Wikileaks vừa công bố bức điện của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Michael Michalak, bình luận về ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau đại hội Đảng.
Khi mà có đến 6 trong số 15 ủy viên Bộ chính trị dự kiến về hưu thì, ''Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hai ứng viên hàng đầu để thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh,'' theo bức điện mà Wikileaks tiết lộ về Việt Nam.
Vào Bộ chính trị từ năm 1996 cả ông Dũng và ông Sang đầu có nhiều ảnh hưởng trong Đảng - Chính phủ, và ''có lẽ là hai nhân vật chính trị có nhiều quyền lực nhất ở Việt Nam''.
Vấn đề là hai ông đều là người miền Nam do vậy người ta đoán có lẻ ông Sang sẽ bị loại theo qui ước chân vạc ba miền.
Nếu ông Dũng không đứng đầu Đảng thì có nhiều khả năng ông sẽ ngồi lại ghế thủ tướng.
Trong trường hợp đó, hai ứng viên mạnh khác là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, và ủy viên mới nhất của Bộ Chính trị là Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng, Tô Huy Rứa, bức điện viết.
Đại sứ Mỹ nhận xét ông Dũng và ông Sang không chuộng cải cách chính trị như là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng mọi người biết họ ''thực dụng, theo kinh tế thị trường, và đều muốn có thêm những bước tiến trong quan hệ với Hoa Kỳ''.
Bức điện đánh giá ông Trọng cũng tương tự, nhưng ông Rứa thì hoàn toàn khác vì việc ông được vào Bộ chính trị ''phản ánh và khẳng định khuynh hướng bảo thủ''.
''Vai trò của ông trong tiến trình chuyển đổi lãnh đạo của Việt Nam sẽ cho thấy sự tự do hóa chính trị - hiện đang ngưng - có được tiếp tục sau 2011, hay sẽ vẫn bị bóp nghẹt.''
Ngày càng già
Độ tuổi tối đa 67 (tăng từ 65 ngay trước Đại hội X) có lẽ sẽ được áp dụng tại đại hội lần này, theo các nguồn tin của Sứ quán Mỹ.
Nếu vậy các ông Nông Đức Mạnh (71t), Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết (69t), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (67t), Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (67t) sẽ về hưu và người ta phải quyết định trường hợp của ông Nguyễn Phú Trọng (67t) nếu bầu ông là Tổng Bí thư.
Cho chức vụ cao nhất trong đảng này, thì ông Dũng và ông Sang ngang ngửa nhau trong Bộ chính trị, nhưng người ta nhắc nhiều đến ông Sang hơn, theo bình luận của Đại sứ Mỹ.
Trong tư cách Thường trực Ban bí thư, ông Sang trông coi công chuyện hàng ngày của đảng, nhờ vậy ''củng cố được vị thế trong Ban chấp hàng trung ương''.
Mặc dù phần nào mang tiếng trong vụ án Năm Cam, ông Sang được cho là ''người môi giới quyền lực chủ yếu của Đảng trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong kinh tế,'' bức điện viết.
Một số nguồn tin của Sứ quán Mỹ nói ông Sang trên thực tế đã bắt đầu thay thế Tổng bí thư.
Cũng theo bức điện, một số nguồn tin khác nghĩ ông Mạnh từ một thời gian qua vẫn ở vị trí chỉ huy nhưng không quyết định chính sách mà đã chuyển sang công tác xây dựng đảng.
Trong khi đó, tham vọng làm Tổng bí thư của ông Dũng đã bị ảnh hưởng sau những chỉ trích về chủ trương khai thác bauxite, Đại sứ Mỹ nhận định.
''Tuy vậy đa số các nguồn tin nghĩ rằng ông Dũng trong vị thế tốt để duy trì ghế thủ tướng,'' theo nội dung bức điện mà Wikileaks tiết lộ và được báo The Guardian ở Anh công bố đúng ngày Đ̣ai hội XI khai mạc 12/1/2011.