Cuộc điều tra về tham nhũng đối với cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân đang gây xôn xao dư luận nước này và làm dấy lên những câu hỏi về động cơ của việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc quy mô lớn, tốn kém nhiều tỉ dollar tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc đang có hệ thống đường sắt chở khách dài nhất thế giới, tổng cộng 91.000km. Các quan chức nước này cho biết, sẽ chi 700 tỉ NDT (106 tỉ USD) trong năm nay để tiếp tục phát triển các dự án đường sắt, với mục tiêu xây dựng 13.000km đường sắt cao tốc có khả năng đưa vào sử dụng cuối năm.
Các nhà chỉ trích cho rằng, việc mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc là không thực tế, bởi giá vé quá đắt và dịch vụ không đáp ứng nhu cầu đi lại bình thường của người dân. Nhiều ý kiến phản biện đã bị bỏ qua cho đến khi xảy ra cuộc điều tra tham nhũng đối với cựu Bộ trưởng Lưu Chí Quân mới thổi bùng lại những quan ngại về việc phát triển nóng ngành đường sắt ở Trung Quốc.Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc quy mô lớn. |
Trong một diễn biến mới nhất, ông Zhang Shuguang - kỹ sư chuyên nghiên cứu phát triển hệ thống đường sắt cao tốc - vừa bị sa thải vì “vi phạm kỷ luật”. Theo Tân Hoa xã ngày 1.3, ông Zhang chuyên giám sát quá trình đổi mới công nghệ đường sắt cao tốc và là người thường thương thuyết với các công ty nước ngoài.
Việc phát triển đường sắt còn làm gia tăng lo ngại về tài chính cho các dự án. Ngành đường sắt và các công ty đóng toa xe đều do nhà nước quản lý. Các công ty này có cổ phiếu niêm yết ở thị trường Hồng Kông và Thượng Hải. Họ đang ngày càng dựa chủ yếu vào trái phiếu và tiền vay nợ ngân hàng để tài trợ cho các dự án xây dựng. Họ mang trên vai nghĩa vụ trả nợ vô cùng nặng nề mà khó lòng đáp ứng được nếu đối chiếu với doanh thu của nhiều dự án. Tạp chí tài chính Caijing dẫn lời ông Zhao Jian - Giáo sư Đại học Jiaotong Bắc Kinh - dẫn chứng, riêng tiền trả lãi suất hằng năm cho khoản vay xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Thiên Tân đã vượt quá doanh thu bán vé hằng năm. Nhiều tuyến đường sắt khác cũng đối mặt với những nỗi lo tương tự. “Đằng sau sự say mê phát triển đường sắt ở Trung Quốc là nỗ lực thúc đẩy mang tính chính trị, hơn là nhu cầu thị trường” - Thời báo Toàn cầu bình luận và mô tả sự phát triển đường sắt ở Trung Quốc mang lại rủi ro. Không chỉ thế, tốc độ xây dựng các dự án quá nhanh khiến các chuyên gia nghi ngờ về vấn đề an toàn. Bất chấp những chỉ trích của công luận ngày càng gia tăng, các chương trình đường sắt cao tốc vẫn được phát triển nhanh chóng. Hiện vẫn chưa rõ tác động của vụ bê bối liên quan đến cựu Bộ trưởng Đường sắt sẽ ảnh hưởng thế nào đến các dự án hiện tại và tương lai.M.Đ (Theo AP)
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Bung-no-duong-sat-cao-toc-Khong-chi-dung-o-tham-nhung/34618