Mẹ Nấm - Tôi đang cầm trên tay quyển sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, chịu trách nhiệm xuất bản là Bộ giáo dục và đào tạo.
Trong phần 2 của quyển sách nói về các giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000.
Chương V – Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2000
Ở bài 25 : Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976 – 1986) – (Trang 203)
Có một đoạn ngay trang 207 viết thế này:
- Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như : cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.
Nhưng trong sách Bài tập Lịch sử lớp 12 – bài 25 – trang 132 – ở phần các câu hỏi trắc nghiệm được xem như là một phần bài học rút gọn buộc phải nhớ ý chính thì tuyệt nhiên không có dòng nào nói đến cuộc chiến tranh này.
Thế là thế nào?
Câu trả lời tôi muốn dành cho những người đọc entry này tự suy nghĩ.
Với tôi, cuộc chiến ngày 17/02/1979 ở biên giới phía Bắc, là một cuộc chiến chống quân xâm lược Bắc Kinh, và người phát động cuộc chiến đó bất kể là ai, vì nguyên nhân, lý do gì thì cũng chỉ thể hiện bản chất bành trướng và xâm lược, cũng như dã tâm luôn muốn nuốt trọn lấy Việt Nam của Bắc Kinh là có thật.
Vậy thì tại sao người ta lại né tránh gọi đúng tên của kẻ xâm lược bằng cách chọn cho nó danh từ “đồng chí”???
Tối hôm qua trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, hoàn toàn không hề có một thông tin hay hình ảnh nào về cuộc chiến 17/02/1979 được nhắc nhớ.
Họ quên hay họ hèn?
Tôi vẫn sẽ lại không trả lời câu hỏi này, chỉ xin trích dưới đây một đoạn ngắn suy nghĩ của một người lính đã sống qua giai đoạn lịch sử này:
Gắng xem hết chương trình thời sự tối nay(1 thói quen mà tôi đã từ bỏ bấy lâu).Cảm giác buồn,thất vọng! Không một lời nói, không một hình ảnh của cuộc chiến chống quân xâm lược Bắc Kinh xẩy ra vào rạng sáng 17/2/1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Họ quên chăng? chắc chắn là không bởi ngày chết của Lê-Nin họ còn nhớ!
Cay đắng làm sao bởi tôi biết họ không quên nhưng họ hèn.
Dân ta sẽ còn khổ dài dài với nhóm lợi ích hèn và bạc nhược này.
Xin được thắp một nén nhang cho những người đồng đội của tôi, những người dân vô tội đã ngã xuống trong cuộc chiến chống quân bành trướng Bắc Kinh.
Linh hồn của các anh sẽ sống mãi!
(Trích từ Facebook của Gã Đầu Bạc : http://www.facebook.com/notes/ga-dau-bac/ngay-nay-32-nam-truoc/164510533600273)
Lịch sử, quá khứ có thể đau thương hay tủi nhục của một quốc gia, dân tộc hay một cá nhân, vấn đề đủ dũng cảm nhìn nó khách quan từ góc chủ quan, vậy là không thể nói Hèn. Còn ngược lại, chắc ko cần giải thích!
Lịch sử được viết nên bởi những kẻ chiến thắng, điều đó có thể đúng, hoặc có thể sai. Nó không quan trọng bằng việc lịch sử được viết lại như thế nào, để nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên biết trân trọng và gìn giữ, xem lịch sử như hành trang, như thuốc thử cho bất cứ hành động hay tư duy cho tương lai.
Tính nhân bản của lịch sử là như thế, vì vậy xin đừng bẻ cong hay uốn nắn lịch sử, để buộc cả dân tộc này phải đớn hèn.
———
Copy một bài thơ từ Facebook của bạn Ho Huy:
Yêu hoà bình có nghĩa là im lặng???
Người ta không muốn nhắc
Chuyện máu thắm hoa đào trên biên cương phía Bắc
Cách nay tròn ba mươi năm …
Ba mươi năm,
Lịch sử để trắng nhiều trang
Nhưng lòng người không thể !
Những khẩu pháo của Pháp
Những chiếc xe tăng Mỹ
Bao nhiêu năm rồi vẫn còn bày ở nhà bảo tàng
Những người lính Điện Biên Trường Sơn
vẫn luôn được tưởng tiếc khói nhang
Ngày 27-7 hàng năm trang báo nào cũng nhắc
Sao những người lính đã nằm lại trên núi rừng phía Bắc
Ba mươi năm trước
Kỷ niệm 30 năm
không ai nói chi dù chỉ một dòng?
Sao không mang xác những chiếc xe tăng Bát Nhất
Bị bắn cháy vào mùa xuân năm Một Chín Bảy Chín
Mang những tấm hình tan nát Đồng Đăng Lạng Sơn
Tượng nàng Tô Thị sập
Ảnh những bà con ta bị chúng giết
Vào trong bảo tàng
Không phải để hận thù mà để nhắc
Đừng quên!
Chẳng người dân nào muốn chiến tranh.
“Bởi nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”(*)
Không muốn chiến tranh không có nghĩa là sợ hãi
Là lặng im mũ ni che tai
Là quên đi xương máu bao người
Bốn ngàn năm chưa hề chùn bước
Đừng quên
Vó ngựa Nguyên Mông ngang dọc khắp Á Âu
đã gục ngã trước lời thề Sát Thát.
(Nhưng đất nước ơi
Có Trần Quốc Tuấn và cũng có Trần Ích Tắc.)
Nếu yêu hòa bình xin hãy đừng sợ hãi
Bởi sự đớn hèn mới sinh ra chiến tranh!
Hãy nhắc lại
ba mươi năm
để không thẹn với tiền nhân
Để nói với cháu con mình
Cháu con mình nói với đời sau nữa
Bốn ngàn năm lịch sử
và nhiều lần bốn ngàn năm nữa
Đừng quên!
Đừng quên!
Đừng quên!
_____________
(*) Thơ Nguyễn Duy
p.s : Mượn bài thơ của anh Lê Đức Dục viết cách đây 2 năm (17/2/2009), post lại để nhắc mình, không quên và không im lặng
http://menam0.multiply.com/journal/item/441/441