Trọng Thành - Theo báo chí Pháp, trong 30 năm qua, Mubarak đã xây dựng một hệ thống quyền lực, để rồi trở thành nạn nhân của sự "củng cố, khoá chặt" của hệ thống này. Chính cũng vì Mubarak quan tâm vào việc tập trung quyền hành, mà ông đã không nhìn thấy khát vọng của dân chúng, bỏ lỡ cơ hội thực hiện cải cách dân chủ.
Ông Moubarak lên làm tổng thống sau vụ ám sát ông Sadate (phải) tại Cairo (AFP)
Thay đổi lớn tại Ai Cập chiếm trang nhất nhiều tờ báo Pháp. Le Figaro đưa hình ảnh ông Mubarak trầm ngâm cúi mặt, với hàng tựa "Sự sụp đổ của Mubarak". Trên trang nhất, Libération chạy tựa thật ngắn : "Tự do" trên hình nền một thiếu nữ được kiệu trên cổ một bạn trai đang vung hai nắm tay lên trời với vẻ mặt ngây ngất. Tờ L’Humanité đăng hàng chữ "Mubarak. Cút đi !", là khẩu hiệu được những người biểu tình trương lên trong các cuộc mít tinh trong những ngày qua.
Bất chấp những nỗ lực cuối cùng bấu víu lấy quyền lực, tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã buộc phải chấp nhận ra đi, dưới sức ép của hàng triệu người biểu tình. Các biện pháp cuối cùng của tổng thống Mubarak nhằm thương thuyết với các nhóm đối lập để tìm ra một lối thoát trong thỏa hiệp đều vô ích. Quyền lực hiện nay tại Ai Cập được chuyển sang tay Hội đồng Quân sự Tối cao, trong thời gian chuẩn bị bầu cử.
Tại sao hệ thống chính trị mà tổng thống Ai Cập dầy công xây dựng trong 30 năm cuối cùng phải chấp nhận nhường quyền cho quân đội, và bản thân ông Mubarak phải từ chức ?
Dưới tựa đề « Hosni Mubarak, nhà độc tài bất động », nhật báo Libération vạch lại hành trình quyền lực của cựu tổng thống, với nhận định « ám ảnh về sự ổn định và an ninh đã cản trở ông ta hiện đại hóa đất nước ». Còn bài viết « Sự ra đi của Pharaon » trên Le Figaro thì đưa ra một tổng kết rõ hơn : « Sau 30 năm trị vì, tổng thống Ai Cập là nạn nhân của sự khép kín, tắc nghẽn và cô lập của hệ thống quyền lực do chính ông ta tạo ra. »
Tổng thống "con bò cười"
Sự xuất hiện trên chính trường của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, đầu những năm 1980 để lại ấn tượng về một con người khôn khéo, điều hành đất nước một cách kín đáo với thái độ trung dung. Le Figaro dẫn ra hình ảnh « Con bò cười », nhãn hiệu Hộp pho mát trộn của Pháp rất nối tiếng ở vùng Cận Đông, cũng là biệt danh mà người Ai Cập thường dùng để nói về tổng thống của họ, với nụ cười băng giá.
Còn Libération thì kể lại một câu chuyện tiếu lâm phổ biến tại Ai Cập, chế giễu tính cách bất động của nhà độc tài. Vào ngày đầu tiên trở thành tổng thống, người tài xế hỏi ông chủ mới, muốn đi theo ngả nào, theo ngả trái như người sáng lập nước Cộng hòa, hay ngả phải như tổng thống tiền nhiệm. Tổng thống Mubarak quyết định cho nháy cả hai chiếc đèn báo hiệu bên phải và bên trái của xe, và ra lệnh cho tài xế dừng xe lại.
Libération tóm lại, trong 29 năm lãnh đạo đất nước, ông Mubarak đã coi « thận trọng là yếu tố quyết định ». Cựu tổng thống đã thành công trong việc không để cho Ai Cập rơi xuống vực thẳm, nhưng ông đã không thể mang lại cho đất nước này các phương tiện để có thể đối mặt được với các thách thức của thế kỷ XXI.
Theo Le Figaro, hành trình trở thành nhà lãnh đạo tối cao tại Ai Cập của ông Mubarak rất thuận lợi, sau khi ông thu được một chiến thắng quân sự trong cuộc chiến chống Israel, năm 1973, với tư cách Tư lệnh không quân. Năm 1981, sau khi tổng thống tiền nhiệm Sadate bị ám sát bởi những phần tử Hồi giáo cuồng tín chống lại chủ trương hòa bình với Israel, từ phó tổng thống, Hosni Mubarak chính thức trở thành tổng thống, đúng vào thời điểm Ai Cập rất cần đến một nhà lãnh đạo mềm mại.
Đàn áp tất cả các tổ chức đối lập
Suốt thời gian trị vì Ai Cập, đảng Quốc gia Dân chủ (PDN) của ông Mubarak, được thành lập từ năm 1978, đã không nhường chỗ cho bất cứ lực lượng đối lập nào. Năm 2005, tổng thống Mubarak tái đắc cử lần cuối với 88% phiếu bầu, trong cuộc bầu cử chỉ được 23% cử tri tham gia. Cũng trong kỳ bầu cử này, một ứng cử viên duy nhất được chấp nhận trở thành ứng cử viên.
Như vậy, luật sư Ayman Nour đã có thể ra cạnh tranh với Mubarak trong cuộc tranh cử, và thu được 7% phiếu bầu. Nhưng đổi lại, đối thủ duy nhất của ông Mubarak đã phải chịu án tù 5 năm, vì bị kết tội « giả mạo giấy tờ » trong khi chuẩn bị thủ tục thành lập đảng riêng. Tất cả những gì có thể dẫn đến sự thành lập một lực lượng chính trị độc lập với hệ thống quyền lực của đảng Quốc gia Dân chủ của ông Mubarak, đều bị ngăn chặn và đàn áp khốc liệt.
Hosni Mubarak rất kiên quyết với các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Trong những năm 1980, ông đã tạo điều kiện cho hàng trăm chiến binh Hồi giáo rời nước sang Afghanistan, tiến hành thánh chiến chống quân đội Nga. Còn tại chính Ai Cập, chế độ của ông Mubarak chỉ chấp nhận những người Hồi giáo bất bạo động. Các nhóm Hồi giáo tuân phục chế độ có quyền tổ chức các nghiệp đoàn, thậm chí những thành viên của họ có thể trở thành đại biểu quốc hội, nhưng không ai được phép thành lập đảng phái.
Trong cuộc bầu cử năm 2005, các thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã giành được 88/444 ghế, bất chấp sự o ép của các lực lượng an ninh. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, cuối năm 2006, đầu năm 2007, hàng trăm thành viên của tổ chức này đã bị bắt giam. Theo Libération, Hosni Mubarak đã không biết cách thực hiện một cuộc chuyển hóa dân chủ vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, thái độ của Hosni Mubarak với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo rất mập mờ và nguy hiểm. Mặc dù tỏ ra kín đáo và chừng mực trong các thực hành tôn giáo cá nhân, ông Mubarak đã để cho các xu thế Hồi giáo chính thống có điều kiện trở lại mạnh mẽ trong xã hội. Le Figaro cho biết, luật charia của đạo Hồi, đã được thừa nhận là một ngọn nguồn chính của luật pháp Ai Cập trong thời gian ông Mubarak nắm quyền.
Thái độ chính trị độc tài tương đối mềm mỏng của Hosni Mubarak có xu hướng trở nên đặc biệt cứng rắn, sau mỗi lần xảy ra các bạo động, khủng bố tại Ai Cập. Các đàn áp nhắm vào các lực lượng Hồi giáo cực đoan cũng được sử dụng để chống lại ngay chính xã hội dân sự nhằm bóp nghẹt mọi phản kháng chính trị và xã hội.
Năm 2008, các cuộc bãi công của công nhân ngành dệt và xi măng bị đàn áp trong máu. Nhà lãnh đạo tối cao thoạt đầu được nhiều người chấp nhận, như một giải pháp cần thiết để tránh cho xã hội Ai Cập rơi vào vòng xoáy bạo lực, ngày càng mất hết thiện cảm của tuyệt đại đa số dân chúng.
Chính quyền Obama cố gắng tác động tốt đến các chuyển biến tại Ai Cập
Trong cuộc cách mạng vừa qua tại Ai Cập, đâu là vai trò của Hoa Kỳ ? Cuộc phỏng vấn một cựu chuyên gia về Ai Cập của CIA do Libération thực hiện đã đưa ra một nhận định tổng hợp về vai trò của Washington trong việc quản lý cuộc khủng hoảng xảy ra tại một quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Theo cựu chuyên gia CIA, tổng thống Obama ý thức được sự chuyển biến hết sức nhanh chóng của lịch sử và ông đã hết sức cố gắng để đứng về phía phe chính nghĩa.
Ông phải liên tục tìm kiếm một sự cân bằng rất khó khăn giữa các nguyện vọng chính đáng của dân chúng và đòi hỏi không được làm cho tình hình trở nên bất ổn định tại khu vực vốn đầy tiềm năng bùng nổ xung đột này. Cho đến giờ, sau 3 tuần lễ cách mạng, mong muốn của Washington không để xảy ra một cuộc tàn sát kiểu "Thiên An Môn", trên thực tế, đã là hiện thực, với vai trò quyết định của quân đội Ai Cập.
Vai trò để ngỏ của quân đội trong cuộc cách mạng Ai Cập
Cho đến giờ Hoa Kỳ đã làm khá tốt, trong việc giữ được thế cân bằng hết sức nhạy cảm kể trên, cũng là nhận định của thông tín viên Le Figaro từ Washington. Một trong những các yếu tố quan trọng nhất mà Hoa Kỳ nắm được để có thế mạnh trong biến cố này, chính là mối quan hệ mật thiết của Washington với nhiều lãnh đạo hiện nay trong hàng ngũ quân đội Ai Cập.
Tuy nhiên, cũng theo Le Figaro, cuộc chơi này không phải là không mạo hiểm, bởi các động cơ hành động thực sự của quân đội, còn chưa được thể hiện rõ ràng. Giới quân sự chưa chắc đã ủng hộ quá trình dân chủ hóa, và các chế độ độc đoán lại thường có khả năng tồn tại rất dai dẳng. Le Figaro cũng nhắc lại lời của cựu giám đốc CIA đưa ra hôm qua, « các cuộc cách mạng có thể ăn thịt chính những đứa con đẻ của mình », để nhắc lại các kinh nghiệm lịch sử đau đớn trong các cuộc cách mạng Pháp, Nga và Iran.
Theo nhật báo L’Humanité có bài nhận định về vai trò của Quân đội Ai Cập, hiện tại quân đội Ai Cập do tướng Mohamed Hussein Tantaoui, kiêm Phó Thủ tướng nắm giữ, bao gồm 470.000 quân nhân tại ngũ mà phần đông là lính mới nhập ngũ, và 479.000 quân nhân dự bị. Sau vụ các sĩ quan tự do lật đổ vua Farouk năm 1952, các đời tổng thống Ai Cập đều xuất thân từ Quân đội. Lần này, ngay từ đầu phong trào, Quân đội đã rất thận trọng cho đến giây phút cuối cùng khi đề nghị với tổng thống các bước nhượng bộ về chính trị.
Người ta đang tự hỏi : Liệu có phải do sự chia rẽ trong hàng ngũ quân đội và áp lực từ phía Mỹ lên Bộ Tham mưu đã dẫn đến việc Quân đội gia tăng áp lực lên Moubarak ngay khi ông này tuyên bố sẽ không từ chức và chuyển quyền cho ông Omar Souleimane vào thứ năm vừa qua ? Hiện nay giữa người đứng đầu bộ phận tình báo trước đây, cựu quân nhân và các quân nhân hiện tại có mối liên hệ gì ? Người ta có thể trong đợi những đổi mới gì ở Ai Cập ? Vai trò của quân đội tại Ai Cập, trên thực tế, vẫn còn để ngỏ.
Thế giới Ả Rập : thêm những dấu hiệu thay đổi
Sau sự ra đi của tổng thống Ai Cập Mubarak, thêm một số tín hiệu hướng đến những thay đổi triệt để tiếp tục xuất hiện tại nhiều nước Ả Rập. « Giờ thay đổi đã đến » là tựa đề của L’Humanité nói về diễn biến mới tại Algeria. Ngày hôm nay, nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra tại thủ đô Alger và nhiều thành phố lớn, theo lời kêu gọi của tổ chức Điều phối quốc gia vì Thay đổi và Dân chủ. Chính quyền Algeria phải huy động 30.000 cảnh sát để ngăn chặn các cuộc biểu tình.
Còn tại Ả Rập Xê Út, theo Le Figaro, đảng Quốc gia Hồi giáo, một đảng chính trị đầu tiên đã ra đời. Ả Rập Xê Út là quốc gia mới chỉ tổ chức một kỳ bầu cử địa phương đầu tiên vào năm 2005.
Trong khi đó, chính quyền Iran, một quốc gia Hồi giáo khác, đã ca ngợi cuộc nổi dậy tại đất nước của sông Nil, và khuyến khích những người Ai Cập đi theo mô hình của cách mạng Hồi giáo 1979. Nhân lời tuyên bố của chính quyền và để tiếp tục bày tỏ các khát vọng tự do, đối lập Iran đã nộp đơn chính thức đề nghị cho phép tổ chức một cuộc tuần hành ủng hộ phong trào của nhân dân Ai Cập vào thứ Hai tới (14/02).
Hiện tại chính quyền Teheran chưa đưa ra quyết định chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu kể trên, nhưng nhiều nhà ly khai Iran đã bị khống chế, trong đó có ông Mehdi Karoubi, cựu Chủ tịch Quốc hội, một trong các thủ lĩnh của đối lập Iran, vừa bị đặt dưới chế độ quản chế tại gia từ hai ngày nay.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110212-mubarak-gay-ong-lai-dap-lung-ong