Bùi Tín - Đảng Cộng sản luôn tô vẽ hàng ngũ mình là đoàn kết thống nhất, nghĩa tình vô sản keo sơn, bốn phương vô sản đều là anh em. Những khẩu hiệu, bài hát, chuyện kể, tiểu thuyết không hiếm để ca ngợi nghĩa tình đồng chí, còn mặn mà thiêng liêng hơn cả tình anh em ruột thịt.
Đã có lời ví khối đoàn kết của đảng Cộng sản gắn bó với nhau như một khối đá hoa cương đồng nhất không thể mảy may cắt rời – bloc monolithique.
Đó là lý thuyết, là văn học Cộng sản, nặng về tuyên truyền, khoa trương. Thực tế khác rất xa với lý thuyết, nhất là khi đảng Cộng sản lâm vào tình trạng khủng hoảng, thoái trào, sa sút, đánh rơi niềm tin và sự nể trọng tạm thời của nhân dân. Ở Liên Xô cũ, Léon Trostki từng là đồng chí thân thiết bậc nhất của lãnh tụ tối cao Lenin và Stalin, cùng ở trong Bộ Chính trị, được giao trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng, vậy mà đã bị lên án là «kẻ thù giai cấp», tên «phản động nằm vùng» và bị theo đuổi sang tận Mexico để ám sát sau khi ông ta buộc phải thoát thân sang Nam Mỹ. Ở Trung Quốc, Lưu Thiếu Kỳ đường đường đương chức Chủ tịch Nước vẫn bị bọn nhóc Hồng Vệ Binh theo lệnh Mao cho đội mũ lừa, cùng vợ là đệ nhất phu nhân Vương Quang Mỹ bị bắt phải bò lóp ngóp trên đường phố, đeo bảng «hữu phái chi thủ» (tên đầu sỏ phái hữu) ở cổ, để rồi 2 vợ chồng chết rũ trong tù trong câm lặng. Đó mới chỉ là hai trong số muôn vàn trường hợp nói lên tình nghĩa Cộng sản thật ra là thế nào, nền văn hóa trong đối xử của các đảng Cộng sản ra sao? Ở Việt Nam, cách đối xử như thế cũng không phải là một ngoại lệ. Ai giết Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, cũng cùng là Cộng sản, đệ Tam và đệ Tứ ? Ai giết Trung tướng Tư lệnh Nam bộ Nguyễn Bình? Ai giết thủ lãnh Cộng sản miền Nam Dương Bạch Mai? Ai đầy ải Tướng Đặng Kim Giang, Tướng Lê Liêm, Tướng Chu Văn Tấn và một loạt đại tá Đỗ Đức Kiên, Nguyễn Minh Nghĩa, Lê Trọng Nghĩa…đẩy họ vào cảnh thân tàn ma dại? Gần đây hơn, khi Tướng Lê Đức Anh dùng tên bồi bút Đặng Đình Loan đi vào miền Trung và miền Nam đăng đàn kể lể bịa ra «8 trọng tội» của thủ trưởng trực tiếp của mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì đó là chuyện gì? là tình nghĩa Cộng sản keo sơn đấy ư? Và khi giữa cuộc họp của Bộ Chính trị Cộng sản khóa IX, ông Đỗ Mười gạt ông Lê Khả Phiêu với câu nói để đời «Nó từng gạt tôi thì nay tôi gạt nó», từ «đồng chí keo sơn» chuyển sang «đồng chí thù địch» chỉ như trở bàn tay! Chính những người Cộng sản Liên Xô và Đông Âu cũ từng cay đắng than: đảng Cộng sản ở đâu cũng có cái thói ăn thịt những đứa con Cộng sản của chính mình. Dịp Đại hội XI gần đây, càng có thêm nhiều những biểu hiện sâu sắc của tình nghĩa «đồng chí thù địch». Những niềm thù hận, xung khắc ở thượng đỉnh quyền lực gây không ít khổ nạn cho cán bộ dưới quyền, nhất là cho giới báo chí truyền thông và cho toàn dân. Khi hàng ngũ lãnh đạo của đảng CS chia thành phe, rồi trong phe chia thàng phái, trong phái chia thành nhóm, thành cụm…thì thật là gay go cho cấp dưới, biết đứng về phía nào đây? Ngay trong phe thân Trung Quốc, cũng chia ra thành các phe phái đậm nhạt khác nhau, gắn bó chiến lược hay gắn bó chiến thuật, gắn bó mù quáng không điều kiện hay gắn bó có điều kiện, tuy tất cả Bộ Chính trị hiện nay 14 người đều trong phe «nhất biên đảo» (nghĩa là «ngả hẳn về một phía») cả. Trong Ban Chấp hành Trung ương 200 người có thể có một số ít chủ trương đứng giữa, đi dây, thậm chí chủ trương ngả về phía đối lập, muốn ngả hẳn với phe dân chủ quốc tế (Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc…), gắn bó hơn với các nước dân chủ đa nguyên trong tổ chức ASEAN, như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia… Số muốn ngả hẳn về phe dân chủ quốc tế, thực hiện đa nguyên đa đảng trong luật pháp, theo tập quán quốc tế rộng rãi hiện nay, thực hiện lương thiện các công ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền thì có thể nói là nhiều, là số đông trí thức, là đa số thanh niên học sinh, nhà kinh doanh tự do, là cả đa số đảng viên ở cơ sở. Đây là vấn đề then chốt, liên quan đến đường lối và chiến lược chính trị - kinh tế - tài chính - quốc phòng - đối ngoại - văn hóa, nghĩa là vấn đề sinh tử, còn mất của nước ta. Đây là sự lựa chọn then chốt cấp bách nhất hiện nay. Và đây cũng là mâu thuẫn lớn giữa thiểu số lãnh đạo và đại đa số đảng viên và quần chúng. Thanh niên nước ta đang thức tỉnh. Thanh niên hiện chiếm đại đa số nhân dân, chiếm đa số cử tri nước ta. Học sinh, sinh viên ta thông minh, nhanh nhẹn, ham học, ham khám phá thế giới quanh ta. Nữ thanh niên nước ta sớm hiểu quan điểm bình đẳng nam nữ, ham hiểu biết, ưa cái thiện, cái đẹp, quý sự thật. Báo dành cho thanh niên ở nước ta có đến 3 tờ chính: báo Thanh Niên của Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam; báo Tiền Phong của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; và báo Tuổi Trẻ của Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh. Nước ta chưa có báo tự do, chưa có báo tư nhân, nên cả 3 tờ báo trên đều mang tính chất công báo, báo của Nhà nước, của chính quyền độc đảng. Cả 3 tờ báo mang danh là của thanh niên này trên thực tế và thực chất là của đảng. Nhưng do bản chất thanh niên của chúng, với bạn đọc chính là tuổi trẻ, với những cây bút phần lớn là đảng viên còn trẻ, các báo này nhiều khi bị lãnh đạo đảng, Ban Tuyên giáo của đảng lườm nguýt, cho là ương bướng, luôn bị gò ép vào khuôn phép, và không ít người phụ trách các tờ báo trẻ này bị kỷ luật, bị «hy sinh», bị đảng «làm thịt». Đó là Kim Hạnh, nữ tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bị kiểm thảo, cảnh cáo, mất chức năm 1992 chỉ vì một bài báo dám nói rằng «theo tin từ Trung Quốc, bác Hồ có lấy một người vợ Trung Quốc, từng làm đám cưới vào năm 1926 ở Quảng Châu ». Sau đó tổng biên tập Lê Văn Nuôi cũng của báo Tuổi Trẻ bị kiểm thảo nghiêm khắc, rồi mất chức hồi 2004 chỉ vì cho đăng một kết quả thăm dò dư luận tuổi trẻ cả nước, với kết quả là thần tượng được chọn để noi gương cao nhất là nhà đại tư bản kinh doanh phương tiện truyền thông - tỷ phú Hoa Kỳ Bill Gates, đứng trên cả bác Hồ, Lý Tự Trọng, Võ Nguyên Giáp. Sau đó nữ phóng viên Lan Anh rất ngay thẳng, xông xáo bị treo bút mất việc chỉ vì một bài phóng sự phơi bày chuyện buôn lậu thuốc Tây, thuốc giả của hãng Quellez Farma có chung vốn với Bộ Y tế. Đến 2009 hai phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ là Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vinh bị mất chức và treo bút vì «tự do, vô tổ chức», không theo đúng lề phải khi đưa những tin nhạy cảm về kinh tế và quan hệ Việt - Trung. Ngay sau đó phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ cùng Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên bị truy tố, vào tù chỉ vì dám đụng đến vụ PMU 18, dính dáng đến Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Việt Tiến, người đỡ đầu con gái và con rể của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Họ đều bị đối xử như những «đồng chí Cộng sản thù địch» cần trừng phạt, loại bỏ. Ở báo Thanh Niên tình hình cũng sóng gió liên miên. Tổng biên tập Nguyễn Công Khế một thời vang bóng, khá là «oanh liệt», với những cuộc thi hát, thi hoa hậu…rồi cũng bị phơi áo, xuống đài. Ngay nhà báo danh tiếng Nguyễn Anh Tuấn, tổng biên tập báo điện tử Việt Nam Net có thế dựa vững cũng bị theo dõi, đe dọa, trở nên do dự «kinh cung chi điểu». Gần đây tổng biên tập Phạm Đức Hải báo Tuổi Trẻ lại bị đứng trong vòng ngắm của Ban Tuyên giáo đảng, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an, bị coi là một «đồng chí thù địch nguy hiểm»; vụ này được làng báo trong nước cho là mang nhiều kịch tính ly kỳ nhất. Cái tội của nhà báo Phạm Đức Hải là gì? là dám đăng tin và ảnh của ông đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết trên báo Thanh Niên ra ngày 2-11-2010, với tít lớn «Cần thành lập đoàn điều tra vụ Vinashin». Vụ Vinashin đang làm lung lay dữ dội chiếc ghế thủ tướng. Tòa soạn báo Tuổi trẻ nhộn nhịp suốt ngày đêm 2/11, để số báo hôm sau 3/11 ở ngay trang 1 là ảnh to 2 đại biểu Quốc hội lên tiếng phản bác ý kiến của ông nghị Nguyễn Minh Thuyết, gián tiếp bảo vế chiếc ghế của anh Ba Dũng. Nhân sự Đại hội XI rối loạn, định bầu Bộ chính trị 20 người mà chỉ đạt 14, 5 bộ mặt mới được bổ sung không một chút sáng giá, đều là viên chức bảo thủ, giữ quyền chuyên chế, không chút liên hệ với kinh tế, văn hóa, quần chúng; đó là một trung tướng công an, 2 chánh văn phòng đảng và chính phủ, 1 bà trưởng ban dân vận và một ông cai báo chí, không cầm bút, chỉ chuyên cầm dùi cui để cai quản làng báo, nguyên tổng biên tập tờ báo Nhân Dân, ế ẩm nhất trong làng báo trong nước, có thể là cả làng báo thế giới. Cho nên 5 năm tới, đặc điểm hoạt động của Bộ Chính trị, của đảng Cộng sản chắc chắn sẽ là cuộc đấu đá nội bộ quyết liệt, khi lộ rõ khi ngấm ngầm, của các «đồng chí thù địch», gầm ghè nhau, phe này, phái nọ, gạt bỏ nhau, theo nền văn hóa đối xử của truyền thống Cộng sản đã thành bản chất, nhân vật số một mờ nhạt, không chút bản lãnh lãnh đạo, hiểu thế giới à uôm, ăn nói theo công thức, ngoại ngữ chưa đạt cấp sơ học, uy tín lãnh đạo thấp nhất.Bùi Tín
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/nhung-dong-chi-thu-dich-02-22-2011-116677659.html