Mubarak: người thọc chân vào miệng ký giả
Nguyên Dương (danlambao) - Vừa qua, sau khi những người Ai Cập chống đối tổng thống kêu gọi một cuộc tuần hành tiếp theo sau giờ kinh nguyện, nữ phóng viên thường trú tại Cairo Abigail Hauslohner của tuần báo TIME và nữ phóng viên Rania Abouzeid vừa trở về sau khi có mặt tại chỗ để tường thuật cuộc nổi dậy ở Tunisia – đã có mặt trong trong đoàn người xuống đường để thấm thía mùi bạo lực khi cảnh sát chống bạo động của chế độ ra tay bằng các phương tiện và vũ khí do Mỹ yểm trợ.
Để tránh khỏi phải ăn dùi cui của cảnh sát, Hauslohner chạy thục mạng qua những con hẽm hẹp để trốn vào sân sau một nhà dân, vừa khi một trái lựu đạn cay rơi ngay xuống chỗ chị đang ẩn náu cạnh một nhúm người biểu tình khác. Để đỡ cay mắt, chị trèo lên sân thượng của căn nhà và nhìn xuống, thấy cảnh sát đang đập cửa từ nhà nầy sang nhà kế cận để lục soát và nổ súng. Cô Abouzeid chọn một lộ trình khác: khi lựu đạn cay rơi vào chân mình, một người trong đám biểu tình đưa cho cô một lon nước ngọt, bày cho chị dùng Pepsi không để giải khát, mà để tạt vào mắt cho đỡ nhức nhối.
Trong lịch sử, chưa hề có một cuộc cách mạng nào là ngoạn mục, và sự chào đời của một nền dân chủ chẳng bao giờ mát mái xuôi chèo. Các biến cố dây chuyền trong mấy tuần gần đây ở Trung Đông có tầm quan trọng trong lịch sử nhân loại. Cuộc nổi dậy và bạo loạn ở Tunisia bắt nguồn từ tình trạng thất nghiệp, giá thực phẩm gia tăng, tham nhũng trộn chung với tự do ngôn luận và điều kiện sống tồi tệ, đã kéo dài từ hôm 18/12/2010, một ngày sau cuộc tự thiêu của anh thanh niên trẻ bán hàng rong Mohamed Bouazizi vì bị chính quyền tịch thu phương tiện sinh sống và bị một mụ cán bộ nhà nước làm nhục nơi công cộng. Được sự cỗ võ của hai nhân viên nhà nước khác trong toán, bà Faida Hamdi đã tát vào má, nhỗ nước bọt vào mặt, tịch thu bàn cân của nạn nhân sau khi xô đổ xe chở trái cây và rau cải của Bouazizi, cộng thêm với việc thóa mạ người cha quá cố của anh. Đặc biệt là vụ việc xẩy ra trong một quốc gia mà phụ nữ vẫn được xem là lép vế giữa xã hội, nên màn nhục mạ của một nữ cán bộ đã có giá trị tệ hại gấp nhiều lần trong quan niệm và văn hóa của thế giới A-rập.
Đến hôm 4/01/2011, tin Bouazizi chết đã trở thành giọt nước cuối làm tràn ly nước, mở màn một loạt các cuộc xuống đường và bạo động làm chết người trên khắp đất nước nhiễu nhương các vấn nạn chính trị và xã hội, làm tổng thống Zine El Abidine Ben Ali phải thoái vị sau 23 năm cầm quyền.
Sự phản kháng bằng chính mạng sống mình của Bouazizi đã dẫn tới các cuộc biểu tình chống đối ở các quốc gia khác trong vùng Bắc Phi và Tây Á như Jordan, Algeria, Yemen, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Libya, Morocco, và nhất là tại Ai Cập. Phe biểu tình chống chính phủ ở các nước nầy xem Bouazizi là anh hùng tử đạo của cuộc khởi nghĩa mới tại Trung Đông. Cái chết của anh trước dinh thống đốc toàn quyền đã trở thành mẩu mực cho các cuộc quyên sinh khác. Ở Algeria, anh Mohsen Bouterfif tự thiêu tại Sidi Bouzid ngày 13/01/2011 đã chết ngày 16/01; cùng ngày 15/01 Aouichia Mohammad tự thiêu tại Bordj Menail và Boubacar Boyden tại Jijel; sang ngày kế 16/01 Mamier Lotfi tự thiêu trước tòa thị chính Boukhadra bỏ lại 4 đứa con thơ trong khi Senouci Touat tự thiêu tại thị trấn Mostaganem. Đến ngày 17/01, giám đốc Yacoub Ould Dahoud 40 tuổi, tự thiêu tại thủ đô Nouakchott của nước Mauritania để phản đối chính quyền bất công, đã chết ngày 22/01. Ở Ai Cập, ngày 17/01 có Abdou Abdel-Moneim Jaafara tự thiêu, đang được cứu chữa ở bệnh viện; hôm sau 18/01 có 3 vụ: Mohammed Farouk Hassan và Mohammed Ashour Sorour tự thiêu ở Cairo, trong lúc Ahmed Hashim al-Sayyed tự thiêu ở Alexandria đã thiệt mạng ngay trong ngày. Ở Syria, Hasan Ali Akleh tưới xăng tự đốt mình tại Al-Hasakah hôm 26/01. Riêng ở Saudi Arabia, ngày 20/01 một người đã tự thiêu tại Samtah và đã chết hôm sau, rồi một người thứ nhì tự thiêu ở Dammam trong ngày 24/01 hiện đang được cấp cứu.
Màn tự thiêu của chủ nhà hàng ăn Abdou Abdel-Moneim Jaafara tại Ai Cập xẩy ra một ngày sau khi thị trường chứng khoán nước nầy rớt thảm hại vì có tin tình hình sẽ bất ổn, đã làm nhiều người Ai Cập dùng trang Facebook của họ để hô hào biến ngày 25/01/2011 vốn là “Ngày Cảnh sát Công an Toàn quốc” làm ngày khởi nghĩa chống nghèo đói, tra tấn, nhũng lạm và thất nghiệp. Để đối phó với làn sóng dân chủ, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cắt toàn bộ liên lạc internet với thế giới bên ngoài. Cũng trong ngày, trong khi hàng chục ngàn người kéo nhau xuống đường phản đối trên nhiều thành phố trong nước, tổng thống Mubarak chính thức giải tán bộ máy chính quyền quốc gia để lập một nội các mới, trong đó có vị phó tổng thống đầu tiên sau ngót 30 năm.
Tuy nhiên, con số người biểu tình đã nhanh chóng tăng với cấp số nhân, trong khi yêu sách của họ rút xuống chỉ còn một điểm: Mubarak phải ra đi. Ngày 1/02, đài truyền hình Al Jazeera tường thuật có ít ra là một triệu người tràn ngập Quãng trường Tahrir (Giải Phóng) và khắp các đường phố thủ đô, làm tổng thống phải lên tivi câu giờ bằng cách tuyên bố sẽ không ra ứng cử vào tháng Chín sắp tới nữa. Mặt khác, ông cho sổ lồng các toán du côn cỡi ngựa và lạc đà, dùng dao bén và bom xăng tấn công người biểu tình, hoặc cho các xe thùng lao thẳng vào đám đông để giết người làm gương. Màn nầy được tiếp nối bằng việc tổng thống Mubarak chính thức bắt đầu bước một tự đào huyệt chôn vùi sự nghiệp chính trị của mình: ngày 3 tháng 2, chính phủ Mubarak công khai đàn áp giới truyền thông quốc nội và quốc tế.
Các đĩa truyền tín hiệu qua vệ tinh của hảng thông tấn truyền hình Associated Press Television News bị tháo gỡ, phóng viên của đài không thể gởi tin về Mỹ.
Nữ ký giả quốc tế lừng danh Christiane Amanpour của đài ABC cho hay xe của cô bị một đám đàn ông bu quanh, đập mạnh lên thùng xe và kính xe; một viên đá đã ném thủng kính trước, mảnh kính vỡ tung tóe vào người trên xe. Một toán đàn ông Ai Cập khác đón đường một toán truyền hình thứ nhì của ABC để hăm dọa cắt đầu ký giả Brian Hartman, quay phim Akram Abi-hanna và hai nhân viên khác của đài. Ký giả Lara Setrakian cũng báo cáo về đài là cô bị tấn công khi đang tường thuật.
Phóng viên Anderson Cooper cùng với một quay phim và một biên tập viên của đài CNN bị bao vây bởi một nhóm người tìm cách đánh vỡ máy móc của họ trong hai ngày liền. Xe của họ bị tấn công, kính xe bị đập phá. Chương trình bình minh hôm ấy của Cooper phải được lén lút truyền về Mỹ từ một nơi bí mật, vì lý do an toàn. Một ký giả khác của CNN, cô Hala Gorani, cho hay chị bị bọn người cỡi ngựa và lạc đà dồn vào hàng rào, nhưng rất may, chị đã chạy thoát. Phóng viên nhiếp ảnh Rajesh Bhardwaj của CNN bị quân đội Ai cập giam giữ ngay trên Quãng trường Tahrir, và chỉ được thả ra sau khi họ hủy hoại thẻ ký giả và các thẻ nhớ của máy ảnh.
Ashley Webster của đài truyền hình Fox báo về hảng rằng nhân viên an ninh tông cửa vào phòng khi anh và một người quay phim đang quan sát cuộc biểu tình từ trên bao lơn khách sạn. Họ bắt 2 ký giả nầy phải đưa máy quay vào phòng, trong khi 2 ký giả khác của đài, Greg Palkot và Olaf Wiig phải vào bệnh viện vì được phe ủng hộ tổng thống “dàn chào” ngoài công trường.
Số phận hảng CBS không vẻ vang gì hơn: nữ ký giả Katie Couric bị phe ủng hộ Mubarak quấy nhiễu, trong khi ký giả Mark Strassman cùng một quay phim bị tấn công khi cả hai tìm cách chen lấn lại gần để quay cảnh ném đá; riêng người quay phim đã liên tục bị đấm vào mặt. Ngoài ra, nữ ký giả Lara Logan của hảng cùng với toán của cô bị cảnh sát Ai Cập bắt giữ rất lâu ngay bên ngoài Sứ quán Do Thái.
Nhật báo New York Times cũng lãnh đủ: nữ phát ngôn viên tòa soạn cho biết hai phóng viên của họ đã bị quân cảnh bắt giữ suốt đêm cho đến hôm sau. Chủ bút Douglas Jehl của tờ Washington Post nói chi tiết hơn về người của họ: văn phòng trưởng Leila Fadel và nữ nhiếp ảnh viên Linda Davidson có mặt trong khoảng hơn hai chục ký giả bị quân cảnh Ai Cập bắt, nhưng về sau đã được thả ra.
Nhiếp ảnh viên Peter van Agtmael của tờ Wall Street Journal bị một nhóm ủng hộ Mubarak tấn công gần quãng trường, còn một ký giả của hảng tin Bloomberg bị chính quyền Ai Cập giữ 12 giờ đồng hồ mà không nêu lý do.
Jerome Boehm báo về đài BBC rằng anh bị tấn công khi đang tường thuật tin tức, còn xe của ký giả Rupert Wingfield-Hayes bị cưỡng bức đổi lộ trình bởi một nhóm người hung dữ. Nhóm nầy bắt giữ anh và một đồng sự, rồi giao lại cho mật vụ còng tay và bịt mắt, đưa vào một căn phòng để tra hỏi. Cả hai được phóng thích sau ba tiếng đồng hồ. Một ký giả khác của đài, Wyre Davies, khi đang tường thuật ở Alexandria đã bị tấn công nhiều lần trong mấy ngày liền. Chủ biên quốc tế Jon Williams của BBC còn cho hay công an chìm của Mubarak đã vào phòng khách sạn của hảng để tịch thu dụng cụ nhằm ngăn chặn phát thanh về Anh quốc.
Marie Colvin của tờ Sunday Times of London cho biết chị bị một băng thanh niên có dao nhọn đe dọa ở khu ngoại ô Imbala của Cairo, may có một băng mặt lạ khác đẩy chị vào một nhà kho, khóa trái bên ngoài để bảo vệ cho tính mạng chị.
Ký giả Joan Roura của đài truyền hình TV3 bị một băng đàn ông tấn công và lấy mất điện thoại di động khi cô đang trực tiếp tường thuật về đài. Những cuộc tấn công tương tự cũng xẩy đến cho Sal Emergui của đài phát thanh RAC1, cho Gemma Saura của nhật báo La Vanguardia; và cho Mikel Ayestaran, phóng viên báo Vocento.
Ký giả Jean-Francois Lepine của đài Canada CBC cho hay anh cùng một người quay phim bị một đám thảo khấu bao vây và bắt đầu hành hung, cho đến khi họ được lính tới giải vây. Còn Margaret Evans tường thuật trên làn sóng rằng cảnh sát đã tịch thu dụng cụ quay phim của toán cô khi đang quay từ trên bao lơn khách sạn trông xuống quãng trường.
Hai ký giả Sonia Verma và Patrick Martin của tờ Toronto Globe and Mail viết trên trang nhà của họ rằng quân đội đã có hành động cưỡng bức họ và khống chế xe cộ của họ ở thủ đô Cairo.
Simon Hanna của thông tấn xã Reuters kể là văn phòng của hảng ở Cairo bị đột nhập và đập phá cửa kính, còn các phóng viên đài VOA của Mỹ thì bị nhiều người bao vây, ngăn không để họ lui tới trong quãng trường Giải phóng.
Bản tin AP đánh đi cho biết nhà báo Ai Cập Ahmed Mohammed Mahmoud, 36 tuổi, đã chết. Mahmoud đang chụp ảnh từ trên bao lơn nhà mình cảnh xung đột giữa người biểu tình chống Mubarak và công an chìm, thì bị bắn tỉa.
Nhưng có lẽ bị nặng nhất là đài Al Jazeera. Văn phòng của đài bị phóng hỏa, phóng viên bị giam giữ. Cùng chung số phận bị bắt hay bị làm khó dễ là phóng viên Maurice Sarfatti của tờ Le Soir, Jon Bjorgvinsson của đài Băng Đảo, hai ký giả tự do Nhật Bản và một người làm cho thông tấn xã Kyodo, Cumali Önal của thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Cihan và Doğan Ertuğrul của nhật báo Turkish Star Daily, Petros Papaconstantinou của Hy Lạp, 5 ký giả Trung quốc, 5 ký giả Ba Lan gồm Krzysztof Kołosionek, Piotr Bugalski, Michał Jankowski, Piotr Górecki, và Paweł Rolak. Riêng cô Margaret Warner đáp máy bay tới Cairo đã nhắn tin về đài PBS “Chúng tôi bình an, nhưng máy móc hành nghề đã bị kiểm tra và tịch thu toàn bộ.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton họp báo: “Chúng tôi lên án bằng những từ ngữ nặng nề nhất việc tấn công các nhà báo đang làm nhiệm vụ tường thuật ở Ai cập.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói chi tiết hơn: “Hoa kỳ có bằng chứng cho thấy các thành phần gần gủi với chính phủ hay đảng cầm quyền Ai Cập đã nhúng tay vào hành động bạo lực chống lại người biểu tình ở Cairo. Những vụ việc nầy không phải tình cờ, mà có vẻ là một nỗ lực nhằm ngăn cản ký giả tường thuật các biến cố đang xảy ra.”
Tình hình xem ra có vẻ không thuận lợi cho Hosni Mubarak chút nào. Đương kim tổng thống đang mất bạn, mất đồng minh, mất đồng chí, và biến thế giới thành kẻ thù. Fidel Castro kết luận: “La suerte de Mubarak está echada, y ya ni el apoyo de Estados Unidos podrá salvar su gobierno.” (Số phận Mubarak đã ngã ngũ, ngay cả sự chạy chữa của Mỹ cũng sẽ không cứu vãn nổi chính quyền của ông). Con cáo già Cộng sản 84 tuổi tuyên bố như thế trước khi Obama nổ viên đạn ân huệ. Chủ Nhà Trắng nói như nói với một học trò tiểu học: “Xét trên những gì đang xẩy ra, xài kiểu cai trị cũ là không xong rồi. Đàn áp sẽ không ăn, mà bạo lực cũng chẳng nhằm nhò gì.” Tổng thống Mỹ không nhắc nhỡ tới số tiền 3 triệu rưỡi đô mà nhân dân Hoa Kỳ phải chi mỗi ngày cho Mubarak, từ phản lực chiến đấu cơ F-16 tới xe tăng M-1 đang án ngữ trên quãng trường Tahrir. Lời tạ từ của một tổng thống với một tổng thống là: “Mubarak cần thiết phải biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân Ai Cập.” Và với nhân dân Ai Cập, ông Obama không thể nói rõ hơn: “Điều duy nhất khả dĩ hữu dụng là phải chuyển tiếp quyền hành một cách trật tự, ngay tức thì.”
danlambao1.wordpress.com