Chống tham nhũng thì bị chém - Dân Làm Báo

Chống tham nhũng thì bị chém

Cán bộ thì xài bằng giả. Công an thì bị tước danh hiệu. Và Nguyễn Bá Thanh đi khuyên nhủ mấy ông chồng đánh vợ

Người chống tham nhũng bị chém tại nhà

TP - Tối 22-2, ông Trần Hữu Sửu (47 tuổi, trú xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) bất ngờ bị hai đối tượng lạ mặt xông vào nhà, dùng dao chém khiến ông ngất tại chỗ, phải đi cấp cứu.

Theo các y, bác sỹ tại Bệnh viện 115 Nghệ An, ông Sửu bị chém hai nhát ở tay, gây mẻ xương và rách cơ, phải khâu 20 mũi.

Đáng chú ý, chiều cùng ngày, ông Sửu có buổi làm việc với Ban thanh tra xã Hiến Sơn để tố cáo một số cán bộ xã có dấu hiệu khuất tất trong một dự án thủy lợi.

Tháng 1-2011, ông Sửu được tỉnh Nghệ An vinh danh là một trong số 18 người có thành tích chống tham nhũng trên địa bàn.

Phan Sáng

http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/528950/Nguoi-chong-tham-nhung-bi-chem-tai-nha.html

*

Phú Yên: Lột “lon” một Trưởng phòng khai gian bằng cấp

Tin từ Sở Nội vụ Phú Yên, Giám đốc sở này, ông Nguyễn Thành Tâm, ngày 21/2, đã ký quyết định kỷ luật cách chức đối với bà Võ Thị Nhị (SN 1958), Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức hành chính Đài Phát thanh tỉnh Phú Yên.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã thống nhất thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với Nhị. Theo tài liệu liên quan, bà Nhị chưa có bằng tốt nghiệp THPT và không có bằng Trung cấp chuyên nghiệp, nhưng đã khai trong hồ sơ, lý lịch trình độ học vấn 12/12, trình độ chuyên môn-nghiệp vụ là Trung cấp kế toán.

Đồng thời, bà Nhị đã sử dụng các giấy xác nhận không có giá trị pháp lý thay thế bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp để đi học lấy bằng Cử nhân kinh tế, hệ tại chức do Trường Đại học Tài chính kế toán (nay là Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh); sau đó tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Phân viện Đà Nẵng (nay là Học viện Chính trị - hành chính khu vực III).

Hai trường này cũng đã có văn bản đề nghị Giám đốc Đài Phát thanh Phú Yên thu hồi bằng tốt nghiệp đã cấp cho bà Nhị.

H.Y

http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/bee.net.vn/Phu-Yen-Lot-lon-mot-Truong-phong-khai-gian-bang-cap/5761048.epi

*

Rắc rối sau vụ một cán bộ công an bị tước danh hiệu CAND…

(CL)-Thời gian qua, Báo NB&CL liên tiếp nhận được đơn kêu cứu của ông Đặng Xuân Hải- nguyên Đại úy, Đội trưởng đội An ninh- Công an huyện Bắc Trà My- Quảng Nam.



Ông Đặng Xuân Hải trình bày sự việc với PV báo Nhà báo & Công luận

Trong đơn phản ánh: Việc Huyện ủy Bắc Trà My ra quyết định khai trừ ông ra khỏi Đảng và Tổng cục xây dựng lực lượng CAND tước danh hiệu Chiến sĩ CAND đối với ông là việc làm mang tính áp đặt. Vậy thực hư vụ việc này ra sao?

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc kể trên xuất phát từ mối quan hệ tình cảm có tính chất phức tạp giữa ông Hải với bà Nguyễn Thị Lệ- Giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn- xã Trà Đông- huyện Bắc Trà My- Quảng Nam. Năm 2001, vì quan hệ tình cảm của mình với bà Lệ, ông Hải đã từng phải nhận hình thức kỷ luật Khiển trách về Đảng và bị lãnh đạo Công an huyện Bắc Trà My yêu cầu chấm dứt quan hệ tình cảm với bà Lệ.

Thế nhưng, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó, năm 2005 bà Lệ tiếp tục có đơn tố cáo ông Hải, đơn tố cáo được gửi đến Công an huyện Bắc Trà My- nơi ông Hải đang công tác, nội dung đơn yêu cầu làm rõ hai vấn đề là chuyện tình cảm và liên quan đến tiền bạc giữa ông Hải và bà. Do vậy, ngày 09/01/2006, Lãnh đạo Công an huyện Bắc Trà My đã yêu cầu ông Hải viết bản kiểm điểm và tường trình lại sự việc. Nhận được tin báo, Công an tỉnh Quảng Nam yêu cầu Lãnh đạo Công an huyện Bắc Trà My và ông Hải sớm kiểm điểm và làm rõ vụ việc. Sau nhiều lần họp bình xét hình thức kỷ luật đối với ông Hải, Công an huyện Bắc Trà My đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Huyện ủy Bắc Trà My.

Bởi vậy, ngày 14/07/2006 Huyện ủy Bắc Trà My có quyết định số 158/QĐ-HU với nội dung: “Sau khi xem xét hồ sơ, nội dung, tính chất, mức độ tác hại vi phạm khuyết điểm của Đ/C Đặng Xuân Hải, Ban thường vụ Huyện ủy nhận thấy- Đ/C Đặng Xuân Hải là một đảng viên, chiến sĩ CAND nhưng khi mắc khuyết điểm về hành vi quan hệ bất chính, không những không trung thực nhận khuyết điểm sửa chữa để tiến bộ, mà còn dùng phương pháp về nghiệp vụ công an đã học của mình cấu kết với quần chúng, cố tình đối phó, che dấu hành vi vi phạm nhằm gây khó khăn cho tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm tra, xác minh. Có thái độ xuyên tạc, nói xấu đối với lãnh đạo huyện và cơ quan Đảng cấp trên, vi phạm nghiêm trọng tư cách, phẩm chất, đạo đức lối sống của người cán bộ, đảng viên. Đ/C Hải không còn uy tín và tác dụng để lãnh đạo đối với quần chúng nhân dân.

Để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kịp thời giáo dục những đảng viên khác. Ban thường vụ huyện ủy quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với Đ/C Đặng Xuân Hải bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng”.

Không chấp nhận trước phán quyết của Huyện ủy Bắc Trà My, ông Hải đang có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Thì bất ngờ ngày 26/07/2006, Tổng cục xây dựng lực lượng CAND có quyết định 3318/QĐ-X11(X13) về việc: “Xét sai phạm của Đại úy Đặng Xuân Hải cán bộ Công an huyện Bắc Trà My- tỉnh Quảng Nam- ý thức kỷ luật kém, không chấp hành quy định của ngành, có quan hệ như vợ chồng với chị Nguyễn Thị Lệ- Giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn- xã Trà Đông- huyện bắc Trà My- tỉnh Quảng Nam thời gian từ năm 1998 đến năm 2005 nhưng không tiến tới hôn nhân, có hành vi đối phó đơn vị, tổ chức Đảng cấp trên, gây khó khăn cho công tác xác minh, kết luận. Sai phạm của Đ/C Đặng Xuân Hải đã vi phạm tư cách của người đảng viên, cán bộ công an, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam. Thi hành kỷ luật Đại úy Đặng Xuân Hải bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân”.

Trao đổi với phóng viên NB&CL, ông Đặng Xuân Hải bức xúc cho biết: Việc tôi trai chưa vợ, bà Lệ gái chưa chồng có quan hệ tình cảm với nhau sao lại gọi là bất chính? Và, không hiểu dựa vào dâu, ông Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My lại cho rằng, tôi “…Có thái độ xuyên tạc, nói xấu đối với lãnh đạo huyện và cơ quan Đảng cấp trên, vi phạm nghiêm trọng tư cách, phẩm chất, đạo đức lối sống của người cán bộ, đảng viên…”. Trong khi nói xấu cá nhân nào, tổ chức nào ông Bí thư lại không chỉ ra được!

Hơn nữa, quyết định 158 còn cho rằng, tôi “…dùng phương pháp về nghiệp vụ công an đã học của mình cấu kết với quần chúng, cố tình đối phó, che dấu hành vi vi phạm nhằm gây khó khăn cho tổ chức đảng và các cơ quan chức năng…”. Vậy căn cứ vào điều luật nào, Huyện ủy Bắc Trà My lại cho rằng tôi dùng nghiệp vụ công an để đối phó, che dấu sai phạm? Việc Huyện ủy Bắc Trà My chưa xác minh, làm rõ nội dung đơn tố cáo đã vội vàng ban hành quyết định 158 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự gây thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với tôi. Nghiêm trọng hơn, quyết định 158 làm tiền đề cho quyết định 3318 ra đời, khiến tôi “thân bại danh liệt”!  

Để tránh gây oan sai cho người khiếu nại và chấm dứt tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, công luận mong rằng các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam cần sớm xem xét lại vụ việc.


CHÍ TUYÊN

*

Gặp lại những ông chồng từng đánh vợ

QĐND - Ngày 5-8-2009, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh có buổi nói chuyện, có thể nói là “có một không hai” với hơn 100 ông chồng có hành vi “bạo lực gia đình” (BLGĐ) trên địa bàn. Sau hơn một năm kết quả của cuộc gặp ấy ra sao?

Kết quả bất ngờ

Theo thống kê của Ủy ban Chăm sóc-Bảo vệ bà mẹ và trẻ em TP Đà Nẵng thì có đến 90% nạn nhân của các hành vi bạo lực gia đình là phụ nữ. Trong đó, 45% thường xuyên bị đánh đập, 80% bị đe dọa về thể chất, tinh thần và kinh tế, 70% bị chồng bỏ mặc, 20% bị cưỡng ép… 80% gia đình có nạn bạo lực gia đình xảy ra tình trạng con cái bỏ nhà đi lang thang, bị người khác đánh đập, bóc lột sức lao động… Những con số nhức nhối ấy đang bị đẩy lùi vì những biện pháp đồng bộ của hệ thống chính trị của Đà Nẵng.

Ngày 26-1 mới đây, 103 hộ gia đình, có thời gian vượt quá mức “cơm không lành, canh không ngọt”, có sự chuyển biến tích cực, được Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố trao quà Tết. Trong số này, có 75 trường hợp các ông chồng có hành vi bạo lực gia đình đã được trực tiếp “trò chuyện” với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vào tháng 8-2009 đã thực sự tiến bộ.

Lãnh đạo Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tặng quà các gia đình tiến bộ. Ảnh: Quang Huy

Giờ đây gặp lại những “điển hình” về BLGĐ, trên khuôn mặt những con người từng chịu nhiều đau khổ, từng “mấp mé” bên sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, thấy rạng lên niềm vui trong nụ cười hạnh phúc. Chúng tôi không tiện nêu tên tuổi, địa chỉ của những gia đình đã “yên ấm” trở lại trong bài viết có nhiều niềm vui này. Chỉ biết rằng, đã có hàng trăm hộ tìm lại hạnh phúc của mình bằng chính sự thay đổi trong ứng xử hằng ngày của các thành viên trong gia đình. Nhiều cháu bỏ học, lêu lổng vì sự “lục đục” của cha mẹ đã trở lại mái trường, không ít cháu đã được các đoàn thể giới thiệu vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp có thu nhập ổn định... Những tổn thất to lớn về tinh thần do BLGĐ gây ra, ngày càng được thu hẹp làm cho “bức tranh” xã hội của TP Đà Nẵng ngày một tươi tắn, đẹp đẽ hơn...

Chung tay đẩy lùi bạo lực

Để có sự chuyển biến này, ngoài phát “pháo hiệu” là thông điệp của người lãnh đạo cao nhất thành phố gửi tới các gia đình có hành vi BLGĐ nói riêng, đấy còn là lời cảnh tỉnh nhằm triệt tiêu những mầm mống đang manh nha làm tan vỡ hạnh phúc gia đình đối với tất cả các hộ gia đình trong thành phố.

Sau cuộc nói chuyện “lịch sử” ấy, đã có hàng loạt các cuộc hội thảo về phòng, chống BLGĐ diễn ra trong năm 2010. Có thể nói tất cả các đoàn thể, cơ quan, ban ngành chức năng của thành phố đều “vào cuộc” cùng chung tay đẩy lùi BLGĐ. Hội Nông dân thành phố, nơi có phong trào sớm nhất và được đánh giá là tích cực nhất, đã tổ chức xây dựng 12 Câu lạc bộ pháp luật tại các quận, huyện, đồng thời xây dựng được 1.340 tổ hòa giải với hơn 4.500 hòa giải viên ở các tổ dân phố, thôn xóm... Công an thành phố, cũng là đơn vị duy nhất của ngành công an có cán bộ chuyên trách phòng, chống BLGĐ ở từng địa bàn. Hội liên hiệp Phụ nữ, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, thường xuyên tổ chức gặp gỡ với phụ nữ “trong vai” các bà vợ bị bạo hành để tư vấn về vai trò, trách nhiệm, thái độ ứng xử, nhất là khi bị chồng ngược đãi để có các biện pháp ngăn ngừa. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được 4 địa chỉ tin cậy, tại đây có các thiết bị sơ cấp cứu, là nơi “lánh nạn” trước mắt cho các nạn nhân bị bạo hành. Hầu hết các xã, phường, người dân được cung cấp số điện thoại của đường dây nóng phòng, chống BLGĐ. UBND thành phố đã có quyết định khen thưởng 300.000 đồng cho người tố giác hành vi BLGĐ... Bằng các biện pháp tổng hợp, từ các cấp chính quyền, đến các hội, đoàn thể và toàn dân cùng chung tay lên tiếng đẩy lùi BLGĐ...

Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo, nhiều cách làm, từ chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại các khu dân cư; đến việc cho người mãn hạn tù vay vốn làm ăn, gặp gỡ giáo dục thanh, thiếu niên hư; ký cam kết đối với các “ông chồng” có hành vi BLGĐ... Tất cả những việc làm ấy nhằm hướng về lợi ích của từng người dân, từng gia đình, làm cho hạnh phúc của từng “tế bào” xã hội ngày càng bền chặt. Đấy là động lực để có một Đà Nẵng như ngày nay.

Đặng Trung Hội

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/24/24/139622/Default.aspx



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo