Ngô Nhân Dụng - Phần lớn các cuộc cách mạng nổ ra khi người dân cảm thấy họ hổ thẹn, nhục nhã, và muốn rửa nhục. Nếu người dân sống không ý thức được rằng mình đang chịu nhục nhã, thì họ rất khó nổi dậy. Các chế độ độc tài che lấp thông tin là để cho dân không biết là mình đang chịu nhục. Kỹ thuật thông tin tiến bộ là vũ khí của các cuộc cách mạng Thế kỷ 21...
Năm 1917, cuộc cách mạng ở Nga vẽ ra một thứ kiểu mẫu, có thể gọi là một mô hình cho nhiều biến cố tương tự trong thế kỷ 20. Cách mạng 1917 nổ ra vì lòng dân bất mãn với chế độ Nga hoàng; những người lãnh đạo đầu tiên chủ trương thành lập một thể chế dân chủ tự do. Nhưng sau đó, một nhóm người bôn sơ vích đã đoạt lấy quyền hành, thủ tiêu những nhà cách mạng sơ khởi. Nhóm bôn sơ vích thành công vì họ theo một chủ nghĩa cực đoan mà họ tin như một tôn giáo; họ quyết tâm không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn bất chấp đạo lý, để chiếm chính quyền.
Năm 2011, các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đang vẽ ra một mô hình mới, có thể mở đầu cho nhiều biến động khác, trước kết là ở vùng Trung Ðông; nhưng có thể sẽ lan ra các nước độc tài khác. Hiện nay còn quá sớm để hình dung một mô hình cách mạng khởi đầu tại hai nước Á Rập Hồi Giáo trên. Nhưng chúng ta có thể nêu lên một số điểm đặc biệt rất rõ rệt của các biến cố lịch sử này. Giới thanh niên có học, dù ở các nước Á Rập, Iran, hay ở Trung Quốc, Việt Nam, Miến Ðiện, Congo, họ đều nên nghiên cứu mô hình Tunisia, Ai Cập này nếu muốn có ngày sẽ đứng lên thay đổi vận mệnh quốc gia mình.
Những chữ “Cách mạng kiểu Thế kỷ 21” đã được anh Saad Eddin Ibrahim nói ra trước. Anh là người đã từng bị công an của ông Mubarak bắt bỏ tù nhiều lần; và anh tham dự tích cực vào những cuộc biểu tình vừa qua. Anh nói: Thanh niên Ai Cập hay Tunisia thì cũng không khác gì thanh niên các nước khác. Họ không muốn bị gạt ra ngoài, không được góp tay vào xã hội. Họ chống các chế độ tham nhũng ăn cắp. Họ muốn mọi người được sống trong chế độ tôn trọng luật pháp. Anh nói tiếp: Ðây là một cuộc “Cách mạng kiểu Thế kỷ 21.” Ðây là một cuộc cách mạng của những người trẻ tuổi. Họ sẽ thay đổi thế giới Á Rập.
Nếu chỉ có một đám thanh niên, sinh viên, thì không đủ để làm cách mạng. Cả trong Thế kỷ 20, cách mạng chỉ xảy ra nếu lòng dân thực sự bất mãn, nỗi bất mãn vì mất hết phẩm giá khi sống dưới ách độc tài. Nỗi bất mãn của dân có thể được che giấu ngấm ngầm, không thể hiện ra. Ở hai nước Á Rập Bắc Phi người dân có vẻ đã quen cam chịu chế độ công an mật vụ trong suốt nhiều năm qua, không ai tưởng tượng được có lúc mọi người đều đứng dậy, nhất hô vạn ứng, chỉ trong mấy tuần là chấm dứt một chế độ đã kéo dài ba chục năm!
Các biến cố ở hai nước trên xảy ra vì những nguyên nhân tưởng chừng rất nhỏ nhoi! Tại Tunisia, chỉ cần một thanh niên tự thiêu cũng đủ châm ngòi cho cuộc nổi dậy bộc phát. Anh Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, chọn cái chết vì bị công an làm nhục, nhưng vì anh mà hàng triệu thanh niên khác cảm thấy họ cũng có thể bị làm nhục như anh! Khi mọi người ý thức nỗi nhục chung, chế độ độc tài sẽ sụp đổ. Tại Ai Cập, anh Khaled Said, 28 tuổi, cũng bị công an đánh chết; nhưng chưa chắc một biến cố lớn đã xảy ra nếu không có những thanh niên khác, cùng lứa tuổi trên dưới 30, quyết tâm khơi dậy một biến động, và họ có kỹ thuật thông tin, liên lạc, vận động, tổ chức các người cùng tuổi, và những người lớn tuổi hơn họ. Phương pháp vận động, tổ chức quần chúng trong Thế kỷ 21 cũng không khác gì Thế kỷ 20 mấy vì tâm lý con người vẫn vậy. Nhưng kỹ thuật thông tin, liên lạc thì đã hoàn toàn khác, đã tiến những bước khổng lồ so với thế kỷ trước. Không thể tưởng tượng người dân các nước Bắc Hàn hay Miến Ðiện có thể làm như người Ai Cập; vì chính quyền ở hai nước đó đã dùng mọi cách ngăn cấm kỹ thuật thông tin mạng lưới. Ngày hôm qua, bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ các nhà tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ ở các nước để họ vượt qua được những hàng rào cản trở Internet của các chính quyền độc tài.
Cả hai biến động ở Tunisia và Ai Cập đều châm ngòi khi những người trẻ tuổi khích động mọi người về ý thức nỗi nhục chung; đó là động cơ các cuộc nổi dậy. Các chế độ độc tài trong thế kỷ 21 đã khôn ngoan hơn hồi 100 trước đây. Họ biết làm sao cho dân tuy nghèo nàn nhưng không đến nỗi đói khổ quá. Dân các nước Á Rập đang xáo động hiện nay phần lớn có mức sống cao hơn ở Việt Nam. Dân Kuwait, Á Rập Saudi, Bahrain đều có lợi tức khá giả. Người dân khi nổi lên vì nghèo đói, trừ khi nạn đói quá lớn như ở nước Trung Hoa. Phần lớn các cuộc cách mạng nổ ra khi người dân cảm thấy họ hổ thẹn, nhục nhã, và muốn rửa nhục. Nếu người dân sống không ý thức được rằng mình đang chịu nhục nhã, thì họ rất khó nổi dậy. Các chế độ độc tài che lấp thông tin là để cho dân không biết là mình đang chịu nhục. Kỹ thuật thông tin tiến bộ là vũ khí của các cuộc cách mạng Thế kỷ 21.
Một đặc điểm của mô hình cách mạng Thế kỷ 21 là các thanh niên xướng xuất không hề sử dụng đến một ý thức hệ nào làm động cơ quy tụ mọi người khiến họ cùng nổi lên. Trong đám gần 30 thanh niên đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình đầu tiên ở Ai Cập có những người theo chủ trương kinh tế, chính trị tự do; cũng có người tự coi là theo chủ nghĩa xã hội. Có người quyết tâm xây dựng một chế độ thế tục bảo đảm tự do cho mọi tôn giáo; nhưng cũng có người tham dự vì muốn bảo vệ tín ngưỡng Hồi Giáo của họ. những thanh niên Ai Cập tổ chức được hàng trăm ngàn người biểu tình vì họ cùng chia sẻ một số nhu cầu, giống như những người dân Ai Cập khác: Muốn sống trong tự do để thấy mình có giá trị. Tự do, là điều ai cũng hiểu được. Và người ta chỉ thực sự tự do khi sống trong luật pháp. Ðó là những điểm căn bản mọi người đồng ý với nhau! Ðộng cơ lớn nhất là tìm lại nhân phẩm cho mình và cho đồng loại!
Cách mạng tạo cơ hội cho mọi người tìm lại giá trị của mình, tự mình rửa nhục. Cách mạng là để tự tìm lại nhân phẩm. Cô Perihane Allam, 24 tuổi, kể rằng hồi xưa mỗi lần đi qua công trường Tahrir (Tự Do) cô thường bị đám thanh niên buông lời trêu ghẹo thô lỗ. Nhưng trong những ngày biểu tình, cùng ở nơi này, nhưng chuyện trêu ghẹo không bao giờ xảy ra! Chính cảm tưởng tự do đã khiến các chàng trai biết tự trọng! Họ đã khám phá ra phẩm giá của chính mình!
Dưới các chế độ độc tài, con người cảm thấy chính mình mất giá trị, đặc biệt là mất phẩm giá khi chính mình sống phi đạo đức. Khi nhìn chung quanh thấy không ai giữ kỷ luật, không ai tôn trọng của công, thì mọi người đều mất ý thức về trách nhiệm của người công dân. Trong hai tuần lễ dân Ai Cập biểu tình, chúng ta đã thấy cảnh các nhóm thanh niên tự động họp nhau lại, làm những việc công ích. Ngay từ ngày đầu, họ đã tạo ra một hàng rào người bao quanh Viện Bảo Tàng Ai Cập, ngăn không cho trộm cướp các vật cổ quý báu trong đó. Trong đám trẻ lãnh đạo các cuộc biểu tình, có người đã nhớ lại cảnh Viện Bảo Tàng của Iraq bị tấn công sau khi chế độ Hussein sụp đổ. Trong suốt những ngày biểu tình, nhà báo đã chứng kiến cảnh các thanh niên đeo găng tay ni lông đi lượm rác và đổ rác. Họ nhất định giữ cho mặt đất nơi công trường dân đang biểu tình được sạch sẽ.
Trước đó một tháng, những thanh niên này có thể đi qua công trường vẫn xả rác! Họ có thể đã vứt các lon nước ngọt đã uống hết, hoặc ném tàn thuốc là xuống đường. Nhưng cách mạng đã thay đổi họ. Trước đây các thanh niên này, và hầu hết người dân khác, đều không nghĩ đất nước Ai Cập thuộc về họ. Ðất nước bị một bọn tham nhũng độc quyền khai thác, mọi người dân đều bị khai thác. Ðất nước không phải của họ!
Khi các thanh niên đi biểu tình, họ muốn giành lại quyền làm chủ đất nước họ từ tay bọn người tham nhũng độc tài. Và họ bắt đầu tập cư xử như những “ông chủ” mới của đất nước họ. Họ muốn giữ gìn đất nước họ cho sạch sẽ. Khi giới thanh niên nghĩ rằng đất nước là của chung mọi người, trong đó có chính họ, chứ không phải chỉ là miếng mồi cho bọn tham nhũng độc tài thao túng và khai thác, thì người ta sẽ lo giữ gìn đất nước. Một câu chuyện lý thú là các thanh niên vừa lo tổ chức biểu tình, vừa lo giữ cho thị trường chứng khoán ở Cairo không bị mất giá nhiều quá! Cô Sarah Lamei, 26 tuổi, đã nẩy ra ý kiến là kêu gọi các bạn trẻ cùng tuổi vừa đi biểu tình vừa đi mua cổ phiếu trên thị trường. Vì các cuộc biểu tình khiến giá mọi cổ phiếu đều xuống, chính các thanh niên có trách nhiệm nâng giá lên! Lời kêu gọi mỗi người mua một số cổ phiếu khoảng 16 đô la Mỹ được đưa ra qua mạng lưới Facebook, chuyển qua những qua máy cầm tay BlackBerry, được rất nhiều người hưởng ứng. Chưa bao giờ có cảnh các thanh niên vừa lo lật đổ chính quyền, vừa lo bảo vệ thị trường chứng khoán! Vì họ biết thị trường chứng khoán sẽ là một khí cụ phát triển nền kinh tế chung của toàn dân!
Hiện tượng này chứng tỏ khi các thanh niên cảm thấy đất được là của họ, họ là những chủ nhân, thì họ thấy có trách nhiệm bảo vệ. Không những phải quét dọn cho mặt đất sạch sẽ, mà còn có trách nhiệm giữ cho nền kinh tế tiến điều hòa! Qua câu chuyện này chúng ta cũng thấy nhiều thanh niên lãnh đạo và tham dự các cuộc biểu tình lật đổ ông Mubarak thuộc thành phần khá giả, có những phương tiện thông tin đắt tiền, biết thế nào là vai trò của thị trường chứng khoán, và có tiền để đầu tư một khoản tối thiểu 16 đô la! Giới trung lưu Ai Cập, nhiều người sống khá giả trong chế độ Mubarak, nhưng họ không lo bảo vệ ông ta. Vì nỗi khao khát tự do mạnh hơn những động cơ tâm lý khác hay tiền bạc!
Một nhà báo đã gặp anh Ahmed Awn, 31 tuổi. Anh ta đã đi biểu tình đêm ngày, mặc dù chính anh được ưu đãi trong chế độ độc tài của ông Mubarak; nếu ông ta bị lật đổ thì anh sẽ bị thiệt về kinh tế. Anh giải thích tại sao: “Trước đây tôi chưa bao giờ cảm thấy hãnh diện là người Ai Cập. Nhưng hôm nay, tôi có thể nói: “Tôi hãnh diện là một người Ai Cập!”
Một nhà báo khác kể chuyện một người Ai Cập 42 tuổi tốt nghiệp Ðại Học Harvard, đang làm ngành ngân hàng ở London và sống sung túc hơn nhiều người. Hôm ngồi coi ti vi cảnh các sinh viên biểu tình lần đầu, ngày 25 tháng 1 năm 2011, trông thấy tuổi trẻ nước anh đứng dậy, nhà tài chánh này đã bỏ hết mọi công việc, về nước ngay lập tức để tham dự công cuộc chống chế độ Mubarak. Một nhà báo khác nói đến một người Ai Cập đang làm việc lương cao ở Á Rập Saudi, anh ta cũng trở về nước để đi biểu tình. Anh đưa vợ và 2 con nhỏ tới công trường Tự Do: “Tôi muốn các con tôi được thở hít không khí này, nhìn những hình ảnh này, chạm vào mặt đất công trường nay. Tôi muốn suốt đời các con tôi sẽ nhớ mãi!”
Những thanh niên tổ chức các cuộc biểu tình lật đổ chế độ Mubarak chưa bao giờ có kinh nghiệm chính trị. Vì trong chế độ cũ, không ai được phép góp ý kiến về việc quốc gia, trừ đám tay chân đồng đảng của Mubarak. Bởi vậy, phát ngôn viên của Hội Ðồng Quân Nhân Tối Cao đang cai trị Ai Cập đã tỏ ý khuyến khích các thanh niên này lập ra các đảng hoạt động chính trị, và cử đại diện tới gặp các tướng lãnh nắm quyền.
Ðây là một đặc điểm khác của cách mạng đầu tiên trong Thế kỷ 21. Những người làm cách mạng nhưng không hề có ý định làm chính trị! Vì vậy, có thể nói những cuộc cách mạng mới giữ được tính chất thuần túy, trong sạch hơn. Khác hẳn các cuộc cách mạng trong thế kỷ trước, với những nhóm cực đoan chỉ nhắm mục tiêu quyền bính, dám làm mọi thủ đoạn tàn ác phi nhân, miễn là cướp được chính quyền.
Nhưng khi các thanh niên lãnh đạo cuộc cách mạng không chuẩn bị trước về chính trị thì làm sao họ giữ được mục tiêu tốt đẹp ban đầu, không để cho người khác cướp công rồi đưa những ông Mubarak mới lên?
Cách mạng có thể giữ được tôn chỉ trong sạch ban đầu nếu trình độ dân trí đủ cao. Với những quyền tự do mới được trả lại, người dân sẽ tự bảo vệ cuộc cách mạng của họ. Trong Thế kỷ 21, người dân không dễ bị đánh lừa như trước đây 50 năm hay 100 năm!
Ngô Nhân Dụng
http://nguoi-vietonline.blogspot.com/2011/02/cach-mang-kieu-ky-21.html