Về việc vào Đảng - Dân Làm Báo

Về việc vào Đảng


BlogAnhVu - Cái tựa của entry chắc chắn sẽ làm cho bạn bè và những người quen biết tôi tò mò; thậm chí sẽ có những người ... nổi giận chửi tôi là ... bồi bút và dối trá; cũng có thể có người ... vui mừng vì tôi đã bắt đầu có ý thức chính trị, là điều hẳn là cần có của một người đang làm trong khu vực nhà nước và có một chút vị trí quản lý (xin làm rõ thêm: một vị trí vô cùng nhỏ, không đáng gì và cũng sắp hết nhiệm kỳ rồi). 

Những thái độ này là do tôi luôn tuyên bố không quan tâm đến chính trị và không muốn làm chính trị. Mà ở VN thì chỉ có những người quan tâm đến chính trị và muốn làm chính trị thì mới đọc, suy nghĩ, viết, hoặc nói về Đảng mà thôi. Vậy không quan tâm đến chính trị mà lại nói về việc vào Đảng, là cớ làm sao?

Xin cho tôi được giải thích. Rất tình cờ, sáng nay tôi tìm thấy bài phỏng vấn đã được thực hiện gần 2 năm nay về việc không muốn vào Đảng của nhà văn Võ Thị Hảo. Một bài phỏng vấn rất hay, đặt ra rất nhiều điều đáng suy nghĩ mặc dù theo tác giả của nó thì bài phỏng vấn đã được gửi đến nhiều tờ báo nhưng chẳng có ai phản hồi cả. Nói cách khác, công luận chính thống không xem những vấn đề được nêu trong bài phỏng vấn là đáng quan tâm, hoặc cũng có thể là nó quá ... nhạy cảm nên mọi người muốn lờ đi vì không biết nên phản ứng với nó ra sao.

Bài phỏng vấn đó ở đây này. Tôi tin rằng nó là một bài nên đọc, đặc biệt là đối với những ai yêu Đảng và quan tâm xây dựng nó. Còn dưới đây thì tôi xin trích lại vài đoạn, cùng với những suy nghĩ của tôi về những phát biểu của nhà văn Võ Thị Hảo, và thông qua đó, những suy nghĩ về Đảng Cộng sản Việt Nam:

 

Tôi về đây được ba tháng, mọi thủ tục bổ nhiệm tôi giữ chức Phó tổng biên tập báo này gần như đã hoàn tất, kể cả việc lấy ý kiến tán thành của tất cả 100% anh chị em trong toà soạn, chỉ còn chờ sự phê duyệt của Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương là xong. Nhưng đến đây vấn đề bị “ách” lại vì tôi không là đảng viên (!?). Trước tình hình này, các cấp uỷ Đảng ở đây có lời đề nghị tôi nên chấp thuận vào Đảng nhưng tôi đã một mực từ chối: “Tôi không vào Đảng để chỉ đổi lấy một cái chức. Nếu mà vào Đảng như vậy thì rất là cơ hội, rất là tồi. Nếu mà quyền lực chỉ để phân phối cho những đảng viên thì Đảng chỉ thu hút được những kẻ cơ hội, những kẻ chỉ vì một miếng mồi lợi, vun vén cho bản thân mình mà thôi! Và như thế thì Đảng sẽ suy yếu, sẽ mọt ruỗng từ bên trong, từ tâm hồn, hành vi của mỗi đảng viên”. Tôi không muốn làm một người như thế. Có những lúc nhiều người đã mời tôi đến cùng ăn với họ một bữa cơm để vận động tôi nên vào Đảng. Tôi rất cảm ơn họ và thật cảm động vì thực sự là họ vì quyền lợi của tôi. Họ nói: “Hảo cần phải ngồi vào một vị trí có quyền lực. Những người như Hảo ngồi vào chức vụ đó thì những kẻ cơ hội sẽ không thể chen chân vào đó được”. Cho đến tận giờ tôi vẫn thầm cảm ơn họ. Có lúc tôi cũng định đồng ý vào Đảng cho xong vì thực sự muốn quản lý một tờ báo, muốn làm cho nó phát triển thì mình phải có một vị trí, một chút quyền lực nhất định mới có thể làm được. Nhưng tôi không thể tự lừa dối lòng mình được.

[...]

Bố mẹ tôi là những người cộng sản nòi. Bố tôi tham gia Cách mạng đồng chí Hội từ năm 1929, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1931 cho đến bây giờ. Mẹ tôi vào Đảng từ năm 1934, là đảng viên mãi cho đến lúc cụ mất. Các anh em ruột của bố mẹ tôi đều là những người khá giả và đều đã từng bỏ tiền nhà mình ra để hoạt động cách mạng. Và thời đó, họ đã hy sinh cho một lý tưởng, lý tưởng giải phóng cho những người bị áp bức, bóc lột, đem lại công bằng, tự do cho xã hội. Thời đó, đa phần những trí thức cũng vậy. Còn bây giờ thì khác, bây giờ vào Đảng là... Tôi không phê phán gì ai vào Đảng mà theo tôi, bây giờ vào Đảng là tự dối chính mình. Phải sống làm sao để mình trọng được mình. Đấy mới là quan trọng. Nếu bản thân mình không trọng mình thì mình sẽ không yêu mình được.Không yêu mình được thì không thể yêu người khác được.

 


Hai đoạn tôi trích ở trên là những đoạn gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất về nhà văn Võ Thị Hảo, đồng thời làm nổi bật những vấn đề mà tôi cho là những người có vị trí quyết định trong Đảng hiện nay nên thực sự quan tâm. Về đoạn đầu tiên, tôi thấy hoàn toàn đồng cảm, đặc biệt là điều trăn trở cho rằng nếu mình muốn thực sự có tác động gì đó (ở đây là đóng góp cho những điều tích cực) thì trước hết mình cũng cần một ít quyền lực. Vì tôi cũng đã từng trải qua nhiều ngày suy nghĩ như thế: nên vào Đảng để làm được nhiều hơn cho công việc chung. Nhưng cuối cùng, tôi cũng vẫn thấy hình như có cái gì đó không ổn, có một chút dối trá, một chút ... lươn lẹo trong cái lập luận đó của chính tôi.

Tại sao lại dối trá và lươn lẹo nhỉ? Nói thẳng ra, là vì như thế này: tôi không tin vào lý tưởng cộng sản như một chân lý tuyệt đối (và chẳng phải riêng gì Đảng, tôi cũng có thái độ giống như vậy đối với đạo Công giáo, vốn là cái di sản tinh thần mà cha mẹ tôi để lại cho tôi), và tôi vì vậy tôi không sẵn sàng "nguyện suốt đời trung thành với lý tưởng cộng sản", là điều mà tôi đoán rằng các đảng viên khi làm lễ kết nạp sẽ phải tuyên thệ. Nếu tôi có vào (đây chỉ là giả thuyết, là câu điều kiện loại 3 trong tiếng Anh), thì chắc tôi cũng chỉ xem đó như một công cụ cho phép tôi đạt được những tính toán, cân nhắc của tôi để được thăng tiến trong nghề nghiệp mà thôi. Một việc làm, nói gì thì nói, cũng sẽ được tất cả mọi người (nói theo ngôn ngữ chính trị của đảng là "quần chúng") nhìn nhận đó trước hết là vì lợi ích riêng, chứ chẳng thể nào nhận vơ rằng đấy là vì cái chung được. Ai mà tin, và làm sao mà tin nổi, khi một người vào Đảng vì một cái chức vụ dang chờ mình, mà lại nói là mình vào chỉ vì mình muốn đóng góp cho cái chung, vào vì người khác?

Nói một chút về từ "quần chúng". Chẳng biết mọi người thì sao, chứ tôi thì cực ghét cái từ này, vì nó có hàm ý ngạo mạn, xem mọi người là một đám đông vô thức cần được dẫn dắt, chỉ có mình (tức các đảng viên và những người sắp được kết nạp vào đấy) mới sáng suốt, có ý thức, và vì thế mới được làm lãnh đạo. Tôi nghĩ, thái độ này có thể sẽ làm cho (một số) trí thức xa rời, xa lánh Đảng, vì nó rất giống thái độ ngạo mạn của đạo Công giáo, trong đó vị Giáo hoàng được gán cho đặc điểm rất hiếm hoi, quý báu là "bất khả ngộ" (không thể sai sót) trong các vấn đề tín lý, trong khi trên thực tế thì đạo Công giáo cũng đã từng có những sai lầm nghiêm trọng mà đặc biệt là trong thời đêm dài trung cổ với những tòa án dị giáo, thời mà những nhà khoa học bị chết trên những giàn hỏa thiêu chỉ vì dám bảo vệ chân lý khoa học mà mình đã tìm ra và tin tưởng. 

Vậy nên, tôi nghĩ rằng nếu Đảng muốn có sức thu hút hơn, muốn làm cho mình thực sự mạnh một cách bền vững, tức là có những đảng viên có tri thức thực sự, và gắn bó với "quần chúng", với "nhân dân" thực sự, do dân và vì dân, thì chắc là phải thay đổi một số quan điểm và cả ngôn ngữ của Đảng, thì mới có sức thu hút nhiều hơn. Còn nếu không, tôi e rằng hiện nay tình trạng sẽ là, ai vào Đảng thì cứ vào, their problem, chẳng qua là họ muốn vào đấy để đạt được một mục đích riêng mà thôi. Ví dụ, họ vào vì muốn được bổ nhiệm những chức vụ quan trọng, thì cũng giống như muốn lấy vợ công giáo thì anh phải (giả vờ) theo đạo. OK, đó là lựa chọn của anh, đường anh anh cứ đi, còn thì quần chúng người ta cũng có những lựa chọn và những con đường của họ, anh đi đường anh tôi đường tôi! 

Tôi không nói là cứ hễ là đảng viên thì không tốt (chính ra, về mặt chính thống thì trong xã hội ta, by default thì đảng viên đương nhiên phải tốt hơn quần chúng đấy ạ). Thôi thì không tranh cãi ai đúng ai sai, hãy cứ tạm chấp nhận là ở đâu cũng vậy, sẽ có người tốt hay người xấu, dù họ có là đảng viên hay không, nhưng mà nếu thế thì đảng viên đâu có khác gì ai đâu nhỉ? Cũng là những lựa chọn, cân nhắc cho cuộc đời riêng của mình mà thôi! 

Tôi muốn quay lại đoạn trích thứ hai của nhà văn Võ Thị Hảo. Nhà văn nói về cha mẹ mình, những đảng viên cộng sản nòi. Tôi cũng tin, như nhà văn đã tin, là những vị ấy là những người có lý tưởng. Thì đã rõ: họ phải hy sinh cho lý tưởng của mình, trước mắt họ chẳng được gì cho bản thân khi vào Đảng, mà chỉ thấy bị mất mát thôi, thế nhưng họ vẫn vào. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn rằng với cái cách gắn việc vào Đảng với những "phần thưởng" cụ thể như được quy hoạch để bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, thì đảng viên thời nay đã hoàn toàn mất đi điều kiện để hy sinh vì lý tưởng rồi. Đảng đã tước mất của họ cơ hội để rèn luyện, để chứng tỏ với "quần chúng" rằng họ là một giai cấp ưu tú hơn. 

Dưới mắt "quần chúng" như tôi thì họ vào đó thì Đảng sẽ cho họ được chức vụ, được trở thành giai cấp lãnh đạo, được tổ chức giáo dục, che chở, bảo vệ kể cả khi có sai lầm, lại được cung cấp những thông tin mật mà quần chúng sẽ chẳng bao giờ được cung cấp hoặc chỉ được cung cấp sau mà thôi. Cho nên, tôi hoàn toàn thông cảm với nhà văn VTH khi nói rằng đôi khi cũng nghĩ đến việc vào cho rồi, vì đã muốn làm gì thì cũng cần một chút quyền lực để có thể làm được điều mình muốn làm. Nhưng nếu thế, thì đảng viên nếu không làm tốt hơn người khác thì thật mới là khó hiểu, còn làm tốt thì chẳng có gì đáng phục cả; ngược lại nếu họ làm không tốt bằng quần chúng thì thật vô cùng đáng trách, vì họ đã được tổ chức đầu tư biết bao nhiêu (bằng tiền thuế của dân, nhớ nhé!) để trở thành những người lãnh đạo cơ mà!

Cơ chế của chúng ta hiện nay khiến cho chỉ có các đảng viên mới được có quyền lợi chính trị thực sự (nói theo một cách nào đó là họ được độc quyền yêu nước, còn quần chúng như tôi thì không). Chỉ có họ mới được là đại biểu quốc hội (hơn 90%), được tham gia các đại hội đảng cấp dưới để bầu ra những đại biểu tham dự đại hội Đảng cấp trên --> đại hội Đảng toàn quốc, vốn là sự kiện chính trị quan trọng nhất để định đoạt tương lai của đất nước. Chứ người dân như tôi thì có quyền gì đâu, cho nên đại hội Đảng quan trọng thế mà một người có học (ừ thì cũng có bằng sau đại học, cũng đi dạy học) như tôi cũng chẳng quan tâm gì mấy, vì có nói gì thì rồi cái cơ chế ấy nó vẫn chạy theo những nguyên tắc vận hành riêng (đối với tôi là hơi bí hiểm) của nó, thì tôi quan tâm để làm gì? 

Có lẽ nãy giờ tôi nói hơi lòng vòng, lộn xộn. Xin tóm lại như thế này: tôi thấy đảng viên ở VN hiện nay là một giai cấp đặc quyền đặc lợi, vì nếu bạn làm việc ở những cơ quan thuộc nhà nước mà không phải là đảng viên thì chỉ là công dân hạng hai (thực ra mọi việc lúc này cũng đã có những thay đổi, nhưng mà rất chậm). Tuy vậy, hình như cái đặc quyền đặc lợi đó hiện nay cũng không phải là quá hấp dẫn đối với tất cả mọi người, vì vẫn có người không muốn vào như nhà văn Võ Thị Hảo, hay ... như tôi. Nếu những người không muốn hoặc không thể vào là những thực sự kém cỏi, hoặc tầm thường, thì Đảng không có gì phải suy nghĩ. Nhưng nếu đó là những trí thức, những người có tâm huyết, có năng lực, ví dụ như nhà văn Võ Thị Hảo (tôi chẳng quen biết gì, chỉ biết tên chứ thậm chí còn chưa biết mặt), mà họ không muốn vào, thì Đảng nên xem lại cách thu hút Đảng viên mới của mình.

Và quan trọng hơn nữa, nếu vì họ không phải là đảng viên, nên dù họ có tốt mấy thì Đảng cũng sẽ không bổ nhiệm những chức vụ quan trọng cho họ, mà sẽ đưa vào đấy những đảng viên dù hơi kém hơn một chút, thì liệu như thế Đảng có đang sử dụng nhân lực tốt nhất để xây dựng đất nước hay không? Chắc là không. Những người có tài, có tâm huyết nhưng không vào Đảng vì lý do nào đấy, nhưng vẫn sẵn sàng làm trong khu vực nhà nước để đóng góp, mà Đảng không sử dụng (vì không chịu vào Đảng) thì đồng nghĩa với việc đẩy họ ra ngoài, làm việc cho những công ty tư nhân hoặc nước ngoài, vậy có phải là Đảng đang hành động tốt nhất cho lợi ích của dân tộc như Đảng vẫn "tâm nguyện" hay không?

Cũng chỉ là mấy câu hỏi lan man, hơi vớ vẩn nhưng thẳng thắn của tôi, nhân dịp tôi đọc bài phỏng vấn mà thôi. Nếu Đảng có quan tâm và đọc đến, thì cũng xin xem đấy là đóng góp của tôi cho đại hội Đảng lần thứ XI, sắp diễn ra trong vài ngày tới. Nếu tôi nói sai hoặc phiến diện, xin mọi người cứ trao đổi cho tôi hiểu rõ hơn. Còn nếu không ai quan tâm, thì cũng chỉ như bất kỳ entry nào khác, tôi viết để ghi lại những thắc mắc của tôi mà thôi. Biết đâu 10, 20 năm nữa đọc lại, thì mọi việc đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn?

À mà tôi đang hết sức tò mò tự hỏi, ở các nước người ta tham gia các đảng phái chính trị như thế nào nhỉ? Chắc là không giống VN một chút nào cả. Việc riêng hoàn toàn, và không ai dám hỏi đến cho đến khi họ đã trở thành chính khách thực sự, chứ không thể nào lại là chuyện mà tất cả mọi người làm trong cơ quan nhà nước đều phải nghĩ đến như VN hiện nay, chắc là thế. Chính ra, VN là một cái case hết sức độc đáo, có khi phải có nhà khoa học chính trị (political scientist) làm một nghiên cứu đến nơi đến chốn để mọi người cùng hiểu, phải không?

Nguồn : BlogAnhVu

http://bloganhvu.blogspot.com/2011/01/ve-viec-vao-ang.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo