Công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng Ai Cập - Dân Làm Báo

Công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng Ai Cập

Joseph S. Nye - Ai Cập, cuộc cách mạng thông tin, và cuộc đấu tranh cho quyền lực trong thế kỷ 21. Đây là một cuộc cách mạng mà ngụ ý của nó chúng ta không thể hoàn toàn nắm bắt được, nhưng là cuộc cách mạng đang thay đổi một cách căn bản bản chất của quyền lực trong thế kỷ 21...

Vượt ra ngoài những hưng phấn và bất định của hiện tại, cuộc nổi dậy ở Ai Cập đã dấy lên tranh luận về vai trò của công nghệ và thông tin trong bối cảnh cách mạng. Một số nhà bình luận, đặc biệt trong các bản tin trên TV, khẳng định rằng Twitter, Facebook và blog có vai trò to lớn trong việc lèo lái các sự kiện ở Ai Cập. Điều này đã kích động luồng ý kiến trái chiều mạnh mẽ với tranh luận cho rằng những lực lượng truyền thống mới thực sự có công, từ vụ tự tử của Bouazizi ở Tunisia đến tai họa tài chính của giới trung lưu ở Ai Cập.

Đây chính là lúc để tiếp cận cuộc tranh luận một cách bình tĩnh, bởi trường hợp này không có ai rõ ràng đúng, ai rõ ràng sai. Quả thực, chúng ta cần phải đặt Ai Cập trong bối cảnh một cuộc cách mạng thông tin tiến triển liên tục, phức tạp và rộng lớn đang thay đổi chính trị thế giới. Đây là một cuộc cách mạng mà ngụ ý của nó chúng ta không thể hoàn toàn nắm bắt được, nhưng là cuộc cách mạng đang thay đổi một cách căn bản bản chất của quyền lực trong thế kỷ 21.

Hai chuyển dịch quyền lực quan trọng đang diễn ra trong thế kỷ này, như tôi tranh luận trong cuốn sách “Tương lai của Quyền lực” (The Future of Power): quá độ quyền lực (power transition) và khuếch tán quyền lực (power diffusion). Quá độ quyền lực – từ các quốc gia thống trị đến các quốc gia còn lại – là một quá trình lịch sử không xa lạ gì, nhưng khuếch tán quyền lực thì khá lạ lẫm và, ngày nay, khó quản lý hơn. Bài toán cho tất cả các quốc gia trong thời đại thông tin toàn cầu ngày nay là nhiều việc đang diễn ra ngoài kiểm soát của ngay cả những chính phủ quyền lực nhất. Trí tuệ cổ truyền luôn cho rằng chính phủ với quân đội lớn nhất sẽ thắng thế, nhưng, trong thời đại thông tin, rất có thể quốc gia (hoặc phi quốc gia) với câu chuyện hay nhất sẽ thắng. Như những gì Ai Cập thể hiện, quyền lực mềm (soft power) đã trở thành phần quan trọng hơn của hỗn hợp.

Chính phủ luôn lo lắng về dòng chảy và kiểm soát của thông tin, và giai đoạn hiện tại không phải là giai đoạn đầu tiên bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thay đổi chóng mặt trong công nghệ thông tin. Báo chí Gutenberg đóng vai trò quan trọng trong việc khởi nguồn Cuộc cải cách Tin lành (Protestant Reformation). Ngày nay, tuy nhiên, một phần lớn hơn nhiều dân số cả trong và giữa các quốc gia có thể tiếp cận với quyền lực đến từ thông tin.

Cuộc cách mạng hiện tại có nền tảng từ những tiến bộ công nghệ mau chóng, những tiến bộ đã giảm thiểu một cách đột ngột chi phí khởi tạo, tìm kiếm và chuyển giao thông tin. Sức mạnh điện toán tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng trong suốt 30 năm, và tại bình minh của thế kỷ 21, chi phí cho nó chỉ còn 1/1000 so với đầu những năm 1970. (Nếu giá ô tô giảm cũng giảm nhanh như giá của chất bán dẫn, một chiếc xe ngày nay sẽ chỉ tốn 5 USD.) Mới gần đây như những năm 1980, một cuộc điện thoại qua dây đồng chỉ có thể truyền tải một trang thông tin một giây; trong khi ngày nay, một nhóm sợi quang học mỏng manh có thể truyền tải 90,000 quyển thông tin một giây. 1980, để chứa một gigabyte cần cả một phòng, ngày nay, 200 gigabye có thể nằm gọn lỏn trong túi áo.

Thậm chí còn quan trọng hơn chính là sự giảm giá mạnh mẽ trong chi phí của việc truyền tải thông tin, bởi nó hạ thấp rào cản tiếp cận. Khi sức mạnh điện toán trở nên rẻ hơn và máy tính đã thu nhỏ tới kích thước của một chiếc điện thông minh và các thiết bị di động khác, hiệu ứng phân quyền đã trở nên kịch tính. Quyền lực về thông tin ngày nay được phân phối rộng rãi hơn nhiều so với chỉ vài thập kỷ trước. Cứ thử nhìn vào năng lực của những người biểu tìn Ai Cập (và Tunisia) xung quanh những nỗ lực của chính phủ trong việc cấm tiếp cận Internet, tin nhắn và TV sẽ thấy.

Nó nói lên rằng chính trị quốc tế không còn là lãnh vực độc nhất của chính phủ. Cá nhân và tổ chức tư nhân, từ Wikileaks đến các tập đoàn, các tổ chức phi chính phủ, khủng bố đến các phong trào xã hội tự phát, đều được trang bị sức mạnh để đóng vai trò trực tiếp. Sự lan truyền thông tin đồng nghĩa với việc quyền lực được phân phối rộng rãi hơn, và những mạng lưới không chính thức sẽ cắt vào tư bản độc quyền của chế độ quan liêu truyền thống. Tốc độ của thời đại Internet đồng nghĩa với việc chính phủ mất dần quyền kiểm soát với các chương trình nghị sự của chính mình. Các lãnh đạo chính trị không còn được quyết định khi nào họ phải trả lời một sự kiện một cách tự do như trước, và do đó phải giao thiệp với không chỉ các chính phủ khác mà còn với cả công dân. Hãy nhìn vào những khó khăn chính quyền Obama bắt gặp khi cố gắng điều chỉnh phản ứng của mình với Ai Cập.

Nhưng sẽ là một sai lầm nếu “học quá” bài học mà Ai Cập đưa ra về thông tin, công nghệ và quyền lực. Trong khi, về nguyên tắc, cuộc cách mạng thông tin có thể cắt giảm quyền lực của các quốc gia lớn và củng cố quyền lực của các quốc gia nhỏ cũng như các chủ thể phi quốc gia, chính trị và quyền lực phức tạp hơn những gì thuyết quyết định công nghệ ám chỉ. Trong khoảng giữa thế kỷ 20, loài người lo sợ rằng máy tính và truyền thông mới sẽ tạo ra kiểm soát cho chính quyền trung ương như kịch tính hóa trong vở 1984 của George Orwell, và quả thực, những chính quyền độc đoán như Trung Quốc, Ả rập Sau-di và các chính phủ khác đã cố gắng kiểm soát thông tin bằng những công nghệ mới. Trớ trêu thay cho những người theo chủ thuyết không tưởng số, những dấu vết điện tử tạo ra bởi mạng xã hội như Twitter và Facebook đôi khi khiến cho công việc của cảnh sát mật dễ dàng hơn. Sau những lúng túng ban đầu bởi Twitter năm 2009, chính phủ Iran bây giờ có thể đàn áp phong trào xanh năm 2010. Và trong khi “Vạn lý tường lửa của Trung Quốc” (Great Fire-wall) còn ở xa mức hoàn hảo, chính phủ đến thời điểm này vẫn có thể xử lý dòng chảy thông tin giữa 450 triệu người sử dụng Internet ở đất nước này.

Nói một cách khác, một số khía cạnh của cuộc cách mạng thông tin giúp ích cho kẻ yếu, một số khía cạnh lại giúp ích cho kẻ đã lớn mạnh sẵn. Kích thước vẫn là vấn đề. Trong khi một hacker và một chính phủ có thể cùng khởi tạo thông tin và khai thác Internet, chỉnh phủ lớn có thể huấn luyện hàng chục ngàn người với sức mạnh điện toán lớn lao để bẻ cốt và xâm nhập vào các tổ chức khác. Mặc dù việc gieo rắc thông tin bây giờ rẻ, việc tổng hợp và sản xuất thông tin thường đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, và trong nhiều bối cảnh cạnh tranh, thông tin mới mới quan trọng nhất. Tổng hợp tình báo là một ví dụ, và con sâu Stuxnet tinh vi đã phá hủy máy ly tâm nguyên của Iran dường như là một sản phẩm của các chính phủ.

Và trong khi các chính phủ và quốc gia lớn vẫn có nguồn tài nguyên lớn hơn, nhờ vào khuếch tán quyền lực mới, sân khấu của những chủ thể này bị phủ bóng nhiều hơn bởi những diễn viên tư nhân được trang bị sức mạnh thông tin. Mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào? Ai thắng, ai thua? Như những gì diễn ra ở Ai Cập và đâu đó khác chỉ ra, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu hiệu ứng của cuộc cách mạng thông tin lên quyền lực trong thế kỷ này.

Joseph S. Nye, Jr. là Giáo sư University Distinguished Service tại Harvard’s Kennedy School.

Người dịch: Minh Hạo

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://basam.info/2011/02/21/353-tr%E1%BA%ADt-t%E1%BB%B1-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%9Bi/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo