Như Thanh (danlambao)- Nhân loại vui trong cùng một niềm vui của nhân dân Ai Cập. Pháo bông không chỉ bắn lên từ quảng trường Tahrir tự do nhưng cũng được bắn lên ở các nước Phi châu và bắn lên từ trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Ảnh hưởng của cách mạng Ai Cập rộng lớn đến nổi Giáo sư xã hội học Hasan Yahya đã ví cách mạng dân chủ Ai Cập 2011 tương đương với cách mạng Pháp 1789 vì cả hai đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người ...
- Cơn thủy triều dân chủ đang dâng cao trên khắp thế giới hiện nay là bước phát triển khoa học trong quá trình tiến hóa của loài người. Các cố gắng của các nhà độc tài, các đảng độc tài chỉ để tạm thời xoa dịu làn sóng công phẫn trong nhân dân nhưng chính họ cũng hiểu chân lý thời đại: dân chủ là văn minh, độc tài là lạc hậu. Những phân tích dưới đây dựa theo danh sách của ký giả Gregory White, Business Insider 11 nước có nguy cơ trở thành Ai Cập khác (11 Countries At Risk Of Becoming The Next Egypt):
Moroco: Morocco theo chính thể quân chủ lập hiến trong đó nhà vua là lãnh đạo quốc gia nhưng bị chi phối bởi hiến pháp. Trong số các quốc gia vùng Bắc Phi, Morocco là nước đã có nhiều cải thiện chính trị trong những năm vừa qua. Tuy nhiên nạn thất nghiệp 25% trong thế hệ những người vừa tốt nghiệp đại học, và 9.1% trong lực lượng lao động nói chung, đang là một mối lo rất lớn cho vua Mohammed Đệ Tứ và chính phủ. Nếu tình trạng lạm phát không được kiểm soát và tình trạng thất nghiệp không được giải quyết, khả năng bộc phát một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện có thể diễn ra tại vương quốc 32 triệu dân này.
Jordan: Giống như Morocco, Jordan cũng là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến. Vua Abdullah Đệ Nhị bin al-Hussein cai trị quốc gia này từ sau cái chết của vua cha Hussein vào 1999. Dân số Jordan vào khoảng 6 triệu theo thống kê 2009. Tình trạng lạm phát tại Jordan hiện nay là 6.1% và thất nghiệp toàn quốc tại mức 14%. Một mối lo ngại của nhà vua là có đến 40% dân số Jordan dùng Internet rất tích cực. Hưởng ứng các cuộc biểu tình tại Tunisia trước đây, nhân dân Jordan cũng đã đứng lên. Vua Abdullah phản ứng bằng cách giải tán chính phủ và hứa thực hiện các cải cách kinh tế cấp bách để mong làm dịu sự bất mãn trong dân chúng. Theo giới quan sát chính trị, nếu vua Abdulla không thực hiện các cải cách như đã hứa một cách kịp thời, số phận của vương quốc này không biết sẽ ra sao.
Syria: Trong hai tuần qua, Bashar al-Assad, nhà lãnh đạo độc tài xứ Syria như ngồi trên than đỏ. Tình trạng nhân quyền tại Syria còn tệ hại hơn Ai Cập nhiều. Sau khi Assad cha qua đời vào tháng Sáu 2000, quốc hội bù nhìn Syria đã thay đổi hiến pháp, hạ mức tuổi để cho phép Bashar al-Assad khi đó mới 34 tuổi lên làm Tổng Thống và lãnh đạo đảng Ba’ath cầm quyền. Bashar al-Assad đắc cử tổng thống lần nữa không có đối thủ với tỉ lệ 97.6% tổng số phiếu bầu. Một tỉ lệ rất quen thuộc với cử tri Việt Nam. Hai tháng qua, giới trẻ tại Syria rục rịch đứng lên đòi dân chủ. Các thành viên Facebook và Twitter cung cấp tin tức sốt dẻo cho tuổi trẻ khắp nơi. Họ dự tính tổ chức các ngày tập hợp chống chính phủ được gọi là Ngày Thịnh Nộ (Day of Rage) tại Syria. Theo các quan sát viên chính trị, Syria là một trong những mục tiêu hàng đầu của phong trào dân chủ Bắc Phi hiện nay.
Saudi Arabia: Không giống như trong chế độ quân chủ lập hiến, chế độ quân chủ tại vương quốc dầu hỏa này là quân chủ tuyệt đối. Không có đảng phái chính trị nào được phép hoạt động. Hoàng gia, đông đến 25 ngàn người, nắm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính phủ. Hoàng gia Saudi Arabia nhiều lần bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng tố cáo tình trạng tham ô và lạm quyền tại nước này. Vua Abdullah bin Abdul-Aziz của Saudi Arabia là một ông vua già nua, bịnh hoạn, bảo thủ và là người đang dung dưỡng nhà độc tài Ben Ali của Tunisia. Vua Abdullah phản ứng giận dữ trước làn sóng cách mạng tại Ai Cập và kết án những người biểu tình là “những kẻ xâm nhập”. Các lực lượng chống đối hoàng gia Saudi Arabia đang ngấm ngầm hoạt động khắp nơi và đe dọa chiếc ngai vàng của vua Abdullah.
Iran: Iran là một nước Cộng Hòa Hồi Giáo với Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad được dân bầu một cách dân chủ. Tuy nhiên, chế độ gọi là dân chủ tại Iran không thể xác định rõ ràng dân chủ theo kiểu nào vì quốc gia này trên thực tế đặt dưới sự lãnh đạo bởi Lãnh Tụ Tối Cao Ali Khamenei, không những có quyền tuyệt đối về tôn giáo mà cả chính trị. Tình trạng thất nghiệp tại Iran rất cao, 14.6%. Mặc dù chính phủ tìm cách ngăn chận, số thành viên Twitter và Facebook mỗi ngày một tăng nhanh. Những cuộc biểu tình của giới trẻ trong lần bầu cử tổng thống mới đây phần lớn được điều động qua Facebook và Twitter. Cho đến nay, chính phủ Iran thành công trong việc trấn áp các cuộc nổi dậy, tuy nhiên nếu mức độ lạm phát 13.5% tiếp tục gia tăng, khả năng một cuộc bùng nổ toàn diện sẽ xảy ra.
Libya: Libya là quốc gia chịu đựng dưới bàn tay sắt của Muammar al-Gaddafi. Nguồn lợi tức thu nhập chính của Libya là dầu hỏa. Mức thất nghiệp 30% hiện nay tại Libya được xem là một trong những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất vùng Bắc Phi. Libya nằm ngay giữa Ai Cập và Tunisia, hai quốc gia đã phát khởi cách mạng dân chủ thành công. Muammar al-Gaddafi lo ngại cách mạng sẽ tràn qua biên giới bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn nữa, gần 80% trong dân số 6 triệu của Libya sống tập trung tại các khu vực đô thị đông đúc nhưng không có công ăn việc làm. Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế mới đây tố cáo nhà cầm quyền Libya đã bắt giam nhà văn Jamal al-Hajji sau khi ông gởi lên Internet một lời kêu gọi dân chúng Libya biểu tình chống độc tài. Các cuộc biểu tình nhỏ đã bùng nổ tại các thành phố Darnah, Benghazi, Bani Walid. Hiện nay, Muammar al-Gaddafi chưa tỏ ra quá cứng rắn vì muốn đo lường thái độ của dân chúng. Với tình trạng thất nghiệp 30% như hiện nay, dù cứng rắn hay không, ngày tàn của chế độ độc tài Muammar al-Gaddafi chỉ là vấn đề thời gian.
Yemen: Nạn thất nghiệp tại Libya tuy cao nhưng không phải là cao nhất. Yemen có mức thất nghiệp cao đến 40% và lạm phát 5.4%. Yemen với 28 triệu dân, là quốc gia nghèo nhất và chậm phát triển nhất của bán đảo Á Râp. Yemen trên danh nghĩa là một nước cộng hòa với tổng thống Ali Abdullah Saleh được bầu trong cuộc tuyển cử khá trong sạch vào 2006, nhưng nhiều quan sát viên quốc tế xem Yemen là một nước thiếu an ninh nhất. Yemen là nơi trú ẩn của các phần tử thuộc tổ chức khủng bố Al Qaeda. Trở ngại chính để phát triển Yemen không phải vì nghèo khó mà thôi mà còn vì tình trạng tham nhũng trầm trọng trong cơ chế lãnh đạo. Ảnh hưởng từ làn sóng cách mạng tại Tunisia, khoảng 10 ngàn người đã biểu tình tại thủ đô Sana. Không giống như các cuộc biển tình tương đối ôn hòa tại Ai Cập, cuộc cách mạng tại Yemen có thể dẫn đến đổ máu vì rất nhiều người tham gia biểu tình có võ trang.
Pakistan: Pakistan là quốc gia Cộng hòa Hồi giáo nhưng người dân luôn sống trong bất an, đe dọa. Tuy chia xẻ rất nhiều thăng trầm với các nước Hồi Giáo châu Phi nhưng Pakistan là quốc gia nằm phía Nam Á. Mức lạm phát hiện nay tại Pakistan là 15% và mức thất nghiệp theo thống kê năm 2010 là 14%. Chính phủ của Thủ Tướng Yousaf Raza Gillani đã tỏ ra yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế như đã chứng minh trong trận lụt vừa qua. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, Pakistan phải vay từ các nguồn tài chánh quốc tế hơn 100 tỉ đô la để cứu vãn nền kinh tế. Quân đội Pakistan, lớn thứ bảy trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định nhưng nếu tình trạng kinh tế tiếp tục đi xuống, các phong trào chống chính phủ ở mức độ rộng lớn có thể sẽ bùng nổ. Lưu ý, trong hơn nửa phần sau của thế kỷ thứ 20, Pakistan là quốc gia đã trải qua nhiều kinh nghiệm đảo chánh đẫm máu.
Venezuela: Quốc gia có tên đầy đủ là Cọng Hòa Bolivarian Venezuela, Nam Mỹ. Tổng thống Hugo Chávez đang lãnh đạo Venezuela trên cơ sở của một liên kết các đảng tả phái, trong đó có cả đảng Cộng Sản Venezuela . Là một quốc gia có công nghiệp dầu hỏa phát triển cao và chiếm một phần ba Tổng Sản Lượng Nội Địa nhưng 30% dân số Venezuela sống dưới mức 2 đô la một ngày. Dầu hỏa tại Venezuela là nguồn lợi kinh tế chính nhưng cũng là nguồn gốc cho tình trạng tham nhũng có truyền thống tại Venezuela. Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index) năm 2010 xếp Venezuela vào hạng 164, tức nhóm 15 nước tệ hại nhất trong 178 quốc gia được đánh giá. Tình trạng lạm phát hiện nay cao đến mức 27.2% và thất nghiệp 8.1%. Một số nhà phân tích cho rằng Venezuela không chỉ phải đối diện với cách mạng dân chủ trong nước thôi mà, với chính sách chống Mỹ hiện nay của tổng thống Hugo Chávez, Venezuela còn đối diện với viễn ảnh trở thành một Chile thời Allende khác.
Việt Nam: Việt Nam là một trong năm quốc gia còn sót lại của chủ nghĩa toàn trị Mác Lenin đã mờ vào quá khứ tại châu Âu. Mặc dù cơ chế nhà nước về hình thức có ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng lãnh đạo của cả ba ngành đều cùng một đảng. Tệ hại hơn Ai Cập, tại Việt Nam, mọi quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tôn giáo, báo chí đều bị ngăn cấm. Tổ chức liêm chính toàn cầu ( Global Integrity) xếp Việt Nam vào hạng “Nghèo” trong bảng đánh giá được công bố năm 2009. Và cũng tệ hại hơn Ai Cập, tại Việt Nam, tình trạng tham nhũng, con ông cháu cha trong cơ chế chính trị vô cùng trầm trọng. Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index) xếp Việt Nam vào hạng 116 trong 178 quốc gia và với chỉ số 2.7 trên 10, trong khi đó Ai Cập được xếp hạng 98 và chỉ số 3.1. Đứng cùng hạng thứ 116 với Việt Nam là ba quốc gia nghèo nhất Phi Châu Ethiopia, Guyana và Tanzania.
Trung Quốc: Giống như Việt Nam, vận mệnh Trung Quốc nằm trong tay của một đảng chính trị độc tài toàn trị. Trung Quốc hiện có mức thất nghiệp thấp nhưng đang đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng. Giá cả thực phẩm tăng quá cao gây bất mãn trong các tầng lớp nhân dân. Các chuyên viên kinh tế ước lượng một công nhân Trung Quốc trung bình phải dành một nửa tiền lương để mua thức ăn. Trung Quốc có tất cả yếu tố để cách mạng dân chủ bùng nổ ngoại trừ thất nghiệp. Sau 20 năm tung toàn bộ lực lượng lao động rẻ mạt để thao túng nền kinh tế thế giới, kinh tế Trung Quốc đang chậm lại theo quy luật. Giống như chính sách Nhật Bản xâm thực Trung Quốc để thỏa mãn nhu cầu nguyên liệu trong đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đang mở rộng chính sách xâm thực kiểu mới sang Phi Châu. Trung Quốc không có đồng minh kinh tế lẫn chính trị để làm đối lực cho trục liên kết Mỹ-Nhật-Ấn dân chủ. Trong thời gian cách mạng dân chủ bùng nổ tại Trung Đông, Trung Quốc khóa chặt các cánh cửa thông tin vì sợ tinh thần Thiên An Môn sống dậy trong tuổi trẻ.
Hai chục năm trước, những gì đang xảy ra tại Bắc Phi có lẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến Venezuela hay Việt Nam. Nhưng thế giới đã đổi thay và đang từng bước toàn cầu hóa. Hai tuần nay, hàng triệu người sống trong các chế độ độc tài trên thế giới say mê theo dõi những gì tuổi trẻ Ai Cập đang làm. Nhân loại vui trong cùng một niềm vui của nhân dân Ai Cập. Pháo bông không chỉ bắn lên từ quảng trường Tahrir tự do nhưng cũng được bắn lên ở các nước Phi châu và bắn lên từ trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Ảnh hưởng của cách mạng Ai Cập rộng lớn đến nổi Giáo sư xã hội học Hasan Yahya đã ví cách mạng dân chủ Ai Cập 2011 tương đương với cách mạng Pháp 1789 vì cả hai đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người.