Thông điệp nào từ những cuộc nổi dậy của người Ả Rập? - Dân Làm Báo

Thông điệp nào từ những cuộc nổi dậy của người Ả Rập?

Nguyễn Văn Huy - Có một nguyên nhân ít ai nhắc tới, đó là ước muốn được kính trọng. Sự thua kém của người Ả Rập trước các quốc gia phát triển phương Tây dưới các chế độ độc tài đã kéo dài quá lâu và không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa. Sống kề cận với các quốc gia phương Tây Châu Âu, mặc cảm thua kém này càng gay gắt.

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4 Cuộc nổi dậy của người Ả Rập cho đến nay vẫn là một bất ngờ đối với dư luận quốc tế. Cho đến đầu năm 2011, không ai ngờ sau 24 năm cầm quyền, tổng thống Ben Ali phải bỏ chạy sau một tháng phản đối của dân chúng. Cũng không ai ngờ, sau 18 ngày nổi dậy của quần chúng, tổng thống Hosni Mubarak đã phải từ bỏ chính quyền sau 34 năm cầm quyền với bàn tay sắt. Gần đây hơn, dân chúng tại Libya đã vượt lên nỗi sợ xuống đường chống lại Khadafi, độc quyền lãnh đạo Libya từ 1969 đến nay. Trong những ngày sắp tới, sau những cuộc xuống đường chống đối của dân chúng, không ai dám tiên đoán những gì sẽ xảy ra tại Bahrein, Iran, Yemen, Algeria, Morocco, Sudan, Syria, Jordania, Djibuti… Một vài quốc gia Ả Rập còn lại như Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Ả Rập và Palestine đang sống trong căng thẳng vì quần chúng bất mãn có thể xuống đường chống đối bất cứ lúc nào.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên là không một thế lực bên ngoài nhúng tay vào can thiệp, nếu không muốn nói là bị việt vị vì không thể tiên đoán được gì, tất cả những cuộc xuống đường của dân chúng Ả Rập hoàn toàn tự phát và không có lãnh đạo.

Cái gì đã khiến cộng đồng người Ả Rập đồng loạt nổi lên chống lại các chế độ cai trị đương quyền ?

Người ta nói nhiều đến những nguyên nhân trực tiếp như vật giá leo thang, đời sống khó khăn, thất nghiệp gia tăng, tham nhũng chi phối mọi sinh hoạt trong xã hội, v.v. Nhiều người còn cho biết sự bất mãn chính đến từ giới trẻ có học thức không tìm được việc làm, không một thanh niên nào thấy tương lai xán lạn dưới các chế độ độc tài. Cũng nên biết gần 50% dân số trong các quốc gia Ả Rập dưới 25 tuổi.

Người ta cũng nói đến những nguyên nhân gián tiếp như các giá trị phổ cập của loài người đã ảnh hưởng và khuyến khích người Ả Rập nổi dậy như tự do, dân chủ và nhân quyền. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng với khối thị dân bờ biển, nghĩa là những khu đô thị có quan hệ trao đổi thương mại và dịch vụ với các quốc gia khác. Đối với phần đông dân chúng sống trong những vùng sâu và vùng xa hay trong sa mạc, những khái niệm này hoàn toàn xa lạ và họ sẽ không hề thấy khó chịu nếu bị giới quan quyền coi thường vì là một thói quen. Ước muốn chung của dân chúng trong các quốc gia Ả Rập là có một cuộc sống bình thường, nghĩa là có đủ cơm ăn áo mặc và con cái được đến trường như mọi dân tộc phát triển khác.

Ước muốn được kính trọng

Nhưng có một nguyên nhân ít ai nhắc tới, đó là ước muốn được kính trọng. Sự thua kém của người Ả Rập trước các quốc gia phát triển phương Tây dưới các chế độ độc tài đã kéo dài quá lâu và không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa. Sống kề cận với các quốc gia phương Tây Châu Âu, mặc cảm thua kém này càng gay gắt. Các tổ chức khủng bố Hồi giáo cũng đã lợi dụng yếu tố này để khích động người Ả Rập hy sinh thánh chiến chống lại người phương Tây. Nhưng chiêu bài thánh chiến của các tổ chức khủng bố không còn hấp dẫn được ai, thanh niên Ả Rập không muốn hy sinh cho những tham vọng điên cuồng này và chỉ hướng hy vọng vào các quốc gia phát triển phương Tây để có một mức sống cao. Chính ước muốn được kính trọng này đã là mẫu số chung kết hợp người Ả Rập với nhau chống lại bạo quyền, họ không chịu im lặng cúi đầu trước sự cai trị hà khắc của các chế độ độc tài, cho dù là "độc tài bình thường".

Nhắc lại, từ sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ năm 1922, phần lớn các quốc gia Ả Rập bị đặt dưới sự đô hộ hay bảo hộ của các đế quốc Châu Âu. Sau thế chiến II, mặc dầu được trả lại độc lập, các quốc gia Ả Rập vẫn lệ thuộc vào các quốc gia giàu có phương Tây, đặc biệt là cách tổ chức xã hội và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chỉ sau khi thành lập khối OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries) năm 1960, trụ sở đặt tại Vienna (Áo), các quốc gia Ả Rập mới có toàn quyền quyết định giá cả và khối lượng dầu thô sản xuất, nhưng tất cả kỹ thuật và thị trường tiêu thụ vẫn nằm trong tay các tập đoàn đế quốc cũ. Sự thua kém các quốc gia phát triển phương Tây vẫn chưa tìm ra được giải pháp.

Tại Trung Cận Đông, sau khi lật đổ vua Farouk đệ nhất (1952) và tổng thống Mohammed Naguib (1954), trung tá Gamal Abdel Nasser lên cầm quyền và trở thành vị tổng thống thứ hai của Ai Cập (1956). Ông là lãnh tụ Ả Rập đầu tiên áp dụng chủ nghĩa xã hội để đối đấu với Hoa Kỳ cùng các quốc gia phát triển Tây Âu và đồng minh là các vương quốc Ả Rập trong vịnh Persan. Trong suốt thời gian cầm quyền, ông liên kết với Liên Xô và Trung Quốc để quốc hữu hóa kinh Suez và tấn công Do Thái. Mặc dù tất cả đều bị thất bại, Nasser đã trở thành lãnh tụ của khối Ả Rập vì dám chống lại các thế lực phương Tây. Năm 1970, ông từ trần. Trước khoảng trống lãnh đạo trong khối Ả Rập, trong suốt thời gian từ 1960 đến 1970, hàng loạt sĩ quan Ả Rập nổi lên đảo chánh và thành lập các chế độ chuyên chính, một số vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Năm 1968, Saddam Hussein đảo chánh và nắm chính quyền tại Iraq ; năm 1969, đại tá Khadafi tại Libya và trung tá Gaafar el-Nemeyri tại Sudan; năm 1970, Hafez el-Hassad tại Syria. Vì thiếu tư tưởng chỉ đạo, các chế độ độc tài Ả Rập này đều tự nhận là thành viên của khối xã hội chủ nghĩa để được Liên Xô và Đông Âu giúp đỡ. Trong suốt thời gian cầm quyền, thay vì lo cho dân giàu nước mạnh, các cấp lãnh đạo đã một mặt sử dụng dầu thô như một phương tiện trao đổi với các quốc gia phát triển phương Tây để được chấp nhận như những chế độ độc tài bình thường; mặt khác nhân danh chủ nghĩa xã hội, họ quốc hữu hóa của cải xã hội để vơ vét tài nguyên quốc gia vào tay gia đình và đảng phái của mình, có người còn áp dụng chính sách cha truyền con nối, bất chấp sự khổ cực của dân chúng. Sự thua kém các quốc gia phương Tây vẫn còn nguyên vẹn và bất mãn của dân chúng trước hành vi tham nhũng của các viên chức chính quyền ngày càng lên cao.

Tại Bắc Phi (Magreb) cũng thế, nhân danh chống các tổ chức khủng bố Hồi giáo, một số sĩ quan quân đội đã lên nắm chính quyền và áp dụng những chế độ độc tài đảng trị như Ben Ali tại Tunisia năm 1984 và Bouteflika Algeria (1999). Khi nắm chính quyền, những người này cũng chỉ lo làm giàu cho gia đình và phe cánh mình, bất chấp sự nghèo khó chung của đất nước. Sự thua kém các quốc gia phát triển phương Tây không phải là ưu tư chính của các cấp chính quyền. Trí thức trong nước tiếp tục bị coi thường và báo chí bị cấm phát biểu. Để củng cố quyền lực, các chế độ độc tài Ả Rập đều dựa vào quân đội. Vấn đề là sự trang bị và huấn luyện các lực lượng quân đội đều do các sĩ quan các quân đội Châu Âu, Nga và Hoa Kỳ đảm nhiệm. Qua sự đào tạo này, những quân nhân Ả Rập không nhiều thì ít chịu ảnh hưởng bởi kỷ luật của người phương Tây mà họ hấp thụ, nghĩa là không dùng bạo lực để đàn áp dân chúng và không tiếp tay với tội ác. Do đó, quân đội tại các quốc gia Ả Rập rất được lòng dân chúng và chỉ đảm nhiệm vai trò giữ gìn trật tự an ninh.

Khuyết điểm chung của các chế độ độc tài là tiêu diệt đối lập, cho dù là đối lập chính trị hay tôn giáo. Đây là giải pháp giản dị nhất để bảo vệ quyền lực và quyền lợi; ít có chế độ độc tài nào nghĩ đến ngày họ bị mất chính quyền. Khi tai họa ập tới, tất cả đều đã muộn màng. Vì không có đối lập, không ai hướng dẫn và ngăn cản được những cuộc trả thù báo oán của đường phố. Nạn nhân của những cuộc xuống đường là những cấp lãnh đạo cấp thấp, những công nhân viên chức địa phương. Những cấp lãnh đạo cấp cao đều đã bỏ chạy hay cất giấu tài sản tại những nơi an toàn.

Thông điệp từ những cuộc nổi dậy của người Ả Rập là các chế độ độc tài hãy nhanh chóng cải tổ xã hội, chấp nhận sự thành hình của những tổ chức đối lập và tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. Thực hiện được những mục tiêu này, mức sống của người Ả Rập sẽ được nâng cao, danh dự của họ sẽ được hồi phục và ổn định xã hội sẽ được tái lập.

Nguyễn Văn Huy

© Thông Luận 2011

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5582



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo