Hiệu Minh - Trong quá khứ, rất nhiều kẻ lạ định dạy cho Việt Nam nhưng bị dạy lại. Ngàn năm Bắc thuộc, Nguyên Mông, đã có biết bao bài học cho người dòm ngó. Những chiếc cọc trên sông Bạch Đằng nhấn chìm tầu thuyền kẻ thù tới ba lần từ thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và Lê Hoàn. Mỗi lần là một bài khác dù nó xảy ra trên chính dòng sông ấy...
*
Những gì đang xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi được nhiều người bình loạn. Mỗi người một kiểu, khen chê có, mặckệnó cũng nhiều. Có người gọi đây là một “nguồn cảm hứng” cho phong trào dân chủ.
Liệu có bài học nào cho Việt Nam sau những chấn động tại các giếng dầu, có nguy cơ cháy nổ rất cao.
Đi dạy và bị dạy lại
Trong quá khứ, rất nhiều kẻ lạ định dạy cho Việt Nam nhưng bị dạy lại. Ngàn năm Bắc thuộc, Nguyên Mông, đã có biết bao bài học cho người dòm ngó.
Những chiếc cọc trên sông Bạch Đằng nhấn chìm tầu thuyền kẻ thù tới ba lần từ thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và Lê Hoàn. Mỗi lần là một bài khác dù nó xảy ra trên chính dòng sông ấy.
Pháp với chính sách thực dân đô hộ gần 100 năm đã cuốn gói sau Điện Biên Phủ. Tướng Giáp “không sao” đã dạy cho tướng Henri Navarre “năm sao” bài học vỡ lòng về đánh lấn.
Người Nhật không trụ nổi sau khi hất cẳng Pháp. Bài học Cách mạng Tháng Tám “thời cơ chín muồi đã đến” vào thời Nhật đầu hàng Đồng Minh chắc cựu Nhật Hoàng còn nhớ.
Người Mỹ cuốn gói vì ý chí xẻ dọc Trường Sơn sau 30 năm tốn của hao người của cả hai phía. Bài học thất bại Việt Nam luôn mới trong lịch sử bất khả chiến bại của Mỹ.
Gần đây, chiến thuật “Biển người” bị biến thành sông huyết trên biên giới Việt Trung.
Ai định dạy VN bài học thì nên xem lại lịch sử quốc gia này một chút. Trông cứ tưởng ngon ăn, nhưng cứ thử xem, dễ bị dạy lại.
VN có nên học xứ người?
Có chứ, nên học, học nữa, học mãi như Lê Nin từng nói. Học không bao giờ muộn. Dân mình thích tự mày mò, tự học và coi đó là “những hun đúc từ thực tiễn cuộc sống”.
Mỹ từ “tình bạn quốc tế cao cả” đôi lúc chứa đựng ý đồ sâu xa bên trong, mà phải 30-40 năm mới hiểu hết được sự thâm thúy, tính toán của người đời về biên giới, hải đảo.
Tin vào Liên Xô, Trung Quốc, và khối XHCN, đã có lần làm ta choáng váng khi nhận ra, hôm ấy, năm ấy, đất nước mình ít còn bạn, trừ Lào, Campuchia và Cuba.
Tin vào mô hình kinh tế tập trung đã làm đất nước thụt lùi vài thập kỷ. Khối Đông Âu sụp đổ, Liên Xô biến mất, giúp ta hiểu ra, hệ thống chính trị cần phải thay đổi nếu không muốn bị diệt vong.
Độc lập tự cường không thể giúp đất nước tiến lên vì một lệnh cấm vận (embargo) tưởng chừng vô nghĩa của Mỹ kéo dài gần 20 năm (1975-1994).
Mô hình kinh tế thị trường của phương Tây đã giúp ta bài học về phát triển bằng một cách khác hẳn so với “làm chủ tập thể”. Tự điều chỉnh bằng đổi mới 1986.
Những cuộc cách mạng mang mầu “hoa” nở rộ khắp thế giới giúp hiểu về tự do, dân chủ, hội nhập và phát triển. Bởi vì ai cũng thấy, “hoa” giúp cho phần lớn các quốc gia có cách mạng “kết trái”.
Những gì xảy ra ở Trung Đông nhằm lật đổ những chế độ độc tài, chứng tỏ dân chúng không thể chịu đựng nổi sự bất công “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Sao mà giống Cách mạng tháng Tám (1945).
Không phải người theo đạo Hồi nào cũng hiểu hết về tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhưng quyền lợi bị va chạm thì biểu tình, phản kháng sẽ tự bùng phát.
Nếu xảy ra xung đột, xã hội dân chủ dễ kiểm soát hơn. Dân trí thấp thì đôi khi ngay cả tàn bạo không giữ nổi ngai vàng. Người nổi dậy chưa chắc đã biết điểm nào dừng.
Tổng thống Rumani, Nicolae Ceaușescu, bị xử bắn trong một phiên tòa Kangaroo, vì chính ông đã từng xử như thế với hàng vạn người khác.
Tit for tat (ăn miếng trả miếng) trong một xã hội phi dân chủ khó đoán được hệ lụy, xã tắc dễ lâm nguy. Đạo Hồi quá khích, Al Qaeda tử vì đạo… chen vai biểu tình cùng người tự do, bác ái, sẽ đưa quốc gia về đâu?
Dân ta khó bảo, nhưng thường biết tự điều chỉnh. Chỉ có điều tự mầy mò mất nhiều thời gian và đôi khi trả giá rất đắt.
Vài sự kiện đang làm thay đổi thế giới liệu có giúp VN một bài học khác hay tự thích nghi như đã từng làm? Các bạn thử bàn xem.
Hiệu Minh 1-3-2011.