Cuba có gì lạ không em? - Dân Làm Báo

Cuba có gì lạ không em?

Ngy Thanh - Quí vị định đi thăm Cuba?

Gần mở cửa rồi”, các nguồn tin thoát ra từ Tòa Bạch Ốc cho biết thế.

Vào trung tuần tháng 8/2010, chính phủ Obama lại làm thêm một bước nữa để nới lỏng lệnh cấm du lịch tới quốc gia Cộng sản chỉ nằm cách mũi biển Key West của tiểu bang Florida 100 dặm. Tin nầy đối với công dân các nước khác trên thế giới, như Mexico và Canada, là chuyện nhỏ. Nhưng là chuyện tầy đình đối với người dân Mỹ, và cả với 10 triều tổng thống Mỹ từ Kennedy qua Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush Bố, Clinton, Bush Con, cho tới Obama. Chuyện tráo trở của một chính quyền Cộng sản, chuyện chết và sống trên đường vượt biên, là những chuyện không lạ gì với người Việt xa xứ chúng ta. Nhân bản tin liên quan đến việc trốn đi và đến thăm đất nước Cuba, xin nhắc lại một chút chuyện cũ về bộ mặt của những con người Mác-xít.

Chuyện từ nửa thế kỷ trước

Có nhiều điều chú em Cuba không học được từ đàn anh Việt Nam: đảng Cộng sản và chính quyền Hà Nội đánh cho người lính Mỹ cuối cùng rời đất nước Việt Nam vào 30/04/1975, nhưng chỉ tới ngày 16/03/1977 đã mở toang cửa rước Leonard Woodcock, đặc sứ của tổng thống Jimmy Carter tới thủ đô để cầu cạnh bang giao.

Người Cuba không nhanh tay lẹ mắt và vô liêm sĩ nhanh được như thế. Ngày tết dương lịch năm 1959, Fidel Castro cầm đầu một cuộc cách mạng, lật đổ chế độ cai trị của nhà độc tài Fulgencio Batista, để áp đặt một chế độ mới theo chủ nghĩa Cộng sản, vừa hà khắc hơn, vừa sắt máu hơn. Từ đó đến nay, bang giao với Hoa Kỳ ngày càng xuống cấp một cách tệ hại, cho đến sau khi “thánh sống” Fidel phải chuyển giao quyền bính sang cho ông em ruột Rául, thế giới mới thấy một chút ánh sáng hy vọng le lói ở cuối đường hầm.

Trước bình minh ngày 17/4/1961, chưa tròn ba tháng sau khi tổng thống Kennedy nhậm chức, một cuộc xâm nhập của người Cuba lưu vong do CIA tổ chức nhắm vào Vịnh Con Heo để lật đổ Fidel Castro. Có hai rối rắm: thứ nhất, người Mỹ dùng chữ Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) để dịch sai chữ Bahía de Cochinos, và thứ nhì, cuộc đổ bộ thất bại. Bahía de Cochinos là tên một cái vịnh nối dài đầm lầy Zapata về phía nam trên bờ biển Cuba, nhưng người Cuba sống trong nước gọi cuộc xâm nhập nầy là Playa Girón, tên một bãi biển trong vịnh, còn chữ Cochinos tuy cũng có nghĩa là những con heo, nhưng ở đây là tên một loài cá, do đó Bahía de CochinosVịnh Cá Cochinos. Cuộc hành quân kéo dài ba ngày đã làm phía Cuba thiệt mạng 176 binh sĩ cộng với 4.000 người bị thương. Phía Trung đoàn 2056 của phe lưu vong tổn thất 114 người bị giết tại trận, với 1.202 người bị bắt làm tù binh; trong số tù binh nầy có 9 người chết ngạt trong xe bít bùng khi đang được chuyển về khám đường trung ương ở thủ đô Havana.

Vào ngày thứ ba của biến cố khi súng còn nổ, chính phủ Cuba mang ra hành quyết 7 người Cuba cùng lúc với hai thường dân Mỹ được CIA trả công là Angus McNair và Howard Anderson tại tỉnh Pinar del Rio, sau phiên tòa chớp nhoáng kéo dài 2 ngày. Qua hôm sau 20/04, đến lượt Humberto Marin bị xử bắn cùng loạt với Rogelio Corzo, Rafael Hanscom, Eufemio Fernandez, Arturo Tellaheche và Manuel Miyar. Nhóm nầy bị bắt ngày 18/03 trước đó khi xâm nhập Cuba với 14 tấn chất nổ.

Từ khi ngừng tiếng súng cho đến tháng 10/1961, hàng trăm vụ hành quyết nữa lần lượt xẩy ra tại các nhà tù khác nhau. Thủ lãnh cuộc xâm nhập như Antonio Diaz Pou và Raimundo Lopez, cũng như các sinh viên trong nước hoạt động bí mật như Virgilio Campaneria, Alberto Tapia Ruano và các thường dân chống nhà nước khác đều bị xử bắn như nhau, sau đề nghị của Fidel Castro bị thất bại trong vụ điều đình đổi tù binh của Trung đoàn 2056 lấy 500 đầu máy kéo nông nghiệp loại lớn trị giá 28 triệu đô ở thời giá hiện hành. Ngày 29/03/1962, tất cả 1.179 tù nhân còn lại được xử án tập thể, sau đó mỗi người lãnh một bản án 30 năm khổ sai. Nhưng bốn ngày trước lễ Giáng Sinh năm ấy, Fidel Castro trong tư cách thủ tướng đã ký một thỏa ước với luật sư James Donovan đại diện phía Mỹ, để đổi 1.113 tù nhân lấy một số thuốc men, thực phẩm trị giá 53 triệu đô. Khi chuyến tàu African Pilot mang theo khoảng 1 ngàn thân nhân của những người “phản động” được phép cùng rời Cuba tới cập bến Miami, Florida hôm 29/12, đích thân tổng thống Kennedy bay tới Sân vận động Sun Life chủ tọa lễ đón mừng.

Nhưng mối hiềm khích giữa Havana và Washington không khép lại ở đó, vì còn một nước thứ ba. Đối với Liên Xô, sự thất bại của Kennedy trong vụ xâm nhập vừa kể đi kèm với tiến bộ của phe Cộng sản ở Lào và Bá Linh đã làm Nikita Khrushchev thấy đã đến lúc ông có thể chiếu bí vị tổng thống trẻ trung của Mỹ trên canh bạc lớn của thế giới. Tháng 2/1962, Khrushchev báo cho Bộ Chính Trị Trung Ương biết kế hoạch mật của ông nhằm lắp đặt các giàn hỏa tiễn tầm xa mang đầu đạn nguyên tử trên lãnh thổ Cuba hướng mũi về lãnh thổ Mỹ, một bước leo thang quân sự của đàn anh mà Fidel Castro đắc thắng, nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập trong tương lai từ phía Hoa Kỳ. Bí mật đặt hỏa tiễn ngay cạnh sườn Mỹ trước khi bị phát hiện, thủ tướng Liên Xô cả tin rằng ngay sau khi biết tỏng vụ việc, Kennedy cũng chùn tay khi phải chạm trán với Liên Xô, nên đã bật đèn xanh cho các thương thuyền viễn dương chở khí cụ và 42.000 chuyên gia quân sự tới những vị trí giàn phóng mà chuyên gia xây dựng Cuba đang gấp rút hoàn thành.

Giữa tháng 10/1962, máy bay thám thính U-2 Mỹ chụp ảnh được các giàn phi đạn Liên Xô trên đất Cuba có thể bắn vào bất cứ thành phố nào trên 48 tiểu bang thuộc lục địa Hoa Kỳ trong vòng vài phút. Lập tức, tổng thống ra lệnh phong tỏa hải phận Cuba, và các phi vụ U-2 được tiếp nối đều đặn hơn. Kennedy gọi ngay cho Khrushchev với những từ ngữ khó có thể hiểu lầm: triệt thoái các giàn hỏa tiễn và nhân viên giàn phóng, hoặc là đối đầu quân sự. Ngồi xoa cằm trong Điện Cẩm Linh, Khrushchev biết là mình đang gặp phải một thứ Kennedy kiến lửa, chứ không là một nhân vật Kennedy yếu đuối như phim ảnh mô tả. Ngoài ra, Liên xô cách Mỹ nửa trái địa cầu, trong khi Cuba chỉ cách bờ biển Mỹ hơn một trăm rưỡi cây số: lợi thế nghiêng về phía Mỹ. Cả thế giới nín thở, sốt vó. Ngày 27/10, khi cuộc khủng hoảng lên tới tột đỉnh, đại sứ Xô Viết Anatoly Dobrynin bí mật tới Bộ Tư Pháp gặp Tổng chưởng lý Robert Kennedy 3 lần liên tiếp trong khi tổng thống Mỹ chuẩn bị chọn một trong hai quyết định, hoặc ném bom các giàn hỏa tiễn ở Cuba hoặc cho quân lực Mỹ đổ bộ Cuba toàn diện – cả hai điều có giá trị ngang nhau vì điều nào cũng đưa tới chiến tranh nguyên tử. Khrushchev đồng ý rút dù, nhưng với điều kiện: Mỹ phải hứa không bao giờ đỡ đầu các cuộc đổ bộ lên Cuba nữa, và rút các đầu đạn Jupiter của Mỹ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hướng mũi vào Liên Xô. Ngày 20/11/1962, Kennedy hủy bỏ lệnh phong tỏa hải phận Cuba, nhưng tới 8/02/1963, ông đã ban hành lệnh hạn chế du lịch Cuba, và ngày 8/07 cùng năm, Lệnh Kiểm tra Tài sản Cuba được áp dụng nhằm niêm phong trương mục của Cuba tại các ngân hàng Mỹ. Tiếp theo, luật cấm chi dùng đồng Mỹ kim tại Cuba lẽ ra được gia hạn từng sáu tháng một đã bị bỏ qua vào ngày 19/03/1977 dưới thời tổng thống Jimmy Carter nên sau đó luật nầy mặc nhiên vô hiệu hóa, tới khi tổng thống Ronald Reagan tái lập việc cấm vận thương mãi vào ngày 19/04/1982. Luật hiện hành không cấm công dân Mỹ du hành qua Cuba, nhưng việc chi dùng đồng Mỹ Kim hay nhận quà cáp từ Cuba về vẫn là phạm pháp. Dù sao, một số công dân Mỹ vẫn lén lút tới Cuba qua một nước trung gian. Tới Cuba, họ tránh dùng thẻ tín dụng hay không để hộ chiếu mang dấu chiếu khán nhập cảnh xuất cảnh Cuba để trở thành bằng chứng phạm luật. Tuy nhiên, đường đi chơi khó – không khó vì ngăn sông cách biển, mà khó vì khi trở lại Mỹ, du khách có thể bị chất vấn bởi nhân viên Bộ Nội An, những người được huấn luyện và trả lương để phát hiện những ai cố tình ngồi lên luật lệ Hoa Kỳ. Cho đến nay, chưa có công dân Mỹ nào bị truy tố vì tội du lịch tới Cuba cả, nhưng họ có thể bị bắt vì nói dối với nhân viên di trú và hải quan cửa khẩu về chuyến đi hay về chuyển vận hàng hóa bất hợp pháp (đôi ba điếu xì-gà về làm quà cho ông nhạc ở nhà hay ông xếp ở sở). Cứ hình dung bạn vừa xuống máy bay, bước tới hàng rào hải quan để vào lại Mỹ:

Nhân viên Hải quan: Quý vị đã liệt kê đầy đủ những nước mà quý vị đã viếng thăm trong thời gian ra khỏi Hoa Kỳ vừa qua chưa?

Hành khách: Vâng, đầy đủ rồi.
HQ: Quý vị chắc là đã không ghé thăm Cuba?

HK: Không, không. Tôi không hề ghé thăm Cuba.
HQ: Vậy sao? Đây là cơ hội chót cho quý vị – có cái gì đó làm quý vị đổi ý và muốn thật thà khai báo?
HK: Không. Tôi không hề ghé thăm Cuba.
HQ: Vậy xin quý vị vui lòng giải thích tại sao hộ chiếu quý vị mang hai con dấu nhập cảnh Cancun nhưng không có dấu nhập và xuất của bất cứ nước thứ ba nào xen kẽ. Không lẽ nhân viên di trú Mexico đóng thừa một con dấu?

HK: Dạ, thưưưưưa…

Cuộc hải vận 1980 và tên phản động Hector Sanyustiz

Từ 5 thập niên nay, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm vận du lịch và buôn bán với Cuba, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Washington và Havana, đồng thời áp dụng chính sách đặc biệt để chấp nhận người tị nạn Cuba. Chính sách di trú nầy đã được thử lửa bởi hai biến cố di cư lớn vào năm 1980 và 1994.

Cho đến nay, sách báo thế giới đều chọn 1/04/1980 là ngày khởi động cuộc di cư vĩ đại kéo dài từ 15/04 đến 31/10/1980 của lịch sử Cuba mang tên Cuộc Hải Vận Mariel, nhưng không mấy ai biết số phận của “tên đầu sỏ” đã gây căng thẳng trong bang giao quốc tế giữa ba quốc gia Cuba, Hoa Kỳ và Peru, làm thay đổi cung tử vi của trên 125 ngàn người từ nhà tù vĩ đại Cuba (kéo theo 25.000 người khác từ Haiti) đến được bến bờ tự do ở Florida, và làm nổ bùng biến cố lịch sử di cư trên địa cầu. Trong âm thầm, con người ấy suốt 18 năm đã sống kín tiếng, khuất lấp để tìm cách thích nghi vào xã hội Mỹ, trong khi vất vả kiếm sống và nuôi một đứa con trai. Mãi cho đến khi xuất viện sau một ca mổ tim và phải nương náu nhà cô em gái, mảng đời của nhân vật Hector Sanyustiz vẫn là một bí mật. Ông nói với nữ ký giả Fabiola Santiago của tờ Miami Herald, “Tôi chẳng muốn hé miệng cho bất cứ ai về những gì tôi đã làm gần 20 năm trước, cũng như lang thang mọi nơi để rêu rao rằng mình là một người hùng”. Phải tới tháng 9 năm 1998, Sanyustiz mới chịu hé miệng vì ông nghĩ thời gian đã trôi qua đủ lâu để ông nghĩ chính quyền Cuba sẽ không trù dập bà con thân thích của ông còn kẹt lại bên nhà, sau khi một người con riêng của vợ ông có mặt trên cùng chuyến xe đò sau đó ở lại Cuba đã bị đi tù tròn 36 tháng. Vào hoàn cảnh khó khăn và tuyệt vọng trong thời gian chờ hồi phục sau ca mổ, cha đẻ của Cuộc Hải Vận Mariel mới chịu tiết lộ về những gì thực sự xẩy ra ở Havana hôm đầu tháng 4/1980, với hy vọng chuyện đời của ông lọt vào mắt của một nhà làm phim nào đó, để ông có chút thu nhập qua cơn túng ngặt, thay vì đành ôm bí mật theo xuống đáy mồ.

Bấy giờ, với khao khát bỏ nước ra đi, anh chàng tài xế thất nghiệp Sanyustiz ngày ngày để mắt theo dõi sinh hoạt của các khu vực quanh các sứ quán nước ngoài suốt cả năm trường. Sau cùng, anh rút ra kết luận rằng sứ quán Peru là ngon ăn nhất. Để triển khai phương án đào thoát, anh kéo thêm ba người bạn khác nữa: Francisco Diaz Molina, tài xế xe đò tuyến số 79 có lộ trình chạy ngang sứ quán Peru trên Đại lộ số Năm; cô Maria Antonia Martinez, người có căn nhà mà cả bọn dùng làm nơi họp hội, bàn mưu tính kế; và người bạn nối khố Radames Gomez.

Ba hôm trước giờ ra tay, Sanyustiz bị một tai nạn lưu thông tưởng đã vào nhà xác. Sau khi đưa vợ tới chỗ làm ở tiệm pizza, anh đang ngồi trên xe gắn máy của mình thì bị một chiếc xe đò lao tới, hất văng anh bay xuống gầm một chiếc xe tải đang đỗ gần đó. Trong khi mọi người la toáng lên kinh hãi, thì anh lồm cồm đứng dậy, phủi bụi trên áo quần, và nói “Tôi không sao”. Các phóng viên của báo Verde Olivo chụp ảnh anh đăng kèm bản tin nói anh sống sót sau tai nạn một cách kỳ diệu. Ba hôm sau, họ đăng ảnh anh lại lần nữa, nhưng với cái tin về anh trong tư thế một tên phản động: con người thoát chết diệu kỳ là tên khốn kiếp. Chiều ngày 1/04, Sanyustiz cầm lái chiếc xe đò số 5054 của Diaz Molina, làm như là lơ xe đang học việc. Sau đó Molina điện thoại về hảng, báo cáo với các xếp rằng một trong các vỏ xe của anh đã nổ banh một cách thảm hại, nên anh phải cho hết hành khách xuống, và đang trên đường đánh xe về hảng để sửa chữa. Anh nói dối. Thật ra, anh đánh xe không đi đón bốn người: Gomez, cô Maria với thằng con 12 tuổi tên Lazaro Vega, và thằng con riêng của vợ Sanyustiz tên Arturo Quevedo, 18 tuổi. Trước khi dấn thân, Diaz Molina lấy ra bức tượng Nữ Vương Bác Ái, và yêu cầu mọi người cùng cầu xin bình an và lần lượt hôn kính tượng Nữ Thánh bổn mệnh của đất nước Cuba.

Khi xe đến cách sứ quán Peru 5 dặm, Diaz Molina giao tay lái cho Sanyustiz. Gomez ngồi ngay sau lưng Sanyustiz, Diaz Molina ngồi ở bậc cấp lên xuống, và mọi người còn lại nằm bẹp dí xuống sàn xe. Tới sát sứ quán, Sanyustiz quẹo xe thật gắt, đánh bật cái thùng xe vào hàng rào. Nhưng anh đã quẹo quá sớm, và đó không phải là cổng chính. Khi biết mình lầm, anh cho xe lùi vài mét, rồi sang số, lao thẳng vào cổng. Lính an ninh Cuba canh gác bên ngoài sứ quán đã nhả đạn như mưa vào xe. Hai viên đạn ghim vào người Sanyustiz, một viên vào đùi trái, một viên vào mông bên phải; riêng Gomez bị trúng đạn vào lưng và vào đầu. Nhưng đạn cũng gây tử thương cho một lính canh của Bộ Nội Vụ.

Lọt vào bên trong vòng rào sứ quán, cả bọn bỗng ở trên lãnh thổ Peru, và không còn bị bắt. Cả bọn 6 người xin được tị nạn chính trị, và viên chức ngoại giao đang xử lý thường vụ sứ quán, luật sư Ernesto Pinto-Bazurco đã thay mặt chính phủ Peru chuẩn thuận tức thì. Sanyustiz và Gomez được nhân viên sứ quán đưa tới Quân Y Viện Carlos J. Finlay để cấp cứu, bốn người còn lại tạm trú trong sứ quán. Chính phủ Cuba đòi giải giao bọn tội phạm để được xét xử vì đã làm thiệt mạng một lính gác, Peru từ chối. Tức giận, Fidel Castro ra lệnh rút hết nhân viên an ninh, thôi không bảo vệ sứ quán Peru nữa. Nghe được tin nầy, dân thủ đô bắt đầu tràn vào sứ quán, tới thứ Bảy, con số lên quá 300. Qua khỏi nửa đêm lễ Phục Sinh, con số tăng gấp ba, và cuối ngày Chủ Nhật ấy, có hơn 10.000 bên trong sân vườn tòa đại sứ bé tí, tất cả xin được hưởng quy chế tị nạn. Để ứng phó với tình hình, Fidel Castro thông báo sẽ mở cửa hải cảng Mariel cho bất cứ ai muốn ra đi. Đáp lại, người Cuba lưu vong ở Florida thuê mướn bất cứ ghe tàu nào có thể sử dụng được, nhắm hướng Havana trực chỉ, để cứu người thân. Vào lúc chiến dịch di cư lên đến tột đỉnh, mỗi ngày trong hải cảng Mariel có không dưới 300 thuyền bè nhỏ lớn thả neo chờ khách, trong khi ngoài khơi còn khoảng 200 chiếc khác lần lượt chờ đến phiên mình vào kiếm mối. Trong nước, công an Cuba giả dạng thường dân biểu tình trên đường phố, rồi liệng trứng thối và đá vào những người xuống cảng để ra đi. Báo chí thủ đô chạy tít đỏ thật lớn miệt thị Sanyustiz và cả đám trên chiếc xe đò đào tẩu: “Tống khứ chúng nó ra khỏi nước, chỉ trừ các tên phản động. Bọn nầy sẽ không bao giờ được ra đi!” Một số mật vụ khác mặc thường phục tới bệnh viện treo những biểu ngữ hô hào “Paredon! Paredon!” (Xử bắn chúng nó!).

Ngạc nhiên đến với Sanyustiz thật đột ngột khi sứ quán Peru cho anh biết hai chính phủ thỏa thuận cho anh ra đi, với duy nhất một điều kiện: im lặng, không được nói với bất cứ ai về mình. Cho rằng đấy chỉ là cái bẫy của bọn Cộng sản, Sanyustiz bằng lòng ra đi, nhưng chỉ với vợ và đứa con trai lên 5. Đêm 16/05 mưa gió bão bùng, Sanyustiz cùng thân nhân được nhân viên sứ quán Peru hộ tống tới cảng Mariel và cho lên chiếc tàu đánh tôm Gulf Star, riêng cậu con riêng của vợ Sanyustiz bị bắt khi rời sứ quán, giả dạng như một người tị nạn bình thường khác, xuống cảng Mariel tìm đường thoát thân.

Để cho dân ra đi trong biến cố nầy, Fidel xả xì được gánh nặng thiếu ăn, lại đỡ nuôi phạm nhân đầu trộm đuôi cướp. Ông tuyên bố: “Họ muốn rước, thì chúng ta cho đi. Chúng ta đã tống khứ thành phần uế tạp từ nhà vệ sinh Cuba qua Mỹ”. Nếu suốt đời cai trị của Fidel là một chuỗi dài những lời nói dối, thì đây là lần hiếm hoi Fidel nói thật. Ông đã mở cửa nhà tù, và làm thủ tục để xuất cảng tội phạm sang Mỹ. Sau khi chiến dịch Cuộc Hải Vận Mariel kết thúc, chính phủ Mỹ đã sàng lọc ra được và giam giữ khoảng 900 tội phạm Cuba, mặc dù vẫn cấp quy chế thường trú nhân cho họ. Một số không nhỏ từ đám nầy sau khi được phóng thích, đã nhanh chóng trở lại trại giam vì những vụ mưu sát, cố sát hay chuyển vận ma túy, và trộm vặt. Sau khi mãn tù hình sự, những “thành phần uế tạp từ nhà vệ sinh” nầy, theo luật, bị tước đoạt quy chế thường trú, nhưng Castro từ chối nhận họ lại mặc dù đã có một thỏa thuận giữa ông với chính phủ Bill Clinton.

Về mặt pháp lý Hoa Kỳ, cuộc Hải Vận Mariel là bất hợp pháp. Thoạt đầu, chính phủ liên bang dửng dưng, án binh bất động, nên tổng thống Jimmy Carter phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh Hải quân Mỹ cũng như Lực lượng Phòng vệ Duyên hải phải cứu giúp những ghe tàu nào lâm nguy trên sóng nước. Tính đến cuối tháng 5/1980, khoảng 1 ngàn tàu thuyền gặp trục trặc đã được tiếp cứu, có chiếc được kéo vào bờ, và điều đáng kể là trong đợt di cư ồ ạt với 130 ngàn người nầy, chỉ có 30 người tị nạn thiệt mạng trên đường tìm tự do. Không có nhiệm vụ khi thuyền nhân còn lênh đênh trên mặt nước, nhưng khi họ đã tới bờ Florida, là bổn phận của chính quyền. Khi con số thuyền nhân đã lên tới 100.000 người chen chúc trong các trại tạm cư ở Florida, quân đội đã không vận họ từ Key West tới Căn cứ Không quân Elgin ở giáp ranh Alabama, và lập nhiều thành phố lều bạt khác nữa ở Wisconsin, Pennsylvania và Arkansas để nuôi sống họ.


Chính sách “Chân ướt – Chân ráo 1994”

Từ nhiều thập niên trước, Cuba hoàn toàn dựa vào “bình dưỡng khí Xô Viết” để thoi thóp sống. Khối Xô Viết mua đường của Cuba, và cung cấp cho Cuba xăng dầu, một phần nhỏ để dùng trong nước, phần còn lại bán ra thị trường tự do của thế giới để khỏi khai tử chế độ. Trong phiên họp của đàng Cộng sản Cuba vào tháng 12/1975, Fidel Castro nhìn nhận: “Nếu không có viện trợ rộng rãi, ổn định của nhân dân các nước Xô Viết, đất nước chúng ta không thể sống còn được trong cuộc đấu tranh căm go với chủ nghĩa đế quốc”. Khi Xô Viết vỡ ra từng mảng năm 1991, bản thân quốc gia Cuba nằm cách nửa trái địa cầu vẫn bị một cái tát kinh tế làm xây xẩm mặt mày, khi bị cắt bầu sữa “6 tỉ đô la bao cấp mỗi năm”, phải sống nhờ vào ba mạch máu chính yếu: nông nghiệp (thuốc lá, đường, cam chanh), hầm mỏ (nickel), và du lịch.

Năm 1994, Castro bỗng dưng tuyên bố một chính sách di cư thả cửa, và nói rõ sẽ không chặn bắt bất cứ ai muốn rời quê hương. Chụp lấy cơ hội, 30.000 dân Cuba xuống thuyền vượt biên, bằng tàu, bằng thuyền, bằng ghe thủ công, bằng bè tự chế, bằng bất cứ cái gì có thể nổi trên sóng. Cái không giống với Cuộc Hải Vận Mariel 14 năm trước là lần nầy thuyền nhân không được chính phủ Mỹ đón rước, ngược lại, họ bị ngăn chận, cản trở ngay ngoài hải phận quốc tế, rồi bị bắt và chở về Vịnh Guantanamo, phần đuôi phía đông nam đảo quốc thuộc chủ quyền Mỹ, chiếu theo Hòa ước Hoa Kỳ – Cuba do tổng thống Tomás Estrada Palma ký với tổng thống Theodore Roosevelt ngày 17/02/1903. Năm kế tiếp, hai chính phủ đạt được một thỏa ước, theo đó mỗi năm có 20.000 người được xổ số và lô trúng là được nhập cư và định cư ở Hoa Kỳ, ngược lại, Cuba nhận về lại những ai bị bắt khi còn trên mặt nước. Tất cả công dân Cuba bị chặn bắt sẽ được nhân viên Sở Di Trú phỏng vấn ngay khi mới bước lên tàu của Lực lượng Phòng vệ Duyên Hải; nếu xét thấy họ thuộc diện đối tượng sẽ bị nhà nước Cuba hành hạ sau khi trả về, thì họ được mang về Vịnh Guantanamo để điều tra thêm. Bên cạnh đó, phía Mỹ nhận thêm 30.000 người trong số bị bắt giải về Vịnh Guantanamo được nhập cư Mỹ. để tránh lặp lại một vụ Hải Vận Mariel thứ nhì, chính phủ Clinton áp dụng luật “Chân ướt – Chân ráo”: thuyền nhân Cuba bị bắt trên mặt nước sẽ bị giao trả về Cuba, những ai đặt chân lên được lãnh thổ Hoa kỳ mặc nhiên được hưởng quyền tị nạn. Chính phủ ông Bush Con và Obama đã tiếp tục áp dụng chính sách nầy, nhưng tới 2003, ông Bush ngừng các cuộc thương thuyết với giới chức Cuba về chính sách di trú, cho tới năm 2009, ông Obama lại cho người phó hội, nhưng chỉ với mục đích là theo dõi tiến trình thi hành con số 20 ngàn giấy phép nhập cảnh hàng năm, hơn là thay đổi hay cải thiện thỏa ước ấy.

Chính sách “Chân ướt – Chân ráo” hẳn không tránh khỏi những câu chuyện đầy nước mắt. Ví dụ hồi tháng 8/2004, một phụ nữ Cuba tuổi khoảng 25 sau khi lập thủ tục với hảng DHL để gởi một thùng hàng lớn từ Cuba sang Mỹ, đã trốn vào bên trong thùng. Chi phối bởi lệnh cấm vận, hàng hóa từ Cuba vào Mỹ phải được phép đặc biệt của chính phủ Mỹ, các hàng hóa khác phải qua một nước thứ ba. Thùng hàng mang theo người phụ nữ được hảng vận tải DHL tiếp chuyển từ phi trường Nassau, ở quần đảo Bahamas, và chuyến bay kéo dài từ 45 đến 50 phút, trước khi đáp xuống Miami, Florida. Khi tàu lên cao, cơ nguy thiếu dưỡng khí và bị lạnh và áp suất lớn rất nguy hiểm cho tính mạng, nhưng người phụ nữ trẻ thà chết còn hơn sống suốt đời dưới ách Cộng sản. Theo đúng luật di trú mới, thiếu nữ bị phát hiện chỉ sau khi đặt chân lên đất liền của Mỹ, nên chị được công nhận quyền tị nạn.

Một chuyện khác nữa xảy ra vào ngày 5/01/2006, khi Lực lượng Phòng vệ Duyên hải phát hiện một đám 15 thuyền nhân Cuba trong đó có 4 phụ nữ và 2 trẻ em đang đeo bám đống vỡ vụn của hàng cột Cầu Bảy Dặm nằm ở các hòn đảo tột cùng của mũi biển Florida, gọi là Florida Keys (chùm tiểu đảo Florida). Ngày 2 tháng 9 năm 1935, trận đại cuồng phong “lễ Lao Động” đổ bộ vào chùm đảo với sức gió giật 295 km/giờ đã tạo sóng thần cao 7 mét, cuốn đi mất tích hơn 400 cựu quân nhân Thế Chiến Thứ Nhất đang làm công nhân đường sắt nối các đảo nhỏ và nhiều cao ốc, nhà cửa. Vào thời ấy, chiếc cầu dài 35.862 feet (6.79 dặm) nầy vắt mình trên hàng cột ngút ngàn là một trong những cây cầu dài nhất thế giới, đã bị cuồng phong tàn phá, chỉ còn sót lại một đoạn dài 2.2 dặm nối vào đất liền, nay cấm xe cộ lưu thômg, chỉ dành cho người đi câu. Vì toán thuyền nhân bị bắt gặp ở phần chân cầu phía ngoài khơi, không được nối thông với đất liền, nên Lực lượng Phòng vệ Duyên hải lý luận rằng nhóm người tị nạn chưa đặt bước chân lên lục địa Hoa Kỳ, vì thế chân họ kể như “ướt”, thành thử họ phải bị trả về cho Fidel Castro. Phản ứng trước quyết định của LLPVDH và cảnh sát Di trú Mỹ, Ramon Saul Sanchez cầm đầu một cuộc tuyệt thực, kéo dài 11 ngày, nhưng cả nhóm vẫn cứ bị trục xuất. Sau đó, thân nhân nhóm nầy đã kiện chính phủ. Quan tòa Federico Moreno phán quyết rằng chính phủ Mỹ đã hành động vô lý, khi cho rằng vị trí mà họ đổ bộ lên là một hòn đảo không còn thông thương với đất liền bằng đường bộ vì cầu đã sụp 71 năm về trước, nên không còn là lãnh thổ Mỹ. Ngày 15/12/2006, 14 người nầy lại đặt chân xuống Mỹ ở địa điểm cách chỗ mà họ đổ bộ lần trước chẳng bao xa, với chiếu khán nhập cư trong tay, chỉ trừ một người bị từ chối vì có tiền án.

Còn một kiểu thuyền nhân khác, chân không ướt, nhưng vẫn kể như ướt: những người vượt biển bằng xe hơi. Kể từ ngày “bác Fidel vĩ đại” lên nắm chính quyền, người dân Cuba đã tìm đủ mọi cách để bỏ phiếu bằng chân. Họ đã dùng ruột xe, dùng bè, dùng thuyền câu đánh cắp, dùng máy bay và ván trượt sóng cũng như dùng vỏ tủ lạnh, bồn tắm để cao chạy xa bay khỏi nhân vật mà đài Hà Nội gọi là “đồng chí Phi-đen Cat-xi tờ-rô”. Kể từ ngày 16/07/2003, dân Cuba đã có một phát minh đáo để: dùng xe tải hạng nhẹ để rẻ sóng ra khơi tìm tự do.

Câu chuyện nầy có thật 100%. 12 người Cuba đã lấy một chiếc truck hiệu Chevy đời 1951 sơn màu vàng sáng chói với giàn bánh còn nguyên tại chỗ, buộc chắc hai mạn sườn xe vào các thùng nhiên liệu trống cỡ 250 lít và một cánh quạt gắn vào trục quay của máy xe, với tài xế ngồi vào ghế lái, thế là cả bọn rẻ sóng lái về phía Florida. Chiếc xe tải chòng chành trên ngọn sóng với tốc độ 8 dặm/giờ đã bị máy bay tuần tiểu của Mỹ bắt gặp ở khoảng 40 dặm phía nam chùm đảo Key West, sau khi họ đã vượt gần một nửa khoảng cách giữa Hoa Kỳ và Cuba. Chiếc xe hi hữu đã bị nhận chìm vì không đủ an toàn để hải hành ngoài biển cả mông mênh, còn cả toán đã được đưa vào bờ và sau đó bị giao trả về Havana vì bị xếp vào diện “Chân ướt”. Chiếc xe tang vật bị chôn vùi xuống đáy đại dương, nhưng Phòng vệ Duyên hải Mỹ không nhận chìm được ý nghĩ vượt biển bằng xe. Ngày 4/02/2004, Lực lượng Phòng vệ Duyên hải lại bắt gặp một xe hơi Buick đời 1959 sơn màu xanh lá cây chở 11 người, trong đó có 4 người đã từng vượt biên thất bại hơn một lần trước đó. Nhóm nầy đã chắt chiu 4 ngàn Mỹ kim để cải biến chiếc xe thành bè nổi. Tại quê nhà, thân nhân của “nhóm xe Buick” kêu gọi chính phủ Hoa kỳ thương xót, đừng trục xuất chồng con họ về nước. Nhưng luật là luật: họ đã bị bắt giữ trong tình trạng ướt chân.

Nhưng có lẽ câu chuyện làm thế giới bàng hoàng, là số phận của thằng bé Elián González. Ngày 21/9/1999, bé Elián theo mẹ và 12 người khác lên một thuyền nhôm nhỏ với cái máy không ra gì để vượt biên. Bị bão, máy hỏng, thuyền lật úp, mẹ của em đã chết đuối cùng với 12 người trong chuyến, nhưng bản thân Elián sống sót với 2 người khác, bồng bềnh trên mặt nước bằng cái ruột xe hơi đến khi được hai ngư phủ bắt gặp, và trao lại cho Phòng vệ Duyên hải. Ngược với luật “chân ướt chân ráo”, Sở Di trú Mỹ bằng lòng trao thằng bé 6 tuổi cho ông nội bác tên Lazaro Gonzales ở Florida bảo dưỡng, nhưng bố em là Juan Miguel González Quintana từ Cuba tuyên bố rằng con ông vượt biên với mẹ mà không có phép bố, nên ông nương theo sự hẩu thuẩn và tuyên truyền chống Mỹ của chính phủ, để đòi Mỹ trả con. Ngày 21/01/2000, hai bà nội ngoại của thằng bé là Mariela Quintana và Raquel Rodríguez từ Cuba bay sang Mỹ để gặp cháu mình lần đầu, và hội kiến Bộ trưởng Tư Pháp Janet Reno. Bà nầy sau đó ra lệnh ngày phải trả thằng bé lại cho bố không thể chậm hơn 13/04/2000, nhưng lệnh không thể thi hành, vì giằng co giữa cảnh sát với dân Florida. Trước bình minh ngày 22/04, tám lính biệt kích được 130 nhân viên của Sở Di Trú hỗ trợ, đã đột kích vào nhà thân nhân chú bé, xịt hơi cay và bắt giữ thằng bé đang ẩn trốn trong tủ quần áo. Bốn tiếng đồng hồ sau, bé Elián gặp bố tại Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland, để được chính phủ Mỹ đưa về Havana bằng một phi tuần phản lực 2 chiếc, miễn phí. Về nước, Elian được phát một cái khăn quàng đỏ, và được chụp ảnh ngồi bên cạnh Fidel Castro. Mẹ nó đã chết để đánh đổi tự do và cơ hội học hành cho con. Bố nó vì đảng và nhà nước, đã đòi con mình về nơi mà hàng trăm ngàn người liều chết ra đi. Tới ngày 7 tháng 12 năm nay, Elian Gonzales sẽ trở thành một người trưởng thành, sẽ có quyền cầm thẻ cử tri đi bầu cử, và có quyền phê phán về bố mẹ mình, lẫn lãnh tụ Fidel vĩ đại.

NgyThanh - gửi Danlambao

danlambao.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo