Bức tranh đen tối về truyền thông Việt Nam - Dân Làm Báo

Bức tranh đen tối về truyền thông Việt Nam


Bridget O’Flaherty-Một luật mới về truyền thông đã vừa bị phê phán rộng khắp do nó tước bỏ thêm tự do báo chí ở Việt Nam. Nhưng tình hình còn phức tạp hơn nhiều người tưởng.

Những sự kiện xảy ra trong vài tuần vừa qua đã rọi một luồng sáng trần trụi vào tự do báo chí ở Việt Nam. Vào cuối tháng giêng, một phóng viên cho tờ Người Lao Động ở miền nam đã chết sau khi bị tẩm bằng hóa chất và thiêu sống. Cuối tháng 2, một đạo luật mới về truyền thông bắt đầu có hiệu lực, đưa ra mức xử phạt những phóng viên nào vi phạm những điều được quy định rất mơ hồ, và bắt buộc họ phải công khai nguồn tin. Và cách đây mới chỉ vài ngày, chủ bút một trang tin tức nói thẳng nói thật (ít nhất cũng là với Việt Nam) gọi là VietNamNet đã “từ chức” trong một hoàn cảnh bí ẩn, không đưa ra lý do nào cho quyết định của mình.

Những người Việt Nam ly hương thường đưa tin bài mới về tổ quốc họ thông qua Facebook, và mặc dù bị ngăn chặn, câu chuyện về Lê Hoàng Hùng vẫn lan rất nhanh – anh đã bị đốt như thế nào khi đang ngủ, bởi một kẻ lạ xâm nhập vào nhà. Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, “Người Mỹ trầm lặng” (1955), Graham Greene chế nhạo những tập đoàn báo chí của Mỹ vì sự bi quan trẻ con của họ. Giờ đây, dường như tất cả mọi người đều là những kẻ bi quan.

“Không hiểu sao tôi không nghĩ chuyện này sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới báo chí sở tại”, một người dán áp phích nói. Và đó là quan điểm của nhiều người khác. Những người ngoại quốc ở Việt Nam có xu hướng xem như tất cả báo chí ở nước này là tuyên truyền. Tuy nhiên, trong khi các trang đầu của tờ nhật báo tiếng Anh Vietnam News có thể có xu hướng chạy những dòng headline đánh giá cao việc Việt Nam thắt chặt quan hệ với Burkina Faso, chẳng hạn thế, thì có một thực tế là nhiều người cho rằng phóng viên Việt Nam kia đã bị đốt vì những bài báo điều tra của mình, thực tế ấy cho thấy bức tranh quả thật rất phức tạp.

Ngay khi tin về cái chết của ông Hùng trở thành sự kiện thời sự, những nhóm nhân quyền quốc tế đã kêu gọi tiến hành điều tra toàn diện, trong khi những người khác đề cập tới những bài báo can đảm, vạch trần tham nhũng, của ông Hùng. Tuy nhiên, vụ án còn nhiều vấn đề hơn so với vẻ bề ngoài của nó. Bà vợ của ông Hùng đã nhận tội đốt chồng như một âm mưu trả thù bất thành, sau khi ông từ chối bán nhà để trả khoản nợ đánh bạc của bà ở Campuchia, trị giá 50.000 USD.

“Gần như tất cả các nguồn tin của tôi đều không tin vụ tấn công là nhằm trả thù những hoạt động tác nghiệp của ông Hùng, ngay cả trước khi bà vợ ông ấy nhận tội” – Geoffrey Cain, một nhà nghiên cứu và phân tích truyền thông của quỹ Fulbright – cho biết. “Hùng không phải là một nhân vật nổi bật trong làng báo Việt Nam, và không phải loại người mà chắc chắn sẽ bị tấn công theo một cách thật sự gây chú ý như thế… Việc trả thù một cách tàn ác nhằm vào nhà báo cũng không có tiền lệ ở Việt Nam”.

Tuy thế, mặc dù trả thù trắng trợn có thể không thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, nhưng nước này vẫn có những hạn chế đáng kể đối với tự do báo chí. Chẳng hạn, tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp hạng Việt Nam thứ 165 trên 178 quốc gia được thống kê – trên Bắc Triều Tiên nhưng dưới Lybia.

Nhưng đối với truyền thông Việt Nam, còn nhiều vấn đề hơn là chỉ có mỗi chuyện chính quyền thẳng thừng giữ độc quyền trong hoạt động báo chí. Mặc dù tất cả các cơ quan báo đài đều thuộc sở hữu nhà nước và do đó bị nhà nước kiểm soát, nhiều tờ báo khác nhau lại do những cơ quan chính phủ khác nhau sở hữu.

Catherine McKinley, cựu phóng viên của tờ Dow Jones ở Hà Nội, chỉ ra trong một bài nghiên cứu vào năm 2008 mang tựa đề “Liệu một nền báo chí quốc doanh có thể kiểm soát hiệu quả tham nhũng không?”: Báo chí ở TP.HCM – cách xa bộ máy cai trị của đảng ở thủ đô – thường xuyên đầy những bài phóng sự đánh mạnh hơn và ít tuyên truyền lộ liễu hơn. Quả thật, hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ (cả hai đều thuộc sở hữu của các tổ chức thanh niên, ít nhiều tách khỏi Đảng Cộng sản mẫu mực) thường đăng những câu chuyện mang tính điều tra toàn diện về các vấn đề môi trường – và thậm chí đôi khi cả tham nhũng.

Theo McKinley, chính phủ, ý thức được rằng tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất họ phải đối mặt, đã công khai đề nghị báo chí bám theo những câu chuyện về hối lộ, đút lót.

Dù vậy, một lần nữa phải nói rằng bức tranh rất đen tối. Trở lại năm 2008, hai nhà báo điều tra về tham nhũng ở Bộ Giao thông Vận tải đã bị bắt vì “lạm dụng chức vụ” sau khi họ đưa tin về cái gọi là vụ bê bối PMU18, trong đó hàng triệu đôla tiền viện trợ được cho là đã bị các cán bộ đảng mang đi cá độ bóng đá hết.

Sự thực là mặc dù chính phủ có thể dễ tính với những vụ án nhỏ, liên quan tới việc điều tra các quan chức địa phương – nhiều tờ báo đã viết về các vụ như thế, và nhà báo Hùng cũng từng là một nhà báo dày dạn về những vấn đề này ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long – nhưng các vụ việc lớn thì lại là chuyện khác.

Và tất nhiên, chính phủ vẫn có thể nhanh chóng ra lệnh cấm đưa tin về bất kỳ chủ đề gì. Năm ngoái, trong dịp đại lễ kỷ niệm Hà Nội nghìn năm tuổi, một xe khổng lồ chở pháo hoa phục vụ buổi bế mạc 10 ngày lễ đã bất thình lình nổ tung, làm chết bốn người. Cùng thời điểm ấy, một festival diều đang được tổ chức tại Sân vận động Mỹ Đình gần đó, nghĩa là các nhà báo có thể mau chóng đăng tải câu chuyện trên các website của báo họ. (Đám khói khổng lồ lơ lửng trên thành phố gần như là chờ sẵn họ, mời chào họ).

Thế nhưng trong vòng một giờ sau khi tin lên mạng, nó đã bị rút khỏi hầu hết các site tin tức; chỉ còn Twitter, Facebook và các blog khác nhau còn giữ được thông tin hay đoạn phim ghi lại vụ việc. Sau đó báo chí đưa những bản đã được kiểm duyệt kỹ (nguyên văn: sanitize, nghĩa là “sát trùng”) về câu chuyện, và một cơ quan là Tiếng nói Việt Nam (VOV) còn tiếp tục tập trung vào mô tả “cái đẹp” của những con diều thay vì đám khói bao quanh chúng. Bàn tay của chính phủ tuy vô hình nhưng hiện rất rõ.

Gần đây nhất là vụ việc của Tổng biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn. Theo những nguồn tin đề nghị ẩn danh, việc ông từ chức không có gì đáng ngạc nhiên. Việc sa thải ông, nghe nói là để ông có thể nhận một cương vị ít “sinh sự” hơn trong chính quyền, được cho là đã gần như chắc chắn từ cuối năm 2010, chủ yếu do các bài viết của báo về những vấn đề nhạy cảm như khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên, vụ chìm xuồng của hãng đóng tàu quốc doanh Vinashin, những bài viết về Trung Quốc và – có lẽ quan trọng nhất – những lời kêu gọi không ngớt, đòi minh bạch và dân chủ trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Nếu đúng như thế thì đây sẽ là việc làm phù hợp với thông lệ là thuyên chuyển các tổng biên tập tới những vị trí công việc tẻ ngắt ở bộ, và chỉ định các quan chức hành chính thay vì người làm thời sự vào các chức vụ cao cấp trong lĩnh vực truyền thông.

“Ông ấy (Tuấn) là người có tài, có tầm nhìn, nhưng không được nhiều người yêu mến” – một đồng nghiệp cũ, đề nghị được giấu tên, nói. “Không chỉ là việc ông ấy hăm hở đưa ra nhiều chuyện cổ súy cho công khai, minh bạch nhiều hơn nữa trong đảng và chính phủ đâu. Cách thể hiện khá lòe loẹt của Tuấn chắc chắn đã chọc giận nhiều người trong số những gương mặt vốn tàn nhẫn và dày dạn kinh nghiệm ở các nấc thang cao hơn của hệ thống”.

Và giờ đây, các nhà báo lại phải đấu tranh với một đạo luật báo chí mới, mơ hồ, từ những bậc thang cao đó dội xuống. Nghị định số 2 có hiệu lực từ cuối tháng 2, nhưng đã được báo chí nước sở tại đưa tin từ tháng 1.

Human Rights Watch (HRW), trong một thông cáo báo chí ra hôm 24/2, gọi đó là “đòn đánh mạnh hơn vào quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam” và phê phán những điều khoản “quá rộng và mơ hồ” của đạo luật này, bao gồm cả việc cho phép phạt các nhà báo và cơ quan báo chí từ 50 đến 2000 USD.

Theo quy định mới, các nhà báo phải luôn luôn công khai nguồn tin, trong khi đó vô số cơ quan chính phủ từ bây giờ sẽ có quyền điều tra và trừng phạt mọi sự vi phạm. Điều đó, theo HRW, là một ý tưởng đặc biệt tồi tệ ở một nước mà tham nhũng đã thành “bệnh dịch”. Nó cũng có thể gây ra tình trạng hỗn loạn về quy định, nhất là với tính chất đôi khi lộn xộn của quan hệ hợp tác giữa các cơ quan ở Việt Nam và nền hành chính ì trệ, vô tổ chức của đất nước này.

Nhưng có một điểm sáng. Như một nhà báo Việt Nam đã chỉ ra (trong một phát biểu không cho ghi âm), đạo luật báo chí vừa ra cũng có những điều khoản cho phép trừng phạt các cơ quan chính phủ không hỗ trợ công việc phỏng vấn của báo chí. Điều đó có thể có ý nghĩa thật sự ở một quốc gia nơi các quan chức chính phủ luôn cảnh giác khi tiếp xúc với phóng viên, hoặc là vì họ không biết họ được phép phát biểu những gì, hoặc vì họ sợ bị thể hiện ra là ngu dốt kém cỏi, hoặc chỉ đơn giản là vì họ không thích bị làm phiền.

Sở hữu nhà nước, can thiệp và đàn áp từ phía nhà nước, cùng những vụ bắt bớ, không còn nghi ngờ gì nữa, là những đặc điểm của nền truyền thông Việt Nam. Nhưng mối quan hệ phức tạp giữa các nhà báo và chính phủ cho thấy báo chí Việt Nam không chỉ đơn thuần là tuyên truyền.

Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://basam.info/2011/03/11/388-b%E1%BB%A9c-tranh-den-t%E1%BB%91i-v%E1%BB%81-truy%E1%BB%81n-thong-vi%E1%BB%87t-nam/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo