Ngư dân mất tích ở Hoàng Sa: Ngư dân cần, quan chưa vội? - Dân Làm Báo

Ngư dân mất tích ở Hoàng Sa: Ngư dân cần, quan chưa vội?

Thay vì cần có những biện pháp chủ động và kịp thời thì cách thức xử lý của chính quyền là... báo cáo. Cấp dưới báo cáo lên cấp trên, cấp trên lại báo cáo, đề nghị lên cấp cao hơn. Ngư dân thì vẫn biệt vô âm tín....

SGTT.VN - Tính đến ngày 21.2.2011, tàu cá mang biển kiểm soát QNg-66192 TS do anh Lê Minh Tân (47 tuổi, ở xã An Vĩnh, Huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng mất tích gần hai tháng ở vùng biển Hoàng Sa.

Theo lời kể của chị Ngô Thị Việt, vợ anh Tân, thì con tàu này cùng anh Tân (thuyền trưởng) và 5 ngư dân khác rời đảo Lý Sơn thẳng tiến về hướng đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 18.12.2010. Lương thực trên tàu gồm 100kg gạo, chỉ đủ cho 6 người ăn trong vòng một tháng. Thế nhưng đến ngày 23.01.2011, tức là hơn một tháng kể từ ngày xuất bến, tàu của anh Tân đã hoàn toàn mất liên lạc.

Những người mẹ, người vợ các ngư dân mất tích ở Hoàng Sa khóc trong vô vọng. Ảnh: Minh Đức

 

Theo một số thông tin được báo chí đăng tải, mãi đến ngày 20.2.2011, tức là sau 27 ngày tàu QNg-66192 mất tích, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mới có văn bản chính thức đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành hữu quan có biện pháp tìm kiếm 6 ngư dân đang bị mất liên lạc dài ngày trong quá trình hành nghề trên biển.

Về phía tỉnh Quảng Ngãi, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong ngày 21.2.2011 tỉnh Quảng Ngãi sẽ có văn bản gửi uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, cục Lãnh sự (bộ Ngoại giao) nhờ can thiệp với phía Trung Quốc tổ chức tìm kiếm.

Chiều ngày 22.2, ông Trần Bút, chủ tịch UBND xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) giải thích : “Trong cuộc họp trực báo trước tết Tân Mão, chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo huyện về tình hình mất liên lạc của 6 ngư dân đi trên tàu ông Lê Minh Tân đi hành nghề khai thác rau Câu ở đảo Bom Bay thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, huyện cũng đã chỉ đạo Đồn Biên phòng 328 ở Lý Sơn cố gắng liên lạc tàu cá các ngư dân để tìm kiếm thế nhưng không nghe thấy tin tức gì”.

Theo ông Bút, theo quan niệm cư dân vùng biển đảo Lý Sơn, ngư dân mất liên lạc sáu tháng liền mới gọi là mất tích còn hai tháng không tin tức gì thì gọi là mất liên lạc với đất liền (?!). “Do vậy, huyện mới trông chờ sự nỗ lực tìm kiếm của các ngư dân địa phương, loay hoay xác minh tàu ông Tân vì sao mất liên lạc. Đến khi, gia đình các ngư dân gửi đơn cầu cứu thì huyện mới tổng hợp báo cáo tỉnh về vụ việc sáu ngư dân biệt tăm ở Hoàng Sa ”, ông Bút phân trần.

Nên nhớ rằng đây không phải là lần đầu tiên ngư dân mất liên lạc trên biển. Tuy nhiên cách thức xử lý đối với các trường hợp tàu cá của ngư dân mất tích dường như vẫn không có gì thay đổi.

Thay vì cần có những biện pháp chủ động và kịp thời thì cách thức xử lý của chính quyền là... báo cáo. Cấp dưới báo cáo lên cấp trên, cấp trên lại báo cáo, đề nghị lên cấp cao hơn. Ngư dân thì vẫn biệt vô âm tín.

Ngư dân ngày đêm bám biển, không chỉ mang nguồn cá về cho đất liền, mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, sự sung túc cho xã hội mà họ còn là những người đang âm thầm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc ngoài xa khơi. Do đó, hơn ai hết, họ cần được quan tâm đúng mức và cần được bảo vệ, cứu giúp kịp thời mỗi khi có sự cố nào đó xảy ra.

TRẦN MINH QUÂN- Minh Đức

http://sgtt.vn/Thoi-su/137543/Ngu-dan-mat-tich-o-Hoang-Sa-Ngu-dan-can-quan-chua-voi.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo