“… Ý thức hệ chính tri không phải là thứ chúng ta sinh ra đã có. Hãy chấm dứt ý thức hệ đỏ, hãy để nó là chỉ là quá khứ, cho dẫu rằng là một quá khứ lỗi lầm, một quá khứ đau thương. Chúng ta hãy gieo những mầm xanh cho ngày mới…”
Hạt giống đỏ là một thời là khái niệm chính trị, nó xuất hiện sau khi Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền và gửi lớp con cháu cán bộ cao cấp khoảng 100 người qua Liên Xô để đào tạo. Nhóm học sinh này được lựa chọn rất kỹ chuẩn bị cho một trương trình học đặc biệt để trở thành lớp lãnh đạo tương lai của đất nước. Qua dư luận có thể khẳng định những hạt giống đỏ đó thực sự đã là những trí thức lớn. Việc họ không trở thành lãnh đạo đất nước theo kế hoạch phải chăng là sự bất xứng giữa văn hóa phong kiến truyền đời với ý thức hệ chưa thành thân cộng sản, hay đơn giản, bóng ma của sự đấu đá nội bộ qua các vụ thanh trừng vẫn đè nặng lên gia đình các hạt giống đỏ tới độ bẻ gãy hết ý chí tiến thủ của họ.
Khái niệm “hạt giống đỏ” khẳng định ý thức hệ chính trị cộng sản bằng chữ đỏ và liên kết với danh từ hạt giống quen thuộc phổ cập với đất nước nông nghiệp như nhắn nhủ tới một tương lai một hy vọng vì vậy “hạt giống đỏ” cũng đồng thời là một sự vinh danh. Theo thời gian cụm từ này cũng được dùng để gọi những học sinh xuất sắc được gửi đi du học không biết vô tình hay cố ý như một đòi hỏi bắt buộc về ý thức chính trị. Một cụm từ mới nữa cũng xuất hiện như một cặp song sinh “hồng hơn chuyên”.
Hiểu rộng ra “hạt giống đỏ” là hạt giống cộng sản nó xuất hiện từ phương Tây và lan rộng chiếm lĩnh gần nửa thế giới vào cuối thế kỷ XX và cùng sụp đổ tàn lụi một cách nhanh chóng chỉ còn sót lại 4 nước cuối cùng nghèo đói kiệt quệ. Với những đất nước đã lật đổ được chế độ cộng sản nói đến thời cộng sản là nói đến quá khứ đau thương. Cộng sản đồng nghĩa với tội ác. Sự thay đổi đời sống kinh tế ở Trung Quốc hay ở Việt Nam đều không phải là thành quả của ý thức hệ cộng sản mà do sự rút lui của ý thức hệ này trong lĩnh vực kinh tế. Vòng kim cô ý thức hệ cộng sản là nguyên nhân trực tiếp của nghèo đói tụt hậu ở Việt Nam và các nước cuối cùng còn mang ý thức hệ “đỏ”.
Tính từ “đỏ” từng được người cộng sản gắn với màu máu, người cộng sản Việt Nam đã khai thác nó đến kiệt quệ trong các cuộc chiến, biết bao người con dân mọi miền quê hương đất nước đã nằm xuống. Đến tận ngày hôm nay, vẫn còn đó biết bao nắm xương không mồ. Cộng sản Việt Nam đã từng vinh danh những giọt máu đã đổ và cũng sẵn sàng quên như không hề có những giọt máu đã đổ của hải quân bảo vệ Trường Sa.
Nhìn xuyên suốt quá trình lich sử cả 100 năm từ lúc xuất hiện ý tưởng, hình thành khối cộng sản cho đến khi sụp đổ, chỉ còn sót lại những nước lạc hậu mà chuyên chính vô sản có thể áp đặt một cách xấc xược và tàn bạo như ở Việt Nam: chưa bao giờ có con người cộng sản và xã hội cộng sản như cha đẻ của chúng vẽ ra. Ý thức hệ cộng sản đã sai từ gốc, nó chống lại những quyền căn bản của con người. Ý thức hệ “đỏ” chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tồn tại như một thực thể hoàn chỉnh, nó chỉ là một quái thai thời đại.
Gần một trăm năm hiện diện của “hạt giống đỏ” trên đất nước Việt Nam với ý tưởng xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ bất công, kinh tế tập trung theo chỉ đạo từ trên, cơ giới hóa, hiện đại hóa, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, ý tưởng đó đã hoàn toàn phá sản. Nó để lại một hậu quả trầm trọng, tạo thêm nhiều bất công xã hội, hình thành một giai cấp mới “ tư sản đỏ”, tư bản nước ngoài được đặc quyền bóc lột sức lao động công nhân. Môi trường môi sinh bị tàn phá, và tồi tệ nhất vẫn là sự băng hoại đạo đức.
Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã bị vắt kiệt, bị lạm dụng tạo nên những vết thương đau, cần chữa lành và nuôi dưỡng. Niềm tin bị khủng hoảng, những giá trị tinh thần đã bị lường gạt để rồi mất hết ý nghĩa, như cụm từ mà mỗi người dân khi viết lá đơn phải viết: “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”, cảm giác thật bẽ bàng trong suốt hàng chục năm qua. Vậy thì lý do nào để tiếp tục gieo “hạt giống đỏ”?
Để thay đổi đất nước cần một cuộc cách mạng mới, một triết lý chính trị mới mang tinh thần nhân bản, một cuộc cách mạng hòa bình xanh để chữa lành các vết thương, phục hồi lại những giá trị xã hội căn bản.
Nhà thơ chống chiến tranh ở miền Bắc bị vùi sâu trong ngục thất, mà ít người biết đến, Phùng Cung đã viết:
Chim hãy gọi cho cành xanh thức dậy,
Để một lần quê hương thấy lại quê hương.
Niềm mong ước thánh thiện của nhà thơ, tôi nghĩ, cũng là niềm mong ước của hàng triệu người dân Việt Nam. Màu xanh là màu của cuộc sống mới, màu của chồi non, màu của mầm sống, và cũng là màu của tương lai và hy vọng. Cuộc cách mạng ở Việt Nam phải là cuộc cách mạng Xanh.
Lịch sử các cuộc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam đều là binh biến bạo động, đặc biệt là cuộc chiến huynh đệ tương tàn; sự đổ máu không dừng lại sau cuộc chiến: chính sách phân loại công dân, bỏ tù tập thể, thanh trừng triệt hại, trả thù báo oán đã và đang là bóng đen ám ảnh người dân Việt Nam. Cuộc cách mang Xanh sẽ là cuộc đấu tranh ôn hòa bất bạo động.
Việt Nam dưới thời cộng sản, đã từng có nhiều khuynh hướng đấu tranh khác nhau: có đấu tranh bạo động, có đấu tranh bất bạo động, có đấu tranh vì không chấp nhận cộng sản và cũng có đấu tranh cho dân chủ. Nhưng đến nay, tuyệt đại đa số đã đồng thuận trên căn bản đấu tranh bằng phương thức ôn hòa bất bạo động để xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên. Vì vậy hoàn toàn có thể tin tưởng được với sự nỗ lực thành tâm của mọi người cuộc đổi thay thể chế chính trị sẽ diễn ra trong hòa bình.
Chúng ta đã biết đến cuộc cách mạng Nhung (tiếng Séc: Sametová Revoluce) vào ngày 17/11/1989 tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc với chiến thắng của những bông hồng được cắm lên nòng súng; cuộc cách mạng ở Ba Lan, Hungary; v.v. kéo theo sự sụp đổ của thành trì cộng sản tại Đông Âu; và mới đây là cuộc cách mạng hoa Nhài ở Tunisia, Ai Cập. Đó là nguồn cảm hứng, là phấn khích tinh thần cho mỗi chúng ta tin tưởng cuộc cách mạng Xanh không phải là ảo tưởng; đó là điều hoàn toàn chúng ta có thể làm được.
Chúng ta sống trong kỷ nguyên mà mỗi con người đều có những giá trị nhất định, và không thể có một giá trị tuyệt đối nào bao trùm lên các giá trị khác. Cuộc cách mạng mong đợi là cuộc cách mạng dân chủ. Cuộc cách mạng này không phải là cuộc cách mạng của riêng một cá nhân nào; mà là cuộc cách mạnh của quần chúng, là kết quả của nỗ lực của từng mỗi cá nhân. Chúng ta hãy gieo mầm Xanh cho cuộc cách mạng Việt Nam.
Cuộc cách mạnh Xanh Việt Nam sẽ là cuộc cách mạng hòa giải và hòa hợp dân tộc:
“Do hoàn cảnh lịch sử, chất liệu nhân xã của chúng ta đã bị tổn thương nặng nề. Những đổ vỡ đòi hỏi một thời gian hàn gắn rất lâu dài, do đó tinh thần căn bản của mọi chính sách cho nhiều thế hệ tới sẽ phải là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hòa giải dân tộc để xóa bỏ những hận thù và hiềm khích của quá khứ để đi đến hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng một tương lai chung”.
Cuộc cách mạng Xanh là công cuộc dựng xây cho một tương lai chung của mọi người con dân nước Việt, chứ không thể là tàn phá hủy diệt, và không cho phép bất cứ ai nhân danh cách mạng để trả thù báo oán.
Cuộc cách mạng Xanh trả lại sự công bằng cho mọi người con dân nước Việt trên mọi lĩnh vực.
Cuộc cách mạng Xanh phục hồi niềm tin cho mọi người con dân nước Việt để sức mạnh dân tộc được giải phóng và người dân được toàn quyền mưu cầu hạnh phúc cho chính mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đất nước Việt nam sẽ hồi phục nhanh chóng.
Cuộc cách mạnh Xanh là tương lai của mọi người con dân nước Việt.
Tiền nhân của chúng ta đã nói:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Xin đừng là hạt giống đỏ, hãy là hạt giống xanh.
Ý thức hệ chính tri không phải là thứ chúng ta sinh ra đã có. Hãy chấm dứt ý thức hệ đỏ, hãy để nó là chỉ là quá khứ, cho dẫu rằng là một quá khứ lỗi lầm, một quá khứ đau thương. Chúng ta hãy gieo những mầm xanh cho ngày mới.
Chim hãy gọi cho cành xanh thức dậy,
Để một lần quê hương thấy lại quê hương.
Xuân Cang
Praha, ngày 28/02/2011