Dân oan tiếp tục biểu tình đòi đất - Dân Làm Báo

Dân oan tiếp tục biểu tình đòi đất

Gia Minh, biên tập viên RFA - Việc khiếu kiện đất đai, nhà cửa vẫn tiếp diễn bởi những người dân cho rằng tài sản của họ bị cơ quan chức năng trưng thu không chính đáng và qua nhiều năm khiếu nại vẫn không được giải quyết.

Trong những ngày này, hoạt động này lại diễn ra ở cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin cho hay từ ngày thứ hai 21 tháng 2 vừa qua, gần cả trăm người dân thuộc diện bị mất đất đai, nhà cửa tại bảy tỉnh, thành ở khu vực miền nam đã tập trung ở số 210 Võ Thị Sáu, thành phố Hồ Chí Minh để đòi hỏi công bằng cho họ. Đây là Cục 3, Thanh tra Chính phủ.

Photo courtesy of pham1647blog - Ảnh minh họa dân oan khiếu kiện lên cấp chính quyền

Một người tham gia trong đoàn người có mặt tại cuộc tập trung cho biết:

"Công chuyện này đã 14 năm rồi, tôi đã đi Hà Nội rồi mà các cấp không giải quyết gì hết. Mà giải quyết thì Hà Nội ra văn bản rồi chỗ này chuyển chỗ kia và chỗ kia chuyển chỗ nọ hoài. Bây giờ họ chuyển hồ sơ tôi về cho chủ tịch tỉnh Long An giải quyết, nhưng rồi họ không mời và nói gì đến hết.

Do họ không giải quyết nên phải đi khiếu kiện, mong một ngày nào… và rồi cũng mong các nước trên thế giới ủng hộ chúng tôi là những dân oan mất tài sản, khổ. Vì tin tưởng như thế nên chúng tôi kéo lên 210 Võ thị Sáu. Không biết làm thế nào nên cứ phải kéo đi biểu tình hoài. Mỗi lần biểu tình đều bị họ hỏi."

Cuộc tập trung lần này được người dân tham gia cho biết đầu tiên công an không giải tán họ ngay, mà chỉ đưa xe đến chặn để người qua lại không nhìn thấy những biểu ngữ mà người đi khiếu kiện giăng ra:

"Đi khiếu kiện nhiều rồi mà lần này họ không làm gì. Họ đứng nhìn những biểu ngữ và sau đó cho xe kéo chặn để người khác không đọc được thôi chứ không làm gì."

Trước đây là những biểu ngữ đòi hỏi quyền lợi, hay nêu lên tình trạng bất công nơi địa phương của họ, nhưng lần này là những câu đòi hỏi quyền con người cụ thể hơn:

"Đầu tiên chúng tôi yêu cầu trả tài sản, còn tại 210 Võ Thị Sáu chúng tôi giăng lên biểu ngữ ‘Công lý- Nhân quyền hay là chết!’,‘Quốc hội làm gì để cứu dân oan?’,‘Bộ chính trị, bí thư 63 tỉnh - thành công khai tài sản minh bạch để toàn dân giám sát’,‘Đảng nói được phải làm được’."

Ngoài ra một quan chức chính phủ là ông Võ Văn Đồng, thuộc Cục 3, Thanh Tra Chính phủ có gặp người dân khiếu kiện và hứa sẽ giải quyết cho họ, nhưng rồi theo người dân thì họ không tin tưởng vào lời hứa đó:

vietnamexodus-123-250.jpg

Dân oan khiếu kiện ở Hà Nội. Photo courtesy of vietnamexodus

"Ông Võ Văn Đồng này là trưởng thanh tra Cục 3, tức chịu trách nhiệm ở phía nam, chỉ hứa miệng thôi, không có giấy."

Và cũng tương tự như nhiều lần người dân bức xúc tập trung đông người yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết vụ việc của họ, công an điạ phương nơi họ cư trú lên đến tận nơi họ tập trung để đưa về điạ phương. Lần này cũng thế:

"Công an đưa dân Cần Giờ đi về, tại 210 Võ thị Sáu có một số ở lại nhưng bây giờ tập trung sang 35 Hồ Học Lãm, đó là Văn phòng Tiếp dân của Trung uơng Đảng và Nhà Nước. Tuy nhiên công an vào nửa đêm đến bắt họ đưa về."

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, bản thân là một người tích cực tham gia trong những cuộc biểu tình đấu tranh vì những sai trái trong việc thu hồi đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh, cho hay ông bị công an buộc đi làm việc suốt hai ngày từ ngày 21 tháng 2 khi người dân tại bảy tỉnh thành tập trung về Văn phòng Thanh tra của Đảng và chính phủ ở số 210 Võ Thị Sáu:

"Tôi mới đến đó chừng 5-7 phút, thì trên Bộ Công an gọi điện thoại thông báo, yêu cầu tôi phải rời ngay khu vực đó. Thường 10 giờ người ta mới tập trung đông, lúc đó mới khoảng 8 giờ nên mới được khoảng 40-60 người thôi. Khi tôi mới tới họ yêu cầu tôi phải rời khỏi khu vực đó. Tôi trả lời cả trăm người chờ nộp đơn sao không yêu cầu họ đi, sao lại buộc tôi đi. Họ bảo không nói nhiều nếu không đi sẽ có chuyện, tối thấy không ổn nên phải đi."

Cũng chính vào ngày 21 tháng 2 vừa qua, Báo Lao Động đăng lại đánh giá cuả Bộ Tài Nguyên- Môi trường thừa nhận chuyện quản lý đất đai vẫn nhức nhối, tình trạng tham nhũng trong đất đai chưa được thanh tra phát hiện và xử lý kịp thời. Ngay cả được kết luận của Thanh tra chính phủ về sai phạm trong quản lý đất đai tại tỉnh Bình Thuận với hậu quả kinh tế lên đến 86 tỷ đồng suốt 10 năm dưới thời ông cựu chủ tịch Huỳnh Tấn Thành, theo tờ Lao Động sai phạm đó cần được kiểm điểm nghiêm túc, xử lý các hình thức kỷ luật thích hợp.

Bởi tình trạng mà người dân cho là không được giải quyết thoả đáng, rồi qua bao năm tháng khiếu kiện mà các cơ quan chức năng từ cấp dưới đẩy lên cho cấp trên và cấp trung ương trả về lại điạ phương… để rồi vẫn không có gì chuyển biến, gây bao thiệt hại vật chất, tinh thần khiến người trong cuộc phẫn uất và họ kiên quyết dù phải khổ sở, bị truy bắt vẫn phải đòi cho được công lý.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/land-claimants-keep-petitioning-at-government-office-gm-02232011181727.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo