Trọng Thành (RFI) - Le Monde hôm nay chú ý đến những tin tức bên lề vụ Bộ trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) bị cách chức hồi đầu tháng 2. Ông cũng là người đứng đầu dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng kể từ năm 2003. Sự kiện này cho thấy xu thế phát triển ào ạt hệ thống đường sắt cao tốc đang bị đặt thành vấn đề.
Nhân viên lái tàu cao tốc trên tuyến Vũ Hán – Quảng Châu (Reuters)
Ngày 12/02/2011 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc đã có kết luận về việc nguyên Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân bị nghi ngờ là “phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Theo tuần báo trên mạng Economic Observer, dẫn một nguồn tin ẩn danh, có quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân đã bị đặt dưới sự theo dõi đặc biệt từ năm 2010. Người kiến thiết dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã bị tình nghi dính líu đến việc « phân bổ thầu » trong quá trình phát triển của mạng lưới đường sắt khổng lồ của Trung Quốc với 110 000 cây số, trong đó có 13 000 cây số đường cao tốc, dự kiến được thực hiện vào năm 2012.
Hiện tại, cơ quan an ninh đang tiến hành điều tra hai doanh nghiệp liên quan. Doanh nghiệp thứ nhất là một tập đoàn hoạt động trong ngành vận tải than và lắp đặt trang thiết bị tại các ga. Tập đoàn này, nhờ các quan hệ mờ ám, mà nhận được các hợp đồng cung cấp các tấm cách ly dọc các đường sắt cao tốc nối liền Vũ Hán và Quảng Châu. Vụ thứ hai liên quan đến một cựu giám đốc một công ty vận tải đường sắt, nguyên thư ký văn phòng đường sắt Bắc Kinh cho đến năm 2007.
Như vậy, ông Lưu Chí Quân là nhân vật chính trị cao cấp nhất tại Trung Quốc bị hạ bệ vì tham nhũng, kể từ vụ Bí thư Thượng Hải bị bắt năm 2006. Người kế nhiệm Bộ trưởng Đường sắt đã cam đoan rằng các kế hoạch phát triển đường sắt sẽ vẫn được tiếp tục, nhưng phải bảo đảm được an toàn, chất lượng và hiệu quả xây dựng.
Tuy nhiên, cơn sốt đường cao tốc, được siêu kế hoạch chấn hưng kinh tế năm 2008 tạo điều kiện, kể từ một vài tháng nay, đã trở thành đối tượng của nhiều tranh luận. Mùa thu năm ngoái, một nhóm các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã gửi một báo cáo đến Chính phủ Trung Quốc để đả phá chính sách ưu tiên quá mức cho « các dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ ». Trong báo cáo này, các chuyên gia đã cho thấy một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng. Đó là mức nợ lên rất cao, mà theo báo cáo của UBS Securities, nợ của Bộ Đường sắt Trung Quốc đạt đến mức khoảng 130 tỷ euro vào cuối năm 2009.
Bên cạnh vụ đường sắt cao tốc, một tố cáo khác liên quan đến chất lượng nhựa đường được sử dụng để làm các đường tàu điện ngầm tại thành phố Quảng Châu cũng được chính quyền tỉnh chú ý. Tố cáo này do một kỹ sư về hưu 68 tuổi, cựu thanh tra xây dựng, đưa lên trang blog cá nhân. Một biến cố khác là, vào ngày thứ Hai (14/02/2011) vừa qua, một báo cáo của Tòa án xử các vụ việc tài chính Trung Quốc đưa ra kết luận, theo đó 20% dự án chào thầu tại 23 công trình làm sân bay trên toàn quốc « là có vấn đề » tham nhũng.
Le Monde kết luận, các vụ việc mới đây kể trên dường như cho thấy, có một chuyển hướng tại Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, có lợi cho những người tố cáo các nhũng lạm của nhà nước Trung Quốc trong những năm gần đây. Cũng bởi, cái giá của những nhũng lạm này ngày càng trở nên không thể chịu đựng nổi.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110217-xu-the-chong-lai-cac-du-an-duong-sat-ton-kem-tai-trung-quoc