Việt Long (RFA) - Từng được đón mừng như một con hổ kinh tế của châu Á sắp xuất hiện, hình mẫu phát triển của nền kinh tế Việt Nam nay đang được những người Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam tụ họp xét duyệt lại, giữa bối cảnh lạm phát tăng vọt, một nền tiền tệ đang vất vả, cùng với tình cảnh cảnh thâm hụt mậu dịch trong khi tín dụng bị đánh giá thấp.
Các thùng hàng điện tử nhập khẩu. AFP
Đó là nhận xét của công luận quốc tế từ bên ngoài. Việt-Long tường trình thêm chi tiết.
Tập đoàn kinh tế nhà nước gây thâm hụt mậu dịch
Truyền thông quốc tế trích lời một số nhân vật trong giới chuyên môn, cho rằng những phiền hà phần nào bắt nguồn từ những nỗ lực của Việt Nam muốn lập nên những tập đoàn kinh tế kiểu Nam Hàn giống như Sam Sung, Hyundai. Nhưng chính sách này, cùng với đường lối thúc đẩy tăng trưởng, đã đem lại tai họa cho Hà Nội.
Giới đầu tư nước ngoài và các nhà phân tích từng thúc đẩy chính quyền mang lại hiệu quả cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước, nếu không sẽ khó phục hồi sự ổn định kinh tế.
Tỉ lệ lạm phát tại Việt Nam cao hơn tại các nước láng giềng, đồng bạc suy yếu khiến phí tổn nhập khẩu tăng cao, trong khi nhiều nước khác trong khu vực đều mạnh mẽ hơn lên nhờ luồng vốn đầu tư từ nước ngoài.
Một yếu tố liên quan là khoản chi cho nhập khẩu nhiều hơn là thu được từ xuất khẩu, nên Việt Nam phải bù ngọai tệ tiền cho sự khiếm khuyết đó. Vì thế thâm hụt mậu dịch năm 2010 vượt quá 12 tỉ đô la, theo các số liệu chính thức.
Chiến lược kinh tế-xã hội cho 10 năm tới sẽ được bàn thảo trong đại hội đảng lần thứ 11 diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín. Chiến lược này thề hứa sẽ giải quyết hết những vấn đề vừa kể, cùng với những mối rủi ro khác, đồng thời chuyển mô hình phát triển ra khỏi sự lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động không lành nghề.
Treo biểu ngữ cổ võ đại hội Đảng cộng sản Việt Nam. AFP
Nhà phân tích kinh tế Nguyễn Quang A gọi sự thất quân bình mậu dịch của Việt Nam là hiện tượng kinh niên, mãn tính, hay một căn bệnh khó lành của nền kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng nguyên nhân chính bắt nguồn từ những doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế Nhà nước. Những tập đoàn này còn góp thêm nhiều vào sự thất quân bình vĩ mô, khiến ngân sách Nhà nước chảy máu, khi chính phủ sử dụng chúng như phương tiện can thiệp vào nền kinh tế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A khẳng định: doanh nghiệp Nhà nước gây thâm hụt mậu dịch. Ông nói, những ngành công nghiệp tư doanh chính yếu như dệt may, thủy sản, lúa gạo và cà phê đem về thặng dư mậu dịch hay chỉ thâm hụt chút ít, trong khi cán cân nghiêng hẳn vì các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước nhập khẩu, nhất là thép cùng các vật liệu khác.
Nhà tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự Do đã khuyến cáo về điều này khá nhiều lần. Mới đây, ông lại tiếp tục nói thêm:
Chúng ta biết doanh nghiệp nhà nước ở mọi nơi đều có hiệu năng thua kém doanh nghiệp của tư nhân, ở Việt Nam thì bình quân chỉ bằng một phần tám nếu xét về hiệu năng đầu tư và khả năng thu dụng nhân công. Nhưng chúng tồn tại là nhờ chính sách ưu đãi của đảng, là nhờ cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” rất tai hại.
Cụ thể là chúng thu hút hơn 40% lượng tư bản của quốc dân mà chỉ đóng góp có 25% vào sản lượng toàn quốc cho nên là những trung tâm phao phí nội lực quốc dân nhưng lại là nguồn đỉnh chung béo bở cho đảng viên cán bộ cho nên trở thành điển hình của bất công trong khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Một nhà phân tích khác của Việt Nam, ở trong nước, không muốn nêu tên với báo chí nước ngoài, cho rằng sự bất ổn kinh tế thế giới là thách đố lớn nhất cho Việt Nam, nhưng đồng ý rằng khu vực doanh nghiệp và tập đoàn Nhà nước chịu phần lớn trách nhiệm về những vấn đề kinh tế. Kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng không trả được nợ.
Doanh nghiệp nhà nước: cha chung không ai khóc
Vụ Vinashin khiến uy tín tài chính của Việt Nam hoàn toàn gãy đổ, khả năng gây vốn và vay mượn gặp khó khăn. Các công ty lượng giá tín dụng nói rõ rằng tập đoàn Vinashin là một trong những tập đoàn lớn của Nhà nước do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thân đỡ đầu để biến thành những chaebol theo mẫu Nam Hàn. Đó là niềm hy vọng về những Samsung, Hyundai của Việt Nam.
Nhưng không giống như Hàn quốc, những tập đoàn lớn mà người Việt Nam thích gọi là những “mũi nhọn”, hay “quả đấm công nghiệp” ở Hàn quốc là do các gia đình tư nhân điều hành, nhưng có sự yểm trợ của Nhà nước. Những mũi nhọn như vậy của Việt Nam lại là những công ty quốc doanh của Nhà nước, như PetroVietnam, EVN, và nổi tiếng tệ hại nhất và cũng là “quả đấm công nghiệp”, Vinashin.
Tàu chở container Vinashin Orient. Screen captured from vinashin.com.vn
Một nguyên do nữa của nền kinh tế vất vả hiện nay là chính sách chạy theo mục tiêu đà tăng trưởng cao để giữ thành tích, theo một chuyên viên kinh tế của Ngân hàng Thế Giới, tiến sĩ Vũ Quang Việt:
-Nguyên do rộng hơn là chuyện ngân hàng.
Trong năm qua mục tiêu Việt Nam đât ra là đạt tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, dùng chính sách kích cầu. Các tổ chức quốc tế đánh giá mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam cao hơn nhiều so với con số được Việt Nam đưa ra. Vậy nên để chi tiêu, chính phủ phải vay mượn, buộc ngân hàng phải chi tiền.
Theo báo cáo thì năm 2010 cố thể thâm hụt 7%, năm 2009 có thể là 9%. Nhưng quốc tế đánh giá thâm hụt hơn thế nhiều vì có những chi tiêu ngoài ngân sách. Chi tiêu nhiều thì phải vay mượn, đòi hỏi ngân hàng phải in tiền. Năm nay chưa có số liệu nhưng năm 2009 tổng số ngoại tệ vay tăng 43%. Trong 4 năm nợ nước ngoài tăng từ 26 tỉ đến 37 tỉ đô la. Không riêng chính phủ mà các tập đoàn Nhà nước cũng vay mượn. 4 năm qua họ mượn từ 4 tỉ lên 9 tỉ, là những món không được Nhà nước bảo lãnh, giống như nợ của Vinashin (cũng không bảo lãnh) mà không trả được.
Nhà chuyên môn của Ngân hàng Thế Giới còn dẫn chứng thêm những số liệu mà chính phủ Việt Nam trút vào đầu tư để giữ thành tích tăng trưởng, nhưng vô vọng:
…năm qua chính phủ Việt Nam tăng 40% tổng số đầu tư. Đầu tư cực kỳ phí phạm, lớn nhất thế giới, để tăng đà tăng trưởng, nhưng đà tăng trưởng càng ngày càng tụt, vì làm ăn bê tha không có chất lượng. Hiện nhiều công trình làm nửa chừng rồi không có tiền nữa. Vấn đề chính là đầu tư nhiều thì càng ăn được nhiều, sẽ để tiền ở nước ngoài. Vấn đề lạm phát của Việt Nam là do tiền tệ ra nhiều quá. Đặc biệt là tín dụng ra nhiều, mà còn có thể nhiều hơn thế vì nằm ở phía ngoài, như tôi đã nói.
Không thể không quan tâm đến giải pháp cho tình hình kinh tế ngày càng kiệt quệ hiện nay, nhưng câu hỏi về biện pháp giải quyết đã gặp phải sự thất vọng của giới chuyên môn:
Trong nước, nhiều người đã nêu ý kiến phản bác từ lâu rồi, trước hết là mục tiêu gọi là tiến lên chủ nghĩa xã hội và sau đó là cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa hay việc chế độ công hữu và khu vực nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhưng phát biểu ấy không có kết quả nên tôi thiển nghĩ rằng không nên mất thêm thời giờ góp ý về một sinh hoạt do đảng tự biên tự diễn và tự ngợi ca.
Giải tư doanh nghiệp nhà nước
Tỏ ý thất vọng, nhưng nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cũng đề nghị giải pháp, kèm theo sự bi quan:
Một cách cụ thể thì đảng Cộng sản phải lập kế hoạch chấn chỉnh rồi lần lượt giải tư doanh nghiệp nhà nước, là tư nhân hoá hay cổ phần hóa hệ thống lãng phí và tham nhũng này. Cần một cơ quan ngang bộ với nhiệm vụ tập trung quản lý và giám
Gian hàng điện tử phần mền Microsoft. AFP
sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tiến tới cổ phần hóa, chứ đấy không thể là nhiệm vụ của một ông Thủ tướng. Nhưng đấy là điều bất khả vì hệ thống chính trị và những mắc mứu quyền lợi ở bên dưới.
Chuyên viên của Ngân hàng Thế Giới, tiến sĩ Vũ Quang Việt, nêu đề nghị cho hiện tượng lạm phát, nhưng cũng không lạc quan hơn:
Tôi nghĩ muốn kiềm chế lạm phát chính chính phủ phải cắt giảm đầu tư công và cắt giảm vay mượn nước ngoài.Nhưng có thể họ nói cắt nhưng ngày mai không cắt, đành chịu. Ngân sách của chính phủ do Quốc hội quyết định đều không có giá trị gì với chính phủ hiện tại.
Đại hội đang bàn thảo sôi nổi về quyết sách kinh tế, tuy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn được duy trì trên chiếc ghế lãnh đạo chính phủ, sau những thất bại về chính sách kinh tế.
Công luận và người dân có chút hy vọng, khi nghe rằng các đại biểu quyết tâm tìm lối thoát cho nền kinh tế để Việt Nam tạo điều kiện căn bản cho Việt Nam trở thành một nước công nghiệp tiên tiến vào năm 2020. Nhưng khi nghe Trung ương Đảng khẳng định kiên quyết duy trì đường hướng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, duy trì chế độ độc đảng, thì mọi niềm hy vọng càng thêm mong manh.