Tình yêu thời bão giá - Dân Làm Báo

Tình yêu thời bão giá

Đoan Trang - Mỗi lần giành trả tiền với người yêu, y cố lấy vẻ mặt hào hứng hoặc tệ nhất cũng là lạnh lùng bình thản. Nhưng trong lòng y xót, y đau, và nhất là y buồn, y nhớ. Vốn người hoài cổ, y nhớ tiếc cái thời cấp ba của y, với mối tình đầu. Đó là đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời ấy hình như cái gì cũng ngon hơn, rẻ hơn. Phở 3.000 đồng/bát. Bánh mì patê 2.000 đồng/cái, bánh mì không nhân 1.000 đồng. Với 10.000 đồng thầy u chu cấp, y và tình nhân đầu tiên có thể lang thang đi chơi khắp Hà Nội cả ngày mà vẫn no đủ. Thời ấy nay còn đâu?...

*

Y mới có người yêu. Cô ta xinh hay xấu, lành hay ác, tuổi tác ít hay nhiều, làm nghề ngồi một chỗ hay chạy loạn ngoài đường, là mối tình thứ mấy của y… chuyện ấy chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói là y có tình duyên mới đúng vào lúc cả nước đang rơi vào vòng xoáy điên cuồng của một cơn bão mạnh cấp 11, giật trên cấp 12: bão giá.

Trời hại y, con tim đang vui trở lại, lòng dạt dào muốn yêu, thì bão giá nổ ra. Hàng hóa gì cũng tăng giá, trừ hàng hóa sức lao động của y. Lẽ thường, với một người nghèo, chi tiêu sẽ dồn vào ăn là chính. Điều này đúng cho cả một gia đình lẫn một đất nước: Nhà nghèo tốn tiền ăn phần nhiều chứ mấy nhà tốn vào tiền mua vé xem phim với xem thi hoa hậu. Đứng trên tầm vĩ mô mà nói, khi đất nước nghèo, chi tiêu của dân chúng đổ hầu hết vào ăn uống, còn chuyện làm đẹp, giải trí, giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần… phải để sau, cứ theo thứ tự ấy mà ưu tiên.

Y cũng thế. Dạo trước bão giá, sau khi bán hàng hóa sức lao động của mình, y có thể dùng tiền ấy để ăn uống, tậu thiết bị cho con laptop cưng, mua giày, cắt tóc, mua sách báo truyện đọc cho dễ ngủ mỗi đêm. Từ khi bão giá nổ ra, y chẳng còn mua được gì, suốt ngày chỉ thấy lo ăn. Đã thế lại đèo bòng thêm một cô người yêu đúng vào lúc này, quả là trong cái may có cái rủi.

Chẳng hiểu người khác yêu đương thế nào chứ với y, mối tình nào cũng làm y lõm về tài chính. Y quan niệm: làm thằng đàn ông đi ăn uống với phụ nữ dứt khoát là phải trả tiền. “Bất khả tri” thì được chứ “bất khả chi” là một điều không thể chấp nhận. (Chính cái ý nghĩ nặng nề ấy giết chết y, chứ thật ra cô người yêu kể cũng thuộc dạng biết điều, cô ta muốn chung lưng chia sẻ tiền ăn uống với tình nhân lắm. Khổ là cứ mỗi khi cô ta toan rút ví thì đều bị y lấy cái lưng to cồ cộ chặn lại, đứng chắn giữa cô ta và người bán hàng).

Mà giá cái gì cũng tăng chóng mặt, giời ơi. Xưa một ly trà Lipton có 5.000 đồng mà bây giờ lên 12.000. Xưa vé xem phim Vincom có 55.000 đồng/ người, giờ vọt lên 70.000 đồng, thêm tiền vé gửi xe bị tương lên 10.000. Mỗi lần giành trả tiền với người yêu, y cố lấy vẻ mặt hào hứng hoặc tệ nhất cũng là lạnh lùng bình thản. Nhưng trong lòng y xót, y đau, và nhất là y buồn, y nhớ. Vốn người hoài cổ, y nhớ tiếc cái thời cấp ba của y, với mối tình đầu. Đó là đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời ấy hình như cái gì cũng ngon hơn, rẻ hơn. Phở 3.000 đồng/bát. Bánh mì patê 2.000 đồng/cái, bánh mì không nhân 1.000 đồng. Với 10.000 đồng thầy u chu cấp, y và tình nhân đầu tiên có thể lang thang đi chơi khắp Hà Nội cả ngày mà vẫn no đủ. Thời ấy nay còn đâu?

Rồi miên man nhớ cái thời ấy, y lại nhớ đến mối tình đầu của y, thầm chép miệng: “Sao hồi xưa mình trong sáng thế nhỉ?...”. Cô người yêu đi bên cạnh chẳng hiểu quái gì, nhìn y âu yếm. Y cũng nhìn cô âu yếm không kém.

Các nhà kinh tế phân tích tình hình sao đó, y không nhớ, nhưng đại ý là thế này: “Thị trường nó lạ lắm nhé, nó tự điều chỉnh được hết. Khi nào lạm phát xảy ra thì dân chúng sẽ tự biết cách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu cá nhân đi. Mà nói thật ra lạm phát đây là do dân ta ăn tiêu xa hoa quá đấy, bây giờ phải nhịn miệng đi là đúng rồi, còn cãi gì?”

Y vốn dân kỹ thuật, chẳng hiểu gì về kinh tế - cái môn khoa học mà y không biết là nên xếp vào xã hội hay tự nhiên, văn hay toán nữa. Nhưng y nghe mang máng thế thì cũng tự hiểu: Phải biết tiết kiệm chi tiêu. Trong lúc hàng hóa sức lao động của y không lên giá, mà lại vẫn phải đảm bảo “khả chi” mỗi lần đi ăn đi uống với bồ, thì y chỉ còn cách nhịn ăn tiêu ở những chỗ khác. Giống như giáo Thứ của cụ Nam Cao khi xưa, nay y tự bảo y rằng: Y sẽ bỏ cái lệ 10.000 phở mỗi sáng đi. Y sẽ tự cắt tóc để khỏi phải ra hàng. Y sẽ ít đú với bọn thằng X thằng Z để tránh những lúc hứng ăn hàng hay uống nước (trà) chanh. Tất cả những món tiền ấy, góp lại chẳng đủ cho y và bạn gái đi chơi, uống nước cả tuần đó ư?

5/6/2008

* * *

Cập nhật lại số liệu, gần hai năm sau ngày tôi viết bài “nhảm văn” ở trên, lại cũng xoay quanh chuyện ăn uống: Trà Lipton 5000 đồng/cốc (ly) trước khủng hoảng kinh tế, vọt lên 12.000 đồng năm 2008, và giờ đã tăng tới 30.000 đồng là mức trung bình. Nếu bỏ lệ phở sáng thì nhân vật được gọi là “y” trong bài sẽ tiết kiệm không phải 10.000 đồng/ngày nữa mà là 30.000 đồng.

Dân Việt Nam ngày trước có một nét văn hóa rất đẹp là khi đi ăn nhậu, bao giờ cũng đánh nhau để trả tiền. Ba năm trở lại đây trong cơn bĩ cực lạm phát, tôi để ý thấy truyền thống đó đã dịch chuyển thành khuynh hướng “campuchia” – chúng ta cùng chia sẻ tổng thiệt hại. Đơn giản vì không ai, với thu nhập từ mức trung lưu trở xuống, còn đủ sức làm hào kiệt nữa. Thế là một nét văn hóa dân tộc đang có nguy cơ biến mất. Chà…

http://trangridiculous.blogspot.com/2011/02/tinh-yeu-thoi-bao-gia.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo