Ts. Nguyễn Đình Thắng -Cuộc cách mạng hoa lài bùng ra bất ngờ và lan rộng, làm rúng động cả vùng Trung Đông và Bắc Phi. Điều này làm cho những người Việt yêu dân chủ tăng niềm tin về khả năng thay đổi đất nước trong một tương lai gần. Phản ứng lại, chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp và kiểm soát những đối tượng có thể xúc tác quần chúng đứng lên.
Có hai yếu tố góp phần quan trọng cho cuộc cách mạng hoa lài.
Thứ nhất là người dân hết sợ. Chế độ độc tài chỉ có thể ngự trị trên sự sợ hãi của quần chúng. Khi người dân hết sợ thì vị thế giữa dân và chính quyền bắt đầu đổi ngôi. Cũng như sự sợ hãi, lòng dũng cảm có đặc tính lây lan.
Thứ hai là khả năng tụ hội để tạo sức mạnh. Phương tiện truyền thông xã hội (social media) cho phép người dân vượt qua sự kiểm soát của chính quyền. Đối lại với sự kiên cố của kim tự tháp là dòng nước uyển chuyển với sức công phá vỡ bờ.
Tập thể người Việt ở hải ngoại có thể giúp đẩy luồng gió dân chủ đang cuồn cuộn ở vùng sa mạc Trung Đông và Bắc Phi về hướng Việt Nam bằng cách phát triển hai yếu tố trên: giúp cho người dân nhả dần sự hãi sợ và tạo cơ hội cũng như giúp phương tiện để họ hội tụ.
Theo dõi thời sự, người Việt ở trong nước có thể lên tinh thần. Tuy nhiên, muốn thay đổi thái độ sợ hãi họ trước hết phải ý thức được quyền của mình trước luật pháp quốc gia và quốc tế và biết cách tự bảo vệ quyền và lợi ích cho mình và những người chung quanh.
Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội thiên biến vạn hoá, người dân có thể vượt qua sự kiềm soát chằng chịt của công an để đến với nhau. Tuy nhiên, ở lại với nhau suốt chặng đường tranh đấu gian nan là điều cần thiết để tạo thay đổi, và điều này đòi hỏi kỹ năng về tổ chức và điều hành.
Dưới đây là những việc mà tập thể người Việt ở hải ngoại có thể và cần làm.
Tạo cơ hội: Muốn nhả dần sự sợ hãi và tiếp thu kỹ năng và khả năng, người dân trong nước cần tập dượt từng bước một, khởi đầu với quyền lợi thiết thân của họ, như đòi công lý về quyền sử dụng đất, tự bảo vệ lợi ích khi đi lao động ngoài nước, đòi quyền tự do tôn giáo theo luật định, tố giác hành động bạo lực và tra tấn của công an… Sự tập dượt này có thể mang hình thức đấu tranh, vận động, hay thuần tuý xã hội.
Tạo phương tiện: Muốn tụ hội thì phải có phương tiện và công cụ phù hợp (như phương tiện truyền thông xã hội), kỹ năng sử dụng phương tiện, khả năng nối kết, tổ chức và điều hành. Truyền thông về trong nước phải vượt xa những tin tức thời sự để nâng kiến thức cho người dân từ “biết” lên đến “biết cách”.
Quốc tế vận: Vận động sự quan tâm và can thiệp của quốc tế, của các chính quyền trong khối tự do là cần thiết để đẩy lùi sự đàn áp và giảm đi nguy cơ chính quyền dùng bạo lực khi có biến động. Quốc tế vận hiệu quả đòi hỏi một cơ cấu phối hợp vận động cho đồng bộ ở từng quốc gia và khắp thế giới.
Bảo vệ: Những người không thể hoạt động được nữa do bị trấn áp bởi chế độ phải được bảo vệ ngay trong nước và giải cứu sau khi họ đã thoát thân. Đây vừa là yếu tố trấn an tâm lý cho đại khối quần chúng vừa là nhu cầu bảo toàn lực lượng, nhất là đối với những người đã được đầu tư về kỹ năng và kinh nghiệm.
Những ai quan tâm đến tiền đồ dân tộc cần tập trung vào những lãnh vực này, lấy đó làm trọng tâm sinh hoạt cho đến khi thành công.
Chế độ độc tài dù có tinh vi cách mấy cũng chỉ có thể làm chậm chứ không thể cưỡng lại trào lưu của thời đại, Nhìn về đất nước, chúng ta mong điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra và thật sớm. Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị cho một thực tế không như mong ước và phải sẵn sàng khi vận hội đến. Và chính sự sẵn sàng ấy có thể xúc tác cho vận hội đến sớm hơn.
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2162