngoài. À! Giờ thì ta đã hiểu vì sao tám tỷ “kiều hối” của thân nhân từ ngoài chảy vào lại cứ chảy ra mất tăm. Kinh tế chính trị học của nhà cái.

Nếu vậy thì có gì là hay?

Chúng ta vẫn chưa hiểu gì cả, vì nhà cái cũng biết dùng “đòn bẩy” - thuật ngữ kinh tế tài chánh gọi là “leverage” - bà con ta cứ nôm na gọi là đi vay.

Theo quy luật “tích cốc phòng cơ - tích y phòng hàn” của các xã hội thường bị đói rét, dân ta có nếp văn hóa cần kiệm rất Á Châu. Vì vậy, trung bình tiết kiệm từ 31 tới 34% lợi tức, nhưng xin tính tròn là 30% cho dễ nhớ. Khi nhà cái vét khoản tiết kiệm nội địa là 30% đó để đầu tư thì vẫn chưa đủ con số 40% kỳ diệu để đạt phép lạ 7%. Cho nên mới đi vay.

Giới kinh tế uyên bác thì nói đến số thiếu hụt tư bản của cán cân chi phó - hay cán cân thanh toán, nói theo người Hà Nội - là 10%.

Thực tế là nhà cái đi vay thêm 10% cho nhà con của mình đánh bạc. Vinashin hay cả chục quả đấm thép là biểu hiện của trò vay mượn đó. Ai trả sau này là chuyện “túi vũ trụ mắc đàn sau gánh vác!”

Tức là kinh tế Việt Nam được uống thuốc bổ để đạt thành tích 7%, và thuốc bổ đó là tiết kiệm của dân, được nhà cái bổ sung bằng việc đi vay sau này cũng sẽ do người dân phải trả. Phẩm chất của đà tăng trưởng 7% này là chuyện không ai thèm đo đếm vì bài học kinh tế vỡ lòng là người ta chỉ đếm ra cái được mà khó nhìn thấy cái mất trong môi sinh bị hủy hoại hay bất công cứ chồng chất năm này qua năm khác.

Mà vay nhiều mà bị nguy cơ vỡ nợ thì các chủ nợ phải đòi phân lời cao hơn là chuyện cuối năm qua với cách lượng giá trái phiếu của Việt Nam dưới cấp giấy lộn - junk bonds - tới bốn bậc. Một xứ Ái Nhĩ Lan hay Bồ Ðào Nha mà bị Moody's hay S&P's xuống cấp trái phiếu - trên Việt Nam rất xa - thì cả Âu Châu đã rúng động. Chứ nhà cái của nước ta vẫn cứ bình chân như vại!

Cái chai em cầm làm sao làm sao to thế? Sắp tới đại hội đảng mà...

***
Vì kinh tế cũng là chính trị - nên người viết phải nhảy vào chuyện đo đếm vay mượn này.
Gánh công trái - trái khoản hay nợ nần của khu vực công, dùng chữ “công nợ” của người Hà Nội là chả hiểu gì cả nên vẫn cứ nửa nôm nửa chữ - đã vượt quá phân nửa của tổng sản lượng Việt Nam: Trong 100 tỷ Mỹ kim sản xuất ra một năm thì coi như nhà nước đi vay 51 tỷ.

Trong số 51 tỷ này hơn 31 tỷ là vay ngoại quốc, là 31 tỷ “ngoại trái” cho một sản lượng trăm tỷ. Ðó là thành tích chói lọi của năm 2010 - mà sẽ thành trói buộc sau khi nhà cái đấm ngực hít hà về Ðại hội 12.

Trói buộc vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ còn có 14 tỷ sóng đánh.

Nhưng đếm cho kỹ thì coi vậy mà vẫn chưa phải vậy. Trong cái gánh nặng công trái đó, thủ thuật kế toán và thống kê của Việt Nam không kể các khoản vay mượn của doanh nghiệp nhà nước - các cơ sở chủ đạo chuyên trị về sản nhập. Chúng đi vay được để đánh bạc kiểu đó là nhờ có nhà cái đứng sau lưng. Thuộc diện chính sách mà! Nếu tính thêm cái khoản vay mượn hào phóng này để vén tay áo sô đốt nhà tang giấy thì nhà cái phải chịu trách nhiệm thêm chừng 40 tỷ đô la nữa.

Vị chi là hơn 90 tỷ cho một sản lượng 100 tỷ. Ðó mới là cách đếm và đeo lên ngực. Vì nhà cái vay tiền cho nhà con của mình đốt pháo bông mừng đại hội đảng.

Như chưa đủ huê dạng, ông thủ tướng không biết đếm này còn tăng cường sức bật khi gom các tổng công ty thành “tập đoàn kinh tế chiến lược” của nhà nước. Thành quả là một chuỗi Vinashin mà người ta mới chỉ lấp ló thấy cái ngọn sủi bọt ở trên.

Và tầng kiến trúc ngoạn mục đó nằm trên số vốn dằn lưng là 14 tỷ sóng đánh!

Mai sau rồi sẽ thế nào?

***
Sau khi bị lạm phát trên 22% mới chỉ đầu năm 2008 thì vì nhu cầu hồ hởi sảng, trong hai năm liền Việt Nam đã bơm tiền rất bạo như kẻ uống thuốc cường dương để cỗ xe tiếp tục đổ dốc với tốc độ rồng cọp. Chu kỳ đó đã đi hết sự vận hành của nó và lạm phát năm xưa lại trở về. Tới cuối năm chưa kịp ăn Tết thì đã mấp mé 12%, nặng nhất là lương thực và năng lượng.
Trong vài tháng tới thôi, dầu thô sẽ vọt lên giá và trung bình toàn năm là hơn 100 đô la một thùng. Giọt dầu là giọt máu vì nền kinh tế này mới chỉ làm gia công cho thiên hạ - bằng sức dân và lương bổng thấp - khi phải nhập cảng nguyên nhiên vật liệu chế biến thêm một chút trị giá gia tăng nhờ bộ máy sản xuất. Với dầu thô vượt giá một trăm, tình hình sẽ vô cùng khốn đốn vì xứ này mới chỉ có dầu mà chưa có xăng - còn phải đi nhập, cùng rất nhiều loại thương phẩm khác.

Và nhập luôn cả lạm phát của thiên hạ về bổ sung cho lạm phát tiền tệ ở nhà.

Vật giá gia tăng thì đồng bạc càng thêm mất giá so với đô la - trên một cái phao chỉ có 14 tỷ, lại bị ghìm xuống đáy ở các khoản công trái khổng lồ. Phá giá đồng bạc sẽ là quy luật, và cùng với lạm phát sẽ thành vòng xoáy đi xuống.

Nhưng mấy chuyện đo đếm tẹp nhẹp ấy quả là không đáng kể nên hoàn toàn vắng bóng trong các văn kiện chuẩn bị đại hội đảng! Tưng bừng... mà hoang vô hậu.

Thành tích đáng kể nhất chỉ có thể được đọc trong một báo cáo riêng gửi lên Bắc Kinh. Rằng kinh tế Việt Nam nay đã lệ thuộc Trung Quốc tới xương tủy. Ðạt một số xuất siêu nhờ bán hàng cho xứ khác thì được bao nhiêu lại trả công bội hậu cho Trung Quốc bấy nhiêu. Mỗi tháng thêm một tỷ hai...

Hèn chi cái ông thủ tướng không biết đếm này vẫn được ai đó tín nhiệm. “Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa” là như vậy!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=125176&z=97



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo