Người Buôn Gió - Người phụ nữ thứ nhất viết blog có cái tên gọi là Beo. Beo là tổng biên tập của một tờ báo trong Sài Gòn, nhưng Beo được người ta chú ý bởi Beo viết blog với giọng văn rất dân dã của dân hàng tôm, hàng cá. Blog của Beo thường để chửi bới, xúc xiểm những người đấu tranh dân chủ, nhất là những người đang yếu thế, ở trong tù hay đang bị chính quyền làm điêu đứng.
Vì thế Beo thường đóng phần comment.Beo đi đến thế giới mạng khác Lái Gió nhiều, Beo đến với thế giới mạng khi có vốn liếng là địa vị, có sự học hành, bằng cấp. Lái Gió thì đi đến thế giới mạng từ nơi bờ bụi của chợ Đồng Xuân, vốn liếng mà Lái Gió mang theo là những gì chứng kiến và trải qua ở vỉa hè, chợ búa. Đến nay Beo đường hoàng ở cái ghế tổng biên tập thì Lái Gió vẫn là cái tên ất ơ viết blog, cuộc đời như thế cũng gọi là công bằng. Có lần lâu lắm rồi, Beo bảo Lái Gió:
- Khi nào chị có tờ báo, chị gọi em và Trương Thái Du về làm cùng cho xôm.
Lái Gió cười đáp:
- Vâng, về để chị cả nó một phe, em một phe chửi nhau trên cùng tờ báo mới vui.
Từ ấy Beo không thèm nói chuyện với Lái Gió. Đúng như thơ của Vũ Cao:
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹnAi ngờ từ đó bặt tin nhau
Hôm nay có người đưa cho Lái Gió xem bài của Beo viết, Beo nói chị Dương Hà (người phụ nữ thứ hai trong entry) này cô độc phải bày trò này nọ, Beo khẳng định mười mươi là chồng chị Dương Hà có mèo mỡ mà chị Hà vẫn bênh vực. Lời khẳng định của Beo khiến Lái Gió phải gặp nhân vật bí ẩn trong vụ án Cù Huy Hà Vũ ở khách sạn Mạch Lâm, cô Hồ Lê Như Quỳnh để hỏi chuyện. Đó là người phụ nữ thứ ba trong entry này:
Hồ Lê Như Quỳnh trong ảnh lờ mờ của bên công an đưa ra, người ta chỉ thấy vóc dáng của một cô gái điệu đà. Đến giờ người trong thiên hạ còn nhiều người chưa rõ mặt Hồ Lê Như Quỳnh. Chẳng cần đợi đến Hồ Lê Như Quỳnh, cô gái mỏng mảnh, gầy gò, yếu ớt và bệnh cột sống hiểm nghèo mỗi ngày chỉ ăn một bát cơm bác bỏ chuyện có quan hệ với anh Cù Huy Hà Vũ, Lái Gió nhìn qua cũng biết chẳng có chuyện ấy, vì nếu có quan hệ tình dục với người như Hồ Lê Như Quỳnh thì chắc sẽ là tội giết người chứ không phải tội khác.
Cũng là phụ nữ, không biết vì sao Beo lại đang tâm hùa theo báo chí đã dựng câu chuyện không có thật để xát muối vào lòng hai người phụ nữ khác. Một người phụ nữ chưa chồng, hạnh phúc tương lai còn ở phía trước. Một người phụ nữ đang mòn mỏi, nháo nhác, hớt hải ngược xuôi lo lắng cho chồng ở trong tù vì lo cho nhân dân, đất nước.
Lái Gió từng có lần chứng kiến trên con đường độc đạo vào trại tù ở một nơi heo hút sát biên giới. Một người phụ nữ đang oằn người vác túi đồ tiếp tế cho chồng mình dưới ánh nắng chang chang mùa hè, con đường đất đá không một bóng cây. Có người phụ nữ nông dân vác liềm đi cắt cỏ thấy vậy hỏi chuyện chị kia, nghe thấy đi thăm chồng án 17 năm vì tội giết người. Thế nhưng chị nông dân không hề quan tâm chuyện giết ai, mà chị vác đỡ hộ đồ cho người phụ nữ thăm chồng kia vào trại không hề đòi hỏi công xá gì.
Đó là tình cảm của những người mẹ, người vợ dành cho nhau, họ lúc đó không phân biệt người này mang đồ đi cho kẻ giết người, mà họ chỉ giúp người phụ nữ là một người mẹ, người vợ đang khó khăn. Đó cũng là hình ảnh khắc sâu trong Lái Gió về chữ Người trong suốt gần 20 năm trôi qua. Đó cũng là một trong những yếu tố để Lái Gió đi qua khúc cua tăm tối nhất trong cuộc đời.
Hình ảnh của hơn 20 năm trước giữa nhưng người phụ nữ ở miền khô cằn, hẻo lánh ấy và câu chuyện của những người phụ nữ ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam làm Lái Gió trăn trở nhiều. Sao một phụ nữ có học thức, có địa vị như Beo lại nhăm nhe chọc vào vết đau của phụ nữ khác như thế ?
Phải chăng Beo ăn lương để làm vậy.?
Đó chỉ là một lý do. Có lẽ sâu xa hơn nữa để một người phụ nữ chà đạp vào nỗi đau của người phụ nữ khác là do bởi họ cô độc hơn, bất hạnh hơn. Bởi sự ích kỷ nhỏ nhen đó mà họ không vượt qua được, họ hằn học với những người phụ nữ khác được yêu thương hơn.
May thay những người phụ nữ như thế không nhiều, bởi những người phụ nữ ít học như chị nông dân kia mới thực sự là nhiều trên đất nước có nguồn gốc mẫu hệ này. Hôm nay viết những dòng này, Lái Gió xin gọi chị nông dân bằng thầy vì đã dạy cho Lái Gió bài học thấm thía về chữ Người.
Trong cánh rừng cao su ở một tỉnh phía Nam có một người đàn ông sống âm thầm trong ngôi nhà rộng lớn đầy đủ tiện nghi, đó là nhà văn Nhật Tuấn, ông dành được sự mến mộ và kính trọng của rất nhiều người qua cách sống, ứng xử và tác phẩm của mình. Ông là chồng cũ của Beo. Có lẽ không ai hiểu Beo hơn là người chồng cũ của mình, nhất là người ấy lại là một nhà văn nổi tiếng, tinh tế và có những cảm nhận sâu sắc về thời thế và con người.
Dù sao Beo cũng là một phụ nữ, một người mẹ. Lái Gió chỉ viết đến đây.
Người Buôn Gió