Tạp ghi Huy Phương - Vào tối Thứ Sáu 11 tháng 2 năm 2011, sau khi được tin Tổng Thống Hosni Mubarak từ chức, hằng trăm nghìn người dân Ai Cập đã xuống đường, chen chân tại trên quảng trường Tahrir của thủ đô Cairo, ăn mừng, đốt pháo bông và reo hò, đánh trống hay ca hát trong niềm vui tràn ngập.
Nhiều người dân ràn rụa nước mắt, đã quỳ xuống hôn lên mặt đất, cầu nguyện và tri ân đất nước của họ đã được tự do, đồng loạt hô lớn khẩu hiệu: “Ai Cập tự do! Ai Cập tự do!” Ðài CNN đã dùng danh từ “Cánh Mạng” để mô tả diễn biến này.
Sau 18 ngày tranh đấu ôn hòa và sau khi quân đội đứng về phía dân chúng, tổng thống độc tài cai trị Ai Cập 29 năm dài đã phải ra đi. Hình ảnh dân chúng ôm hôn những người lính, leo lên chiến xa, phất quốc kỳ và nhiều gia đình đã kéo đến chụp ảnh trước các xe tăng với những quân nhân, đã làm cho mọi người xúc động trong ý nghĩ quân đội từ dân mà ra, phải bảo vệ dân. Chế độ độc tài nào cuối cùng cũng phải kết thúc, khác nhau ở chỗ bằng máu hay bằng đường lối ôn hòa mà thôi.
Chúng ta hơn một triệu người đã bỏ nước ra đi, trước cảnh tượng hằng trăm nghìn người xuống đường chống cường quyền, độc tài, tham nhũng ở Tunisie hay ở Ai Cập, chúng ta không khỏi liên tưởng đến hoàn cảnh đất nước của chúng ta, từ đó, trong đắng cay chúng ta đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả ông cha để phiêu bạt tứ xứ, chân trời góc bể trên khắp năm châu.
Hosni Mubarak cai trị Ai Cập trong thời gian 29 năm, trong khi ở Việt Nam, Cộng Sản đã cai trị đất nước 36 năm. Mubarak là cá nhân, tại Việt Nam tuy có nhiều nhân vật thay phiên nhau cầm quyền nhưng cũng chỉ là một người đứng sau, đó là đảng Cộng Sản. Tờ Guardian ở Anh dẫn lời các chuyên gia về Trung Ðông cho biết, theo phân tích của họ, Hosni Mubarak cùng gia đình có tài sản lên tới 43.5 tỷ bảng Anh (70 tỷ US dollars). Tài sản này bao gồm tiền gởi trong các ngân hàng Anh và Thụy Sĩ cùng rất nhiều bất động sản ở London, New York, Los Angeles cũng như các khu du lịch có giá trị dọc theo bờ biển Hồng Hải. Căn cứ theo các tài liệu về gia sản của của cán bộ cao cấp đang cầm quyền, số tài sản của Bộ Chính Trị và trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam cộng lại, không thua tài sản của Mubarak. Chế độ của Mubarak ở Ai Cập là chế độ cảnh sát trị thì chế độ CS Việt Nam là chế độ công an trị, chúng ta đã thấy công an đầy đủ quyền lực và trấn áp người dân như thế nào.
Người ta đã viết về đất nước Ai Cập: “Tình trạng bất công, tham nhũng, lạm dụng chức quyền của những thành phần đảng viên đảng cầm quyền, là sự kiện phổ biến ở tất cả mọi chế độ độc đảng. Thiếu nền tảng dân chủ, đường lối phát triển kinh tế thị trường chỉ tạo cơ hội thuận lợi cho một giới ưu đãi thụ hưởng đặc quyền đặc lợi tới một tầm mức quá đáng trong khi cuộc sống của đại đa số quần chúng không được cải thiện bao nhiêu.” Hay qua tin tức qua báo chí: “Ðất nước Ai Cập dưới chế độ Hosni Mubarak từ lâu nay vẫn được coi là nơi mà tiền bạc mua được quyền lực chính trị và quyền lực chính trị đem đến giàu sang. Tuy khó có thể chứng minh được tất cả những điều này, người dân Ai Cập nhìn thấy sự trỗi vượt lên của thành phần giàu có, đều tin rằng tình trạng mánh mung, chia chác và tham nhũng tràn lan khắp nước.” (1) Ðọc đoạn văn này, mà không nói rõ là nói về đất nước Ai Cập từ 29 năm nay, thì bạn sẽ tưởng là một bài nói về đất nước Việt Nam hiện nay. Khi biết là nói về Ai Cập rồi thì các bạn sẽ có ngay một sự liên tưởng mạnh mẽ.
Tuổi trẻ ở Tunisie và Algérie đã quả cảm dấn thân vào các cuộc nổi dậy để đòi cải thiện quyền sống cũng như quần chúng Ai Cập đã nổi lửa tranh đấu độc tài, tham nhũng và đã thành công. Chừng nào thì chuyện này xảy ra ở Việt Nam?
Tôi không phải là nhà viết bình luận thời sự và không dám đặt câu hỏi này. Tuổi trẻ Việt Nam đang lo kiếm sống, Quân đội Việt Cộng đang có nhiều quyền lợi về thương mãi và chiếm cứ những vùng đất béo bở từ Nam ra Bắc, ở Việt Nam bây giờ chỉ có cá nhân tranh đấu đơn độc mà không có tập thể, quần chúng thì bươn chải kiếm miếng ăn và mang nỗi sợ thâm căn từ nửa thế kỷ nay. Trung Cộng đã bỏ mất cơ hội vào năm 1989, vì quân đội do đảng nắm và những chế độ Cộng Sản sẽ thẳng tay đàn áp đẫm máu không khoan nhượng những cuộc nổi dậy. Tố Hữu đã viết về tiếng kẻng của nhà tù thực dân, nhưng giờ đây chính là những gì xảy ra dưới chế độ Cộng Sản: “Kẻng dọa: Nằm yên.
Phải cúi đầu khuất phục. Ðây thành lao cửa ngục. Ðây xiềng xích, gông cùm. Ðây mũi súng, làn gươm. Chết, nếu mi đòi sống”.
Tuy vậy sáng nay ở trên đất Mỹ, tôi muốn có quyền lực gì để đánh thức cả tuổi trẻ và dân tộc Việt Nam dậy, vì giờ này bên Việt Nam còn đang là đêm. Ðêm Ai Cập đang rực sáng vì lửa đấu tranh, đêm Saigon cũng sáng lắm vì ánh đèn vũ trường. Tôi muốn gõ cửa từng ngôi nhà, bật sáng màn ảnh truyền hình cho mọi người chứng kiến giờ phút lịch sử của Ai Cập. Tôi muốn nói với các cụ già sống lưu vong đã ba mươi sáu năm nay ngoài tổ quốc, hãy đừng vội chết, đợi để còn được vui với con cháu một ngày sẽ đến. Và “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” (TCS), các bạn ngậm ngùi nỗi nhớ quê hương, ba nươi sáu năm chưa phải là một thời gian dài để chôn hết hy vọng của một đời người.
Phải, rồi sẽ có một ngày:
“Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cờ, vất cùm, vất Ðảng,
Ðội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng
Oan khiên...!
(Thơ Nguyễn chí Thiện-1971)
Chú thích:
(1) Hà Tường Cát/Người Việt
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126962&z=97&utm_...