Việt Nam Trong Chiến Tranh Tư Hữu - Dân Làm Báo

Việt Nam Trong Chiến Tranh Tư Hữu


Tưởng Năng Tiến - Cách duy nhất để thay đổi cách nhìn nhận về quyền tư hữu, theo như đề nghị (thượng dẫn) của tiến sĩ Phạm Xuân Nghĩa – nếu nói trắng phớ ra – là giải thể chủ nghĩa cộng sản. Đây là chuyện xẩy đã ra ở Liên Xô, và các nước Đông Âu. Việt Nam, tất nhiên, sớm muộn gì cũng sẽ cùng chung số phận!

Việt Nam Trong Chiến Tranh Tư Hữu (*) là tựa của một tác phẩm mới do Tiếng Quê Hương xuất bản, vào cuối năm 2010. Đây là một cuốn sách hơi quá khổ, hiểu theo nghĩa bóng, nếu so với nhiều tác phẩm khác (cùng loại) đã xuất hiện trong năm. Tác giả, ông Nguyễn Cao Quyền – một cựu tù nhân chính trị, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1990 – người được mô tả là “một khuôn mặt quen thuộc và tích cực, trong những sinh hoạt tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, ở vùng Hoa Thịnh Đốn.”

Trong quãng đời lưu lạc, gần hai mươi năm qua – chắc chắn – ông Nguyễn Cao Quyền đã dành không ít thời gian để ấp ủ cho tác phẩm nặng ký (gần 500 trang giấy) này. Có thể là hơi quá lời khi mô tả Việt Nam Trong Chiến Tranh Tư Hữu là “một công trình nghiên cứu” nhưng khó mà phủ nhận được rằng tác phẩm đã được thành hình trong tinh thần cầu học, hết sức khách quan và nghiêm túc, của tác giả – chỉ với chủ ý được (trân trọng) ghi nơi trang đầu tiên là: “Xin trả lại sự thật cho lịch sử.”

Và sự thật quan trọng nhất, được Nguyễn Cao Quyền nhấn mạnh, là cần nhận định lại cho đúng  bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó không phải là một cuộc nội chiến, chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh ủy nhiệm … gì ráo trọi mà đây (thực chất) chỉ là một cuộc chiến tranh tư hữu – theo nguyên văn lời của tác giả:

“Khi đám mây mù ý thức hệ đã bị phá tan, cuộc chiến chống cộng sản trong thế kỷ qua đã hiện nguyên hình là một cuộc chiến quyết liệt nhất trong lịch sử loài người để bảo vệ quyền tư hữu…” và “quyền tư hữu là một yếu tố cần thiết không những cho sự phát triển kinh tế mà còn cho sự bảo đảm tự do của con người và nền pháp trị của một quốc gia.”

Cũng ở thời điểm này, nhiều nhà trí thức tăm tiếng ở trong nước cũng đã đưa ra những khẳng định tương tự (về sự “thiêng liêng” của quyền tư hữu) với cách diễn tả “tế nhị” hơn – chút xíu:

Nền quan chế nước ta phải minh định rạch ròi tài sản công và những gì có thể được xem là quyền tài sản tư và ra sức bảo vệ cho những quyền định đoạt của chủ tài sản. Bởi thế, có thể nói hai thập kỉ cải cách dường như mới chỉ là sự bắt đầu, còn ngổn ngang chông gai trên con đường đi tới. Thay đổi cách nhìn nhận về sở hữu, gia tăng bảo hộ quyền tài sản tư nhân của người dân có lẽ nên là một định hướng mà người hoạch định chính sách nước ta quan tâm.

Cách duy nhất để thay đổi cách nhìn nhận về quyền tư hữu, theo như đề nghị (thượng dẫn) của tiến sĩ Phạm Xuân Nghĩa – nếu nói trắng phớ ra – là giải thể chủ nghĩa cộng sản. Đây là chuyện xẩy đã ra ở Liên Xô, và các nước Đông Âu. Việt Nam, tất nhiên, sớm muộn gì cũng sẽ cùng chung số phận!

Câu hỏi đặt ra là “rồi sao nữa?”

What’s  next?

Ông Nguyễn Cao Quyền đã dùng nhiều trang trong chương kết (“Những Trải Nghiệm Cần Rút Tỉa”) của cuốn sách để đề cập đến Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội như là một con đường thoát, giữa hiện cảnh bế tắc, cho Việt Nam:

“Sau khi phong trào chủ nghĩa xã hội bạo lực tiêu tan, phong trào ‘chủ nghĩa dân chủ xã hội’ bước ra vũ đài lịch sử với bộ mặt mới, với thành tựu mới, thưc tiễn mới, và lý luận mới…Đây là con đường hoà bình, đầy lý tính, không áp đặt, không tuyên truyền quảng cáo, chỉ có sức hấp dẫn nêu gương. Con đường này không làm hại lợi ích của bất cứ giai cấp nào, tầng lớp nào, không đe doạ an ninh của bất cứ quốc gia, khu vực nào, nên đang được thế gưới quan tâm. Lịch sử đang phát triển như vậy…”

Những lời lẽ xiển dương Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội thượng dẫn dễ khiến người đọc liên tưởng đến nhiều khuôn mặt trí thức khác, trong cũng như ngoài nước, cùng có cái nhìn tích cực và lạc quan (tương tự) về chủ nghĩa này:  Phan Ðình Diệu, Lữ Phương, Lê Ðăng Doanh, Nguyễn Xuân Nghĩa,  Lê Bảo Sơn, Phan Trọng HùngHà Sĩ PhuMai Thái Lĩnh ….

Sự dị biệt chỉ ở điểm ông Nguyễn Cao Quyền in rằng: ”Mẫu hình dân chủ xã hội được Hồ Cẩm Đào tuyên bố  con đường tương lai của Trung Quốc. Nói là tương lai nhưng trên thực tế mẫu hình này đang được Bắc Kinh âm thầm áp dụng để tránh phản ứng của nhóm cực tả bảo thủ… Như vậy Việt Nam đã có mẫu hình để sao chép. Thực tế này sẽ xẩy ra. Vấn đề chưa tiên đoán được là nhanh hay chậm. Nếu làm nhanh thì sẽ tránh được thiệt thòi về nhiều phương diện cho cả hiện tại lẫn mai sau.Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn Trung Quốc để ra khỏi ngõ bí hiện nay.”

Trong khi ông Mai Thái Lĩnh, một trong những nhân vật chủ trương Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội mạnh mẽ nhất hiện nay tại quốc nội, lại nhìn vấn đề một cách dè dặt và cẩn trọng hơn:

Hiện naysau sự sụp đổ của hệ thống cộng sản quốc tế, trên thế giới chỉ còn lại bốn quốc gia còn theo con đường cộng sản. Trong số đó, Trung Quốc và Việt Nam lại đổi hướng bằng cách chuyển qua kinh tế thị trường. Quan sát sự diễn biến ở hai quốc gia này, chúng ta thấy họ từng bước áp dụng những biện pháp giống hệt như những biện pháp mà các đảng dân chủ – xã hội đã từng áp dụng trước đây hơn nửa thế kỷ. Chính vì thế, có sự ngộ nhận cho rằng các đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang dần dần lột xác để trở thành các đảng dân chủ -xã hội. Một số nhà cải cách trong hai đảng này cũng đang vô tình hay cố ý tạo ra sự ngộ nhận ấy. Nhưng như trên đã nói, sự khác biệt căn bản giữa một đảng dân chủ -xã hội và một đảng cộng sản là ở chỗ: đảng đó có coi dân chủ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu hay không? Bao lâu đảng cộng sản còn giữ độc quyền chính trị, không chấp nhận nền dân chủ đa nguyên, coi những ai đấu tranh cho dân chủ là kẻ thù thì cho dù đảng ấy có đổi tên là đảng Lao độngđảng Nhân dân, thậm chíđảng Dân chủ – Xã hội v.v. và v.v, đảng ấy vẫn chưa lột xác và trong thực chất vẫn là đảng Cộng sản.’Lenin đã từng coi “chuyên chính vô sản” là viên đá thử vàng để xác định ai là người mác-xít chân chính nhất. Ngày nay, chúng ta cũng phải dùng “dân chủ” như viên đá thử vàng để xác định ai là người dân chủ – xã hội thật và ai là người cộng sản đội lốt dân chủ – xã hội. 

  

Sự dị biệt nêu trên, vào thời điểm này, chưa phải là vấn đề cần phải bận tâm ngay. Điều thực sự quan trọng, và rất đáng mừng – trong tầm nhìn của kẻ viết những dòng chữ này, một thường dân – là quí vị thức giả (trong cũng như ngoài nước) đã có sự đồng thuận lớn về những vấn đề sinh tử hiện nay của cả dân tộc: quyền tư hữu và sinh lộ để thoát khỏi vũng bùn cộng sản hiện nay: Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội.

Trong một buổi toạ đàm, có tên gọi là “Trí thức và Dân chủ” , tổ chức tại Moskva vào ngày 4 tháng 3 năm 2009, ông Adam Mikhnik (Tổng Biên tập báo Gazeta Wyborcza) đã kể lại kinh nghiệm về tiến trình dân chủ hoá ở Ba Lan như sau:

“Trí thức trở thành đối lập với chính quyền. Chính quyền không thể dùng họ như những cái loa tuyên truyền được nữa. Nhiều người trí thức chuyển sang đối lập với hệ thống có nghĩa là về mặt lịch sử số phận của hệ thống đã được quyết định. Nhà nước không thể tồn tại lâu nếu nó không được những người có học ủng hộ. Sự ủng hộ đã trở thành dĩ vãng. Nếu trong những năm 1940 các nhà văn và các nhà khoa học nổi tiếng đã ủng hộ chính quyền vì lí tưởng thì cuối những năm 1960 điều đó đã không còn. Một phần vì lí tưởng đã lụi tàn, một phần vì ủng hộ thì sẽ bị xã hội lên án. Xã hội cho phép cộng tác với hệ thống với điều kiện là khi nằm trong hệ thống người đó phải thực hiện nhiệm vụ của chính quyền sao cho nó không giúp mà còn phản lại chính quyền (ND,Phạm Minh Ngọc, nhấn mạnh)… Chính quyền không biết phải xử trí với trí thức như thế nào. Họ đã bỏ gậy rồi, còn củ cà rốt của họ thì lại chẳng mua chuộc được ai.” (**)

Có thể nói mà không sợ mang tiếng cường điệu “ là về mặt lịch sử số phận của hệ thống cầm quyền ở Việt Nam đã được quyết định.” Vấn đề còn lại là cả dân tộc này có đồng lòng lựa chọn con đường Dân Chủ Xã Hội như một lối ra – như cụPhan chu Trinh đã đề xướng hồi đầu thế kỷ trước – hay không?

Với cái di sản của Xã Hội Chủ Nghĩa vẫn còn đè nặng trên nửa phần đất nước, và những “kỷ niệm buồn” với Chủ Nghĩa Tư Bản vẫn còn vương vấn nơi nửa phần đất nước còn lại, con đường Dân Chủ Xã Hội – với sự hấp dẫn tự thân của nó, có thể kiểm nghiệm được khi nhìn sang những quốc gia Tây Âu và Bắc Âu – có lẽ là đề xuất thuyết phục (nhất) cho hiện cảnh của Việt Nam.

Chế độ Dân Chủ Xã Hội, nếu học theo cách nói của Winson Churchill, có thể vẫn chỉ là một hình thức chính quyền tồi, nhưng các hình thức khác mà nhân loại đã từng thử nghiệm còn tồi hơn thế.

Tưởng Năng Tiến 
01/2011

(*) Tác phẩm Việt Nam Trong Chiến Tranh Tư Hữu của tác giả Nguyễn Cao Quyền mới được ra mắt ngày 16/10/2010 tại Virginia  USA.   Độc giả có thể đặt mua tại Tủ Sách Tiếng Quê Hương : Trần Phong Vũ, 14924 Dillow Street Westminster CA  92683, ĐT  (949) 232- 8660;  hoặc Uyên Thao,  PO Box 4653,  Falls Church,  VA 22044, USA.

(**) Đường link của bài viết này (“Trí thức và quá trình dân chủ hoá – Kinh nghiệm Ba Lan”) cũng như đường link của nhiều bài viết khác trên diễn đàn talawas không thể truy cập được nữa từ hai ngày nay – 01/01/2011 và 02/01/2011. Đây là dấu hiệu cho thấy là CAM sẽ không để yên cho trang web này tồn tại, dù nó đã ngưng hoạt động từ ngày 03 tháng 11 năm 2010.

Tác giả gởi cho Danlambao

 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo