Ai sẽ “Nổi dậy”?
Thanh Huynh (Viet Nam) - bạn đọc Dân Làm Báo
Rõ ràng lực lượng quan trọng nhất vẫn là nhân dân, tức số đông. Họ đã sẵn sàng chưa?
Ở miền Nam, đa số người dân đều chỉ quan tâm tới chuyện chén cơm hàng ngày. Họ tỏ ra thờ ơ với những bất công cực lớn mà nguyên nhân của nó nằm ở đâu đó xa lắc xa lơ, bởi những ảnh hưởng của nó tới cuộc sống hiện tại còn khó cho những người bình thường nhìn thấy.
Thêm nữa, một cái mới hoàn hảo hơn sẽ thay thế cái cũ sau nổi dậy (nếu có) cũng chưa được định hình rõ trong nhận thức của họ. Vậy nên họ đã chọn giải pháp an phận như nhân vật AQ của Lỗ Tấn. Với chiến lược giáo dục một chiều và chính sách kiểm soát thông tin ở Việt Nam hiện nay, tình trạng này chưa thể sớm cải thiện được.
Còn với đa số người miền Bắc, họ sẵn sàng chửi tới ông tổ thằng nào tham nhũng cho dù thằng đó đang ngồi ghế Ngọc hoàng, nhưng chỉ là chửi trong … quán nước vỉa hè! Nếu bị công an hỏi thì họ sẽ sẵn sang chối “… em có nói gì đâu” với vẻ rất hồn nhiên. Sau đó họ lại chửi, chửi hăng như Chí Phèo. Rồi … hết!
Với lực lượng như vậy, trước mắt, thật khó hy vọng có được một cuộc nổi dậy với quy mô đủ lớn và đủ dài để dẫn tới sự thành công nào đó. Nếu có thì chỉ ở quy mô nhỏ như đã có ở những năm gần đây. Trong khi đó, đảng CSVN đã không ít lần chứng tỏ sử “tài tình” của họ bằng cái cách “đổi mới vừa đủ để tiếp tục tồn tại”. Tất nhiên điều này không thể che mắt được những trí thức, nhưng vẫn có hiệu quả trong việc duy trì cái số đông AQ và Chí Phèo!
Liệu có đàn áp?
Để dự đoán vấn đề này, không thể quên tầm ảnh hưởng của Trung quốc tới Việt Nam hiện nay.
Chắc chắn Trung quốc không muốn Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ thân Mỹ và phương Tây.
Nếu có nổi dậy, chắc chắn Trung quốc sẽ muốn Việt Nam phải đàn áp đẫm máu để vừa ngăn cản sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ, vừa làm giảm nhẹ hình ảnh xấu xa mà họ đã gây ra tại Thiên An Môn trước đây.
Trong khi đó, hình như vẫn có những nhân vật thân Trung quốc đang nằm trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam. Họ có thế lực không nhỏ và tay chân riêng của mình trong đảng, chính quyền, quốc hội, quân đội, công an… Nhiều khả năng họ sẽ hành động theo ý Trung quốc bởi họ có quyền lợi cá nhân trong đó. Họ còn có một đặc điểm “tài tình” nữa mà hình như các vị trí thức tham gia buổi tọa đàm này đã quên, đó là khả năng hành động đầy thủ đoạn. Mà thủ đoạn thì thường là không có giới hạn. Thí dụ, có một đơn vị công an nào đó, theo lệnh của một cá nhân lãnh đạo thân Trung quốc nào đó, mặc giả quân phục quân đội, nổ sung vào đám đông biểu tình…! Thật khó lường được sự việc sẽ dẫn tới đâu?!
Bởi vậy, theo tôi, khả năng đàn áp và đổ máu là hoàn toàn có.
Tiếp theo là gì?
Nếu tôi là lãnh đạo Trung quốc, khi Việt Nam có biểu tình, đàn áp đổ máu, tôi sẽ cho quân tràn qua biên giới với hàng đoàn xe tăng có cắm cờ … gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Song song đó, một tay tôi cầm sẵn cái quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an LHQ, một tay cầm cây bút sẵn sàng ký vào sắc lệnh buộc dân Trung quốc mỗi tuần mỗi người phải uống một lon coca cola nếu Hoa Kỳ làm lơ cho họ. Ai biết lúc đó máu những người tham gia nổi dậy (chắc toàn là nhân dân trong nước) sẽ ngập tới đâu?! Con cháu ruột thịt của họ mà họ còn cán bằng bánh xích xe tăng thì dân mình có là cái thá gì với họ! Vậy là chúng ta mất luôn cái đất nước mất dân chủ này.
Lời cuối
Xã hội dân chủ là mục tiêu mà dứt khoát dân tộc Việt Nam phải đạt được, thậm chí phải đạt được càng sớm càng tốt. Nhưng bằng cách nào để cái giá phải trả là nhỏ nhất? Đây mới là câu hỏi thực sư hóc búa.