Lời người dịch: Leszek Kolakowski (1927-2009) là triết gia hàng đầu thế giới về chủ nghĩa cộng sản. Sau khi rời Ba Lan năm 1968, ông viết một bài rất quan trọng vào năm 1971 chứng minh rằng các chế độ toàn trị theo chủ nghĩa xã hội là không thể nào cải cách được. Vì thế con đường tốt nhất, theo ông, là người dân tự tổ chức các nhóm xã hội để từ đấy mở rộng phạm vi xã hội dân sự. Mục đích không phải là lật đổ chế độ bằng bạo lực hay cố gắng vô vọng để thay đổi chế độ mà là tạo ra “cuộc sống hợp lý” và “nới lỏng ách nô lệ”. Bài viết này có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các phong trào bất đồng chính kiến tại các nước Đông Âu, và nhất là góp phấn quan trọng vào sự ra đời của Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan.
Chúng tôi giới thiệu phần đầu của bài viết này mà được đăng lần đầu tiên trên tạp chí tiếng Ba Lan Kultura ở Paris.
Trần Quốc Việt dịch
Chúng ta hãy tóm tắt ngắn gọn những lý luận thường được đưa ra nhất để ủng hộ luận điểm cho rằng hệ thống xã hội cộng sản, dưới hình thức tồn tại như hiện nay, là không thể nào cải cách được. Những lý luận này cho rằng chức năng chính của hệ thống này là duy trì quyền lực độc quyền không bị kiểm soát của bộ máy cai trị; tất cả những thay đổi về thể chế hay thật sự đã diễn ra, hay những thay đổi ta tưởng tượng có thể diễn ra, nhất định không phá hoại nguyên tắc cơ bản mà tất cả các hành động chính trị và kinh tế của những kẻ cai trị đều phụ thuộc vào này. Vì độc quyền quyền lực chuyên chế không thể nào bị xoá bỏ từng phần ( lời tuyên bố này gần như là thừa vì theo định nghĩa độc quyền không thể nào là ” từng phần ” được). Như thế tất cả các thay đổi trong quá khứ và có thể tiên đoán được bên trong khuôn khổ của hệ thống này đều không quan trọng và đều có thể dễ dàng bị đảo ngược, vì chúng không thể nào được thể chế hoá nếu không phá vỡ toàn bộ cơ chế. Vì thế thỏa mãn được kỳ vọng cơ bản của giai cấp công nhân và trí thức là sự bất khả bên trong các giới hạn bị áp đặt bởi chức năng chính của hệ thống. Ở đây chúng ta bàn đến cơ chế hoàn toàn cứng ngắc, thiếu cơ cấu tự giám sát và có khả năng thay đổi chỉ khi nào đối diện với những tai hoạ dữ dội, mà tuy thỉnh thoảng cũng xảy ra, nhưng không để lại vết sẹo nào trên sinh lý của tổng thể, ngoại trừ một số nhượng bộ và tái tổ chức hời hợt bên trong phe phái cai trị. Chủ nghĩa Stalin theo đúng nghĩa, tức sự chuyên chế tàn bạo vô độ của một cá nhân, là hiện thân chính xác nhất của những tiên đề thực tế của hệ thống; những thay đổi về sau này, đặc biệt sự giảm đi đáng kể những hình thức cầm quyền khủng bố, dù có quan trọng xét theo quan điểm an ninh của cá nhân, nhưng vẫn hoàn toàn không thay đổi bản chất chuyên chế của hệ thống hay giới hạn những hình thức trấn áp và bóc lột đặc trưng xã hội chủ nghĩa. Vì những chức năng cơ bản của hệ thống xã hội này là nhằm chống lại xã hội, từ đấy tước đoạt đi bất kỳ phương tiện tự vệ nào được hiến pháp quy định, nên sự thay đổi duy nhất có thể hình dung ra vì thế phải mang hình thức cuộc cách mạng bạo lực. Hơn nữa, cuộc cách mạng như thế chỉ có thể diễn ra trên phạm vi toàn bộ hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa, vì như kinh nghiệm đã cho thấy, ưu thế quân sự Xô Viết sẽ luôn luôn được dùng để dẹp tan những mưu toan cách mạng địa phương. Thành quả của cuộc cách mạng này, theo hy vọng của một số người, sẽ là xã hội chủ nghĩa theo ý nghĩa được truyền thống Mác-xít xác định rõ ràng (tức tổ chức xã hội các quá trình sản xuất và phân phối và xác lập hệ thống đại diện) hay – theo những người khác – sẽ là sự du nhập mô hình chủ nhĩa tư bản của Châu Âu, mà dường như sẽ là con đường phát triễn đáng tin tưởng duy nhất khi đối diện với cảnh phá sản kinh tế và ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội.
Đây là những đặc trưng cơ bản của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô Viết mà xác định, theo hướng lý luận này, rằng tất cả những hy vọng về “sự nhân đạo hoá” từng phần, dần dần, nhờ đưa ra những cải cách liên tiếp ắt hẳn là ảo vọng ( ở đây chúng ta đề cập đến những đặc trưng “cấu trúc” người ta có thể phát hiện ra ở tất cả các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội theo hình thái Xô Viết.)
(1) Theo mô hình này điều thường được gọi là “dân chủ hoá” hệ thống cầm quyền là không tưởng. Vì chuyên chế chính trị và độc quyền của bộ máy cai trị trong việc kiểm soát phương tiện sản xuất, đầu tư, việc làm, và phân chia thu nhập quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Độc quyền chính trị của nhóm nhỏ cai trị phụ thuộc vào địa vị của nó như là người chủ duy nhất và đồng thời như là người kiểm soát duy nhất phương tiện sản xuất. Như vậy mỗi sự vận động theo chiều hướng dân chủ chính trị, nếu thật sự, cho dù có từng phần thế nào chăng nữa, vẫn là sự tước đi chỉ một phần giai cấp cai trị, mà, tuy không phải người chủ hợp pháp phương tiện sản xuất, nhưng vẫn có tất cả các quyền và đặc quyền của người chủ tập thể. Trong lĩnh vực nền tảng này, tất cả những gì trái với nguyên tắc này đều là ảo tưởng: ta có thể an tâm cho phép công nhân thảo luận về nơi làm việc của họ và ta có thể cho phép các uỷ ban của Sejm, “quốc hội” dưới bóng của bộ máy Đảng, được phép thảo luận các chi tiết về chính sách kinh tế. Tuy nhiên bằng cách này hay cách khác mọi quyết định đều do cùng các tổ chức đưa ra, và các tổ chức này hoàn toàn không bị xã hội kiểm soát. Bất kỳ bất đồng nếu có nào, được biểu lộ qua thảo luận, trái với ý muốn của những tổ chức này đều chẳng có ý nghĩa gì vì do sự kiểm soát thông tin chi tiết, bất đồng ấy sẽ không có thể tạo thành áp lực xã hội. Tất cả các kế hoạch cải cách được các nhà kinh tế đề xuất đều nhắm vào việc làm suy yếu đáng kể độc quyền của bộ máy cai trị về các quyết định kinh tế và đe doạ tước đi một phần của nó; như thế các kế hoạch ấy không có cơ may thành công.
(2) Khuynh hướng tự nhiên của hệ thống là sự giảm liên tục vai trò của các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách kinh tế, xã hội và văn hoá. Chế độ chấp nhận các nhóm chuyên gia, chừng nào họ không đòi hỏi cho mình bất kỳ quyền được ra quyết định nào, nhưng ngay cả trong khả năng cố vấn thuần tuý này, như kinh nghiệm đã cho thấy, các chuyên gia cũng được chấp nhận một cách miễn cưỡng và họ sẽ bị loại bỏ hay bị thay thế bởi các tổ chức giả hiệu được chọn trước theo tiểu chuẩn tôi tớ chính trị. Để cho phép các chuyên gia có bất kỳ vai trò thật sự ý nghĩa nào trong việc ra quyết định sẽ nhất thiết phải giảm đi phạm vi quyền lực của tầng lớp cai trị. Như thế sự kém hiệu quả, sự phí phạm năng lực xã hội và vật chất, sự cai trị của các kẻ bất tài, nói một cách khác, tất cả đều là thuộc về bản chất của cơ chế chính quyền cho nên không thể nào được xem như là những khiếm khuyết tạm thời có thể sửa được trong tương lai. Cơ chế ấy không cho phép những tiêu chuẩn “kỹ thuật” thuần tuý, mà không lệ thuộc vào chức năng duy trì và củng cố quyền lực hiện hành, có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sự vận hành của nó.
(3)Là điều kiện không thể nào thiếu được cho hoạt động có hiệu quả của cả kinh tế và giáo dục và văn hoá, tự do thông tin tự nhiên là điều không tưởng nếu không có sự sụp đổ tan tành của toàn bộ hệ thống chính quyền, mà, trong điều kiện tự do trao đổi thông tin, tất yếu sẽ sụp đổ trong thời gian ngắn. Hơn nữa, nguyên tắc thông tin hạn chế, theo đó thông tin được phổ biến đến những kẻ cai trị theo một liều lượng tương ứng với chức vụ của họ trong tầng lớp cầm quyền, lại không thể nào áp dụng được. Nói một cách khác, những kẻ cai trị, mặc dù họ có thể dối mình về chuyện này, và ngay cả tích cực tìm kiếm thông tin không bị nguỵ tạo để thủ lợi riêng, nhưng họ tất yếu sẽ nhận được thông tin không đúng và rồi sẽ, thỉnh thoảng, lại trở thành nạn nhân của những lời nói dối của chính mình. Đã qua rồi cái thời khi Stalin xử lý những thông tin thống kê không đủ lạc quan bằng cách giết các nhà thống kê, rồi lấy thông tin về các nông trang trang tập thể từ các phim tuyên truyền. Tuy nhiên, việc loại bỏ những thông tin không đúng lố bịch một cách trắng tợn ấy vẫn không thay đổi được sự thật rằng thông tin không đúng là thuộc về bản chất của hệ thống. Đây là kết quả của ít nhất hai hoàn cảnh. Trước tiên, những người cung cấp thông tin nội bộ ấy, ở những cấp bậc thấp hơn trong bộ máy cai trị, lại thường nhất chính là những người chịu trách nhiệm về các vấn đề mà họ cung cấp thông tin. Do vậy hiện tượng bình thường, chứ không có gì khác thường cả, là thông tin bất lợi có thể tự tố cáo mình, cho nên ta hầu như không mong đợi là sẽ có nhiều người cung cấp thông tin bất lợi trên phạm vi lớn, và cũng bình thường là khi mang đến tin tức tốt thì được thưởng còn mang đến thông tin xấu thì bị trừng phạt. Như ta có thể đoán, hệ thống này tất yếu lan truyền và ảnh hưởng đến tất cả các loại người cung cấp thông tin. Mọi người đều biết đến vô số chuyện trừng phạt vì mang đến tin xấu. Thứ hai, việc thu thập thông tin về cuộc sống xã hội, muốn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì ngoại trừ sự mong muốn xác lập tình trạng thật sự, sẽ cần thiết tạo ra một bộ máy rất lớn, không bị bất kỳ nghĩa vụ chính trị đặc biệt nào ràng buộc và được phép làm việc trong những điều kiện tự do hoàn toàn để ít ra tập hợp, nếu không phải truyền đạt, thông tin. Một bộ máy như thế sẽ không những là điều dị thường không tự nhiên bên trong hệ thống mà còn tạo nên nguồn bất ổn chính trị, vì xét theo chính bản chất của nó, nó sẽ là một tổ chức không bị các ràng buộc “ý thức hệ”, và không cần thiết phải tuân phục ý thức hệ và như thế không làm tôi tớ cho chế độ. Thêm vào đấy, lượng thông tin lớn được thu nhập như thế này tất yếu sẽ gia tăng căng thẳng và xung đột trong nội bộ ở các cấp cao hơn trong bộ máy. Vì hầu như không có thông tin nào hoàn toàn trung lập, nên các thông tin không bị nguỵ tạo về cuộc sống xã hội ngay lập tức sẽ được các nhóm hay phe phái đấu đá muốn ngoi lên những chức vụ cao hơn khai thác nhằm chống lại những kẻ hiện đang nắm giữ các chức vụ này. Như vậy, mặc dù thoạt nhìn sự cai trị kiểu tự dối mình và tự lừa dối phổ quát này có thể tưởng như vô lý, song thực ra nó chính là một trong những phương tiện tự vệ được chế độ xử dụng. Đành rằng những nhóm cai trị thỉnh thoảng trả giá cho những lời nói dối do chính họ bịa ra, nhưng xét cho cùng họ vẫn có lợi khi chấp nhận những phí tổn này (càng lợi hơn vì xã hội gánh chịu phần lớn phí tổn ấy) mà dường như tăng gia sự ổn định và an ninh của chính quyền.
(4) Đặc trưng nữa của chủ nghĩa xã hội theo phiên bản Xô Viết hiện nay là sự xuống cấp tất yếu về tinh thần và đạo đức của bộ máy cai trị có quyền ra những quyết định sinh tử ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội. Sự xuống cấp này cũng thuộc về bản chất trong hoạt động của guồng máy chính trị chứ không phải xuất phát từ ác ý hay thiện ý của những kẻ cai trị. Cơ chế này đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối bên trong tầng lớp cầm quyền, vốn gắn liền mật thiết với nguyên tắc độc quyền quyền lực. Theo đó, như trong tất cả các hệ thống chuyên chế, những đặc điểm thật sự tích cực trên con đường công danh của cá nhân (tức những đặc điểm giúp cá nhân dễ dàng tiến lên trên từng nấc thang quyền lực của tầng lớp cầm quyền) là sự tôi tớ, hèn nhát, thiếu sáng kiến, sẵn sàng vâng lệnh cấp trên, sẵn sàng chỉ điểm người khác, là thờ ơ với công luận xã hội và quyền lợi quần chúng. Ngược lại, khả năng đề xuất sáng kiến, quan tâm đến ích lợi chung và trung thành với sự thật, tài giỏi và lưu tâm đến xã hội, chứ không lưu tâm đến quyền lợi của bộ máy cai trị, lại trở thành những đặc điểm cản trở sự thăng tiến của cá nhân. Như thế cơ chế quyền lực này tạo ra sự chọn lọc tiêu cực tự nhiên các cán bộ lãnh đạo trong tất cả các cấp ngành của bộ máy cai trị, nhưng, quan trọng nhất trong bộ máy Đảng. Mười bốn năm cầm quyền của Gomulka ở Ba Lan chính là sự khẳng định rõ ràng nhất của sự thật này. Đặc điểm nổi bật nhất của họ là sự loại bỏ có hệ thống những cá nhân có tài và có sáng kiến và thay vào đó là những kẻ tầm thường giỏi quỵ luỵ và hèn nhát. Quá trình này diễn ra từ tháng Ba năm 1968 trở đi như việc thăng cấp hàng loạt những kẻ dốt nát, các tay chỉ điểm hay bọn du côn đần độn (những kẻ mà người dân ở Warsaw gọi “những con rận xông vào nhà “) chỉ là sự tăng tốc và đẩy mạnh hiện tượng vốn đã diễn ra trong suốt nhiều năm trời. Giống như mọi sự trên đời này, ta có thể nêu ra các ngoại lệ, nhưng ngoại lệ thì không nhiều. Đôi lúc người ta có thể nhìn thấy quá trình ngược lại vào những thời điểm rất quan trọng, nhưng chúng không thay đổi khuynh hướng cơ bản của hệ thống, mà, tất yếu phải coi sự tài giỏi và khả năng đề xuất sáng kiến như là hiện tượng thù nghịch với chính nó. Các cấp ngành khác nhau của guồng máy cai trị trải qua quá trình chọn lọc tiêu cực theo những cấp độ khác nhau, để trong quản trị kinh tế và công nghiệp người ta vẫn luôn luôn có thể thấy một số đáng kể những người có tài và can đảm phải đập mạnh đầu họ nhiều lần vào bức tường thờ ơ, sợ hãi và bất tài dựng lên quanh bộ máy Đảng và các ngành chính trị và tuyên truyền của nó, nơi nguyên tắc chọn lọc những phần tử tệ hại nhất đạt được chiến thắng rực rỡ nhất.
(5) Những hình thức chính quyền chuyên chế tất yếu tạo ra nhu cầu xâm lược thường trực, hay ít ra được định kỳ lập lại. Trong nhiều thế kỷ người ta biết rằng cuộc chiến tranh đó là mồ chôn đối với nền dân chủ. Vì lý do này chiến tranh xâm lược cũng là đồng minh của chế độ độc tài. Trong trường hợp không có chiến tranh ở nước ngoài, những hình thức trấn áp khác nhau ở trong nuớc cũng thực hiện chức năng tương tự nhằm mục đích duy trì tình trạng đe doạ trường kỳ và duy trì sự hoang tưởng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, qua việc xử dụng những phương pháp xảo trá nhất và những kẻ thù không có thật nhất. Việc thường xuyên tung ra những hành động trấn áp tàn bạo chống lại những nhóm dân số liên tiếp, được chọn theo những tiêu chuẩn đa dạng nhất, hoàn toàn không phải là hậu quả của sự điên rồ, mà là chức năng thuộc về bản chất của một cơ chế quyền lực không thể nào mà không có những kẻ tử thù nằm mai phục để lợi dụng điểm yếu ít quan trọng nhất của nó, vì chỉ như thế này nó mới đảm bảo sự sẵn sàng động viên cần thiết. Như thế cơ chế quyền lực phát minh ra các kẻ thù, và trong quá trình phát minh ấy lại tạo ra những kẻ thù thật, vì những hành động trấn áp thường xuyên tất yếu sẽ nuôi dưỡng sự thù nghịch và chống đối ở những người dân bị trấn áp rồi đưa đến hoàn cảnh nơi trấn áp có thể được biện minh là cần thiết. Như thế hệ thống trấn áp do tự mình tạo ra, và những hành động trấn áp ở trong nuớc tự thân chúng sẽ tạo ra nhu cầu trấn áp thêm nữa.
(6)Chính nguyên tắc độc quyền quyền lực này tạo ra sự cần thiết khích thích sự tan rã của xã hội và huỷ diệt tất cả các hình thức cuộc sống xã hội không được bộ máy cai trị cho phép. Vì những xung đột xã hội không bị loại trừ được, mà chỉ bị đè nén qua trấn áp và bị che đậy qua những từ ngữ ý thức hệ, nên những xung đột xã hội này tìm mọi cách thể hiện đa dạng nhất, do đó có nghĩa là ngay cả hình thức tổ chức xã hội vô hại nhất, nếu không bị công an kiểm soát đúng mức, có thể thật sự biến thành những trung tâm đối lập. Điều này phát sinh nhu cầu “quốc hữu hoá” tất cả các hình thức cuộc sống xã hội và tạo ra áp lực không ngừng nhằm mục đích huỷ diệt tất cả các mối quan hệ xã hội tự phát để ủng hộ những hội và đoàn thể giả hiệu mang tính bắt buộc của nhà nước mà chức năng duy nhất của chúng là thụ động và phá hoại và không đại diện cho bất kỳ quyền lợi của ai ngoại trừ quyền lợi của giai cấp thống trị. Mặc dù hệ thống cần kẻ thù, nhưng nó lại cực kỳ sợ bất kỳ hình thức đối lập nào có tổ chức; nó muốn có chỉ kẻ thù nào do nó tự chọn và có thể đánh trong những điều kiện nó chọn. Nhu cầu tự nhiên của chế độ chuyên chế là làm cho các cá nhân khiếp sợ bằng cách tước đi ở họ phương tiện chống đối có tổ chức. Một phương cách phục vụ chức năng này là sự ra đời bộ luật hình sự mà mập mờ và không rõ ràng một cách cố ý, để một số lượng càng nhiều càng tốt các công dân có thể cảm thấy sợ hãi và cảm thấy bị đối xử như tội phạm, và để tránh cho phạm vi trấn áp thật sự không bị ràng buộc bởi những điều khoản pháp lý được quy định nghiêm nhặt, mà phụ thuộc vào sự vận dụng tuỳ tiện và quyết định tuỳ tiện của công an và Đảng.
(7) Hơn nữa bộ máy cai trị không có tự do về vấn đề các quyền của công dân. Do sợ bị sụp đổ, chế độ dù lãnh đạo của nó có muốn cũng không thể nào mở rộng những quyền công dân này. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng những sự nhượng bộ trước các đòi hỏi dân chủ thay vì tạo ra sự hài lòng với các thành quả cục bộ đạt được, ngược lại, lại trở thành lý do cho áp lực ngày càng gia tăng từ bên dưới rồi bắt đầu lớn dần lên như thác đổ đe doạ đến toàn bộ trật tự chính trị. Ách nô lệ quá nặng tròng lên xã hội và cảm giác bị trấn áp và bị bóc lột quá ngột ngạt đến mức kẻ nứt nhỏ nhất trong hệ thống bạo lực được thể chế hoá này hay cải cách nhỏ nhất hứa hẹn sự nới lỏng ngay lập tức sẽ gây ra cảnh tức nước vỡ bờ của muôn vàn bao uất hận dấu kín và bao nhu cầu bị đè nén và đe doạ bùng nổ không thể nào kiểm soát nổi. Sau quá nhiều kinh nghiệm, ta không lấy làm ngạc nhiên rằng lòng nhân của những kẻ cai trị, cho dù có thật đi chăng nữa, vẫn không thể nào làm dịu đi thân phận nô lệ về chính trị và kinh tế của toàn bộ dân số.
Nguồn: Tạp chí Survey, bộ 17, số 3 năm 1971, trang 37-52