“Cách lựa chọn lâu nay của chúng ta vẫn còn làm theo cách cũ, thường không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong Đại hội và trong Quốc hội”. - Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội
Ngọc Trân, thông tín viên RFA - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã bắt đầu phần thảo luận, xem xét, quyết định nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
AFP - Ban lãnh đạo Bộ chính trị ĐCSVN. Ô. Nguyễn Tấn Dũng-Ô.Nguyễn Phú Trọng-Ô.Nguyễn Sinh Hùng-và Ô. Nông Đức Mạnh (từ trái sang phải)
Theo điều lệ đảng, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và BCH này sẽ bầu Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong số ủy viên Bộ Chính trị.
Phương pháp tuyển chọn nhân sự của đảng theo cách này liệu có bảo đảm những người được chọn, là những người có đủ tài và đức để điều hành đất nước? Các lãnh đạo đảng đã được bầu chọn từ trước tới nay, có phải là những người tài giỏi nhất, xứng đáng nhất để lãnh đạo đất nước chưa? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân giải đáp các thắc mắc trên.
175 người sáng suốt hơn 87 triệu?
Tin tức cho biết, Đại hội Đảng XI đã tán thành số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới, gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Các ủy viên chính thức này sẽ bầu ủy viên Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Đảng CSVN. Khác với các nước dân chủ trên thế giới, lãnh đạo của các nước cộng sản không do toàn dân bầu ra. Các chức vụ lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam như: Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội phải là ủy viên Bộ Chính trị và các ủy viên Bộ Chính trị này phải do BCH Trung ương Đảng bầu ra. Liệu 175 ủy viên BCH Trung ương Đảng có đủ sáng suốt hơn 87 triệu dân Việt Nam để lựa chọn những người xứng đáng nhất làm lãnh đạo của mình?
Phương pháp bầu chọn những người điều hành đất nước hiện nay không thông qua người dân bầu cử trực tiếp, không có sự tranh tài thật sự, cho nên rất khó có thể tìm người xứng đáng nhất cho các vị trí lãnh đạo.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội đã trả lời báo Vietnamnet hôm thứ Bảy vừa qua, như sau:
“Cách lựa chọn lâu nay của chúng ta vẫn còn làm theo cách cũ, thường không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong Đại hội và trong Quốc hội”.
Sai lầm từ gốc
Cùng ý kiến với ông Nguyễn Văn An, GS Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ chế tuyển chọn lãnh đạo cấp cao có vấn đề. Hơn ba tháng trước, tại hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng, GS Vũ Huy Từ, phát biểu:
“Cơ chế sử dụng và cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao, thì bây giờ cũng không biết tuyển chọn bằng cách nào? Chúng tôi cảm thấy dường như có mấy vị cấp trên cao nhất là quyết định cái nhân sự của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không có công khai, không có minh bạch, không có cạnh tranh, không có… Nghĩa là có bầu cử, có nói chuyện nhưng là hình thức, là hình thức cả.
Thậm chí có một Đại hội Đảng bộ của thành phố rất là lớn, sau khi bầu xong thì ông Bí thư nói là bầu ‘đúng như dự kiến’, ‘thành công rất lớn’. Thế thì tức là chúng ta có tất cả mọi chuyện bầu cử, tất cả giới thiệu, thăm dò ý kiến đủ tất cả. Nhưng xét cho cùng cái người chúng ta đưa lên vừa kém về tài và đức cũng kém nốt. Vậy vấn đề cơ chế của chúng ta là hỏng rồi. Bầu cử, mọi chuyện đều có nhưng hoá ra cuối cùng kết quả chả ra gì, chứng tỏ rằng cái cơ chế tuyển chọn nhân sự mới quan trọng”.
Trong khi cơ chế tuyển chọn nhân sự ở cấp cao nhất trong bộ máy đảng không công khai, thiếu minh bạch, thế nhưng lãnh đạo hàng đầu Đảng CSVN dường như không quan tâm đến điều này, mà chỉ quan tâm đến vấn đề công tác tuyển chọn cán bộ ở các cấp thấp hơn.
Thứ Tư vừa qua, báo cáo trước các đại biểu Đại hội Đảng XI, ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng CSVN đã phát biểu:
“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ; thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tập trung vào đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Trọng dụng người có đức, có tài. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được quy định, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu.
Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, kỷ luật của Đảng. Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ. Coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng những vấn đề chính trị hiện nay”.
“Nguyên khí quốc gia” bị xem thường
Liên quan đến công tác cán bộ, tại hội thảo góp ý văn kiện Đại hội Đảng, PGS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, cựu Thành viên ban Nghiên cứu Thủ tướng, đã cho biết các sai phạm trong chính sách tuyển dụng nhân sự của đảng như sau:
“Về nguồn nhân lực thì nói rất ghê gớm, nhưng mà thưa các đồng chí là hiện nay trong nguồn nhân lực thì cái quan trọng nhất là nhân tài. Nói có nguồn nhân lực chúng ta có thể có mấy chục triệu, không có ý nghĩa nếu như có mấy trăm ngàn nhân tài tinh hoa của đất nước này, mà ông không dụng cho tốt thì những anh kia chỉ toàn là lao động giản đơn và chỉ làm phó suốt đời ở đất nước chúng ta, làm thuê suốt đời.
Thì cái chính sách nhân tài của chúng ta có thể sẽ bị hỏng, cho đến giờ này. Tức là người tài trong nước anh không dùng, còn những anh Việt kiều học trò bên Harvard thì ở lại hết cả không thèm về. Và người tài trên thế giới thì không bao giờ vào Việt Nam để làm. Thế thì làm sao phát triển được?
Cho nên chúng tôi cho rằng trong mục về nguồn nhân lực thì phải đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách nhân tài. Mà cái đấy phải cụ thể hóa ra, chứ hiện nay chúng ta xem như chưa có một chính sách nhân tài, nghĩa là thủ khoa thì rất đông, nhưng tôi nghe báo cáo là có năm thủ khoa về cơ quan Hà Nội làm, năm năm sau không còn thằng nào cả. Bỏ hết. Thế thì, là nhân tài mà như thế này”?
Bởi do “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, “Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”, cho nên, mặc dù trong các báo cáo, Đảng CSVN đề cập đến chính sách trọng dụng người tài, thế nhưng trên thực tế, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở các khâu quan trọng, không qua thi tuyển, không chú trọng vào năng lực công tác, phẩm chất đạo đức của người được bổ nhiệm, mà tiêu chuẩn “bản lĩnh chính trị vững vàng”, “tuyệt đối trung thành với đảng” được đưa lên hàng đầu.
Và do vậy, rất khó cho những nhân tài của đất nước trung thành với mục tiêu của đảng, bởi do các đường lối, chủ trương của đảng như: “kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, “lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động”, đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Kết quả là, mặc dù Việt Nam có rất nhiều người tài nhưng đa số không được trọng dụng.
Việc bầu chọn lãnh đạo đảng không công khai, thiếu minh bạch, chính sách nhân sự không trọng dụng người tài, hệ quả của những quyết định sai lầm này là gì? Mời quý vị đón nghe trong chương trình phát thanh kỳ tới.