Thụy My - Cảnh sát Hình sự châu Âu (Europol) vừa cho biết là đã có 35 người bị bắt giữ hôm qua, trong khuôn khổ chiến dịch phá vỡ một mạng lưới đưa người Việt nhập cư lậu. Mạng lưới này có chân rết tại nhiều nước châu Âu và tại Việt Nam.
Theo thông cáo trên trang web của Europol, cụ thể có 19 người đã bị bắt tại Pháp, 8 người tại Đức, 5 người tại Hungary, 2 người tại Cộng hòa Séc, và 1 người tại Anh. Riêng cảnh sát Pháp cũng đã dỡ bỏ một trạm trung chuyển tại Grande-Synthe gần Dunkerque với 38 người nhập cư bất hợp pháp đang sống tạm bợ tại đây, trong đó có 14 người Việt.
Cảnh sát cũng đã tiến hành khám xét nhiều căn hộ ở Lille, Paris, Luân Đôn, Praha, Berlin, Munich và Budapest, đồng thời Europol đã phát hiện được một địa điểm trồng cần sa trong nhà ở Pháp.
AFP cho biết, cuộc điều tra đã được tiến hành từ tháng 9 năm ngoái, liên quan đến 22 người tình nghi là đã đưa 72 người Việt từ Đức đi sang Anh, qua ngả Pháp và Bỉ.
Theo cảnh sát châu Âu, thì phương thức hoạt động của đường dây buôn người này là cung cấp các giấy tờ chứng minh giả cho người nhập cư lậu, đưa họ bay sang Matxcơva, rồi sau đó đi sang các nước thuộc Liên hiệp châu Âu bằng xe lửa, xe hơi hay trốn trong xe tải. Đối với những ai muốn sang Anh, một nhóm trung gian người Irak gốc Kurde ra giá khoảng hai, ba ngàn euro. Họ giấu những người nhập cư lậu trong các xe tải có thiết trí các ngăn bí mật, hoặc trốn giữa các hàng hóa, để sang Anh bằng đường hầm qua biển Manche.
Bọn buôn người còn đề nghị một phương thức đắt hơn gấp nhiều lần, từ 10 đến 15 ngàn euro, để bảo đảm đi được đến nơi. Bằng các thủ thuật gian dối, họ giúp xin được visa có giá trị trong không gian Schengen, từ Hà Nội sang Hungary và Séc vì mục đích kinh doanh, sau đó bay thẳng sang Paris, và lưu trú trong những căn hộ do bọn buôn người sắp xếp, để chờ ngày sang Anh. Đây là một mạng lưới được tổ chức tinh vi, có chân rết ở Ba Lan, Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Anh và Việt Nam.
Thông cáo cho biết thêm, đây là lần đầu tiên một trung tâm điều phối được thành lập nhằm tạo điều kiện trao đổi thông tin kịp thời giữa Eurojust, tức Cơ quan Hợp tác Tư pháp Liên hiệp châu Âu, với Pháp và các nước khác có liên quan, trên cơ sở đề nghị của các thẩm phán Pháp ở Lille.
Trong chiến dịch trên đây, các bộ phận cơ động của cảnh sát châu Âu cũng được triển khai tại Pháp và Đức, với các chuyên gia về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và các nhà phân tích, đồng thời cung cấp các phương tiện kỹ thuật cho công tác điều tra.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110209-canh-sat-chau-au-pha-vo-mot-mang-luo...