Nắm dao đằng lưỡi! - Dân Làm Báo

Nắm dao đằng lưỡi!

Đào Hữu Nghĩa Nhân - Hãy khôn ngoan và đừng nghĩ những tay chỉ huy quân đội và công an là thành trì cho những kẻ nghiện quyền lực trú ẩn! Quan trọng hơn cả, hãy biết rằng quyền lực thực sự nằm trong tay dân chúng. Nhà cầm quyền chỉ nắm quyền lực tạm thời...

Có lẽ khá nhiều người trong chúng ta ai cũng biết bài thơ về câu chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng". Đây là một trong số những tác phẩm thơ khá nỗi tiếng của A.S. Pushkin, một nhà văn Nga vĩ đại sống vào thế kỷ 17-18. Bài thơ có nội dung như sau:

Trong bài thơ, Pushkin kể về một ông lão đánh cá sống cùng người vợ trong một căn chòi tồi tàn. Hằng ngày, ông ra biển đánh cá. Sau ba ngày không bắt được thứ gì ngoại trừ rong rêu và rác rưởi, đến một ngày, ông bắt được một con cá vàng - vốn là một con cá thần. Con cá xin ông thả tự do và hứa sẽ thực hiện mọi điều mà ông mong muốn. Tuy nhiên, ông lão không yêu cầu bất cứ điều gì và thả cá đi.

Khi trở về, ông kể với vợ về chuyện con cá vàng. Bà rất tức giận khi lão chồng ngu ngốc chẳng xin một thứ gì từ con cá và bắt ông ra biển xin cá vàng cho một cái máng ăn mới vì cái cũ đã vỡ. Khi ông lão đi ra biển để gặp Cá vàng và xin điều mong muốn của mụ vơ. Ông nhìn thấy mặt biển sóng gợn lăn tăn, Cá vàng vui vẻ đáp ứng cho ông. Thế nhưng bà vợ quỷ quái của ông lão không hài lòng tí nào. Bà muốn cá vàng phải ngày càng đáp ứng cho bà nhiều thứ khác. Nào là một căn nhà, một lâu đài, và biến bà thành một bà hoàng. Cao điểm tham vọng không đáy của bà là muốn trở thành vua của biển cả và sai khiến cả cá vàng. Khi được rồi, bà ta trở nên ngược đãi ông lão nhưng ông lão vẫn cố chịu đựng. Trong câu chuyện thơ của Pushkin có một chi tiết cực kỳ sâu sắc. Cứ mỗi lần bà lão yêu cầu ông lão đánh cá ra biển gọi cá vàng đáp ứng tham vọng cho mụ vợ thì sóng biển cũng theo đó ngày càng dữ dội hơn. Đỉnh điểm của nó là khi bà đòi trở thành vua của biển cả, đại dương đã trở thành bão tố khủng khiếp. Và cá vàng xuất hiện đáp ứng đòi hỏi cho mụ là sự trở về con số không ban đầu. Cuốn phăng đi tất cả những gì nó đã cho mụ trước đây. Ông và bà vợ trở về hoàn cảnh nghèo khổ trước đó.

Từ câu chuyện ngụ ý tuyệt vời này ta thấy gì trong nó? Mặc dầu bài thơ này được Pushkin viết vào năm 1833 xa xăm nhưng ý nghĩa của nó vẫn vượt không gian và thời gian. Và ứng báo vào câu chuyện nay hay một cách lạ lùng!

Ngày trước câu chuyện này cũng được đưa vào sách văn học phổ thông để dạy con nít dựa trên ý nghĩa về lòng tham vô đáy của con người. Nhưng thực tế khi Pushkin viết tác phẩm này không chỉ hàm chứa có thế, mà còn hơn thế nữa. Ở đây ta có thể tạm phân tích câu chuyện tuyệt vời này theo ý nghĩa quyền lực chính trị của nó với sự tương tác của sóng biển lòng dân.

Mụ vợ của ông lão đánh cá là đại diện cho ý chí một cuộc cách mạng quyền lực. Ông lão đánh cá là lý thuyết quyền lực mà bà lão này lợi dụng để tiến hành cuộc cách mạng chính danh (có thể tạm hiểu như truyết thuyết Mác-Lê). Con cá vàng chính là thứ quyền lực bà đã sở đắc được khi tiến hành thành công cuộc cách mạng(cuộc cách mạng vô sản cuớp chính quyền thành công từ các nước nghèo nàn và lạc hậu). Biển cả ở đây là đại diện cho sự chịu đựng của lòng dân!(sự giận dữ của dân chúng trong thể chế độc tài)

Từng quốc gia từ dân chủ, quân chủ rồi cho đến các nước độc tài thể chế đều có ngành lịch sử học. Vấn đề quan trọng là ở chổ, nhân loại học được gì từ bài học lịch sử của quá khứ? Phải chăng cái mà chúng ta học là lòng hận thù và ca ngợi những thành tích trong quá khứ do chính chúng ta dựng nên và che dấu đi những tội ác mà do chính ta gây ra trong quá khứ? Chúng ta có bao giờ học được bài học đẫm máu, đã từng ghi lại trong quá khứ, cũng như trong hiện tại nhãn tiền Tunisia, Ai Cập,... về sự sụp đổ của các chế độ độc tài toàn trị hay không? Lịch sử đã chứng minh không có chế độ độc tài nào tồn tại mà không bị lật đổ bởi sóng cả nỗi giận của quần chúng. Có điều là sớm hay muộn mà thôi. Điều đáng ghê sợ là nếu một chế độ độc tài quá lâu thì tội ác, nợ máu càng chất chồng. Kéo đến sự giận dữ của quần chúng càng khủng khiếp, nguy cơ trở về cái máng lợn sứt khả dĩ hơn lúc nào hết!

Trong câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng là một minh chứng sống động về tham vọng quyền lực ngụ ý của mụ vợ. Khi bà ta phát hiện quyền lực tuyệt đối mà bà ta sở đắc thông qua lão chồng già tội nghiệp là con cá vàng. Nó giống như khi ta có quyền lực trong tay. Ta không bao giờ dừng lại việc ngày càng mưu cầu sâu hơn về quyền lực. Bởi ta phát hiện rằng sự đam mê quyền lực nó quyến rũ ta thỏa mãn những tham vọng không đáy. Càng mưu cầu quyền lực tuyệt đối nhiều chừng nào, chúng ta càng thúc đẩy sự giận dữ của "sóng cả" lòng dân!

Ở phần cuối câu truyện là đoạn tả mụ vợ tối mắt về quyền lực. Tức là khi đã nắm quyền lực trong tay mụ muốn trở thành vị vua độc tài và cai trị biển cả. Mụ muốn con cá vàng quyền lực phải phục tùng một cách tuyệt đối cho tham vọng của bà. Tiếc thay sự đời không đơn giản như những kẻ nghiện quyền lực nghĩ. Quyền lực đó tức là sức mạnh và ý chí của lòng dân. Có thể các nhà độc tài hôm nay cậy nhờ quyền lực của công an và quân đội như là một công cụ đảm bảo cho kẻ thống trị quyền lực tồn tại. Mà hiện tại như ta đã thấy, đó là trả lương cho các sỹ quan quân đội, công an bằng những món tiền hậu hĩnh, béo bở. Làm ngơ cho việc ăn hối lộ, tham nhũng kéo dài. Phúc lợi và an sinh xã hội vượt trội các tầng lớp lao động khác, như ưu đãi về nhà cửa, bệnh viện riêng, làm kinh tế bằng vốn và ngân sách quốc gia không cần biết lỗ lãi thế nào. Lựa chọn những phần tử tuyệt đối trung thành với chế độ, cha truyền con nối,...

Tham vọng quyền lực không kiểm soát chỉ tồn tại ở một nhóm nhỏ nhất định nào đó mà thôi! Và liệu nhóm nhỏ này có đủ sức cưỡng lại sức mạnh giận dữ của sóng thần? Một khi điều ấy đến trong một tương lai không xa, quả thật là điều đáng tiếc! Hãy để những lâu đài, một mệnh phụ quí phái tồn tại hơn là một mụ già nghèo khổ trở về với túp lều, bên khung cửi và chiếc máng lợn sứt của thuở nào.

Hãy khôn ngoan và đừng nghĩ những tay chỉ huy quân đội và công an là thành trì cho những kẻ nghiện quyền lực trú ẩn! Quan trọng hơn cả, hãy biết rằng quyền lực thực sự nằm trong tay dân chúng. Nhà cầm quyền chỉ nắm quyền lực tạm thời, tức đang nắm đằng lưỡi của con dao quyền lực. Còn cái cán dao quyền lực thực sự hiện và luôn luôn nằm trong tay dân. Đừng để họ không có chọn lựa nào khác là rút lại con dao quyền lực! Điều rùng rợn là vì quá tham lam nên ta nắm lưỡi dao hơi bị chắc, nên lực rút của dân cũng sẽ mạnh tương ứng. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra?

Người ta là cuộc cách mạng hoa nhài còn ta biết đâu là cuộc cách mạng hoa sen?

Đào Hữu Nghĩa Nhân

http://nghianhan.multiply.com/journal/item/203/203



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo