về việc cấm không cho Gia Đình Phật tử sinh hoạt tu học và cấm không được phê bình Nhà cầm quyền Cộng sản
PARIS, ngày 17.1.2011 (PTTPGQT) – Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bản Tường thuật các buổi “làm việc” với nhà đương quyền và Công an Quận Bình Thạnh ở Saigon.
Nội dung làm việc hay tiếp xúc xoáy quanh việc tra vấn sinh hoạt tôn giáo tại chùa Giác Hoa, nơi Thượng tọa làm viện chủ. Những lời lẽ thẩm vấn không còn là sự tìm hiểu hay nghi ngại, trái lại, nội dung toát lên cung cách đe dọa, ngăn cấm quyền người công dân trên phạm vi tín ngưỡng hay ngôn luận được bảo đảm trong Hiến pháp của chính nhà cầm quyền cộng sản (điều 70 : công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ; điều 69 : công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình).
Sự kiện vừa xẩy ra giữa tháng Giêng 2011 này cho thấy những vi phạm nghiêm trọng của nhà cầm quyền cộng sản đối với các quyền cơ bản của người công dân nói chung và quyền tín ngưỡng của người Phật tử nói riêng.
Dâng hương tại lễ Hiệp Kỵ ở chùa Giác Hoa. Hàng đầu, từ trái sang phải : TT Thích Viên Định, HT. Thích Thiện Hạnh, HT. Thích Quảng Độ, HT. Thích Như Đạt |
Bản Tường thuật của Thượng tọa Thích Viên Định viết tại Saigon ngày 15.1.2011 cho biết những chi tiết về sự đàn áp tôn giáo có chủ trương của nhà cầm quyền cộng sản, mà chúng tôi xin trích lượt sau đây :
Theo truyền thống Phật giáo, hằng năm vào thượng tuần tháng Chạp Âm lịch, thường tổ chức đại lễ Hiệp kỵ chư lịch đại Tổ sư, chư Thánh tử đạo và chư vị Tiền bối hữu công. Do đó, chùa Giác Hoa nơi đặt Văn phòng Tổng Thư ký của Viện Hóa Đạo, ở quận Bình Thạnh, Saigon, thiết lễ Hiệp kỵ vào ngày mồng 10 tháng Chạp, âm lịch Canh Dần, nhằm 13.1.2011. Nhân dịp này Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Việt Nam mở trại Vạn Hạnh để tu học giáo lý và tham dự lễ Hiệp kỵ.
Thế nhưng từ ngày 11.1.2011, Trưởng Phòng Nội Vụ Quận Bình Thạnh đã mời Thượng tọa Trụ Trì chùa Giác Hoa lên Trụ sở Uỷ Ban Phường 7 để làm việc. Sang chiều ngày 12.1, hai ông, Trưởng Công an Phường 7 và Công an An ninh chính trị Quận Bình Thạnh lại đến chùa ra lệnh : “Chùa không được cho Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam vào tổ chức lễ khai mạc Trại Vạn Hạnh, chúng tôi biết ông Lê Công Cầu đang trên đường đi vô”.
Sáng ngày 13.1, nhằm mồng 10 tháng chạp âm lịch, tức ngày Lễ Hiệp Kỵ thường niên, một phái đoàn gồm đủ các cơ quan Quận, Phường đến “yêu cầu nhà chùa phải làm lễ ngắn gọn, không được nói những lời lẽ phê phán Nhà nước”.
Đến trưa, khi chư Tăng và Phật tử dùng ngọ xong, các viên chức nhà nước lại đến và nói như ra lệnh : “Đã làm lễ buổi sáng như vậy là được rồi, chiều không được làm thêm lễ gì nữa !” Mọi người đều ngỡ ngàng cho đạo lý dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa ngày nay, tôn giáo cũng phải “lễ nhanh” theo lối “ăn nhanh” (Fastfood) hiện hành.
Sáng hôm sau, 14.1, Thượng tọa Thích Viên Định lại nhận tiếp Giấy mời đến tại Uỷ Ban Nhân dân Quận Bình Thạnh làm việc.
Liên tiếp mấy ngày trước và sau lễ Hiệp Kỵ, Công an ngồi hai bên đường hẻm, để xe chật cả lối vào chùa như chướng ngại vật ngăn cản lối đi. Hôm lễ chính, ngoài số đông công an đứng ngoài đường hay trước cổng, Công an còn tràn vào cả trong chùa từ Chánh điện, Nhà Tổ, đến nhà dưới, đông khoảng ba, bốn chục người.
Tại Chánh điện, các Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam tham dự lễ Hiệp Kỵ |
Về các buổi làm việc, Thượng tọa Thích Viên Định cho biết :
Buổi làm việc ngày 11.1.2011, các viên chức đưa ra 4 câu hỏi chất vấn Thượng tọa :
1. Yêu cầu chùa cho biết thành phần tham dự.
2. Yêu cầu phúc báo chương trình ngày giỗ.
3. Yêu cầu những tổ chức không được nhà cầm quyền công nhận thì không được tham gia sinh hoạt.
4. Yêu cầu phải đăng ký tạm trú những ai ở xa tới.
Sau đấy cuộc thẩm vấn bắt đầu.
Hỏi : Thành phần tham dự gồm những ai ?
Thượng tọa Thích Viên Định (TT. TVĐ) : Đây chỉ là ngày Giỗ kỵ thường niên, nên ai nhớ thì về, tôi không mời nên không biết ai sẽ tham dự.
Hỏi : Chương trình ngày Giỗ ?
TT. TVĐ : Đây chỉ là ngày Giỗ bình thường chứ không phải lễ lạc gì nên không có chương trình gì cả. Nếu đông người thì làm theo đông người, ít người thì theo ít người, nếu chẳng có ai về thì lạy ba lạy cũng xong, chỉ tuỳ nghi, chứ không có chương trình gì cả.
Hỏi : Có mời các Huynh trưởng [Gia Đình Phật tử] không ?
TT. TVĐ : Chư Tăng đã không mời, sao lại mời huynh trưởng ? Nhà chùa chỉ tổ chức Kỵ giỗ thuần tuý tôn giáo trong an toàn và trật tự nơi khuôn viên chùa.
Sang đến buổi làm việc ngày 14.1.2011, họ thay nhau nói rất nhiều và khá lâu. Buổi làm việc kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Tôi vốn hay quên, nên không nhớ hết. Nhưng tóm tắt, Nhà cầm quyền đưa ra 2 nội dung chính mà họ kết án tôi sai phạm :
- Chùa đã cho Gia Đình Phật tử Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Trại Vạn Hạnh là sai.
- Chùa đã để cho Ông Đặng Phúc Tuệ tức Thích Quảng Độ nói về ý nghĩa hai chữ “Thăng Long” và việc mất Hoàng Sa, Trường Sa, khai thác Bô xít Tây Nguyên và tình trạng đất nước đang lâm nguy là sai, là kích động… chống lại Nhà nước.
Sau khi trình bày xong lý do buổi làm việc, họ bảo tôi cho ý kiến.
Tôi nói rằng : Tôi ghi nhận những gì quí vị trình bày hôm nay.
Nhưng họ không chịu, bảo rằng : Thầy nói như vậy là không được ! Thầy đâu phải là cấp trên mà ghi nhận những điều chúng tôi phản ảnh ?
Tôi liền nói : Không nói vậy, thì tôi biết nói sao bây giờ ?
Họ đáp : Thầy phải trả lời 2 câu hỏi trên và Thầy phải thừa nhận việc làm sai trái, vi phạm, và phải cam kết sửa đổi, không tái phạm nữa mới được !
Tôi phản ứng : Tính tôi không muốn nói nhiều, nhưng các anh ép quá thì tôi đành phải nói cho rõ : Tôi chẳng sai phạm một điều gì cả !
Thứ nhất, việc chư Tăng chứng minh cho Gia Đình Phật tử Việt Nam khai mạc khoá học giáo lý Trại Vạn Hạnh, mục đích giúp thế hệ trẻ trở thành người tốt, là hoàn toàn thuần tuý giáo dục và tôn giáo, không có gì gọi là sai phạm. Học giáo lý chứ đâu phải học cách trộm cắp, tham nhũng, hối lộ gì mà gọi là sai phạm, bắt tôi phải thừa nhận ?! Nếu Phật tử đến xin học giáo lý mà tôi không cho thì đó mới là sai phạm.
Thứ hai, về ý nghĩa hai chữ “Thăng Long”, vấn đề này xin để các nhà văn hoá, nghiên cứu lịch sử bàn luận thì minh bạch hơn, các anh khỏi cần phải bàn luận ở đây, mất thì giờ. Còn trong buổi nói chuyện, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Ngài có lưu ý Phật tử về tình trạng đất nước đang lâm nguy, là việc làm đúng đắn của bậc cao tăng đồng thời cũng là ưu tư của người công dân yêu nước thương nòi, không thể gọi đó là sai phạm được. Hôm ấy, Ngài đã giải thích rất rõ rằng : Chư Tăng, vì giới luật, không thể ra tranh cử chính quyền, làm chính trị như Cư sĩ Phật tử, nhất là làm kiểu chính trị không tốt như hiện nay. Nhưng ngoài việc tu hành, chư Tăng vẫn còn bổn phận của người công dân, tuy không ra làm chính trị, nhưng phải tỏ thái độ, phải lên tiếng, lưu ý về tình trạng đất nước lâm nguy. Chư Tăng không thể vì việc tu hành mà nhắm mắt làm ngơ trước việc đất nước đang bị lâm nguy là một trong những nguyên nhân làm đạo lý suy đồi, dân tình ta thán. Việc lưu ý cho Phật tử về tình trạng lâm nguy của đất nước, sao gọi là sai phạm ?
Nghe vậy, họ răn đe tôi : Pháp luật nhà nước bảo đi lề phải, thì người dân phải đi lề phải, ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Họ còn đưa điều này điều kia trong Pháp lệnh Tôn giáo kết tội chùa Giác Hoa đã vi phạm.
Tôi phản bác : Các ông dẫn chứng điều luật theo quan niệm của phía Nhà cầm quyền. Nhưng trên lĩnh vực tôn giáo, chúng tôi có quan niệm của chúng tôi. Vấn đề này còn nhiều chuyện phải đề cập, hôm nay tôi không được khoẻ, chúng ta không tiện bàn thảo ở đây.
Họ lại đe doạ : Nếu Thầy vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ phải nhận hình phạt nặng hơn.
Tôi hỏi vặn : Có phải vì vậy mà chư Tăng, Phật tử nhiều người phải lâm cảnh tù tộibao nhiêu năm qua ?
Họ im lặng, không ai trả lời.
Buổi làm việc chấm dứt. Tất cả cùng ký tên ra về.
Cho tới lúc ngồi viết bản Tường thuật này, tôi còn lảng vảng trong đầu những giây phút chẳng vui khi làm việc với họ, nghe họ nói huyên thuyên về những luật pháp cấm đoán người dân, không được làm điều này, không được làm việc nọ, với thái độ kẻ cả, một thái độ của kẻ bàng quan, như người nước khác, không còn chi là người cùng nòi giống. Ngẫm nghĩ mà buồn thương, xót xa cho dân Việt mình quá.
Từ thời thực dân Pháp, vì mất nước, dân tộc bị đô hộ, nên người dân mất các quyền tự do. Dù so ra thời ấy với thời nay, ngay những đảng viên cộng sản kỳ cựu bảy, tám mươi năm tuổi đảng như ông Nguyễn Văn Trấn viết trong cuốn sách “Viết cho Mẹ và Quốc hội” ông ấy còn phải công nhận thời Pháp thuộc ông còn tự do ra báo, viết lách, ăn nói. Có đâu như bây giờ !
Hồi đầu thế kỷ XX trước, nhiều nhà yêu nước như các Cụ Phan bội Châu, Phan Chu Trinh… đã lên tiếng đòi hỏi cho người dân Việt các quyền Tự đo ngôn luận, Tự do thông tin, Tự do lập hội , Tự do hội họp… thế mà Pháp đi rồi, dân tộc Việt Nam vẫn chưa có các quyền Tự do mà các dân tộc khác trên thế giới đã được hưởng từ lâu.
Quốc nạn của người dân Việt kéo dài biết tới bao giờ ?!
Phải chăng vì quốc nạn này mà Đại Lão Hoà thượng Thích Quảng Độ đã đề nghị bốn điều nhờ ông Luke Simpkins, Dân biểu Quốc hội Úc đạo đạt với chính phủ Úc Đại Lợi, khi ông đến vấn an Ngài tại Thanh Minh Thiền viện :
1. Các tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo đang bị đàn áp ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam ;
2. Yêu cầu chính phủ Úc gia tăng áp lực nhằm đòi hỏi thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo được bào đảm thông qua các Công ước LHQ mà nhà cầm quyền Hà Nội đã tham gia ký kết. Yêu cầu chính phủ Úc can thiệp trả tự do cho tất cả những tù nhân vì lương thức và tù nhân chính trị ;
3. Yêu cầu chính phủ Úc can thiệp để phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; và
4. Yêu cầu chính phủ Úc viện trợ có điều kiện trong các cuộc thương nghị với Hà Nội để bảo vệ và thực thi nhân quyền tại Việt Nam.
Đó là những đề nghị rất cần yếu và cấp bách trước thảm trạng Việt Nam hiện nay. Nếu người dân vẫn cứ tiếp tục bị bưng bít thông tin, không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do tôn giáo như tình trạng hiện nay, thì cái nạn bị đô hộ như dưới thời Thực Dân vẫn còn tiếp tục kéo dài, mà tình trạng nước mất về tay ngoại bang đang hiển hiện trước mắt, mà thế giới dường như chẳng ai hay.
Một số hình ảnh khóa tu học giáo lý tại Trại Vạn Hạnh của Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Việt Nam ở chùa Giác Hoa, quận Bình Thạnh, Saigon, các ngày 13, 14, 15.1.2011 :
Gia Đình Phật tử Việt Nam cung nghinh Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đến chùa Giác Hoa dự lễ Hiệp Kỵ |
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tiến vào chùa Giác Hoa |
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ban Đạo từ nhân khóa tu học giáo lý tại Trại Vạn Hạnh |
Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam về chùa Giác Hoa tham dự lễ Hiệp kỵ và khóa tu học giáo lý |
Tại Chánh điện chùa Giác Hoa một số Huynh trưởng chụp hình lưu niệm với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh và Thượng tọa Thích Viên Định |
http://ttngbt.blogspot.com/2011/01/thuong-toa-thich-vien-inh-tuong-thuat.html#more